Những cô gái trong thành phố" (đạo diễn Vũ Trường Khoa, lên sóng 21h50 trên VTV3 vào tối thứ tư, thứ năm hằng tuần) hiện là một trong những bộ phim truyền hình Việt lên sóng vào khung giờ vàng gây được sự chú ý nhất của khán giả. Tuy nhiên, bộ phim cũng gây nhiều tranh cãi vì liên tục xuất hiện những cảnh nóng gây sốc. Khán giả một lần nữa đặt câu hỏi, liệu những bộ phim Việt với nhiều cảnh nóng và bạo lực có phù hợp để lên sóng giờ vàng, khi mà việc đưa ra cảnh báo, phân loại khán giả với phim truyền hình vẫn chưa thực sự được chú trọng?



Còn nhiều ý kiến trái chiều với cảnh nóng trong phim truyền hình Việt

TƯỜNG PHẠM

Cảnh nóng trong phim Việt ngày càng táo bạo
Trong tập 23 của phim "Những cô gái trong thành phố" lên sóng hôm 13 tháng 3, cảnh Tùng (Bình An đóng) bị nữ đại gia Xuân (do Ngọc Crystal Eyes đóng) dụ "lên giường" tiếp tục gây nên dư luận trái chiều về tần suất cảnh nhạy cảm trong phim. Nam diễn trẻ Bình An đã có phân cảnh nóng khá táo bạo với bạn diễn. Nhân vật Tùng đã không vượt qua được cám dỗ, chính thức bước vào "đời trai bao" dù trong đầu vẫn luôn nghĩ về người yêu cũ.
Ngay từ khi tung trailer đầu tiên, "Những cô gái trong thành phố" đã khiến khán giả tò mò và được hứa hẹn là "hậu duệ" của "Quỳnh búp bê" - một bộ phim "hiện tượng" của truyền hình Việt với khá nhiều cảnh nóng. Quả thực, kể từ khi lên sóng vào cuối tháng 12 năm 2018, "Những cô gái trong thành phố" liên tục gây bàn tán với nhiều cảnh nóng gây sốc.
Đơn cử như, ngay trong những tập đầu tiên, Mai (Lương Thanh đóng) suýt bị tên say rượu giở trò đồi bại, cảnh nóng giữa Mai và Tùng, cũng như cảnh Mai bị chồng già gài bẫy, hãm hiếp trong khách sạn. Nhân vật Cúc (Thu Trang đóng) bị Quản đốc gọi lên phòng riêng với mục đích giở trò "bẩn" nhưng may mắn được giải cứu kịp thời. 
Trong khi đó, Trúc (Mai Anh đóng) bị một người đàn ông sàm sỡ, gạ gẫm "đi khách" khi làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Rõ ràng, tần suất cảnh nóng như vậy là quá nhiều trong bộ phim mới lên sóng được hơn 20 tập. 
Tần suất cảnh nóng và bạo lực trong phim Việt có xu hướng gia tăng. Không khó để "điểm danh" cảnh nóng trong phim Việt lên sóng thời gian gần đây. Những cảnh nóng, bạo lực trong bộ phim "Quỳnh búp bê" (đạo diễn: NSƯT Mai Hồng Phong) từng bị khán giả phản ứng dữ dội vì tràn ngập cảnh nhạy cảm và bạo lực. Sau đó, phim dừng chiếu một thời gian, được dán mác 18+ và đổi giờ phát sóng.
Với một bộ phim khai thác đề tài hình sự như "Người phán xử" (đạo diễn Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng) khó tránh khỏi những cảnh nóng và bạo lực. Khán giả "đỏ mặt" với những cảnh quay như Hương Phố (diễn viên Thúy An thủ vai), người tình của con trai ông trùm Phan Quân bị một tay giang hồ cưỡng bức, nhân vật Phan Hương (Thanh Hương đóng) - chị Phan Hải làm tình với Khải (Anh Đức) tại nhà vệ sinh quán bar trong lần đầu gặp mặt… 
Phim "Mộng phù hoa" (đạo diễn Quế Ngọc và Nam Yên), bộ phim lấy cảm hứng từ những giai thoại có thật trong cuộc đời của "đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn" - cô ba Trần Ngọc Trà cũng bị khán giả nhận xét có quá nhiều cảnh nhạy cảm. 
Vào thời điểm đó, đạo diễn Nam Yên lên tiếng giải thích, đại ý rằng, "Mộng phù hoa" bị đánh giá là ngập tràn cảnh giường chiếu nhưng nếu đặt trong tổng thể bộ phim, khán giả sẽ thấy nó không hề khủng khiếp. Ekip làm phim đã phải tính toán rất kỹ trước mỗi cảnh nóng, từ trang phục, góc quay cũng như từng động tác của diễn viên. 
Những cảnh nhạy cảm trong một số phim truyền hình khác như: cảnh tình tứ trong đêm tân hôn của cặp đôi Minh Vân (Bảo Thanh đóng) và Thanh (Anh Dũng đóng) trong "Sống chung với mẹ chồng" (đạo diễn NSƯT Vũ Trường Khoa), cảnh nóng giữa nam chính và con gái của người yêu cũ trong "Thương nhớ ở ai" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh), cảnh Phong (Mạnh Trường đóng) vui chơi cùng nhiều cô gái trong một quán bar trên du thuyền giữa Vịnh Hạ Long với những nụ hôn tay ba, đồng tính, uống rượu đặt trên lưng hai phụ nữ nằm trên bàn phim trong "Tuổi thanh xuân 2" (đạo diễn Khải Anh, Bùi Tiến Huy, Jason Lee)… cũng gây nên những luồng dư luận trái chiều. 
Cần sự tinh tế khi "nghệ thuật hóa" đời sống thực
Trở lại câu chuyện của "Những cô gái trong thành phố". Đúng như nhan đề của phim - "Những cô gái trong thành phố" xoay quanh cuộc sống của những cô gái từ quê lên thành phố để mưu sinh. Họ không chỉ kiếm tiền nuôi bản thân, mà còn phải tiết kiệm tiền để gửi về quê cho người thân. Những cô gái trẻ đã phải đối mặt với nhiều cám dỗ, thị phi nơi phố thị và từ đây, cuộc sống của họ rơi vào những bi kịch khác nhau. Rất nhiều sóng gió đã bủa vây quanh cuộc sống của họ như bị cưỡng bức, quấy rối, bị lạm dụng, đưa đẩy vào con đường bán thân. Sau tất cả những sóng gió, bộ phim muốn truyền tải thông điệp nhân văn về tình yêu, tình bạn, khát khao vươn lên của mỗi người.
Mục đích, ý nghĩa thông điệp của phim là vậy nhưng tần suất cảnh nóng trong phim đã gây nên những luồng dư luận trái chiều. Một số khán giả cho rằng, cảnh nóng đó là cần thiết và phản ánh đúng thực tế cuộc sống của những cô gái trẻ nông thôn lên thành phố mưu sinh. Để phản ánh rõ nét cuộc sống của những nhân vật phải chịu ức hiếp thì khó tránh khỏi những cảnh quay nhạy cảm. Những cảnh nóng trong phim không quá trần trụi, thô thiển, mà vẫn có thể lột tả được nội tâm nhân vật. Đồng thời, cũng chưa có cảnh nhạy cảm nào quá lố bị khán giả "ném đá".
Đây cũng là cách lý giải phổ biến của các nhà sản xuất phim. Họ cho rằng, yếu tố bạo lực, cảnh quay nhạy cảm là cần thiết, góp phần lột tả chân thực góc khuất trong xã hội cũng như trào lưu đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay. Khi đánh giá những cảnh quay nên đặt trong tổng thể bộ phim, khán giả sẽ không thấy nó "khủng khiếp" như bị cắt riêng.
Trong khi đó, một số khán giả cho rằng, ekip sản xuất đang lạm dụng cảnh nóng để gây sự chú ý của khán giả. Theo đó, những cảnh "nhạy cảm" nên được hạn chế hơn với một bộ phim truyền hình lên sóng giờ vàng đang được chiếu cho mọi đối tượng khán giả. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, không thể phủ nhận, cảnh nóng, bạo lực đang bị khai thác, sử dụng như một yếu tố để làm tăng sức hút cho phim truyền hình Việt.
Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống và để phim được khán giả đón nhận, rất cần đến những cảnh quay chân thực, trong đó có cả cảnh quay nhạy cảm. Tuy nhiên, cảnh quay phải phù hợp với bối cảnh phim và "liều lượng" thế nào để không trở nên phản cảm. Rất cần đến sự tinh tế của những người làm nghệ thuật khi "nghệ thuật hóa" đời sống thực lên màn ảnh. 
Cảnh nóng trên truyền hình Việt vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Sự gây tranh cãi này không hẳn ở việc cảnh nóng xuất hiện nhiều hay ít, mà có thể do phim lên sóng vào giờ vàng và dành cho mọi đối tượng khán giả. Khi đó, cảnh nhạy cảm dù ít, dù nhiều, dù thận trọng đến đâu cũng làm nảy sinh ý kiến trái chiều. Vấn đề đặt ra ở đây lại là câu chuyện dãn nhán, cảnh báo, lựa chọn khung giờ chiếu phim phù hợp với đối tượng khán giả. Rõ ràng, trong công tác quản lý phim truyền hình, vấn đề này chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức.
Phim truyền hình Việt đang khởi sắc và dần tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Tiếp tục xây dựng, củng cố niềm tin của khán giả với phim Việt là điều hết sức cần thiết vào lúc này. Làm thế nào để phim Việt phát triển đúng hướng, không sa đà vào những trào lưu, chiêu trò câu khách, nhưng đồng thời không bị bó buộc trước những rào cản, giới hạn sáng tạo tiếp tục đặt ra câu hỏi với những người sáng tạo nghệ thuật cũng như các nhà quản lý.



Nguồn: Văn Nghệ Công An