Vẫn biết chiến tranh là hy sinh, tang tóc, là nhớ thương đau khổ chia ly; vẫn biết trong chiến tranh đằng đẳng có biết bao sự trớ trêu, bất ngờ; Nguyễn Khoa Đăng đã kể lại một cách giản dị nhưng đầy xót xa về số phận của Thiệp một thanh niên giàu ước mơ lí tưởng cao đẹp từ chối đi học ở nước ngoài, tình nguyện cầm súng lên đường đi đánh giặc. Ở quê, mẹ anh nhận được tin anh hy sinh và quê hương đã tổ chức lễ truy điệu cho Thiệp. Gia đình anh được hưởng chế độ ưu tiên của gia đình liệt sĩ. Nhưng Thiệp chưa chết. Trớ trêu thay trong môt trận chiến, Thiệp bị thương và nằm lại chiến trường. Anh lại được một sĩ quan quân y của phe lính ngụy cứu sống vì phát hiện ra Thiệp là người thân của vợ mình - Liên (chị họ của Thiệp) - qua những lời nói của Thiệp trong cơn mê lúc bị thương...



NGÕ TRE RÌ RÀO – Khúc tâm tình bi tráng

BIÊN LINH

Trong một lần trò chuyện với anh em viết trẻ, dịch giả Lê Sơn - người từng là một trong một trăm thiếu nhi Việt Nam được Bác Hồ tuyển chọn cử đi học ở Nga từ những năm 1954 đã nói: “Rồi lịch sử sẽ đi qua, nhiều thứ sẽ chẳng tồn tại kể cả những gì ta yêu quý tôn thờ. Nhưng văn học sẽ làm nó sống lại. Sẽ lí giải cho người sau sâu sắc những gì trong quá khứ”. Quả đúng như thế. Đọc bộ bốn tiểu thuyết “Nước mắt một thời”, “Hoàng hôn lạnh”, “Mây chiều bảng lảng” và “Ngõ tre rì rào” của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, người đọc cảm thấy lịch sử của cả một thời bi tráng với máu xương, mồ hôi và nước mắt, niềm yêu thương và khát vọng tự hào của dân tộc đang sống dậy. Đặc biệt là với cuốn “Ngõ tre rì rào” (NXB Quân đội nhân dân) ấn hành năm 1991.
Cuốn sách với gần 200 trang đưa người đọc về với cuộc sống của người dân một làng quê Bắc Bộ những năm chống Mỹ cứu nước của dân tộc với những con người hiền lành nhân hậu, sống yêu thương, trong đạo lí làm người như bà Thơi - mẹ Thiệp, như Hiền - người yêu của Thiệp, như bà Thiều - người cô họ luôn cận kề động viên mẹ Thiệp những khi tắt lửa tối đèn. Và đó, còn có cả những kẻ sống giả dối, vụ lợi, dựa dẫm vào sự hy sinh của người khác như ông Toàn - vị quan cách mạng với chức danh Chủ tịch huyện, với Thìn - em gái Thiệp: một cô giáo vì khát khao được đi học tập ở nước ngoài, để có dịp mua được nhiều đồ dùng quý giá, coi nhẹ việc tu dưỡng rèn luyện chỉ quan tâm khai thác những điểm son của lý lịch với một gia đình có cha và có anh là liệt sỹ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh đó có lão Mân, kẻ lợi dụng những tin tức về sự sống và cái chết trớ trêu của Thiệp qua đài phát thanh của phía bên kia ở miền Nam để vòi vĩnh moi tiền, moi của của bà Thơi, làm tình làm tội bà đến khổ.
Tác phẩm có cốt truyện mạch lạc, chặt chẽ, kể về những thanh niên phơi phới yêu đời sống và ra đi chiền đấu cho lí tưởng của thanh niên thời bom đạn: “Trường học đẹp nhất là nơi trận chiến chống quân thù” - Như Thiệp và bè bạn của anh. Nguyễn Khoa Đăng đã từ bi kịch của những gia đình, của người thân, mà tái hiện chân thực những mất mát, đau thương ở tầng sâu của nó, xót xa và cay đắng gấp bội phần. Vẫn biết chiến tranh là hy sinh, tang tóc, là nhớ thương đau khổ chia ly; vẫn biết trong chiến tranh đằng đẳng có biết bao sự trớ trêu, bất ngờ; Nguyễn Khoa Đăng đã kể lại một cách giản dị nhưng đầy xót xa về số phận của Thiệp một thanh niên giàu ước mơ lí tưởng cao đẹp từ chối đi học ở nước ngoài, tình nguyện cầm súng lên đường đi đánh giặc. Ở quê, mẹ anh nhận được tin anh hy sinh và quê hương đã tổ chức lễ truy điệu cho Thiệp. Gia đình anh được hưởng chế độ ưu tiên của gia đình liệt sĩ. Nhưng Thiệp chưa chết. Trớ trêu thay trong môt trận chiến, Thiệp bị thương và nằm lại chiến trường. Anh lại được một sĩ quan quân y của phe lính ngụy cứu sống vì phát hiện ra Thiệp là người thân của vợ mình - Liên (chị họ của Thiệp) - qua những lời nói của Thiệp trong cơn mê lúc bị thương). Vợ chồng Liên đã chăm sóc Thiệp, giữ Thiệp lại Sài Gòn, tạo cho anh kiếm sống bằng nghề sửa xe và để né tránh mọi cuộc bắt lính của quân đội Việt Nam nhưng không thoát. Anh vẫn bị bắt vào lính và trở thành kẻ thù của chính anh ngày trước và của đồng đội của anh. Thiệp đau khổ, bế tắc, anh viết những bài thơ trút hết tâm tư, tự xỉ vả mình. Nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy đã không cam tâm trở thành kẻ tội đồ của nhân dân. Anh đã bắn chết tên chỉ huy và tự sát. Thế là một người: mang hai thân phận “một là liệt sĩ, là người con ưu tú sẵn sàng hy sinh thân mình cho tổ quốc được “Tổ quốc gi công” là niềm tự hảo của gia đình người thân. Một lại là một tên lính quốc gia chết trận, là kẻ phản quốc, là nỗi hổ thẹn của mẹ, của gia đình quê hương.
Thiệp không còn nhưng linh hồn anh liệu có thê siêu thoát? Và mẹ anh, bà Thơi đã sống trong bao dằn vặt, giằng xé hoang mang. Đã bao lần bà định nói ra sự thật với các cấp lãnh đạo, đã bao lần bà chuẩn bị trả lại tiền tử tuất của liệt sĩ cho chính quyền. Là một người giàu lòng tự trọng, bà đã chọn cách giải quyết tuy đau đớn nhưng không thể khác. Đó là … “bà Thơi bắc chiếc ghế cao, chiếc ghế vẫn dùng để hái lá chè ngoài vườn, leo lên , thận trọng dùng hai tay gỡ tấm bằng Tổ quốc ghi công đang treo trên tường xuống. 
Bà kính cẩn đặt tấm bằng lên tấm phản gỗ trong nhà rồi thận trọng cầm tấm khăn mặt nhẹ nhàng lau đi lau lại mặt kính, lau cho đến lúc sờ tay không còn thấy một vết bụi mờ, bà mới thôi. 
Rồi bà … “đi vội vã, hốt hoảng như sợ có ai đang nấp rình bà ở một xó xỉnh nào đó, chờ bà đi ra khỏi nhà là chạy theo nắm áo lôi lại.
Điều bà Thơi lo lắng không phải không có lý. Tất cả những việc làm vừa rồi của mẹ, đứng ở trong buồng, sau bức mảnh mành, Thìn nhìn thấy hết. Cô đã đoán được bà định đi đâu và sẽ đến đâu. Cô chạy vụt theo ngay. Ra đến bờ tre, cô bàng hoàng nắm tay bà kéo lại : 
- Con xin bu, con lạy bu. Bu đừng làm thế. Nào có ai khảo mà bu lại xưng. Tương lai của con, bu ơi ! Với lại cái chết của anh Thiệp cũng là một sự hy sinh mà !
Thìn giật mạnh cái khung kính lộng tấm bằng “Tổ Quốc ghi công” từ tay bà Thơi. Cô quay lại, định mang nó về nhà. Bị bất ngờ, bà Thơi lảo đảo. Nhưng bà đã kịp dành lại được từ tay Thìn. Rồi bằng một cử chỉ dứt khoát, bà ném mạnh tất cả xuống cái ao bà vẫn dùng tha bèo cho lợn bên cạnh bờ tre. (trang 192,193)
Cái kết của truyện đã được giải quyết một cách dứt khoát và đau xót như thế!
Nguyễn Khoa Đăng bắt đầu từ những sự kiện có thật trong cuộc sống của gia đình mình, quê hương mình để khái quát thành câu chuyện của bao số phận, hiện thực bi thương của đất nước, dân tộc trong chặng đường lịch sử đã qua. Nhà văn đã lần theo dòng chảy của những năm tháng chống Mỹ, tựa vào sự kiện lịch sử, sự thật của cuộc sống và dồn cả những tình cảm xót thương máu thịt của mình để viết lên những trang văn thật ám ảnh và da diết.
“Mãi mãi sau này, bà Thơi còn nhớ như in buổi trưa hôm ấy, Sau khi bà Thiều về rồi, bà Thơi mớ bắt đầu thấy căn nhà trống trải một cách ghê sợ. Lúc bấy giờ bà mới khóc. Nước mắt bà ở đâu cứ ứa ra giàn giụa. Trong làn nước mắt nhòe nhoẹt bà Thơi nhìn ra xung quanh chỗ nào cũng như thấp thoáng hình bóng Thiệp”, (Trang 41|). Có thể nói Nguyễn Khoa Đăng đã khai thác hiện thực bằng cảm nhận từ trái tim và làm sống dậy lịch sử bằng số phận, bằng tính cách, bằng những sự lựa chọn: được, mất, sống cao đẹp hay xấu xa… của những con người giữa thời bom đạn, chiến tranh. Với họ là những con người bằng xương bằng thịt. Hình ảnh và nhiều chi tiết trong truyện tuy không mới nhưng vẫn làm cho người đọc xúc động trào nước mắt ở những trang văn diễn tả vẻ đẹp của làng quê với những bóng tre hiền hòa thân thuộc, ở tình làng nghĩa xóm chân chất thân thương. Đặc biệt là những đoạn miêu tả nỗi lòng của người mẹ - bà Thơi trước số phận đau thương, chua xót của con mình.
Có thể xem “Ngõ tre rì rào” là một cuốn sách thấm đẫm giá trị lịch sử với những trang viết công phu đậm chất trữ tình. Cuốn sách đã làm sống dậy hiện thực bộn bề ở một vùng quê với bao mất mát, khổ đau thời chống Mỹ. Nhưng tiểu thuyết này không sa vào mô phỏng lịch sử khô cứng. Với hai phía: Một bên là hiện thực cuộc đời với những con người, những số phận của một miền đất nước, một bên là tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Nguyên Khoa Đăng đã thổi hồn vào lịch sử. Chắp cánh cho lịch sử ấy bay lên bằng lẽ sống cao đẹp của con người. Tiểu thuyết Ngõ tre rì rào thật sự là một khúc tâm tình bi tráng. Tác phẩm không dừng lại ở mức độ phản ánh hiện thực, nhà văn đã chuyển tải hiện thực lịch sử đến với người đọc bằng cảm xúc, máu thịt, bằng tài năng nghệ thuật của người cầm bút, đã đẩy giá trị của tác phẩm đến với ý nghĩa và giá trị lớn hơn. Đó là làm sống dậy lịch sử, sống dậy nhưng tâm hồn những lẽ sống cao đẹp. Quả đúng là lịch sử đã đi qua, nhưng văn chương sẽ còn mãi !