Trong “Như có tiếng lao xao”, cho dù có lúc ví mình như “cá nhỏ mắc bóng, cong mình quẫy đạp” và “Như sợ dây đàn không bật được tiếng”, có lúc cảm thấy “thời gian nào ai giữ được” và “Màu Tết nay chỉ còn hương khói”…nhưng Trương Ngọc Lan vẫn tìm được giải pháp giải tỏa cho mình. Cho nên bà đã: “Thì thôi/ Đành “ô kê” mọi việc/ Chỉ “thanh kiu” cho thanh thản tấm lòng” hay: “Không chạy được/ Thì ta đi bộ” hoặc: “Hai tay dẫu mỏi/ Xin ôm lấy/ Từng cơn gió nhẹ thoảng bên trời”…



 NHƯ CÓ TIẾNG LAO XAO, GIẢN DỊ MÀ SÂU SẮC                                                                           
                                                                        ĐẶNG HUY GIANG

     Trong một tác phẩm văn chương nói chung và trong một tác phẩm thơ nói riêng, phần lớn đều có “tầng nổi” và “tầng chìm”. Trong một bài thơ cũng thế. Nói như thế cũng không có nghĩa: Tác phẩm nào cũng đều có hai phần đó. Không ít bài thơ chỉ có “tầng nổi” mà không có “tầng chìm”. Với những bài thơ kiểu này, mọi thứ được viết ra đều trơn tuột, không để lại một vết tích nào. Giống như người ta ném một vật xuống nước, mà sau đó, đợi mãi cũng không thấy “mọc mũi sủi tăm” ở đâu, dù ở mức độ không đáng kể.
   Nói một cách khác, “tầng nổi” là cái bề mặt, “tầng chìm” là cái bề sâu. Không phải bề mặt không quan trọng, vì bề mặt sinh ra có chức năng là để “tải” cái bề sâu. Nhưng không có cái bề sâu thì cái bề mặt sinh ra, cũng chẳng có giá trị gì mấy.
   Nửa đầu thế kỷ 20, nhà thơ lớn người Đức B. Brecht có một bài thơ thật hay, tiêu biểu cho “tầng nổi” và “tầng chìm” của một tứ thơ. Bài thơ mang tên “Sợi dây thừng bị đứt” (Quang Chiến dịch):
Sợi dây thừng bị đứt có thể buộc nối lại
Nó lại chắc như xưa
Những dẫu sao thừng cũng đã đứt rồi.

Có thể hai ta còn tái ngộ
Nhưng ở nơi tôi bị em từ bỏ
Sẽ chẳng bao giờ em gặp lại tôi đâu.
     Nếu coi khổ một là cái bề mặt, thì rõ ràng khổ hai (cũng là khổ kết) là cái bề sâu. Ở đây, rõ ràng khổ đầu chỉ là khổ dẫn dắt, có tác dụng như một sợi dây cháy chậm dẫn đến sự nổ ở khổ sau. Kết nối được sợi dây thừng bị đứt với một tình yêu chia ly, một sợi dây thừng được nối lại với một tình yêu được hàn gắn lại, là tài năng của B. Brecht. Nhưng chỉ có thế thì bài thơ chưa lớn. Bài thơ chỉ thực sự lớn ở hai câu cuối:
Nhưng ở nơi tôi bị em từ bỏ
Sẽ chẳng bao giờ em gặp lại tôi đâu.
     Với một xuất phát và một quan niệm như thế, tôi đã đọc và gần như soi chiếu vào tập thơ “Như có tiếng lao xao” xuất bản tháng 10 năm 2018 của nữ nhà thơ Trương Ngọc Lan.
     Tôi dừng khá lâu ở “Hôn nhân”:
Hôn nhận như cái hộp
Có khi tròn khi vuông
Loay hoay đi tìm nắp
Thi thoảng gặp một cặp
     Và cũng dừng khá lâu ở “Nhà nhỏ nhà to”:
Người ta xây nhà để trú ngụ
Trú ngụ xác thân
Trú ngự tinh thần

Người ở nhà to hay vắng mặt
Mải đi tìm kiếm thứ to hơn

Nhà to không chơi với nhà nhỏ
Sạch sẽ thơm tho
Cửa khóa mở

Nhà nhỏ ban ngày lo tiền chợ
Lo dọc lo ngang
Giật mình luôn.
     Bài thứ nhất nói về bi kịch của hạnh phúc của những cặp hôn nhân trong giá thú. Bài thứ hai nói về sự phân hóa giàu nghèo. Cả hai đều được viết giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, có chất khái quát, triết lý. Chỉ cần phác mấy nét về hiện tượng, nếu chịu khó suy nghĩ, người đọc đã nhận ra ngay bản chất của vấn đề.  Bản chất ấy là “Loay hoay đi tìm nắp/ Thi thoảng gặp một cặp”. Bản chất ấy là “Người ở nhà to hay vắng mặt/ Mải đi tìm kiếm thứ to hơn…/ Nhà to không chơi với nhà nhỏ…/ Nhà nhỏ ban ngày lo tiền chợ/ Lo dọc lo ngang/ Giật mình luôn”.
     Chưa hết. Trong số 54 bài của “Như có tiếng lao xao”, tôi thấy có nhiều bài (tính theo đơn vị bài và đơn vị câu) thật đáng chú ý. Trong đó, đáng kể là các bài: “Cá nhỏ”, “Món cũ”, “Ký ức”, “Giải pháp”, “Pha-cô”, “Hôn nhân”, “Xuân muộn”, “Chút bận lòng”, “Trên tay bốn kẽ”, “Xoay một vòng”, “Nhà to nhà nhỏ”, “Như có tiếng lao xao”, “Tôi đi tìm tôi”…
     Trong những bài thơ ấy, độc giả rất dễ tìm ra được những câu thơ có một cách nói lạ, ngỡ như trực tiếp mà không trực tiếp, ngỡ như khơi khơi mà không khơi khơi, hầu như bài nào cũng có ý, có tứ, luôn hướng tới những cái đích khó hình dung ra nổi và chốt lại ở tâm sự, thân phận, mất mát, sẻ chia, cứu rỗi. Có thể làm một phép thống kê thuần túy: “Ký ức như cánh cửa/ Bên ngoài khóa ổ/ Trong luyện thiền” ( “Ký ức”), “Xuân sớm xuân muộn mọi vẻ/ Lọ hồng vàng vẫn nở ung dung” (“Xuân muộn”), “Một đời thì ngắn/ Một ngày lại dài” (“Tôi đi tìm tôi”), “Đá vặn mình/ Nghiến răng thành cát/ Li ti rơi lả tả những mảnh hồn”(“Bài ca nghiệt ngã”), “Để rồi thanh thản/ Đi qua địa cầu/ Hay tay nhẹ nhõm/ Mang được gì đâu” …Trong số này, có nhiều bài ra đời nhờ khả năng phát hiện, xâu chuỗi sự vật, rồi quy nạp như là một sở trường bền vững của Trương Ngọc Lan.
     Tôi thích những động từ mạnh mang tính đột phá rất rõ. Chẳng hạn như “quẫy” trong “Chữ cứ quẫy lên” trong “Đêm thêu thùa”, “vẫy” trong “Xa xa lá nõn vẫy bụi cây” trong “Hạt phùn lá nõn”, “tuột” trong “Mộng mị tuột hồi nào” trong “Sao đêm”, “dọn” trong “Tôi dọn hồn tôi” trong “Em xưa, tôi xưa”…
     Trong “Như có tiếng lao xao”, cho dù có lúc ví mình như “cá nhỏ mắc bóng, cong mình quẫy đạp” và “Như sợ dây đàn không bật được tiếng”, có lúc cảm thấy “thời gian nào ai giữ được” và “Màu Tết nay chỉ còn hương khói”…nhưng Trương Ngọc Lan vẫn tìm được giải pháp giải tỏa cho mình. Cho nên bà đã: “Thì thôi/ Đành “ô kê” mọi việc/ Chỉ “thanh kiu” cho thanh thản tấm lòng” hay: “Không chạy được/ Thì ta đi bộ” hoặc: “Hai tay dẫu mỏi/ Xin ôm lấy/ Từng cơn gió nhẹ thoảng bên trời”…
    Thơ trong “Như có tiếng lao xao” là thơ của một-người-một-mình, như không dính dấp tới một-người-cô-đơn thường thấy. Như một thói quen thường trực, bà thường “Tìm chữ mà chơi”. Thói quen này đã được bà xác lập qua 11 tập thơ đã xuất bản nếu tính từ 1990 đến 2018.
    Nên nhớ một mình rất khác với cô đơn. Một mình là hướng về mình và chỉ hướng vào cái bên trong của mình, trong khi cô đơn, dù có thế nào, vẫn còn hướng về người khác, cần đến một người khác.