“Người ta nói không có tác phẩm đỉnh cao. Nhưng tôi nói có. Và tôi sẵn sàng tranh luận… Tôi không ngại ngần dùng chính những tác phẩm của tôi - Y Ban để chứng minh điều đó. Tác phẩm của tôi ra thường xuyên, không lặp lại mình. Bốn cuốn tiểu thuyết của tôi gần đây là bốn cách thể hiện khác nhau. Tác phẩm của tôi đây, nó không hay ở chỗ nào? Nó không đi cùng thời cuộc ở chỗ nào? Nó không được độc giả đón nhận ở chỗ nào?”


 VIỆT NAM ĐÃ CÓ NHÀ VĂN LỚN, ĐỈNH

INRASARA

[1]. Tôi gặp không ít nhà văn Việt Nam gánh [ôm, mang] ảo tưởng mình lớn, đỉnh. Nhà văn Y Ban là điển hình tiên tiến, và không sợ công khai nó.
Coi chị trả lời trên Vietnamnet:
“Người ta nói không có tác phẩm đỉnh cao. Nhưng tôi nói có. Và tôi sẵn sàng tranh luận… Tôi không ngại ngần dùng chính những tác phẩm của tôi - Y Ban để chứng minh điều đó. Tác phẩm của tôi ra thường xuyên, không lặp lại mình. Bốn cuốn tiểu thuyết của tôi gần đây là bốn cách thể hiện khác nhau. Tác phẩm của tôi đây, nó không hay ở chỗ nào? Nó không đi cùng thời cuộc ở chỗ nào? Nó không được độc giả đón nhận ở chỗ nào?”
- Yeh! Không sao… bình tĩnh, bình tĩnh... không sao mà…
Nhà văn này tiếp:
“Chúng ta biết một dân tộc muốn có một nền văn học rực rỡ thì phải có bề dày văn hoá, bề dày lịch sử. Những vùng đất mới sẽ rất khó đạt được thành tựu đó”.
- Ui choa! Vậy là “vùng đất mới” Hoa Kì chớ có mơ về một nền “văn học rực rỡ” nhé. Riêng vụ “chúng ta biết” thì xin chừa tui ra. Bởi “chúng ta biết”, còn ông Sara thì không hay biết gì về vụ đó đâu!
Nữa nè:
“Nhưng vấn đề chính là trong thời đại chúng ta đang sống, muốn có tác phẩm lớn, sống được trong lòng độc giả thì cần bốn yếu tố: Tài năng nhà văn, nhà phê bình, độc giả, những người quản lý…”
- Chà chà! Đức, Ireland, Nhật… hẳn họ đang thủ trong tay áo “những nhà quản lí” cỡ siêu, thế nên văn học họ mới được như rứa như rứa!
[2]. Goethe: Ba yếu tố tạo nên kiệt tác:
– Dân tộc đó có điều lớn lao để nói với nhân loại;
– Có thiên tài để nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật;
– Và người đó làm việc ở thời kì sung sức nhất.
Quy chiếu ba yếu tố đó qua nhà văn W. Faulkner, ta nhận ra ngay chốc cái tầm của ai đó.
[3]. Làm thơ in tập để bạn đọc đón nhận, thì dễ; giật được giải thưởng nào đó, không khó; thậm chí cho người đời thuộc và nhớ, hay vào sách giáo khoa cũng thế.
Khó vạn lần, là văn thơ làm thay đổi dòng chảy văn chương thế giới [như Rimbaud với thơ tự do] dù phải chịu bị người đương thời ruồng rẫy [như Whitman];
khó hơn nữa là văn chương làm bật được tâm thế chủ đạo của con người đương thời [như L’Étranger của Camus, một tiểu thuyết rất mỏng], nhất là loại văn chương dự tri tinh thần con người ở thời đại đang tới [như các tác phẩm của Kafka].
Khi đó, văn chương không còn là kĩ thuật, hay chỉ thuần thuộc trào lưu văn học [ngay tiết mục này thôi nhiều nhà văn Việt Nam vẫn chưa vững], mà ở tầm khác: tầm tư tưởng. Và không chỉ có thế…
Kết. Quay trở lại với [1]
- Bạn “có điều lớn lao để nói với nhân loại” không? Có “dự tri” điều gì mới mẻ sắp xảy tới với thế giới không?
- Bạn có “nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật” siêu đẳng như Faulkner không?
- Để, cuối cùng tác phẩm “lớn”, “đỉnh” ấy của bạn được thế giới đón nhận như thế nào? [chớ mặc cảm ngôn ngữ nhược tiểu hay gì gì, nhé]
Nhớ: Đạo đức thì lương tâm tự lượng giá được, chớ sản phẩm trí tuệ - hãy để [người, dân tộc…] ngoài đánh giá, bạn hén!

Nguồn: Facebook Inrasara