Khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30 tháng 4 năm 1975, nhà báo Trần Mai Hạnh tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Ông Hạnh ghi chép những dữ kiện quan trọng nhất rồi bắt tay ngay vào việc viết bài tường thuật về những phút giây lịch sử ấy ở Dinh Độc Lập. Do điều kiện liên lạc khó khăn, bài tường thuật Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng ông viết điện về Thông tấn xã Giải phóng trên rừng Tây Ninh được Tổng biên tập Đào Tùng trực tiếp duyệt lại trước khi điện chuyển tiếp về Tổng xã ở Hà Nội. Bài được đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát báo đêm 30 tháng 4.


NGƯỜI NẮM GIỮ NHỮNG VĂN BẢN CỦA KÝ ỨC

DUY KHÁNH

Có những ký ức không thể được văn bản hoá, hay nói cách khác rằng không một câu từ nào có thể chuyển tải nổi và nguyên vẹn tinh thần sống động của nó. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 có lẽ là một dạng ký ức như vậy, tồn tại sâu thẳm trong tâm trí của những người đã trực tiếp chứng kiến. Và bất chấp mọi nỗ lực kể lại của chứng nhân, bằng ngòi bút, bằng máy ảnh, bằng máy quay hay bằng bất kỳ điều gì khác, cái tổng thể sống động ấy của ký ức vẫn không thể được mô tả trọn vẹn. Tôi cảm nhận rõ điều ấy khi đọc lại những hồi ức về ngày 30 tháng 4 năm 1975 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, người đã dành gần như cả cuộc đời mình để văn bản hóa lại những ký ức lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước một thời của dân tộc Việt Nam. Ông không chỉ là người chép sử thuần tuý từ những tư liệu sẵn có. Ông là một chứng nhân. Ông đã trực tiếp chứng kiến thời khắc lịch sử trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Dinh Độc Lập và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam đăng trên Bản tin Đấu tranh Thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát báo đêm 30/4/1975 và đăng trên báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng…
Tôi gọi ông là người nắm giữ những văn bản của ký ức.
Tháng 3 năm 1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột ít ngày, phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã Trần Mai Hạnh được cử tham gia đoàn phóng viên đi theo Chiến dich Hồ Chí Minh do đích thân Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu. Ký ức ấy trên con đường lửa khói ấy được ông Trần Mai Hạnh kể lại: “Dọc đường chiến dịch suốt từ Huế - Đà Nẵng - Tam Kỳ - Quảng Nam - Bình Định - Quy Nhơn -Plêi Ku - Buôn Ma Thuột - Bình Phước - Lộc Ninh - Tây Ninh - Sài Gòn, bom rơi đạn nổ và không ít hiểm nguy nhưng nhiều lần ông (TBT Đào Tùng) cho xe dừng lại, nhảy xuống chụp ảnh. Ông xông vào dòng người từ các thành thị vừa được giải phóng tức thì và cả những toán lính Sài Gòn tháo chạy tán loạn cùng đủ loại xe cộ đang sôi sục trên khắp các ngả đường, ông giơ máy ảnh, dọc ngang ống kính ghi lại hình ảnh về những phút giây lịch sử.”
Nhà báo Trần Mai Hạnh viết về người khác thay vì viết về bản thân mình. Nhưng câu chữ hay đến mấy cũng mô tả không hết được sự hào hùng của lịch sử. Tôi với tư cách người đọc văn bản của ông như chỉ muốn nhảy ra khỏi những dòng chữ ấy, để hòa vào cái dòng người “đang sôi sục” kia như ông Đào Tùng, để nghe, xem, thở, hít cái không khí náo động ấy của lịch sử…. Đó là lý do có những ký ức khó có thể nào được văn bản hoá trọn vẹn. Và đó là lý do khi năm tháng qua đi, những người nắm giữ ký ức như nhà báo Trần Mai Hạnh ngày một hiếm hoi. Những văn bản ấy giờ đây là những hồi ức trải hàng trên mặt giấy, những bài báo cũ, những bức điện đã ố mờ theo thời gian. Văn bản ấy giờ đây là những câu chuyện kể của ông Trần Mai Hạnh. Ký ức ấy còn trên những tấm ảnh chụp vào thời khắc lịch sử.
Ông Trần Mai Hạnh hiểu điều giá trị của tất cả những kỷ vật ấy, ông tâm sự: “cái gì đến sẽ đến nhưng có những điều sẽ còn đọng mãi. Đó là quy luật và là sự tán dương của thời gian”. Thời gian mãi tán dương ký ức về những ngày cận kề giải phóng của nhà báo Trần Mai Hạnh.  Đó là buổi chiều ngày 8 tháng 4 năm 1975, đoàn phóng viên Thông tấn xã bị tắc đường vì cầu gỗ bắc ngang sông ở xã Cát Thanh (Bình Định) bị địch phá sập, công binh bắc cầu phao qua sông đã “cuốn chiếu” theo đơn vị tiến vào phía Nam. Làm sao qua sông, không lẽ quay lại Đà Nẵng rồi ngược lên đường mòn Hồ Chí Minh? Quyết định cuối cùng của Tổng biên tập: Phải vượt sông với bất cứ giá nào. Cả nhóm phóng viên đã mượn dân hai chiếc thuyền gỗ, mượn cả ván và dây chão, buộc chặt ván giữa hai chiếc thuyền làm phà cho ô tô bò lên, rồi kéo cả thuyền và xe qua sông.
“Suốt một tiếng đồng hồ như đứng tim, chiếc thuyền phà mi ni có một không hai ấy mới chòng chành đưa được hai chiếc xe u-oát qua sông… Chỉ cần trượt bánh khỏi tấm ván gỗ hoặc trục trặc một chút, xe lăn xuống sông rồi chìm nghỉm thì sao?” Trần Mai Hạnh kể lại.
Rồi những ngày nhộn nhịp khác thường giữa tháng 4 năm 1975 ở “đại bản doanh” của Thông tấn xã Giải phóng giữa rừng Tây Ninh. Quân ta đang tiến như vũ bão và ngày giải phóng Sài Gòn đã đến nơi rồi. Phóng viên được phiên chế thành từng tốp, được hướng dẫn gợi ý về chủ đề, mỗi người được phát một bản đồ về đô thành Sài Gòn có đánh dấu các vị trí quan trọng của địch và hướng dẫn đường đi ngắn nhất từ các hướng tới thẳng Dinh Độc Lập. Lúc đó có một tình huống xảy ra là ô tô của Thông tấn xã Giải phóng quá ít, Trần Mai Hạnh và phóng viên ảnh Văn Bảo cùng nhiều người khác không còn chỗ sắp xếp trên xe.
Đi suốt từ Hà Nội vào đây, không lẽ giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn lại phải nằm lại trên rừng Tây Ninh? Nhà báo Trần Mai Hạnh đã lo ngại như thế. Cuối cùng, mọi chuyện đều tốt đẹp khi Thông tấn xã Giải phóng sang Campuchia mua cho ông một chiếc honda để tiến về Sài Gòn. Chiếc Honda 90 phân khối mới tinh ấy đã đưa ông Hạnh tới kịp thời điểm Sài Gòn rực rỡ cờ hoa ngày giải phóng.
Khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30 tháng 4 năm 1975, nhà báo Trần Mai Hạnh tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Ông Hạnh ghi chép những dữ kiện quan trọng nhất rồi bắt tay ngay vào việc viết bài tường thuật về những phút giây lịch sử ấy ở Dinh Độc Lập. Do điều kiện liên lạc khó khăn, bài tường thuật Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng ông viết điện về Thông tấn xã Giải phóng trên rừng Tây Ninh được Tổng biên tập Đào Tùng trực tiếp duyệt lại trước khi điện chuyển tiếp về Tổng xã ở Hà Nội. Bài được đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát báo đêm 30 tháng 4. Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 đã ra số đặc biệt chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, trang 3 đăng trang trọng bài tường thuật đó với tít bài được sửa lại là Tiến vào Phủ tổng thống ngụy
Trưa 1 tháng 5 năm 1975, buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau bản tin đặc biệt của Thông tấn xã Giải phóng: "Từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng”, Đài đã đọc trang trọng bài tường thuật Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng…
“Tôi đã rơi nước mắt. Đời phóng viên mặt trận liệu có hạnh phúc nào bằng?” Ông Trần Mai Hạnh nhớ lại giây phút đó…
Ở ngay thời khắc bình minh ấy của 44 năm trước, nhà báo Trần Mai Hạnh đã ý thức rõ những ký ức của mình là vô giá và phải lưu giữ lại. Ông ấp ủ ý định xây dựng cuốn sách mà gần 40 năm sau mới hoàn thành với tên gọi Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75. Dày công tìm kiếm, sưu tập các tài liệu nguyên bản tuyệt mật vào thời điểm đó từ phía bên kia và cả nguồn tài liệu trong nước và trên thế giới, đây là cuốn văn học sử hiếm hoi bán rất chạy và được cả độc giả đại chúng lẫn giới hàn lâm đánh giá là đặc biệt giá trị. Đến nay Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã được tái bản lần thứ 4, được dịch sang tiếng Anh, tiếng Lào, được trao Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015.
Giờ đây, khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhà báo Trần Mai Hạnh vẫn viết và biên tập bài vở như chàng phóng viên thủa nào. Dù đã giữ những vị trí cao trong cơ quan báo chí, ông vẫn giữ tư chất của người phóng viên chiến trường, không nề hà việc cụ thể và không ngại dấn thân. Đề tài mà ông đau đáu cho đến lúc này vẫn là những sự thật của cuộc chiến tranh đang còn bị khuất giấu, những góc khuất của lịch sử mà rồi thời gian sẽ mãi tán dương…

Nguồn: Văn Nghệ