Từ quan niệm văn chương của mình đó là đi vào “mổ xẻ” cái ác, “soi xét” bóng tối, Diêm Liên Khoa đã thẳng thừng “tuyên chiến” với những dòng văn học chỉ có tính thiện và tình yêu. Ông nói: “Nếu văn học chỉ quan tâm đến tính thiện và tình yêu thì đơn giản và nông cạn. Cái vĩ đại của văn học là quan tâm đến bóng tối và cái ác. Bởi khi ta quan tâm đến cái ác thì ta mới thấy được cái thiện. Và khi ta quan tâm đến bóng tối thì mới thấy được ánh sáng”. Ông tự nhận mình là người đứng trong bóng tối và viết trong bóng tối, như vậy, ông sẽ giúp mọi người suy tư về chân, thiện, mỹ.



Nhà văn Diêm Liên Khoa: Cái vĩ đại của văn học là quan tâm đến bóng tối và cái ác

VŨ GIA HÀ

Diêm Liên Khoa (sinh năm 1958) được coi là “cây đại thụ” văn học Trung Quốc hiện đại, nhiều người đánh giá ông hơn hẳn Mạc Ngôn – người từng đạt giải Nobel Văn học 2012. Diêm Liên Khoa quan tâm đến những cái khác biệt, đó là bóng tối và cái ác. Đây cũng là nhận định của ông về chính mình.

Văn học quan tâm một chiều sẽ lạc hậu
Sáng 5/4/2019, tại Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội (Hà Nội), nhà văn Diêm Liên Khoa đã có buổi nói chuyện về văn chương. Giáo sư Trần Đình Sử, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Văn Giá... đã có mặt từ rất sớm. Cái tên Diêm Liên Khoa đủ để bảo lãnh cho buổi trò chuyện chật kín gian phòng.
Nhìn bề ngoài, Diêm Liên Khoa có cái “chất” gần với Nguyễn Huy Thiệp, nhưng ông đĩnh đạc và khéo léo hơn. Diêm Liên Khoa nói chuyện cũng ngắn gọn và súc tích hơn, còn Thiệp thì rườm rà và ngắc ngứ. Các nhà văn và các nhà phê bình ở ta có chút gì đó e dè, hình như là có phần mặc cảm gì đó?
Diêm Liên Khoa không để ý đến nhiều người, ông chỉ tập trung vào một điểm ở phía xa cuối khán phòng và cứ thế nói lên nhiều điều đáng suy ngẫm về văn chương. Đầu tiên là ông lo ngại văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc nếu chỉ quan tâm một chiều sẽ dẫn đến lạc hậu. Và nhà văn không nên cho cái này là xấu hẳn, cái kia là tốt hẳn, tất nhiên mỗi nhà văn đều có quan niệm và lý tưởng của mình.
Ông không bàn về văn chương Việt Nam, của thế giới và các nhà văn khác mà chỉ quan tâm đến cái ác và bóng tối trong tác phẩm của chính ông. Có vẻ như ông phân biệt rạch ròi giữa ánh sáng và bóng tối, tính thiện và tính ác: “Những nhà văn yêu cuộc sống, yêu văn học mới nghĩ đến tính thiện và tính ác trong văn học. Tính thiện và tính ác là vấn đề lớn”. Ở đây, ta thấy ông đề cao đến nhân tính nhà văn.
Diêm Liên Khoa không tin vào hai mệnh đề đã trở thành điển ngữ: “nhân chi sơ tính bản thiện”, “nhân chi sơ tính bản ác”. Ông cho đó là quan niệm sai lầm. Nhân chi sơ là trang giấy trắng. Con người khi sinh ra như trang giấy trắng, môi trường yêu thương sẽ cho người đó sự yêu thương và ngược lại. Ông đề cao tính giáo dục sẽ giúp con người trở nên tốt hơn.
Văn học chỉ có tính thiện và tình yêu là nông cạn
Từ quan niệm văn chương của mình đó là đi vào “mổ xẻ” cái ác, “soi xét” bóng tối, Diêm Liên Khoa đã thẳng thừng “tuyên chiến” với những dòng văn học chỉ có tính thiện và tình yêu. Ông nói: “Nếu văn học chỉ quan tâm đến tính thiện và tình yêu thì đơn giản và nông cạn. Cái vĩ đại của văn học là quan tâm đến bóng tối và cái ác. Bởi khi ta quan tâm đến cái ác thì ta mới thấy được cái thiện. Và khi ta quan tâm đến bóng tối thì mới thấy được ánh sáng”.
Ông tự nhận mình là người đứng trong bóng tối và viết trong bóng tối, như vậy, ông sẽ giúp mọi người suy tư về chân, thiện, mỹ. Trong tiểu thuyết của ông có nhiều vấn đề viết về đại tự nhiên. Mà vốn dĩ, ông xuất thân ở nông thôn, từ nhỏ đã sống cùng cỏ cây, đồng ruộng, hoa cỏ. Nhà văn cảm thấy buồn vì hiện nay ở nông thôn Trung Quốc thì buổi sáng thức dậy đã không còn nghe được tiếng chim hót, nên ông cảm thấy xúc động và kinh ngạc khi ngủ dậy ở một khách sạn tại Việt Nam trong thành phố ồn ào lại thấy cây xanh và nghe được tiếng chim hót.
Ông khuyên nhà văn nên quan niệm rằng, tự nhiên là một phần của sinh mệnh và rất quan trọng đối với con người. Chúng ta phải xem tự nhiên là con người thì chúng ta mới viết văn được, còn không thì đó chỉ là những nhà văn miêu tả phong cảnh mà thôi. Trung Quốc và Việt Nam là hai đất nước đang phát triển, nên các nhà văn cần quan tâm đến tự nhiên hơn.
Nhà văn xuất sắc là nhà văn vừa nằm trong trào lưu và ngoài trào lưu
Giáo sư Vương Nghiêu (sinh năm 1960), bạn thân và là nhà phê bình xuất sắc của văn học Trung Quốc có mặt tại buổi nói chuyện đã có những lời vừa đủ để cho thấy rằng “cái tầm” của Diêm Liên Khoa không phải nhà văn nào của Trung Quốc hay thế giới cũng đạt được.
Mở đầu câu chuyện, ông hài hước nói rằng, ông và Diêm Liên Khoa là những người bạn tốt chứ không phải là đồng chí tốt. Bàn về nhà văn bậc thầy Trung Quốc, Giáo sư Vương Nghiêu phân tích: Việc đặt một nhà văn vào một trào lưu là việc làm của các nhà phê bình. Nhà văn xuất sắc là nhà văn vừa nằm trong trào lưu và ngoài trào lưu. Diêm Liên Khoa là nhà văn thành công muộn, rất khó để xếp ông vào một trào lưu nào đó, nếu xếp ông vào trào lưu, thì đó là “trào lưu Diêm Liên Khoa”.
Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao là ba người bạn tốt của tôi. Nếu thiếu ba người này, thật khó để nói về văn học Trung Quốc hiện nay. Diêm Liên Khoa quan tâm đến cái chết. Cách tiếp cận cuộc sống của ông cũng khác biệt nhiều người. Tiểu thuyết Diêm Liên Khoa có độ căng và độ mạnh lớn. Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao là ba nhà văn đều đi tiên phong, nhưng Diêm Liên Khoa có đặc biệt lớn là luôn tiến về phía trước. Nhiều nhà văn khác khi đạt được điều gì đó thì họ dừng lại. Còn các tác phẩm của Diêm Liên Khoa là sự nhảy vọt, một sự suy tư khác.
Diêm Liên Khoa luôn hoài nghi về các nhà văn vĩ đại để tìm ra sai lầm của họ để đến được...La Mã. Chính điều này khiến ông luôn suy tư. Diêm Liên Khoa chưa bao giờ gò mình vào một hình thức tiểu thuyết nào đó. Về hình thức tiểu thuyết thì không một nhà văn nào địch nổi Diêm Liên Khoa.
Diêm Liên Khoa là con người tốt và có tâm với bạn bè. Ông là người trung nguyên nên trong ông đã kết tinh nhiều cái tốt đẹp nhất của dân tộc Trung Quốc. Ông dịu dàng, ôn hòa, nhân hậu, có tinh thần trách nhiệm lớn. Các bạn nữ nếu lấy chồng thì hãy chọn hình mẫu người đàn ông như Diêm Liên Khoa.
Các nhà văn Trung Quốc thường không được bình thường. Diêm Liên Khoa bình thường nhưng khi thể hiện thì lại không bình thường. Hiểu Diêm Liên Khoa thì hiểu được trí thức Trung Quốc, hiểu được về văn học Trung Quốc và hiểu được văn học Trung Quốc đối với thế giới. Tác phẩm của Diêm Liên Khoa không có sự vay mượn nào mà là có mối quan hệ máu thịt, thẩm thấu với văn học thế giới.
Trong buổi trò chuyện, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đưa ra những câu hỏi về sự tự do của nhà văn, cũng như chiều sâu về nghệ thuật, trong đó, Phạm Xuân Nguyên còn hỏi Diêm Liêm Khoa đánh giá thế nào về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Diêm Liên Khoa nói không nhiều về vấn đề này, nhưng ông ca ngợi “Nỗi buồn chiến tranh”. Diêm Liên Khoa cũng nói rằng, đây là lần đầu tiên và cuối cùng ông đến Việt Nam, bởi tuổi tác không cho phép, cũng như là ông ưa sự yên tĩnh, khi đã thích ở nơi nào đó, thì không muốn đi nơi khác.


Nguồn: Văn Hiến