Ai cũng biết nhân vật văn học là sản phẩm của hư cấu, được sinh ra từ cái đầu vốn mênh mông đa sự của nhà văn. Bởi vậy khi đọc một tác phẩm, ta không được đòi hỏi nhân vật trong đó phải giống với con người ở ngoài đời, kể cả trường hợp nhân vật bắt nguồn từ nguyên mẫu hay dựa trên các danh nhân có thật trong lịch sử. Xưa nay chẳng có nhà văn nào bê nguyên xi một nguyên mẫu ở ngoài đặt vào trong tác phẩm của mình. Bao giờ cũng có sự sáng tạo, nghĩa là thêm cái này bớt cái kia, các đặc điểm của một nhân vật có khi được nhặt nhạnh lắp ghép từ vài ba nguyên mẫu khác nhau, như Lỗ Tấn đã hóm hỉnh nói rằng, “nhân vật của tôi có tà áo ở Bắc Kinh, cái ria ở Chiết Giang, miệng cười ở Vũ Hán”.



TRANG ĐỜI VÀ TRANG SÁCH

PHẠM DUY NGHĨA


Và không chỉ con người mà các phương diện khác như không gian, thời gian… ở ngoài đời khi đi vào tác phẩm cũng có thể được hư cấu, thay đổi. Việc đối chiếu giữa trang đời và trang sách để tìm ra độ khúc xạ - tức là sự sáng tạo của nhà văn - đôi khi cũng là điều thú vị để bạn đọc hiểu thêm về công việc của người cầm bút.
Trong bài viết nhỏ này, tôi xin lấy hai truyện ngắn có nguyên mẫu của mình làm ví dụ.
Thứ nhất là truyện Cơn mưa hoa mận trắng. Truyện này khi được giải thưởng của Báo Văn nghệ, có bạn đọc cho rằng cái tình huống truyện (một nam một nữ ở chung phòng) đích thị là bịa đặt. Nhà thơ Hữu Thỉnh, khi ấy là Tổng biên tập Báo Văn nghệ, có hỏi tôi: “Giáo viên ở trên đó họ sống như thế thật à?”. Tôi thưa rằng đó là chuyện hoàn toàn có thật.
Năm 1999, mùa thu, tôi đặt chân đến Kin Chu Phìn - một bản người Dao nằm trên sườn núi. Nơi đây cũng thuộc một trong những địa bàn có loại rượu của đồng bào dân tộc nổi tiếng nhất tỉnh Lào Cai. Ngày ấy tôi làm nhiệm vụ dẫn đoàn sinh viên sư phạm đi chiến dịch chống mù chữ ở vùng cao, gồm năm mươi hai em, sinh viên nữ thì nhí nhảnh hồn nhiên, sinh viên nam thì nghịch như quỷ. Còn tôi, thầy giáo phụ trách, thì mảnh khảnh thư sinh và ngày ấy còn ngây thơ ngốc nghếch vô cùng. Khi tận mắt chứng kiến việc một sinh viên nam của tôi bị nhét vào ở chung trong căn nhà tranh bé tí với một cô giáo địa phương đang hừng hực tuổi xuân sống đơn độc giữa rừng, tôi quá hoang mang. Suy nghĩ mãi, tôi mới dè dặt hỏi anh hiệu trưởng:
- Sao nhà trường lại bố trí một nam, một nữ… Ở thế này, ở… kiểu Mĩ à?
Hiệu trưởng đang ngồi xổm trên đất, nhồi thuốc lào vào nõ điếu cày. Liếc nhìn tôi với vẻ khinh khỉnh, anh ta thong thả bắn một hơi thật đã, tiếng rít của điếu làm chim chóc bay loạn xạ, rồi buông một câu nhạt phèo:
- Thầy thông cảm, vùng cao mà.
Tôi không dám hỏi gì nữa. Là thầy giáo trẻ mới tốt nghiệp đại học ra trường, ngày ấy tâm hồn còn trong trắng, tôi coi đó là một chuyện tày trời. Không biết trong suốt nửa năm ở chung nhà, hai con người ấy sẽ làm gì… Tôi cứ khổ tâm dằn vặt mãi. Nhất định phải báo cáo việc này về Sở Giáo dục. Không thể sống hoang dã như thú như chim rồi tự do làm loạn. Cứ thế kia thì hoen ố cả ngành giáo dục mất. Băn khoăn lo lắng vậy, nhưng đến bây giờ, hai chục năm đã qua đi, tôi không còn nhớ được vì sao ngày ấy tôi đã không đem “chuyện tày trời” báo cáo lên huyện lên tỉnh, mà thay vào đó, tôi đã làm một việc có ích hơn và đỡ dở hơi hơn, đó là viết một truyện ngắn.
Tôi kể lại câu chuyện này cũng để nói rằng, đời sống của các thầy cô giáo ở vùng cao ngày đó còn rất nhiều khó khăn, trước hết là thiếu thốn về cơ sở vật chất, nên mới xảy ra tình huống trớ trêu ấy. Vậy mà họ vẫn sống, bám trụ trên những mỏm núi cheo leo và âm thầm cống hiến. Nhiều năm qua tôi luôn nhớ về họ. Tôi vẫn thầm hỏi, chẳng biết cô giáo trẻ ở bản Kin Chu Phìn mùa thu năm ấy, bây giờ sống ra sao…
Giờ thì tôi xin nói hai nhân vật chính trong Cơn mưa hoa mận trắng của tôi đã được hư cấu ở chỗ nào. Trước hết, tôi thay các tên thật của họ ngoài đời, đặt tên cậu sinh viên là Kiên cho có vẻ kiên trung, kiên định (đúng là trong truyện, cái cậu sinh viên này đứng đắn đến mức khó chịu), còn cô giáo kia mang tên là Thuận (cái tên gợi vẻ dễ dãi, ưng thuận, xiêu lòng). Ở ngoài đời thì hai cô cậu sàn sàn tuổi nhau và đều chưa vợ chưa chồng. Đi vào truyện thì Thuận là chị, Kiên là em; em thì tinh khiết sáng trong còn chị đã ngập ngụa tình trường, chồng con dầm dề và nhu cầu sục sôi phát sợ. Ngày viết truyện ngắn này, dù là một con nai ngờ nghệch trong chuyện ái tình, tôi cũng hiểu được rằng: Người đàn bà khi đã có chồng, tóm lại đã “biết mùi đời”, thì nỗi khát thèm bản năng của họ mãnh liệt gấp vạn lần so với những cô gái trẻ còn tân. Nếu phải sống xa chồng thì nhu cầu ấy càng khủng khiếp, và do đó, phép thử về nhân cách do tình huống đặt ra càng ngặt nghèo. Lí do hư cấu về nhân vật ở đây, đơn giản là như vậy.
Nghe nói có những người kêu ca về truyện của tôi rằng, việc giữ cho hai nhân vật không bước qua ranh giới ở phần kết là cứng nhắc, giả tạo. Xem ra thì với những bạn đọc thích buông thả ấy, cứ phải cho hai anh chị đổ ập vào nhau, ngấu nghiến nhau, nghiền nát nhau, mới là hiện thực cơ. Như thế thì lại đòi hỏi nhân vật trong tác phẩm phải giống con người ở ngoài đời mất rồi. Mà cuộc đời thực ra cũng đa dạng lắm, nên vẫn có chuyện gần nhau trong gang tấc mà không chịu đổ ập vào nhau. Thế mới khổ!

Tiện đây, tôi cũng xin kể lại một điều có thật đã xảy ra ở Kin Chu Phìn hồi ấy, đó là: Trong sáu tháng trời, cô giáo trẻ địa phương đã nấu cơm cho cậu sinh viên của tôi ăn cùng, ở chung buồng chung nhà với cậu ta (tất nhiên), nhưng cô lại yêu một cậu sinh viên khác cũng trong đoàn do tôi phụ trách. Cái cậu ấy sống một mình trên đỉnh núi, tại bản của người Hà Nhì, trong khi người yêu của cậu (tức cô giáo trẻ) lại sống cùng bạn cậu ở lưng chừng núi, tại bản của người Dao! Cậu trên đỉnh núi thì khỏe như vâm, cậu ở lưng núi thì õng ượt thư sinh nhưng lại ngọt ngào bẻm mép.
Không biết ba con người ấy đã xử lí như thế nào cái tình thế tam giác oái oăm này, trong sáu tháng của năm 1999, cái năm cả nhân loại đang bồn chồn đợi chết vì tin đồn ngày tận thế sẽ đến vào năm cuối thế kỉ XX. Còn tôi, nếu chạy theo sự thật và rẽ vào khai thác cái tình huống trên, thì sẽ có một truyện Cơn mưa hoa mận trắng khác. Và để viết cái truyện ấy, có lẽ cần phải vững tay hơn, nếu không muốn rơi vào loại truyện tình tay ba rẻ tiền.
Một truyện nữa tôi muốn kể đến là truyện Cô gái xuống ga Vĩnh Yên. Đây là truyện ngắn đầu tiên của tôi in trên báo Văn nghệ. Bản thân câu chuyện thật ở ngoài đời đã khá li kì nên khi xây dựng cốt truyện tôi không cần phải hư cấu nhiều. Chuyện là thế này. Năm 2002, trên một chuyến tàu từ Lào Cai về Hà Nội, tôi ngồi chung ghế với một người con gái trẻ khá xinh mang chiếc ba lô màu đỏ. Thấy tôi cầm trên tay một cuốn sách(1), cô liền mượn đọc và khi biết tôi là tác giả, cô rất ngạc nhiên. Đến ga Vĩnh Yên, cô trả sách cho tôi với vẻ luyến tiếc rồi xuống ga, đi lững thững dọc đường tàu về phía cánh đồng mờ mờ sương trắng (như cô nói thì cô đi tìm một nhà người quen nào đó). Tôi tiếp tục ngồi tàu về Hà Nội. Vào kí túc xá Đại học Sư phạm, lên tầng ba ngôi nhà dành cho học viên cao học, tôi được anh bạn ở cùng cho biết “phòng mình có khách”. Và cứ như là… tiểu thuyết, trên chiếc giường của mình kê gần cửa sổ, tôi nhìn thấy chiếc ba lô màu đỏ của cô gái đã gặp trên tàu!
Đêm ấy, dưới trăng mờ và tiếng quạ kêu sương, tôi thức tới sáng nghe người con gái kể chuyện đời mình. Vị khách không mời mà đến này giải thích rằng, sau khi xuống ga, một ý nghĩ tò mò bất chợt nổi lên, cô đã quyết định bắt xe ôm chạy từ Vĩnh Yên về Hà Nội. Để biết một nhà văn - mà theo cô, hẳn là loại người thú vị - ăn ở thế nào.
Cô ở với tôi một tuần (trong truyện, tôi chỉ để ba ngày cho dồn nén, súc tích). Ở tại kí túc xá (khi viết, tôi đẩy không gian truyện ra căn nhà trọ ở trong làng cho có cây cối, thiên nhiên). Tên cô là Diễm Quyên (tôi đặt tên nhân vật là Diễm cho ướt át).
Quyên là một người khá đặc biệt. Cô chưa học hết cấp ba, và đã từng phiêu dạt trong Nam ngoài Bắc. Lần đầu được đặt chân đến một trường đại học ở thủ đô, cô rất vui và bỡ ngỡ. Trong suốt một tuần ấy, chúng tôi sống trong trẻo như đôi chim non. Tôi hì hục viết luận văn, cô thì mải mê đọc sách, và tôi kinh ngạc thấy khả năng thẩm văn của cô còn tốt hơn cả một số nhà phê bình.
Cô gái xuống ga Vĩnh Yên hư cấu chủ yếu ở phần cuối truyện. Nhân vật Diễm trong truyện cuối cùng lộ rõ thân phận là một con điếm. Còn Quyên ở ngoài đời chỉ là cô gái bán cà phê. Quán của cô nằm ở đầu một cây cầu gió bụi tại thành phố Lào Cai. Ngày còn công tác ở trường sư phạm tỉnh, tôi thường dẫn các học trò nam của mình ra đó uống rượu vang. Quyên cũng uống cùng chúng tôi, rồi say, rồi khóc. Cô khóc vì tủi thân. Khóc vì không được học hành như những bạn kia, để kiếm một cái nghề.
Những chi tiết ấy, tôi không đưa vào truyện. Trong truyện, cô buộc phải là một con điếm. Để đẩy đến tận cùng tính cách. Để thêm màu tối cho một bức tranh số phận vốn đã u hoài. Nhà văn làm bạn với điếm cũng là chuyện thường, nhưng điếm mà biết yêu cái đẹp của văn chương, điếm đi Hà Nội không theo tiếng gọi thân xác mà để tìm đến một kiếp tao nhân, thì lại là điều đáng trọng. Cái ánh sáng làm nên tư tưởng của truyện ấy, tôi không cần phải bịa, vì nó đã le lói trong câu chuyện ở ngoài đời.
Khi Cô gái xuống ga Vĩnh Yên được in báo Văn nghệ, tôi không cho nguyên mẫu đọc. Tôi sợ cô bị tổn thương.
Từ ngày khu đô thị mới Lào Cai được xây dựng, tôi và Quyên mất liên lạc, không biết bây giờ cô sống ở đâu. Tôi gặp Quyên lần cuối cùng tại nơi cô bán cà phê, khi ấy đã chuyển về vùng ven thành phố. Cô ở trong túp nhà tranh nhỏ, hơi tối và ẩm, phía trước nhà có ao trồng hoa sen. Hôm tôi đến, sen đang vào độ cuối mùa, cả mặt ao ngả màu nâu xỉn úa tàn, không gian ảm đạm hắt hiu như chính tiền đồ của nàng chủ quán. Nhìn những lá sen nâu, nghĩ về người con gái đã theo mình từ cuộc đời vào trang viết, tôi bâng khuâng nhớ đến mấy câu thơ tặng Hàn Mặc Tử, của Mộng Cầm.
Rồi có khi nào trong phút giây
Trăng lên khỏi núi gió đùa mây
Thì anh nên nhớ người năm nọ
Đã được cùng anh sống những ngày…