Đọc nhật ký
Nguyên Hồng, người đọc còn nhận ra sự day dứt của ông với nghề viết. Trong nhật
ký ngày 2-3-1948, nhà văn Nguyên Hồng viết: “Sự ồn ào, hèn nhát của một lối sống
nông nổi, ích kỷ thật đã cảm thấy hơn bao giờ hết và không thể nào còn được nữa.
Cần gì phải viết vào lòng bàn tay một câu “nguyền” - Nhưng không! Cứ phải nguyền
đi. Nguyền một cách rứt thịt mình ra, nếu không cắn răng lại mà nhìn sâu vào
mình, vào sự thật”.
TÌNH VĂN NGHỆ
TRONG NHẬT KÝ NGUYÊN HỒNG
HOÀNG THU PHỐ
Không chỉ là tác
giả của những cuốn tiểu thuyết đồ sộ với ngòi bút thường nghiêng về những phận
người yếu thế, bần cùng trong xã hội, nhà văn Nguyên Hồng còn là người có đời sống
nội tâm phong phú. Ông giữ thói quen ghi nhật ký rất đều, như là một hoạt động
bắt buộc hằng ngày. Bên chén trà xuân, cạnh đó là một bình thược dược hay cành đào
phai, đọc cuốn “Nhật ký Nguyên Hồng” còn thơm mùi mực trên tay, thấy thấp
thoáng cả một thời kỳ văn nghệ nước nhà. Ở đó, nhà văn Nguyên Hồng như một con
ong cần mẫn, ông ghi chép lại tỉ mỉ những sinh hoạt hằng ngày, những chuyến đi,
những cuộc gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè văn nghệ. Để tới ngày hôm nay, gần
40 năm sau ngày ông mất, những trang nhật ký ấy cho người đọc thấy chân dung
Nguyên Hồng, và không chỉ thế...
Đánh thức những cuốn sổ nhuốm bụi thời
gian
Cuốn “Nhật ký
Nguyên Hồng” dày tới 650 trang, khổ 15,5x23cm, được NXB Trẻ ấn hành nhân kỷ niệm
100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng (5-11-1918/ 5-11-2018). Cầm cuốn sách
trên tay, nhiều độc giả không khỏi giật mình vì hóa ra, những gì ta thấy về một
Nguyên Hồng với “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”, “Cửa biển”… chỉ giống như “phần nổi”
của một tảng băng. Còn có một phần khác, vẻ như chìm khuất, đó là những cuốn sổ
nhật ký, những di cảo ông để lại.
Để có được cuốn
sách này, phải cảm ơn các con gái của nhà văn Nguyên Hồng là dịch giả Nguyễn Thị
Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam. Hai ái nữ của nhà văn đã quyết định công bố một
phần quan trọng những trang nhật ký được Nguyên Hồng viết từ năm 1941- khi ông
mới đến với Cách mạng, cho tới năm 1982 - với cuốn sổ nhật ký mà nhà văn mới kịp
ghi ở trang đầu “Nguyên Hồng, 16-4-1982” (chỉ ít ngày sau, ngày 2-5-1982, nhà
văn Nguyên Hồng đột ngột ra đi ở tuổi 64). Cuốn sách được chọn lọc từ rất nhiều
cuốn sổ tay của Nguyên Hồng, nhiều trang bị mờ, bị ướt, hoặc bị mối xông - như
cuốn sổ ghi năm 1952 chẳng hạn.
Dịch giả Nguyễn
Thị Thanh Thư là người dành nhiều thời gian cũng như cả sự đắn đo để công bố nhật
ký của cha mình, chia sẻ: “Suốt gần nửa năm, từ khi bắt tay làm cuốn “Nhật ký
Nguyên Hồng” tôi đã sống trong không khí tràn ngập những con chữ của cha tôi,
và từ những con chữ đó là những đoạn đời của ông, căng phồng những vất vả, lo
toan, những đam mê, sướng vui và buồn tủi…”.
Không chỉ là tác
giả của những cuốn tiểu thuyết đồ sộ với ngòi bút thường nghiêng về những phận
người yếu thế, bần cùng trong xã hội, nhà văn Nguyên Hồng còn là người có đời sống
nội tâm phong phú. Ông giữ thói quen ghi nhật ký rất đều, như là một hoạt động
bắt buộc hằng ngày.
Tất nhiên, lúc
thong thả, ngòi bút của ông viết kỹ lưỡng, dạt dào cảm xúc; khi vội, ông thuần
túy ghi lại sự kiện, cuộc gặp một cách ngắn gọn, với thời gian, địa điểm và tên
người, thậm chí không quá quan tâm đến câu cú, chính tả…
“Qua những trang
nhật ký của ông, hiển hiện cả một thời đại, sống động và chân thực. Đặc biệt là
đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Qua những
trang nhật ký này, chúng ta có thể phần nào biết được các nhà văn thế hệ ấy, họ
đã sống và viết như thế nào” - dịch giả Thanh Thư chia sẻ.
Tất nhiên, trong
vai trò là người chắp nối, dựng lên cuốn “Nhật ký Nguyên Hồng”, hai ái nữ của
nhà văn còn là người thay mặt cha để chú dẫn cho những câu chuyện ông đề cập mà
người đọc bây giờ khó hình dung ra bối cảnh, hay nhân vật được đề cập. Cũng vậy,
hai chị còn thay mặt nhà văn để "gác lại" những câu, những đoạn nhật
ký mà theo các chị, có phần "nhạy cảm", "động chạm" đến một
người nào đó đang còn sống hoặc con cháu họ, và cả những đoạn quá riêng tư về
gia đình cũng không được công bố.
Sống động những câu chuyện một thời văn
nghệ
Trải dài hơn 40
năm, “Nhật ký Nguyên Hồng” mang tới cho người đọc những ghi chép sống động và
chân thực về một đời văn, với những nghĩ suy, trăn trở với nghề với người.
Không màu mè câu chữ, không đắn đo, vòng vo, trong nhật ký của mình, nhà văn
Nguyên Hồng cho người đọc thấy được nhiều câu chuyện của đời sống văn nghệ
thông qua những sinh hoạt văn chương, những cuộc gặp gỡ, chuyện trò với các bạn
văn chí cốt như Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, rồi có cả những
câu chuyện liên quan đến Tố Hữu, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi,
Phan Tứ, Bùi Hiển, Văn Cao…
Ví như ngày
30-10-1954, nhà văn viết: “Tôi nhận được tạp chí Văn nghệ. Nghĩ lại những ngày
sống với cụ Tố (nhà văn Ngô Tất Tố - PV). Cái dáng đi vất vả, vai đeo cái cặp
quần áo có cả chăn màn, tay chống gậy, đi biền biệt trên đèo Khế và con đường Bắc
Giang - Đại Từ, bờ sông Máng, lúc nắng hè, chẳng sợ tàu bay gì cả! Sau đây, khi
trở lại những Cao Thượng, Hồng Kiều, Hoàng Hà, lại thêm bao nhiêu kỷ niệm dính
tôi vào với đất Bắc Giang. Tôi sẽ viết một loạt bài về những anh em bạn viết đã
khuất, giới thiệu đầy đủ hơn, để cố làm nổi lên hình ảnh những trí thức chiến đấu
của cách mạng và kháng chiến”.
Trang nhật ký
ngày 21-2-1961, nhà văn Nguyên Hồng viết: “Họp nghe Nguyễn Đình Thi phổ biến về
sáng tác. Trưa ăn cơm ở cơ quan. Chiều bác Ngọc, Thắng, Tiếu thết cơm. Tôi cùng
vợ chồng Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Kim Lân đi xem mấy cuốn trong A Phủ. Phim chưa
có tiếng nhưng rất thú. Về nhà Nguyễn Tuân uống rượu. Say quá. Ngày A Phủ. Nguyễn
Tuân, Tô Hoài và tôi ký vào chai Condonronge Mum và Champagne để kỷ niệm. Tôi
say quá. Nghe thêm những đĩa hát của Đàm Mộng Hoàn, Chu Thị Năm. Đến 2 giờ mới
tan tiệc rượu bất thường này”.
Còn ở nhật ký
ngày 24-1-1968, Nguyên Hồng ghi: “Một buổi trưa, Đỗ Chu kéo tôi đi ăn ở chợ
Hàng Da, cơm phiếu, mua thêm cá mè kho, và được ông đầu bếp cửa hàng mua thêm 6
cốc bia hơi vì thấy tôi là “bố” bộ đội, còn ông cũng có con đi bộ đội. Chiều
hôm ấy, tôi đi ăn cơm với Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bảo Định Giang ở hàng chú Và,
sau ra uống bia chai và ăn bánh ngọt ở hàng Thủy Tạ. Tô Hoài cho tôi 3 cái bánh
xốp. Tôi suýt say, mừng quá! Về nhà lại đọc sách khuya. Tôi định đưa chân Tô
Hoài nhưng anh bảo có hẹn…”.
Cứ như thế, nhật
ký Nguyên Hồng mang đến cho người đọc những câu chuyện văn nghệ về một thời kỳ
khó quên. Qua đó người đọc thấy được cái tình của giới văn nghệ giữa những ngày
khốn khó.
“Sáng tác! Thật là rứt thịt mình ra”
Đọc nhật ký
Nguyên Hồng, người đọc còn nhận ra sự day dứt của ông với nghề viết. Trong nhật
ký ngày 2-3-1948, nhà văn Nguyên Hồng viết: “Sự ồn ào, hèn nhát của một lối sống
nông nổi, ích kỷ thật đã cảm thấy hơn bao giờ hết và không thể nào còn được nữa.
Cần gì phải viết vào lòng bàn tay một câu “nguyền” - Nhưng không! Cứ phải nguyền
đi. Nguyền một cách rứt thịt mình ra, nếu không cắn răng lại mà nhìn sâu vào
mình, vào sự thật”.
Nguyên Hồng thường
ví sáng tác như là “rứt thịt mình ra”. Điều này, trong nhật ký, có thể gặp ở
nhiều đoạn. Ví như ngày 31-3-1948, nhà văn kể: “Xuân Diệu đến chơi. Tôi lại phải
bỏ dở viết. Các con bạn tôi và của tôi khóc quấy. Tôi lại phải xuống quán uống
rượu”. Rồi nhà văn Nguyên Hồng như muốn kêu thật to trong nhật ký: “Khổ vì viết
quá! Sáng tác! Thật là rứt thịt mình ra”.
Qua cuốn nhật ký
này, Nguyên Hồng còn cho thấy ông là một người sống tình cảm, hay lo cho gia
đình, đồng thời là người quan sát rất kỹ hiện thực đời sống, nhất là những vùng
đất ông mới đến, những con người ông mới gặp gỡ. Với nghề viết, ông thường khắt
khe, tự làm khó mình để thực hiện những kế hoạch đã định, bất kể cuộc sống có
khốn khó thế nào…
Không chỉ mang tới
cho độc giả mến mộ tác giả “Bỉ vỏ” những dòng nhật ký sinh động, giới nghiên cứu
văn chương có thể tìm thấy ở đây thêm tư liệu, câu chuyện văn chương. Những
trang nhật ký còn đem lại cho những người thân trong gia đình ông nhiều bất ngờ.
“Qua nhật ký, tôi mới biết rằng trong những ngày chữa bệnh ở Nam Ninh, Trung Quốc,
cha tôi và nhà thơ Chế Lan Viên đã là một đôi bạn thân thiết. Hai ông thường
cùng đi dạo, cùng đàm đạo về văn chương, cùng chia sẻ chuyện nhà, chuyện viết”-
con gái nhà văn chia sẻ.
Nhật ký Nguyên Hồng
khép lại ở ngày 10-10-1981. “Chữa xong bài cho Tạp chí Cửa biển. Về nhà, ăn cơm
xong, chiều nay Nhã mua được hai lạng thịt giá cao. Nhìn vào buồng thấy Nhã
đang hình như tính và đếm tiền ở mép giường. Tâm trí tôi chợt quặn lại vì nghĩ
đến mẹ tôi trước đây cũng lụi hụi ở dưới bếp đếm từng đồng hào giấy tiền bán khế
cho trẻ con. Nhã đi “móc” (len) thuê, mỗi tháng chừng được 4đ00”.
Đó là những ngày
ông còn sống ở Cầu Tre - Hải Phòng. “Chép lại nhật ký của cha như được nghe cha
kể những chặng đường gian khổ mà lòng quặn thắt” - con gái nhà văn chia sẻ khi
cuốn nhật ký khép lại.
Vậy là sau
"Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng" do con trai ông công bố, người đọc lại có
thêm một "Nhật ký Nguyên Hồng" dày dặn. Lý giải vì sao chỉ công bố những
trang nhật ký của Nguyên Hồng bắt đầu từ năm 1941, dịch giả Thanh Thư thừa nhận,
đến thời điểm này, chị cũng mới chỉ có trong tay những ghi chép của cha mình từ
thời điểm đó. Trước đó, nhà văn Nguyên Hồng có viết nhật ký hay không? - đó là
một câu hỏi mà chính những người thân trong gia đình nhà văn Nguyên Hồng cũng
đang mong chờ được những bạn văn của ông, các nhà nghiên cứu, sưu tập cùng chia
sẻ.
Nguồn: Văn Nghệ
Công An