Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà đề nghị: “Hoặc là Bộ Trưởng cúi đầu xin lỗi nhân dân và từ chức! Hai là khắc phục sớm nhất vấn nạn bạo lực học đường trước khi đọc bản thành tích và rao giảng về nghề giáo là nghề cao quý nhất. Cá nhân tôi, ủng hộ Bộ Trưởng chọn cách thứ hai hơn. Thay đổi từ hệ thống, từ bên trong ""máu"" không phải chỉ khắc phục biểu hiện. Một ông hiệu trưởng bị đình chỉ, vài trăm ông hiệu trưởng bị đình chỉ thì mọi chuyện vẫn tồi tệ nếu Bộ Giáo Dục vẫn giữ tư duy cũ




.
Tôi – Nguyễn Thị Việt Hà – Công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sống và làm việc theo pháp luật; 14 năm làm nghề giáo, dù đã bỏ nghề vẫn luôn luôn làm giáo dục bằng cách này hay cách khác trong suốt gần 20 năm qua.
Tôi, một người mẹ có hai con đang độ tuổi đến trường.
Tôi tha thiết, yêu cầu, đề nghị, kêu gọi:
1.
 Những người đứng đầu Bộ Giáo Dục, cụ thể là Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các cộng sự hãy tự trọng, nhìn thẳng và rõ vấn đề, thoát khỏi cơn ảo tưởng về thành tích giáo dục, hãy thừa nhận cái ác đang từng ngày len lỏi vào trường học, tội phạm độ tuổi thanh thiếu niên ngày càng nhiều. Đặc biệt “Bạo lực học đường” không còn là vấn nạn, đó là tội ác! 
Rời khỏi bàn giấy đọc báo cáo, thoát khỏi sự dẫn lối của các cố vấn, đừng treo khẩu hiệu quá nhiều trong các trường học, đừng ngồi tìm giải pháp. Hãy tự mình nhìn thực trạng, hãy nhanh chóng tìm ra giải pháp và giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.
Hoặc là Bộ Trưởng cúi đầu xin lỗi nhân dân và từ chức! Hai là khắc phục sớm nhất vấn nạn bạo lực học đường trước khi đọc bản thành tích và rao giảng về nghề giáo là nghề cao quý nhất. Cá nhân tôi, ủng hộ Bộ Trưởng chọn cách thứ hai hơn.
Thay đổi từ hệ thống, từ bên trong ""máu"" không phải chỉ khắc phục biểu hiện. Một ông hiệu trưởng bị đình chỉ, vài trăm ông hiệu trưởng bị đình chỉ thì mọi chuyện vẫn tồi tệ nếu Bộ Giáo Dục vẫn giữ tư duy cũ.

2.
 Cha mẹ đừng sống thay, làm thay cho con bất cứ thứ gì! Kể cả tìm cách tháo chạy, chịu lỗi cho con. Hãy dạy con cách phòng vệ, chống lại cái ác, cái xấu. “Hiền” đúng lúc, “dữ” đúng chỗ, biết dũng cảm chống cái sai, bảo vệ cái đúng và xa rời tội lỗi. Hãy để con tự chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Hôm nay con lột quần đánh bạn, ngày mai con nhục mạ và đánh bạn nhiều hơn, sẽ có ngày con cầm dao giết người. Đó là quy luật phát triển của tội ác.
Cha mẹ hãy làm bạn với con và thôi áp đặt con theo lối sống của mình. Hãy để trẻ được nói lên tiếng nói của trẻ và sống cuộc đời của nó. Học giỏi không hẳn trở thành người thành công và hạnh phúc. Con có quyền học dốt nhưng kỹ năng sống phải đầy đủ.
Hãy tự cứu con mình bằng cách trao cho con sức mạnh nội lực. Đừng tin nhà trường, xã hội, và ngay cả chúng ta bảo vệ được con. Chỉ có con mới tự bảo vệ được mình!

3.
 Kính thưa các thầy cô giáo. Lương có thể chưa đủ nhu cầu sống, nhưng đó là nghề các thầy cô đã chọn. Tri thức không phải là tất cả. Tất cả những gì thầy cô dạy trẻ là dạy trẻ biết Làm Người. Hãy đối diện với tất cả học sinh bằng mọi lòng bao dung, nghiêm khắc, trách nhiệm. Đừng e ngại bất kỳ điều gì làm ảnh hưởng thành tích của cá nhân mình. Hãy là bến bờ của tình yêu và hy vọng, cho “hoa thơm lấn dần cỏ dại”. 
Hãy tự rời khỏi bục giảng khi nhận ra mình chọn nhầm nghề.
 
4.
Các bạn của tôi. Đừng chửi vu vơ nữa. Đến lúc mọi chửi bới không còn tác dụng gì, nếu có chỉ khiến bọn trẻ say máu tội ác mà thôi. Hãy làm điều gì đó thiết thực hơn cho chính con em mình hoặc cùng nhau làm bản kiến nghị gởi đến chính phủ yêu cầu Bộ Giáo Dục nhìn thẳng vào thực tế, giải quyết nạn bạo lực học đường.
Khi tội ác đã len rộng vào trường học thì chăng còn nơi nào an toàn cho bọn trẻ của chúng ta nữa.