Trong những gương mặt thơ xuất hiện gần đây ở phương Nam, thi sĩ Trần Lê Khánh tạo được ấn tượng tương đối đậm nét với độc giả và đồng nghiệp. Khởi điểm, thi sĩ Trần Lê Khánh chỉ làm thơ lục bát và tự gọi tác phẩm của mình là “Lục bát múa”. Sau đó, liên tục hai tập thơ “Dòng sông không vội” và “Ngày như chiếc lá” ra đời, lại chứng tỏ thi sĩ Trần Lê Khánh có sở trường ở thể loại thơ ngắn.




TRẦN LÊ KHÁNH MỘT HÔM ĐÁNH RỚT THẢNH THƠI

LÊ THIẾU NHƠN


Tên tuổi Trần Lê Khánh được biết đến như một chuyên gia tài chính. Thơ gọi tố chất thi sĩ tiềm ẩn ở Trần Lê Khánh một cách ngẫu nhiên mà như có sự an bài của số phận. Thi sĩ Trần Lê Khánh sau tuổi 40 đã chọn thơ để làm đối trọng cân bằng với những thương vụ đầu tư căng thẳng và mệt mỏi “buồn ơi cởi áo đêm nay/ em cài bông tuyết khuy này lạnh run”. Tuy nhiên, nếu đọc thơ Trần Lê Khánh theo tiến trình nhập cuộc sáng tạo của tác giả, thì thơ đã giúp chính anh thấy được chính mình phía run rủi “hạt bụi tìm lại bản năng/ đi săn cho được chỗ nằm sạch trơn”.

Hai tập thơ “Lục bát múa 1” và “Lục bát múa 2” của Trần Lê Khánh chủ yếu là những bài hai câu, và không đặt tựa riêng. Đó cũng là một thú chơi, người đọc tự định dạng nhãn mác bao bì sau khi thưởng thức chất lượng sản phẩm. Lục bát càng ngắn càng khó viết, vì không có chỗ cho sự ầu ơ và sự đong đưa. Lục bát gói gọn hai câu, vỏn vẹn 14 chữ, thì thử thách nan giải là làm sao câu lục đừng buông tay câu bát. Nếu câu lục nói một đằng còn câu bát nói một nẻo, thì xem như gió thổi mây bay mịt mù ý tứ. Tính từng đơn vị mỗi bài hai câu, thì một cái khó nữa là tránh dùng lại những chữ hoặc những cụm từ đã quá quen thuộc. Ví dụ, 14 chữ mà vô tình hoặc cố tình đèo bòng “nghìn trùng xa cách” hoặc “một cõi đi về” hoặc “nửa hồn thương đau” thì cầm chắc hỏng cả những chữ còn lại. Thi sĩ Trần Lê Khánh đã tránh được điều này, dù đôi lúc anh lặp lại bản thân, như bài nọ đã có “Sương run run, cỏ run run/ Luân hồi ngọn gió trùng trùng nhân duyên” thì bài kia lại có thêm “Sương run run, cỏ run run/ Níu nhau ngọn gió lùng bùng đi qua”.

Cũng là lặp lại chữ của mình, nhưng lắm phen thi sĩ Trần Lê Khánh lại có được cặp lục bát thú vị hơn. Hai câu “Một lần đứng ở chân trời/ Bàng hoàng nhặt được những lời gió bay” hơi mông lung, không thể gây ấn tượng bằng hai câu “Người đi bỏ lại bầu trời/ Ai đem kim chỉ khâu lời gió bay”. Rõ ràng “lời gió bay” trước thì khá vu vơ, còn “lời gió bay” sau thì mang tâm sự!

So với những người có nghề viết lục bát, thi sĩ Trần Lê Khánh vẫn có chút lúng túng ở cách khơi mở sự dan díu giữa câu lục và câu bát. Cho nên cấu trúc bài thơ thường ngắc ngứ nơi câu lục. Chẳng hạn, “Em mang sương khói ra phơi/ Cho ngày thôi quạnh, cho trời thôi mây” không có gì khác biệt so với “Em mang dĩ vãng ra phơi/ Nắng vàng đồi lệ bay hơi về ngàn”.

Thi sĩ Trần Lê Khánh hào hứng khái niệm “Lục bát múa” với dự định cho câu lục và câu bát cùng bước vào một cuộc luân vũ ngôn từ chăng? Múa bằng một cái nhún chân, múa bằng một cái lắc eo, múa bằng một cái nghiêng vai… thì đơn giản, nhưng múa bằng một sự uyển chuyển giữa câu lục và câu bát thì đầy cam go. Cũng may, thi sĩ Trần Lê Khánh có những lần múa thành công, mà có thể kể đến các cặp lục bát: “Người đi mờ tiếng xa xa/ Trăng thu vùng dậy, nhận ra bóng mình” hoặc “Ngày như lá rời khỏi cành/ Đêm xô ngọn gió làm lành với cây”, hoặc “Tách chiếc lá ra khỏi thu/ Mang về cân lại hình như nặng lòng”.

Hai tập thơ “Dòng sông không vội” và “Ngày như chiếc lá” đa dạng hơn, và không hề thong dong nhàn nhã như tên gọi. Ngôn từ gấp gáp và ý tưởng cũng gấp gáp. Không khó hình dung, nhiều bài thơ được Trần Lê Khánh buông rơi vần điệu xuống bản thảo rất nhanh, như sợ không kịp với những suy tư sốt ruột của mình. Ngay cả thể loại lục bát trong tập thơ “Dòng sông không vội” cũng chuyển nhịp dứt khoát và táo bạo, ví dụ bài “Mưa cũ” thánh thót những tiếng gõ lên kỷ niệm: “Mưa làm gió ướt tả tơi/ Chưa đem vắt mà lại phơi làm gì/ Cành nặng vì lá ra đi/ Lòng nặng vì ném tình si vội vàng/ Khác gì giặt sạch hồng nhan/ Có ai khiến được hoa tàn phút giây/ Mây nặng vắt gió lên cây/ Vài hạt mưa cũ lung lay thì buồn” hoặc bài “Ngày về của mây” bồng bềnh theo nhung nhớ mù khơi: “Hàng cây từ thuở đứng im/ Em về phố cũ rêu tìm cánh bay/ Gió ru chiếc lá trên tay/ Bỏ rơi giọt nắng cay cay mắt buồn”.

Bước ra khỏi thế giới kinh doanh với những toan tính mua bán và sáp nhập, thi sĩ Trần Lê Khánh không có ý định dấn thân vào giới sáng tạo văn chương mà thi ca bỗng dưng đeo bám anh “nhìn trăng đáy nước/ mây nặn bóng mình/ đêm trong lòng/ ai mượn hình dong”. Thi ca vừa lấy đi của anh chút sức lực, vừa cho anh cơ hội trút bỏ bao nhiêu muộn phiền, lúc bần thần “trăm năm rồi/ tiếng chuông chiều/ rót không đầy/ gợn gió phiêu phiêu” và cả lúc xôn xao “mây/ vào mùa sinh nở/ rủ nhau làm tổ/ cho những hạt mưa”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thơ Trần Lê Khánh luôn vụt ra những lóe sáng vẫn được giấu kín giữa ngổn ngang: “Ngày em về/ Con đường mòn thức dậy/ Dãy núi úp mặt vào bật khóc/ Bên kia hư vô”. Những câu thơ ngỡ chừng không liên quan gì mật thiết, lại đặt cạnh nhau mà thành một nỗi xao xác!

Thơ ngắn của thi sĩ Trần Lê Khánh là kiểu thơ lý tính. Cảm xúc dẫu chênh chao thế nào vẫn được điều chỉnh bằng óc sáng tạo. Câu mông lung và câu hờ hững chỉ tạo đà cho câu phát hiện: “Rừng xưa giấu bớt cây/ Sóng khua cơn gió đuổi/ Đêm mùa đông không tuổi/ Dấu lửa chờ bên thông”. Chính câu thơ thứ tư đã kéo cả ba câu trước vào một niềm riêng xao xuyến!

Thi sĩ Trần Lê Khánh không chỉ dùng cách tương tác giữa các dữ kiện để gửi gắm ý niệm băn khoăn, như bài “Vệ thần” xâu chuỗi những câu ngắn gọn: “Căn phòng/ Bình hoa/ Mùi đêm/ Ngây dại/ Hoa hồng vàng đã lành vết sẹo/ Trên những chiếc gai”, mà anh còn khéo léo sắp xếp những thi ảnh để có tứ thơ, như bài “Bẫy trăng” nhiều giăng mắc: “Đêm đó/ Em rủ anh đi bẫy trăng/ Bằng vũng nước con con đầu ngõ/ Anh cười/ Rằng trăng chỉ thích biển hồ sông suối/ Thích dạ khúc buông trô/ Ngọn đèn buồn rượi/ Đêm đêm giả vờ đứng im/ Giăng bầy thiêu thân bay về nhìn/ Rơi vào vũng nước/ Bẫy em”. Từ bẫy trăng đến bẫy em là một sự hoán đổi thú vị!

Trong thể thơ tự do, thi sĩ Trần Lê Khánh có kỹ năng ngắt câu khá hợp lý. Có những chữ chỉ nằm một mình nhưng đóng vai trò quyết định cho toàn bộ thẩm mỹ bài thơ. Chẳng hạn, bài thơ “Nàng” đặt trọng điểm vào chữ cuối cùng: “Em đi ngang/ Thu đỏ dần/ Gió chảy dưới dòng sông/ Con cá nằm mơ đeo chiếc lục lạc hồng/ Ngân”. Hình ảnh “gió chảy dưới dòng sông” tương đối ấn tượng, nhưng chữ “ngân” mới phản ánh được sự lan tỏa của cái đẹp!

Đọc thơ Trần Lê Khánh, đôi khi phải đọc thật chậm và thật kỹ, thì may ra không để sót những câu thơ hay được cài đặt ở mỗi bài. Ở bài “Gần tới chân trời”, sau những câu khô khan là một câu run rẩy: “Mưa ướt thành phố bạc/ Ướt những chiếc lá và lòng cây/ Hình như, ướt luôn bộ rễ gầy/ Đau lòng hơn/ Ướt cả hạt nắng em phơi khô từ tiền kiếp”. Hoặc bài “Thôi” có bốn câu nắc nỏm: “Trời đỏ/ Đêm nhạt dần/ Linh hồn mỏi/ Trên những vết son”. Chỉ cần hai câu thơ “ướt cả hạt nắng em phơi khô từ tiền kiếp” và “linh hồn mỏi trên những vết so” đã hiển lộ đầy đủ một phẩm chất thi sĩ!

Thơ Trần Lê Khánh có ưu điểm về sự liên tưởng và sự khái quát. Do đó, hình như trong tiềm thức của tác giả đã khước từ sự diễn giải. Những bài thơ dài, với khoảng vài chục câu, thì Trần Lê Khánh viết hơi tản mát. Thậm chí có lúc ý tứ chuồi ra ngoài bài thơ. Đơn cử, bài “Mùa đông mỏng” nếu cắt gọt bớt những chỗ lan man thì có được mấy câu đáng thảng thốt: “Mùa đông như giải lụa/ Về trên thành phố rồi…/ Bên đường nhặt chiếc lá/ Chợt thấy mỏng bàn tay”.

Nói đến tài thơ thì phải nói đến năng lực dùng chữ. Nếu dùng những chữ sáo mòn thì ngôn ngữ chỉ còn giá trị âm thanh, mà không thể gánh vác được hai sứ mệnh thăng hoa của thi ca là sự nhận thức và sự tưởng tượng. Tính từ và động từ có rung vang cỡ nào cũng không bằng hình dung từ đặt đúng vị trí. Trần Lê Khánh dùng chữ “nuốt ực” để giúp bài thơ “Dòng sông không vội” còn lại dư vị: “Cánh hạc/ Chia đôi cánh đồng/ Bờ đông hoa rực/ Nuốt ực giọt phù sa”. Và Trần Lê Khánh dùng chữ “hầm hập” để giữ bài thơ “Khói” lung linh không gian huyền ảo: “Sân đình chật người/ Khói nghi ngút bao la/ Khuôn mặt hoa hầm hập đỏ/ Em cởi hư không/ Lau nhẹ  giọt mồ hôi/ Cho con kỳ lân đá”.


Thi sĩ Trần Lê Khánh định nghĩa “Thơ” bằng bốn câu ngắn gọn: “gió lạnh quá/ lời thì thầm/ trốn trong tai em/ lâu hơn một chút”. Bao nhiêu câu thơ của thi sĩ Trần Lê Khánh có thể trốn vào trong tai những khách tri âm? Vẫn chưa định lượng được, nhưng anh thong dong với cuộc tìm kiếm cái đẹp vừa hồi hộp vừa vô vọng “một hôm đánh rớt thảnh thơi/ ôi đời thêm nhẹ như lời chia ly”./.