Dù sự nhiệt tình tấn công nạn đạo thơ không thể phủ nhận, nhưng báo Tiền Phong vô tình lại trở thành diễn đàn miễn phí cho nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu khoe tài khoe cán một cách thiếu kiềm chế. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tự hào chất ngất về hai chữ “phồn sinh” mà ông cho rằng ông có công khai sinh: “Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định “phồn sinh” không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng từ này chưa? Họ trả lời là chưa”. Đồng thời, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cũng tranh thủ hào hứng đả kích đồng nghiệp: “Tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình. Ngược đời hơn, ông Đinh Sỹ Minh còn bắn tin với bạn sẽ kiện Linh Khiếu vì tội “đạo chữ”. Sự thật có phải như vậy không? Xin nghe sự phản biện của những người có liên quan...





THƯ NGỎ gửi ông Nguyễn Linh Khiếu và ông Tổng Biên tập báo Tiền Phong!
Kính thưa hai ông!
Tôi là dân cày cuốc không có ý định tranh đua tranh chữ với các ông, nhưng vì trong bài “Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” trên số báo Tiền Phong ra ngày 03.03.2019, các ông có nói đến việc Tập thơ PHỒN SINH của tôi rằng tên sách PHỒN SINH là ăn cắp chữ của ông Nguyễn Linh Khiếu, và có ý kiện ngược ông Nguyễn Linh Khiếu. Tôi buộc phải viết mấy dòng gửi tới các ông.
XIN CHỮ
Tôi khẳng định tôi không bắn tin và cũng không có ý định kiện ai như bài báo đã đưa tin, Tôi là THỢ CÀY KIÊM MÓT CHỮ, chỉ là con mọt bê tông cốt thép chứ không phải Mọt chữ như các nhà thơ, nhà văn chuyên sống bằng nghề viết. Chỉ là mót chữ yêu thơ ( vì thế nên cũng nghèo chữ, cũng có lúc phải đi xin chữ nếu thấy cần, chứ tuyệt đối không bao giờ ăn cắp)
Yêu thơ nên cũng đã xuất bản được ba tập thơ, tập đầu THĂM THĂM BÓNG LÀNG - 2015 (NXB Hội nhà văn) tên sách tôi xin chữ nhà thơ Trần Quang Quý.Tập 2 NHỐT ĐAM MÊ tôi xin chữ cố nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (Chữ NHỐT ĐAM MÊ, anh Tạo lấy trong câu thơ "NHỐT ĐAM MÊ tận đáy tiễn em" của bài thơ TIỄN THÁNG BA của tôi). Và tập PHỒN SINH, tôi xin chữ nhà thơ Vương Tâm. Như vậy tên PHỒN SINH là do nhà thơ Vương Tâm cho tôi ( nhà thơ Vương Tâm bảo ông cũng lấy 2 chữ này trong câu thơ "Chưa thôi mong ngày sỏi đá cũng PHỒN SINH", trong bài thơ SỎI của tôi). Tôi không hề biết ông Nguyễn Linh Khiếu đã có tác phẩm PHỒN SINH trước hay sau tôi.
                                              Công trường Hải Phòng, 5-3-2019
                                                    ĐINH SỸ MINH



Ý kiến của Nhà thơ VƯƠNG TÂM

Tôi được nhà thơ Đinh Sỹ Minh nhờ đọc tập thơ sẽ xuất bản trong năm 2018. Tên tập thơ của anh đặt không hay. Tôi thấy chất lượng tập thơ rất khá. Nhưng thấy tên sách, tác giả đặt không bật ra được cho xứng với tập thơ. Tôi lại đọc lại từng bài. Chộp được chữ "phồn sinh" trong bài thơ "Sỏi" của anh. Tôi bèn lấy hai chữ đó đặt lại tên tập thơ của Đinh Sỹ Minh. Thật ra tôi cũng không hề biết nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã viết trường ca có tên "Phồn Sinh”. Hơn nữa nó lại chưa xuất bản chính thức. Tôi càng không biết. Nên không có sự gian lận ở đây khi tôi đặt tên cho tập thơ của nhà thơ Đinh Sỹ Minh.
Chữ "phồn sinh" trong bài thơ "Sỏi" của anh Đinh Sỹ Minh hết sức tự nhiên trong câu. Phải nói đầu tiên tôi nghĩ đến hình ảnh sỏi đá của Trịnh Công Sơn cơ. Nhưng sáng tạo của nhà thơ Đinh Sỹ Minh hoàn toàn mới trong tứ thơ. Anh là một kỹ sư xây dựng có thực tế nên chữ "phồn sinh" được bật ra từ bao năm tháng anh lặn lộn trên công trường. Tôi nghĩ nhà thơ Đinh Sỹ Minh cũng như tôi không hề biết nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có bản thảo tập trường ca mang tên này. Vậy nên nghi vấn việc lẫn lộn về chữ "phồn sinh" đối với nhà thơ Đinh Sỹ Minh là oan uổng và vội vàng.
Lại nữa hai chữ "phồn sinh" tưởng như lạ nhưng thực ra không phải mới. Khi đặt tên tập thơ này giúp cho nhà thơ Đinh Sỹ Minh, tôi có tìm hiểu hai chữ này. Tách ra từng chữ đều có ý nghĩa riêng và độc lập. Nhưng chúng lại gần nhau và tạo cụm ngữ rất ổn (tôi mong các nhà ngôn ngữ thông cảm với sự non nớt của tôi). Vì đây là cảm giác sáng tạo của nhà thơ. Nên việc ghép hai từ này, ai cũng có thể làm được. Khi hợp cảnh hợp tình. Chứ không phải chữ của riêng ai.
Hơn thế, chỉ một từ lại ám nghĩa nữa, nên chẳng phải quá đặc sắc. 

Hai chữ này ở cuối một câu thơ
Nó bật ra từ tứ thơ "Sỏi". Có ý nghĩa tồn tại, phát triển ẩn sâu trong hình ảnh hòn sỏi trong việc xây dựng những công trình. "Phồn sinh" của nhà thơ Đinh Sỹ Minh là thế. Tự nhiên bật ra rất đắc địa. Vậy nên có tính sáng tạo độc lập. Tôi tìm ra hai từ đó trong bài thơ của Đinh Sỹ Minh, cũng chẳng phải tài ba gì. Chỉ là sự mách lẻo, chơi chữ mà thôi. Vì tất cả đều là của Đinh Sỹ Minh làm nên!