một ca khúc được Trịnh Công Sơn sáng tác trước cả Ướt mi nhưng chưa hề công bố và có lẽ nay đã bị quên lãng, thất truyền. Đó là bài Hoa buồn với điệu slow-rock và cái “hơi oán” quen thuộc: “Từ khi bước vào cuộc đời mưa nắng/ Nắng mưa không ngừng kết thêm hoa buồn/ Mộng xưa đã tàn, người đi xa vắng/ Thời gian nào quên, bước chân triền miên…/ Với bao nỗi buồn…/ Ngoài kia gió lộng đời lên câu hát/ Ngày sau còn ai nhắc tên mình không...”




TRỊNH CÔNG SƠN THÁC LÀ THỂ PHÁCH…

HUYỀN TÔN NỮ DAO CẦM

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-2-1939, mất ngày 1-4-2001. Lễ tang của Trịnh Công Sơn đã được cử hành trọng thể tại thành phố Hồ Chí Minh với dòng người tiễn đưa dài như một dòng sông lặng lẽ. Bài điếu văn của Hội Âm nhạc TP.HCM có câu “Dù có bay vào cõi vĩnh hằng, anh vẫn để lại bóng dáng như một ngọn núi lớn. Ở đó có mây trời, có gió, có suối reo, có chim hót và ngọn núi ấy không bao giờ mất”.
Cũng trong ngày hôm ấy, đài BBC Luân Đôn đưa tin “Vietnam mourns its ‘Daylan’” (Việt Nam để tang Bob Daylan của nước họ) trong buổi phát thanh bằng tiếng Anh, có đoạn: “…After the end of the war, he spent four years in a ‘re-education camp’…” (Sau chiến tranh, Trịnh Công Sơn bị bắt học tập tại trại cải tạo trong 4 năm...).
Việc so sánh Trịnh Công Sơn với Bob Daylan, một nghệ sĩ lớn của thế giới, đã được giáo sư J.C. Schafer, người Mỹ, viết trong quyển Trịnh Công Sơn - Bob Daylan - Như Trăng và Nguyệt (Cao Thị Như Quỳnh dịch - GS Cao Huy Thuần giới thiệu - NXB Trẻ, TP.HCM, 2012). Ở đây tôi muốn nói về cái gọi là thời gian học tập cải tạo 4 năm trong bản tin nói trên.
Ai đã ở Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay đều biết rằng Trịnh Công Sơn không hề bị bắt đi học tập cải tạo ngày nào. Đài BBC tuy được tiếng là khách quan nhưng nhiều khi nguồn tin của đài lại lấy từ những người có hận thù với Nhà nước Việt Nam. Đến những năm 2000 mà những người này còn giả vờ không biết đến những chuyện xảy ra trong nước để tha hồ bịa đặt nhằm dối gạt thính giả của đài BBC. Cái mà họ gọi là “học tập cải tạo” thực ra chỉ là những chuyến thâm nhập thực tế vốn là hoạt động rất bình thường và cần thiết đối với giới văn nghệ sĩ sáng tác hoặc biểu diễn, nhất là văn nghệ sĩ ở miền Nam vừa mới được giải phóng.
Chuyến thâm nhập thực tế đầu tiên của Trịnh Công Sơn có lẽ là tại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn ở Quảng Trị. Báo Văn nghệ Bình Trị Thiên số 9, tháng 7-1976, có đăng bài bút ký Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba của Trịnh Công Sơn. Bài báo có đoạn: “Một rừng cờ đỏ rực trên một rừng người đã xếp thành đội ngũ chỉnh tề như một khối bê tông vững chắc. Rồi dầm đơn dầm đôi nhịp nhàng nện chặt bờ đập mới nhú. Màu non tươi của đất đỏ đã về đậu trên môi trên má của đội nữ gánh đất... Đoàn quân chân đất khuôn mặt hiền từ nhưng thách đố. Mỗi bàn chân có năm ngón. Mười ngón chân bám chặt mặt đất như những móc câu bằng thép nguội. Không gì gỡ ra nổi. Những bàn chân bỗng chốc dạy cho tôi biết vì sao mặt đất quê hương này không bao giờ mất được. Những ngón chân rễ cây đại ngàn đã cắm sâu vào lòng đất nước...”.
Nếu Trịnh Công Sơn cảm thấy mình là người lao động khổ sai trên nông trường này thì không thể có nhận thức sâu sắc và cảm xúc chân thật để viết được những câu văn xuôi hay như thế.
Năm 1981, Trịnh Công Sơn cùng một số nhạc sĩ đi thực tế ở nông trường Nhị Xuân thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM) để sinh hoạt văn nghệ cùng các bạn Thanh niên xung phong đang lao động ở đây. Hai tháng sau khi về thành phố, Trịnh Công Sơn được tin tất cả 20 cô TNXP mà các anh đã gặp trên nông trường này đều bị bọn Pôn Pốt thảm sát trong một chuyến công tác của họ tại mặt trận biên giới phía Tây. Trịnh Công Sơn rất bàng hoàng xúc động. Anh rơm rớm nước mắt nghẹn ngào than: “mới ngồi xoay vòng hát với mấy cô đây, mà chừ bỗng hy sinh hết!”. Ca khúc Em ở nông trường, em ra biên giới của Trịnh Công Sơn chính là tác phẩm để chia sẻ và tôn vinh một nỗi đau. Người nào không hiểu được nỗi đau này thì có thể nghĩ rằng đây là một ca khúc tuyên truyền cổ động phong trào. Nhưng vào dịp tham gia Gala Giai điệu tự hào tháng 11-2015, ca khúc Em ở nông trường, em ra biên giới được giới thiệu gắn với câu chuyện hy sinh của 20 cô TNXP và qua sự thể hiện của Trung Quân Idol - tiết mục biểu diễn này mặc dầu có giai điệu vui tươi trong sáng nhưng lại đã lấy không ít nước mắt của khán thính giả.
Đầu năm 1984, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình. Anh rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt tóc bay trong gió, che cả một khoảng trời. Mẹ Suốt từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ trong những năm chiến tranh rồi hy sinh vì bom bi của giặc Mỹ vào năm 1968. Từ tấm gương anh hùng của mẹ Suốt, Trịnh Công Sơn đã khái quát hóa để vẽ nên hình tượng bà mẹ Việt Nam một đời đã vì chồng vì con, vì dân vì nước mà thầm lặng hy sinh. Chính những cảm thức sâu rộng về chữ Hiếu, chữ Trung trong chuyến đi thực tế lần này đã thôi thúc anh viết ca khúc Huyền thoại Mẹ.
Hồi trước 1975 trên một số tờ báo ở Sài Gòn thường có chuyên mục “Tìm bạn bốn phương” để giúp giới tuổi “teen” làm quen với nhau qua thư từ, cũng như bây giờ họ chát chít với nhau qua Facebook, Zalo... Những người bạn bốn phương ấy thường có một câu khá quen thuộc để tự giới thiệu rằng mình: “yêu nhạc Trịnh”. Tôi cũng từng là một trong số người tuổi “teen” đó. Trong cái di sản đồ sộ hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, tôi chỉ biết và thuộc để hát được đâu chừng vài chục bài. Và nếu ai hỏi tôi những câu như: bài nào hay nhất, thích bài nào nhất và vì sao?... thì tôi sẽ hơi bị lúng túng. Nói chung bài nào cũng hay, bài nào cũng thích. Và hình như không có bài nào hay hơn hoặc dở hơn bài nào. Thích cả nhạc lẫn lời nhưng không thể nói chính xác là giữa nhạc ấy và lời ấy, cái nào chiếm phần quan trọng hơn. Tôi đã nghe một số ban nhạc giới thiệu nhạc Trịnh qua những bản hòa tấu không lời. Họ tận dụng nhiều nhạc khí để thêm mắm dặm muối vào các ca khúc ấy nhưng thiếu phần lời thì cũng giống như một người đẹp diễn vở kịch câm, e rằng đó chưa phải là nhạc Trịnh. Tôi cũng có đọc những bài phân tích, thậm chí là những công trình khoa học, đánh giá phần lời (lyric) của từng ca khúc của nhạc Trịnh dưới lăng kính triết học hoặc dưới góc độ vận dụng phép tu từ, ngữ pháp... Nghe sao mà khó khăn và nhức đầu quá. Càng lạc vào mê cung của những lời bình luận ấy thì tôi lại càng khó có thể chọn được bản nhạc Trịnh mà mình ưa thích nhất. Rồi đến một ngày...
Đó là vào 30-4-1975. Đài phát thanh nước ngoài đưa tin năm cánh quân Giải phóng đang trên đường tiến vào Sài Gòn. Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa đang nằm trong tầm ngắm của hàng ngàn cỗ đại pháo và tên lửa Kachiusa. Hơn 5 triệu người dân nội thành ngột ngạt và căng thẳng, vừa mừng vừa lo sợ. Đến 11g30, Tổng thống Dương Văn Minh lên Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tuy vậy tiếng súng giao tranh vẫn vang dậy ở nhiều nơi. Sài Gòn thực sự hoảng loạn. Bỗng tiếp theo lời tuyên bố của ông Minh là tiếng nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này...”.
Rồi Trịnh Công Sơn cất tiếng hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn để kêu gọi các bạn trẻ xuống đường đón chào quân Giải phóng và đón mừng ngày vui của đất nước. Lúc ấy trong phòng ghi âm của đài phát thanh người ta thấy ông Dương Văn Minh không hề có vẻ bị khuất nhục của một hàng tướng mà lại có nét mặt thanh thản nhẹ nhàng của người vừa trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân. Đứng bên cạnh ông Minh là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một cựu thủ lĩnh sinh viên tranh đấu Sài Gòn, nét mặt rạng rỡ. Nguyễn Hữu Thái cũng đã từng là nhân chứng lịch sử vào thời điểm tướng Dương Văn Minh làm đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Còn Trịnh Công Sơn thì đang cháy hết mình với ca khúc Nối vòng tay lớn. Không có người dẫn chương trình, không có cây đàn ghi ta thùng để đệm. Trịnh Công Sơn phải vỗ tay xuống bàn để cầm nhịp mà hát mộc. Đây là bài hát đầu tiên được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng. Thế là niềm vui vỡ òa. Hình như đồng bào không còn lo sợ gì về chuyện năm cánh quân Giải phóng và hàng ngàn khẩu pháo đang hướng vào Sài Gòn. Trẻ già trai gái ùa ra đường, đổ về phía đài phát thanh, dinh Độc Lập, trụ sở Tổng hội Sinh viên số 4 DuyTân... Nhiều bạn trẻ có xe máy còn rủ nhau chạy ra phía các cửa ngõ phía đông, phía tây của thành phố để... coi mặt quân Giải phóng.
Tôi đã cùng bạn bè vỗ tay hát bài Nối vòng tay lớn không biết bao nhiêu lần nhưng chỉ đến lần này - khi nghe giọng Trịnh Công Sơn hát trên Đài phát thanh Sài Gòn vào lúc dầu sôi lửa bỏng, tôi mới hiểu được ca khúc ấy hay như thế nào. Bởi vì nó thấm vào trong tôi không chỉ giai điệu, ca từ mà còn có thêm niềm kiêu hãnh thiêng liêng của lịch sử dân tộc và sức sống trẻ đẹp của thế hệ thanh xuân.
***
Một số tài liệu cho rằng Ướt mi là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng tôi biết có một ca khúc được Trịnh Công Sơn sáng tác trước cả Ướt mi nhưng chưa hề công bố và có lẽ nay đã bị quên lãng, thất truyền. Đó là bài Hoa buồn với điệu slow-rock và cái “hơi oán” quen thuộc:
“Từ khi bước vào cuộc đời mưa nắng
Nắng mưa không ngừng kết thêm hoa buồn
Mộng xưa đã tàn, người đi xa vắng
Thời gian nào quên, bước chân triền miên...
Với bao nỗi buồn...
Ngoài kia gió lộng đời lên câu hát
Ngày sau còn ai nhắc tên mình không...”
Giai điệu này không chấm dứt mà được tác giả nối dài bằng họa âm là những nốt tròn như muốn đưa nỗi buồn của mình về vô tận. Còn những lời cuối của bài hát này thì nghe giống hai câu thơ chữ Hán trong bài Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết ba trăm năm sau, thiên hạ còn ai khóc Tố Như). Nguyễn Du mất năm 1820, đến nay gần tròn 200 năm. Trịnh Công Sơn mất năm 2001, đến nay chỉ mới gần 20 năm. Cả hai vị hãy còn lâu mới cán được cái mốc 300 năm của nàng Tiểu Thanh trong bài thơ nói trên. Và thời đại bây giờ thì quá nhiều thay đổi nhanh chóng. Chẳng ai có thể hình dung nổi trong vài trăm năm nữa tinh cầu này và loài người của nó sẽ đột biến ra sao, nói chi là những chuyện cát bụi nhân sinh, khóc cười thế sự. Thôi thì hãy cứ tin và nói như nàng Kiều rằng: “…Những đấng tài hoa. Thác là thể phách, còn là tinh anh”.


Nguồn: Hồn Việt