“Động cơ gì để anh viết văn châm biếm hả… hả… hả”. Giống như một câu hỏi  trong tiểu phẩm “Giải mã hành vi cụ thể”. Nếu người nông dân bị bóc lột vì đi xe đò giá cao, xe đò giá cao vì “động cơ” của các trạm thu phí… Các quy định bất thành văn trong bệnh viện, trong cuộc sống là “động cơ” của mọi sự bắt chẹt, thì động cơ của nhà văn châm biếm là dùng chữ, câu từ để viết thành tiểu phẩm châm biếm để cười cợt những bất công, thói xấu, chà đạp người thấp cổ bé miệng.



LÊ THIẾU NHƠN VÀ CƠN CAO HỨNG…

LÊ VĂN NGHĨA

Chính danh là một nhà thơ vì đã được Hội Nhà Văn VN vừa rồi kết nạp vào hội sau nhiều năm để đó, Lê Thiếu Nhơn còn là một nhà “ní nuận” phê bình văn học. Nhưng có lẽ nhà thơ, nhà phê bình chỉ là công việc tay trái. Trước nhất Lê Thiếu Nhơn là môt nhà báo- và chính nhờ công việc làm báo khiến anh quan tâm nhiều đến vấn đề của xã hội-những vấn đề đang là thời sự, là sự quan tâm và tức tối đến đau xót của cả một cộng đồng bé mọn kia.
“Động cơ gì để anh viết văn châm biếm hả… hả… hả”. Giống như một câu hỏi  trong tiểu phẩm “Giải mã hành vi cụ thể”. Nếu người nông dân bị bóc lột vì đi xe đò giá cao, xe đò giá cao vì “động cơ” của các trạm thu phí… Các quy định bất thành văn trong bệnh viện, trong cuộc sống là “động cơ” của mọi sự bắt chẹt, thì động cơ của nhà văn châm biếm là dùng chữ, câu từ để viết thành tiểu phẩm châm biếm để cười cợt những bất công, thói xấu, chà đạp người thấp cổ bé miệng.
 Lê Thiếu Nhơn viết châm biếm từ “động cơ” muốn vạch ra mặt trái, những điều xấu xa được che đậy bằng những mỹ từ đạo đức. Bản chất của cuộc mâu thuẫn nầy đẻ ra sự châm biếm. Nhưng nói vậy chứ không phải vậy. Đâu phải từ chuyện một Sếp có bí quyết trẻ lâu: ăn gian tuổi để không về hưu; ca sĩ No Qúa Chừng trong một vụ kiện bản quyền quốc tế: chuyện đạo nhạc quốc tế và chuyện đạo văn thơ trong nước; vấn đề giáo dục một giáo viên phải ứng phó với học sinh, phụ huynh, thanh tra…trong “Bốn kỹ năng siêu phàm từ bục giảng”; Xuân Tóc Đen trong “Cám ơn thượng đế sáng suốt” bỏ đánh quần vợt để đi phục vụ Nghị Hách và Thạch Sùng đã rút ra một sự “công bằng” của Thượng Đế khi ban phát ân sủng ở xứ sở nầy: “người nhiều chữ thì ít tiền và ngược lại, người ít năng lực thì nhiều quyền hạn và ngược lại”; những vấn nạn của xã hội như cây gãy, công trình đang xây đổ sập, nước kênh đen ngập thối đường cũng được đề cập trong “Đè bẹp mọi klục gia thế giới”… mà dễ viết ra thành tiểu phẩm. Làm sao viết cho người đọc thấy sướng, người đọc thấy “thằng cha” nầy nói hộ tấm lòng của mình khi mình phải bỏ mấy ngàn ra mua báo. Ít nhất nhà báo, nhà văn phải làm được điều đó chứ…À há, trong Tuổi Trẻ Cười hàng số đều có nhiều tiểu phẩm của nhiều tác giả, trong đó có Mr. Hai Huyền viết nhiều chuyện cũng cười ra nước mắt đấy chớ hả.
Rồi đột nhiên, một cơn hứng chợt đến nhưng chưa đi, một cơn hứng đáng giá ngàn vàng. Hai Huyền gom tất cả tiểu phẩm của mình viết trên nhiều báo lại thành một tập “Cơn Hứng Đáng Giá Ngàn Vàng” và ghi rành rành tên tác giả là Lê Thiếu Nhơn. Một nhà thơ viết tiểu phẩm thì quả cũng chẳng lạ gì khi nhà thơ ấy vốn là nhà báo, như nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trở thành cây bút châm biếm Đồ Bì…Khi nhà thơ, nhạc sĩ đau đáu với đời, có cái nhìn “ngược” với đời thì họ sẽ trở thành người viết châm biếm. À quên, còn phải có chút xí tài năng nữa! Biết tạo ra nhân vật Xuân Tóc Đen, Tào Khôn, Tào Lao, Cù Lần, Cù Lét… đưa sự kiện, dẫn dắt câu chuyện từ Làng Bồng Lai đến thôn Chém Gió, thôn Cá Tra với ngôn ngữ thời đại @ Lê Thiếu Nhơn đã tiến một bước vào làng văn học trào phúng.
Một tiểu phẩm, hai tiểu phẩm xuất hiện chưa nói được gì nhưng khi những tiểu phẩm được in chung thành một tập sẽ định dạng được khuynh hướng và phong cách của tác giả. Qua “Cơn Ngẫu Hứng Đáng Giá Ngàn Vàng” thực là một sự không ngẫu hứng chút nào dù nó rất đáng giá ngàn vàng của Lê Thiếu Nhơn. Và mong rằng cũng không chỉ là ngẫu hứng…

Nguồn: Tuổi Trẻ Cười số ra ngày 15-4-2019