Khi địa chủ Hồ Lê bị đem ra đấu, mặc dù thân phụ của ông là một cụ Tú, từng tham gia Quang Phục Hội, bị Pháp giam chết ở Lao Bảo. Nguyên do là từ đôi liễn khảm xà cừ, gỗ mít sơn son thiếp vàng mà cụ Tú để lại: “Vó ngựa Đằng Giang xin nối gót/ Thanh gươm Phù Đổng quyết ra tay!” Tội của “Hồ Lê là phiên âm ra chữ quốc ngữ, thành tội nặng, đại bất kính, đại nghịch bất đạo, thời phong kiến là chu di cửu tộc!” Thì người lên đấu chỉ trán Hồ Lê thét: “Mi chống Đảng mà còn cổ động hủy diệt Đảng… Chẳng phải mi muốn lấy vó ngựa của thằng Đặng Giang nào đó để xéo Đảng… lại còn hô hào thằng Phù Đổng nào đó ra tay cầm gươm chém Đảng…” Tòa án Nhân dân thì đâu có biết đôi liễn có trước 1920, khi chưa có Đảng! Và các vị “có mấy ai biết chữ, cho dù có biết chữ Bình dân học vụ, cũng không phân biệt Đằng Giang với Đặng Giang là cái mả mẹ gì…”



BẤT NGỜ LÀNG QUÊ

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Bất ngờ trước hết là với tác giả Phan Khánh (P.K), ở tuổi 85, chỉ viết văn bằng… “tay trái” - P.K vốn là một chuyên gia ngành thủy lợi - mà quá tuổi bát tuần liên tục công bố tiểu thuyết được dư luận chú ý. Thì đó, năm 2018, tôi vừa giới thiệu tiểu thuyết “Đỗ Thích kỳ án”, của anh trên báo “Văn nghệ”, nay P.K lại có “Làng quê buồn vui… thương nhớ…” một tiểu thuyết dày 450 trang khổ lớn. 
Bất ngờ nữa là bối cảnh được anh chọn làm “nguyên mẫu” chính là quê P.K, một làng quê nhỏ bên sông Phố (huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh) mà tôi từng qua lại nhiều lần. Vậy mà đọc tác phẩm của anh, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…
Đã đành, tiểu thuyết là hư cấu, nhưng hình như không chỉ với tôi và không chỉ một lần, tác giả nói về đứa con tinh thần của mình rằng: “Toàn chuyện có thật cả đó. Tôi chỉ đổi tên người và địa danh thôi…” Trong nghề văn, chúng ta thường nghe “ông ấy bịa như thật!”; đó là chỉ thuật ngữ gọi là “hư cấu”; với cuốn sách mới của anh Phan Khánh thì tác giả lại cố “thanh minh” là mình không bịa! Cái thú vị chính là ở đó. Tôi tin là không ít độc giả khi đọc sách sẽ nhiều lần bật cười rồi tự hỏi: “Tác giả có bịa không nhỉ?...”
Trong cuốn sách, tác giả chỉ kể chuyện làng mình theo lối “cổ điển”, chủ yếu theo trình tự thời gian quãng từ 1940 đến 1955, thỉnh thoảng có “hồi cố” chuyện thời “Xô Viết”… Như thế, nếu theo dòng sự kiện, thì không có chi lạ trong tác phẩm của anh P.K vì tất cả đã có trong “chính sử” - từ nạn đói 1945, đến Cách mạng Tháng 8, đi dân công chống Pháp, rồi đấu tranh giảm tô, cải cách ruộng đất, sửa sai…Điều thú vị là tác giả đã miêu tả các sự kiện đó với góc nhìn từ dưới lên - nhiều khi ngược với lệnh “trên bảo” - với vô số những nhân vật, chi tiết sinh động, đậm tính dân gian, buồn nhiều và vui cũng không ít. Bạn không tin, mở sách mà xem, đọc nhiều trang, không nhịn được cười.
Ví như dịp Tết Bính Tuất, Kiểm Phất quen mồm khi khấn lễ Trừ Tịch: “Duy Bảo Đại nhị thập niên…” liền bị đem ra xóm kiểm thảo vì còn tưởng nhớ phong kiến; nhưng Kiểm Phất chẳng phải tay vừa, chống chế: “Tôi khấn “Duy Bảo Đại thoái vị nguyên niên thì có gì sai nào? Trên đã chẳng nói Bảo Đại thoái vị là gì?” Thế là kẻ tố cáo phải xin lỗi…
Một chuyện khác: Sau vụ máy bay Pháp B26 ném mấy quả bom trong vùng, rộ lên tin đồn gián điệp nằm trong đám dân Bình Trị Thiên tản cư ra; thế là vào lúc gã thợ may Chắt Triêm cởi xong quần áo xuống sông tắm thì bị dân quân ập đến bắt vì cái quần đùi có 3 màu xanh-trắng-đỏ, đúng màu cờ Pháp, rõ là ám hiệu cho địch ném bom!...
Một chuyện nữa xảy ra ở làng Bằng, chỉ cách làng Bài của tác giả con sông Phố, khi địa chủ Hồ Lê bị đem ra đấu, mặc dù thân phụ của ông là một cụ Tú, từng tham gia Quang Phục Hội, bị Pháp giam chết ở Lao Bảo. Nguyên do là từ đôi liễn khảm xà cừ, gỗ mít sơn son thiếp vàng mà cụ Tú để lại: “Vó ngựa Đằng Giang xin nối gót/ Thanh gươm Phù Đổng quyết ra tay!” Tội của “Hồ Lê là phiên âm ra chữ quốc ngữ, thành tội nặng, đại bất kính, đại nghịch bất đạo, thời phong kiến là chu di cửu tộc!” Thì người lên đấu chỉ trán Hồ Lê thét: “Mi chống Đảng mà còn cổ động hủy diệt Đảng… Chẳng phải mi muốn lấy vó ngựa của thằng Đặng Giang nào đó để xéo Đảng… lại còn hô hào thằng Phù Đổng nào đó ra tay cầm gươm chém Đảng…” Tòa án Nhân dân thì đâu có biết đôi liễn có trước 1920, khi chưa có Đảng! Và các vị “có mấy ai biết chữ, cho dù có biết chữ Bình dân học vụ, cũng không phân biệt Đằng Giang với Đặng Giang là cái mả mẹ gì…”
Bạn đã “chịu” là phải phì cười chưa? Thôi, không dẫn chuyện “chính chị-chính em” nữa, biết đâu… có “ai đó” bày trò “phiên âm - phiên dịch” thì tác giả và cả người viết những dòng này không khéo sẽ bị… “đấu”! Nói cho vui - nhân đang dẫn mấy chi tiết vui vui anh P.K ghi lại - chứ đó là chuyện hơn nửa thế kỷ trước, thời còn lắm ấu trĩ và ngộ nhận; nay thì Đảng đã tuyên ngôn “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật” từ ngày Đổi Mới, cũng hơn ba thập kỷ qua rồi! Mà tác giả thì cũng “tuyên ngôn” là chỉ viết sự thật thôi! Còn nhiều chuyện vui nữa, như “vụ” vợ Phán Trộ bị bắt vì nghi đang buôn bán hay tiếp tế cho đối tượng bị bao vây, dân quân vừa thò tay “khua khoắng” chỗ nọ chỗ kia quanh người đẹp nổi tiếng thì chị “cởi phăng cả áo lẫn quần, hết dạng háng lại chổng mông hét như con điên: “Đây! Mả bố…” Tác giả viết thật đến mức tôi không dám trích hết câu! Rồi “vụ” ông Mới Hạnh, cố nông mới được chỉ định làm Bí thư, mò vô ngủ với con dâu Cửu Song có chồng là bộ đội, sau 8 đêm vẫn chưa thực hiện lời hứa xác nhận thành phần trung nông cho chị, đến lần thứ 9 thì bị bắt quả tang, khiến gã mất sạch các danh hiệu vẻ vang vừa được Đội trao cho 42 ngày!...
Thực ra, không ít chuyện vui trong sách ngẫm ra lại… buồn đến thắt ruột. Vì thế, tôi không dẫn ra chuyện buồn nữa, mặc dù trong văn chương, nhiều khi chính nỗi buồn đau lại làm nên tác phẩm lớn. Như “Truyện Kiều” mà chúng ta đều biết... Điều cần nói thêm là tác giả kể chuyện buồn vui làng quê mình với một tâm thế “nhớ thương” khôn nguôi của một ông già đang ở xa quê hương, không hề gợn chút oán thán hay mai mỉa. Nếu bàn về nghệ thuật, theo tôi, Cái Cười trong tác phẩm không phải do tác giả sử dụng thủ pháp giễu nhại, mà nó bật lên từ sự thật cuộc sống ở một làng quê còn không ít dấu tích phong tục cổ xưa, rồi phải trải qua “những cuộc bể dâu” vì những lầm lạc và ấu trĩ một thời chưa hẳn đã xa, khiến con người nếu không tha hóa thì tìm cách phản ứng bằng cách đùa cợt với cả những điều thiêng liêng…
Có thể sẽ có bạn bảo, ông giới thiệu một cuốn tiểu thuyết mà sao không nói đến một nhân vật nào cả? Trên thế giới từng có “trường phái” viết tiểu thuyết không cần nhân vật; anh P.K thì… ngược lại, quá nhiều nhân vật - nào là Lý Cựu, Hai Méo, Trùm Điều, Kiểm Phất, Dái Cương, Út Nông, Sĩ, Liên… rồi cụ Án, cụ Thương… - nên tôi đành “làm lơ”. Có thể xem đây là nhược điểm, đồng thời là nét đặc sắc của tiểu thuyết P.K. Nói theo thuật ngữ của các nhà kinh điển (khi bàn về nhân vật điển hình trong văn học, Hêghen từng nói “con người này” - tức là đòi hỏi nhân vật phải có cá tính đặc sắc , sống động) thì cũng có thể nói: nhân vật chính trong tác phẩm là “Cái làng Bài này”, phong phú, sinh động, không lẫn vào đâu được.
Tuy vậy, điều quan trọng hơn là đọc tác phẩm mới của P.K, có lẽ nhiều người “ngộ” ra mọi làng quê đất Việt đều ôm chứa một trữ lượng phong phú về văn hoá, lịch sử mà nếu biết khai thác, chúng ta sẽ thu được những giá trị bất ngờ… Trần Bảo Định - cũng là một tác giả viết bằng “tay trái” - đã làm được điều đó với cả chục tập truyện về miền đất Nam Bộ màu mỡ, phóng khoáng; và nay đến lượt “ông già” 85 tuổi Phan Khánh đã “cày xới” một vùng quê Trung Bộ tưởng là khô cằn mà hóa ra cũng lắm chuyện “vui vẻ”!