Nhà báo Nguyễn Thế Khoa - con trai của nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang, đánh giá về ca khúc “Lời Bác sáng biển Đông” mà ông Trần Long Ẩn tranh thủ chức vụ đang có để tự chấm cho mình Giải nhất Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần 2: “Đây là một ca khúc viết có nghề nhưng ít xúc cảm, giai điệu rất trúc trắc khó nghe và ca từ như hô khẩu hiệu, chắc chắn sẽ rất khó phổ biến rộng rãi. Làm sao nói rằng nó xứng đáng được giải cao nhất vì chất lượng nghệ thuật hay sức cảm hóa quần chúng? Trần Long Ẩn cần giải thưởng làm gì để mang tiếng khổ thế? Hay ông học mấy ông Chủ tịch bất tài ngoài Bắc bằng mọi giá kiếm giải để tích lũy đủ tiêu chuẩn chuẩn bị cho việc xin xét Giải thưởng Hồ Chí Minh sắp tới…Nếu thế thì thật đáng thương cho Trần Long Ẩn, khi trong ông một “người hát rong” tài năng vô tư thật lòng đã chết để thay vào đó là một nhạc sĩ VIP bất lực nhưng quyền lực đang càn quét các giải thưởng âm nhạc cho một vinh quang vô ích của mình.



CHI CHO KHỔ THẾ ANH ẨN ƠI?

NGUYỄN THẾ KHOA

Vừa thi vừa chấm…vừa vồ giải luôn…là cách nói của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên báo Nông nghiệp VN, Lại vừa đá bóng vừa thổi còi là cách nói của báo Phụ nữ TPHCM, cùng về việc nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ TPHCM, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Chung khảo, được nhận Giải nhất lĩnh vực âm nhạc với ca khúc “Lời Bác sáng biển Đông” tại cuộc trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần 2 (2012-2017).
Trần Long Ẩn là nhạc sĩ tôi ngưỡng mộ với nhiều ca khúc hay trong hơn nửa thế kỷ qua như Người mẹ Bàn Cờ, Tình đất đỏ miền Đông, Đàn sáo Hậu Giang, Đêm thành phố đầy sao, Bài ca hoa hồng, Mừng tuổi mẹ…Từ một sinh viên văn khoa Sài Gòn nổi lên trong các phong trào "Du ca Việt Nam'", “Hát cho đồng bào tôi nghe” ông đã được đưa ra Bắc đào tạo tại trường Âm nhạc VN (nay là Học viện âm nhạc quốc gia VN) trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp đẳng cấp. Có thời, dường như ca khúc nào của Trần Long Ẩn ra đời cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Trong một bài viết về âm nhạc trước đây tôi từng gọi ông là “triết gia nhạc đỏ” với các bài hát trữ tình triết luận độc đáo, hiếm có trong nhạc Việt, rất được ưa thích như “Đi qua vùng cỏ non”, “Một đời người, một rừng cây”, “Xin làm người hát rong”…
Tôi may mắn được gặp Trần Long Ẩn ít lần khi ông là phó cho anh Tôn Thất Lập ở Trung tâm VHTPHCM và cán bộ biên tập âm nhạc Saigon video - audio thời anh Lê Văn On cũng như thành viên nhóm Những người bạn. Tôi rất thích sự khiêm nhường, ít nói cùng cái nụ cười hiền nửa miệng của ông, cũng rất tin vào ước nguyện thiện lành này: “Kiếp này xin làm người hát rong, để cho tình yêu lên tiếng, để cho trái tim bội bạc, không còn đến trong đêm hoa đăng/Sẽ còn câu chuyện người hát rong, còn nghe ngày sau kể tiếp, tặng riêng những ai thật lòng, đang còn hát yêu thương con người”... 
Tuy vây, nghe người ta nói mọi thứ đã có vẻ rất thay đổi từ khi “người hát rong” ấy bỗng một ngày được "phát hiện" rồi "được chọn" làm “quan”, nhất là khi trở thành một ông "trùm văn nghệ" đầy thanh thế ở thành phố lớn nhất nước, được các anh Sáu, anh Ba, anh Hai nâng đỡ tin dùng một cách bất thường khi giao lãnh đạo cả hội âm nhạc và liên hiệp văn học nghệ thuật TPHCM trong 5 năm nay. 
Gần đây, ông có sáng tác mới “Lời Bác sáng Biển Đông”. Bài hát này không mấy phổ biến với công chúng như các ca khúc trước đây của Trần Long Ẩn nhưng ngay lập tức được nhận giải trong cuộc vận động sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” rồi được Giải thưởng lớn nhất lĩnh vực âm nhạc trong Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần thứ 2, Giải thưởng 5 năm mới được trao một lần.
Tôi tìm nghe “Lời Bác sáng Biển Đông”, thi thấy quả thật đây khó có thể gọi là một sáng tác xuất sắc, dễ nhớ dễ thuộc về đề tài Biển Đông như có người tán tụng. Đây là một ca khúc viết có nghề nhưng ít xúc cảm, giai điệu rất trúc trắc khó nghe và ca từ như hô khẩu hiệu, chắc chắn sẽ rất khó phổ biến rộng rãi. Làm sao nói rằng nó xứng đáng được Giải cao nhất vì chất lượng nghệ thuật hay sức cảm hóa quần chúng cho được?
Mà cho dù đó là một ca khúc hay, có sức chinh phục lớn cỡ “Tình đất đỏ miền Đông” hay “Xin làm người hát rong” thì Trần Long Ẩn với tư cách là người lãnh đạo lớn nhất hai cơ quan chọn tác phẩm đề nghị trao giải và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Chung khảo xét giải cũng không nên nhận giải, chứ đừng nói cứ vô tư tươi cười nhận giải thưởng ấy với một ca khúc thường thường bậc trung thế này.
Trần Long Ẩn cần giải thưởng làm gì để mang tiếng khổ thế?. Hay ông học mấy ông Chủ tịch bất tài ngoài Bắc bằng mọi giá kiếm giải để tích lũy đủ tiêu chuẩn chuẩn bị cho việc xin xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT sắp tới (Trần Long Ẩn đã được Giải thưởng Nhà nước 12 năm trước, năm 2007). 
Nếu thế thì thật đáng thương cho Trần Long Ẩn, khi trong ông một “người hát rong” tài năng vô tư thật lòng đã chết để thay vào đó là một nhạc sĩ VIP bất lực nhưng quyền lực đang càn quét các giải thưởng âm nhạc cho một vinh quang vô ích của mình.
Chi cho khổ thế anh Ẩn ơi?


Nguồn: Facebook Nguyễn Thế Khoa