Quan điểm của đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh: “Điện ảnh Việt Nam ngày nay đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa và lai căng (lai Hàn Quốc, lai Hollywood…). Trách nhiệm trước thực trạng này trước hết là thuộc về Nhà nước. Không thể xã hội hóa cả việc định hướng cho một môn nghệ thuật quan trọng như Điện ảnh được. Ở đây, khu vực tư nhân không có lỗi gì. Họ được phép làm bất cứ gì để kinh doanh kiếm lời miễn luật pháp không cấm. Mà Luật điện ảnh thì không có điều khoản nào cấm làm phim thương mại, phim làm theo kịch bản nước ngoài (Cục Điện ảnh còn cho phép các phim gọi là remark này dự thi và trao giải)”.
PHÁC HỌA BỨC TRANH XÃ HỘI HÓA TRONG ĐIỆN ẢNH
ĐẶNG NHẬT MINH
...Trong các hoạt động văn học nghệ thuật hiện nay ở nước ta thì như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội ngày 2-11-2018: Xã hội hóa tức là Tư nhân hóa. Việc xã hội hóa hay tư nhân hóa trong điện ảnh bắt đầu từ năm 2008, mà biểu hiện rõ nhất bằng sự ra đời các hãng phim tư nhân trong sản xuất phim cũng như trong phát hành phim, nhập khẩu phim. Quá trình xã hội hóa trên đã tạo ra một diện mạo mới mẻ cho điện ảnh ở các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… Số lượng phim sản xuất hàng năm tăng đột biến từ 15-20 phim thời bao cấp nay đã có tới 70-80 phim/năm. Đề tài phim đa dạng từ lịch sử, dã sử đến kinh dị, võ thuật, tình cảm, hài… đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. Kỹ thuật quay phim tiên tiến, chất lượng hình ảnh và âm thanh của các phim ngày càng nâng cao. Việc khai trương hệ thống rạp chiếu phim theo mô hình hiện đại của các nước phát triển như Cinebox (một cụm rạp chiếu phim trang thiết bị hiện đại, có thể thực hiện được nhiều chương trình phim khác nhau) hoặc Cineplex (cụm rạp chiếu phim được đặt trong tổ hợp thương mại, khu vui chơi giải trí) làm cho số lượng người đến rạp xem phim ngày càng đông, doanh thu chiếu phim không ngừng tăng (ước tính hơn 100 triệu USD/năm). Số lượng phim ngoại nhập trung bình khoảng 150 phim/năm, chủ yếu là phim Mỹ, Hàn Quốc (trước đây chỉ có vài chục phim nhập từ Liên Xô và các nước XHCN). Có thể nói, trong các lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật thì điện ảnh là lĩnh vực đi tiên phong trong việc xã hội hóa. Đến nay, mặc dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam tại số 4 phố Thụy Khuê (Hà Nội), nhưng chủ trương cổ phần hóa hãng phim cuối cùng này của Nhà nước không có gì thay đổi. Chỉ khác là phải tìm cổ đông chiến lược thích hợp hơn mà thôi.
Như vậy, có thể nói là điện ảnh Việt Nam đã được xã hội hóa 100%. Nhờ có xã hội hóa, bức tranh điện ảnh ngày nay thật phong phú, đa dạng. Sinh hoạt điện ảnh là sinh hoạt sôi nổi nhất so với các lĩnh vực hoạt động văn hóa văn nghệ khác, với các buổi ra mắt phim mới có sự tham dự của giới showbiz, các lễ trao giải thưởng tại các Liên hoan phim với các màn khai mạc, bế mạc, diễn viên mặc trang phục dạ hội đi trên thảm đỏ… được tổ chức rầm rộ, có truyền hình trực tiếp. Các liên hoan phim quốc tế được tổ chức ở Hà Nội đã tạo ra một không khí háo hức sôi nổi trong sinh hoạt điện ảnh nước nhà. Những nhà làm phim cũng như khán giả Việt Nam có dịp được tiếp xúc với những người làm phim và nền điện ảnh tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chủ trương xã hội hóa trong điện ảnh 10 năm qua đã làm thay đổi đáng kể diện mạo điện ảnh, thúc đẩy sự phát triển về số lượng phim sản xuất cũng như phim nhập, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân. Tuy vậy, chất lượng các phim không đồng đều, chưa có tác phẩm đỉnh cao. Chúng ta kêu gọi xã hội hóa nhưng chưa có sự phân định rõ ràng đâu là trách nhiệm của xã hội gồm các cá nhân, hội đoàn, đâu là trách nhiệm của Nhà nước. Do đó, có cảm tưởng, bằng biện pháp xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật thời gian qua, Nhà nước đã dần dần trút bỏ trách nhiệm của mình đối với lĩnh vực này.
Có hai hoạt động chủ yếu trong điện ảnh là sản xuất phim và phát hành phim thì nay hoàn toàn nằm trong tay các hãng tư nhân. Nhà nước chỉ nắm trong tay khâu kiểm duyệt, cấp các loại giấy phép, giám sát việc thực thi Luật điện ảnh. Trong hai khâu này, Nhà nước cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình, còn để lọt lưới nhiều phim nhập đầy cảnh bạo lực, góp phần gia tăng tội phạm, làm cho đạo đức văn hóa xã hội xuống cấp. Việc quảng bá điện ảnh nước nhà ra thế giới để mang lại uy tín cho đất nước cũng không được Nhà nước quan tâm. Có cảm tưởng: Nhà nước chưa đánh giá đầy đủ sức mạnh mềm của văn hóa trong đó có điện ảnh.
Trong một cuộc hội thảo tại Liên hoan Phim quốc tế (LHPQT) vừa qua ở Hà Nội, ông trưởng đoàn điện ảnh Iran phát biểu rằng trong điện ảnh Việt Nam thì ông chỉ biết phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Tôi đã nói với ông, thực đơn điện ảnh Việt Nam với hàng nghìn phim còn có những món ăn khác nữa chứ không phải chỉ có đu đủ… Tại sao lại có hiện tượng trên? Là vì nhà sản xuất phim đó của Pháp, sau khi làm phim xong, đã in ra vô số đĩa DVD rải khắp các cửa hiệu, các siêu thị lớn nhỏ trên thế giới… Còn phim Việt Nam chúng ta, tuy do Nhà nước sản xuất, nhưng Nhà nước không chi đồng nào dù là một đôla để quảng bá chúng ra nước ngoài. Gần đây, một cuốn sách chỉ dẫn cho khách du lịch Pháp còn viết về điện ảnh Việt Nam như sau: Phim về đề tài chiến tranh Việt Nam chủ yếu là do người Pháp, người Mỹ làm… Nhà nước Việt Nam không khuyến khích những người làm phim Việt Nam làm về đề tài đó vì họ muốn người Việt Nam quên đi cuộc chiến tranh đó. Điện ảnh Việt Nam chủ yếu cho Việt kiều ở Pháp và Mỹ làm và phim Việt Nam đáng giá nhất là Mùi đu đủ xanh. Rõ ràng công việc giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài lâu nay bị bỏ ngỏ cho sự xuyên tạc, vu khống và ngộ nhận. Tình trạng trên là hệ quả của việc xã hội hóa mà không có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa hai khu vực công và tư nên không ai có trách nhiệm. Nhiều người tự đặt câu hỏi: nếu lĩnh vực nào Nhà nước cũng kêu gọi xã hội hóa mà thực chất là tư nhân hóa, vậy thì Nhà nước thu thuế của dân để làm gì? Chẳng lẽ chỉ để lo quốc phòng, an ninh, ngoại giao và nuôi bộ máy công chức của Nhà nước thôi sao?
Trong một bài báo của nhà phê bình phim Ấn Độ đăng trên báo Thái Lan sau khi dự LHPQT Hà Nội về, có nhận xét như sau về phim Việt Nam: “Trong 22 phim Việt Nam được giới thiệu trong Toàn cảnh điện ảnh Việt Nam tại LHPQT Hà Nội thì đa số là phim thương mại, còn lại là những phim làm theo kịch bản mua lại của Hàn Quốc. Giải khán giả bình chọn cũng thuộc về một phim làm theo nội dung phim của Hàn Quốc”.
Rõ ràng, điện ảnh Việt Nam ngày nay đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa và lai căng (lai Hàn Quốc, lai Hollywood…). Trách nhiệm trước thực trạng này trước hết là thuộc về Nhà nước. Không thể xã hội hóa cả việc định hướng cho một môn nghệ thuật quan trọng như Điện ảnh được. Ở đây, khu vực tư nhân không có lỗi gì. Họ được phép làm bất cứ gì để kinh doanh kiếm lời miễn luật pháp không cấm. Mà Luật điện ảnh thì không có điều khoản nào cấm làm phim thương mại, phim làm theo kịch bản nước ngoài (Cục Điện ảnh còn cho phép các phim gọi là remark này dự thi và trao giải). Việc định hướng cho nền điện ảnh nước nhà trước hết là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải có chế tài để thực thi định hướng đó, không thể giao phó cho tư nhân.
Mỗi một LHPQT là một dịp để chúng ta tiếp xúc với các nền điện ảnh khác trên thế giới. Đó là dịp để chúng ta bơi từ ao điện ảnh nhà ra sông lớn để biết bên ngoài người ta làm điện ảnh như thế nào. Trong hội thảo về điện ảnh Iran, các nhà làm phim Iran cho biết phim Iran cấm kỵ hai đề tài Tình dục và Bạo lực (hai đề tài mà điện ảnh thương mại Việt Nam rất thích khai thác). Vậy mà mỗi năm điện ảnh Iran thu về hàng trăm giải thưởng quốc tế (năm 2016 giành đến 150 giải thưởng quốc tế), trong khi Việt Nam mỗi năm được có vài giải tại các liên hoan phim nhỏ. Tổng các giải thưởng của điện ảnh Việt Nam có được từ trước tới nay không biết có bằng điện ảnh Iran có được trong 1 năm? Nhà nước Iran có một quỹ riêng để đưa các phim Iran đến với các LHPQT và họ coi đó là trách nhiệm của nhà nước chứ không phải của tư nhân. Gần đây, nhà phê bình phim trẻ Lê Hồng Lâm đã tự bỏ tiền xuất bản cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất (kể từ năm 1923 cho đến nay). Anh phải bỏ ra hai năm trời để xem hàng trăm phim Việt Nam, rồi tự mình chọn ra 101 phim đó. Điều đáng nói là anh làm việc này vì trách nhiệm cá nhân, muốn tôn vinh những phim hay và những người làm phim giỏi của điện ảnh Việt Nam đang có nguy cơ bị rơi vào quên lãng. Sự kiện này đáng để những người có trách nhiệm với điện ảnh Việt Nam suy ngẫm.
Từ ngày có chủ trương xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, việc nhập phim ngoại như được cởi trói, nở rộ chưa từng có. Trước đây, công việc này là độc quyền của FAFIM nhà nước. Nay với quy định bất cứ công ty sản xuất phim tư nhân nào cũng có quyền được nhập phim nước ngoài, không hạn chế số lượng, thì các công ty nhập phim mọc lên như nấm sau mưa! Những phim họ nhập về không có giá trị nghệ thuật, không bồi dưỡng cho đạo đức nhân cách con người, mà đa số là phim bạo lực hoặc tình cảm ủy mị… Hội đồng Duyệt phim quốc gia cũng bất lực! Có những phim, Hội đồng bắt cắt bớt những cảnh bạo lực, tình dục, nhưng các nhà nhập phim chỉ làm qua loa hình thức, rồi đem ra chiếu. Không ai kiểm soát nổi, khi số lượng phim nhập có đến hàng trăm phim mỗi năm, mỗi tuần có từ 2 đến 3 phim ra rạp. Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo cùng Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh làm một cuộc tổng điều tra về số lượng các phim nhập, để có biện pháp cụ thể nhằm hạn chế, ngăn chặn luồng phim độc hại như một thứ mối gặm nhấm đục ruỗng nền tảng đạo đức xã hội. Việc này, Nhà nước không thể xã hội hóa, không để tư nhân làm, mà phải tự nhận trách nhiệm về mình.
So với các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác, điện ảnh Việt Nam lúng túng nhất trong mô hình tổ chức. Tình trạng này bắt đầu khi Cục Điện ảnh đổi thành Liên hiệp các Xí nghiệp điện ảnh. Các xưởng phim đổi thành các xí nghiệp sản xuất phim, rồi lại đổi thành các hãng phim… và nay là các công ty trách nhiệm hữu hạn MTV sản xuất phim. Trong vòng 20 năm, điện ảnh Việt Nam thay đổi mô hình tổ chức đến 5 lần. Có lần thay đổi chỉ xuất phát từ lợi ích của một cá nhân, hoàn toàn không xuất phát từ lợi ích của ngành. Ví dụ, việc đổi mô hình từ Cục Điện ảnh thành Liên hiệp các Xí nghiệp điện ảnh chỉ nhằm mục đích tăng lương cho Cục trưởng vì thang lương của Cục đã kịch trần (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Vũ Khắc Liên cho biết). Hệ quả của những thay đổi mô hình trên, nay toàn ngành điện ảnh đang phải hứng chịu. Tìm ra một mô hình hoạt động thích hợp cho điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay quả là bài toán khó đối với Nhà nước.
Nhà nước không thể cứ tiếp tục rót tiền cho điện ảnh để làm phim, khi kết quả là phim làm ra không có người xem, chất lượng nghệ thuật yếu kém. Lần gần nhất là năm 2015, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi nhận chức đã quyết định rót 100 tỉ đồng chi cho điện ảnh. Hai phim về đề tài truyền thống để kỷ niệm những ngày lễ lớn ngốn hơn nửa số tiền trên mà kết quả như thế nào, mọi người đều biết. Cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật của những người làm quản lý lẫn anh chị em nghệ sĩ. Nhìn thấy mình không đủ khả năng và trách nhiệm để đề xuất cách giải bài toán khó này, tôi chỉ xin dừng lại ở mấy đề xuất và kiến nghị cụ thể như sau:
1. Lập đoàn khảo sát về tình hình nhập phim trong 10 năm qua, về nội dung lẫn số lượng, tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế trong việc nhập phim, phát hành và chiếu phim nước ngoài. Đề xuất chính phủ có biện pháp chấn chỉnh khâu nhập phim, hạn chế số lượng nhập không quá 50 phim/năm (Trung Quốc với 1,3 tỉ dân mà mỗi năm chỉ nhập 30 phim). Cương quyết không cấp phép cho những phim có dính đến bạo lực và tình dục bất kể nhiều hay ít.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại của điện ảnh Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để phim Việt Nam được tham gia các LHPQT (cung cấp bản phim, tài liệu tuyên truyền…). Nhà nước cần dành ngân sách (trích trong quỹ đối ngoại của Bộ VH-TT-DL) để quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
3. Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Sở dĩ khi thực hiện có nhiều bất cập như vừa nêu trong lĩnh vực điện ảnh (và chắc trong các lĩnh vực khác cũng vậy) là do chưa có sự phân tách rạch ròi đâu là chức năng của Nhà nước và đâu là trách nhiệm của việc xã hội hóa.
Cần ban hành Quy chế về xã hội hóa cho từng lĩnh vực riêng của hoạt động văn học nghệ thuật. Xác định khu vực nào cần xã hội hóa và khu vực nào do Nhà nước đảm nhiệm.
Để hoàn thiện chủ trương chính sách xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật thì mục 3 cần được quan tâm trước tiên.
Dự báo xu hướng vận động và phát triển của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ tiếp theo
Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật duy nhất ở nước ta có một bộ luật riêng, được Quốc hội thông qua. Đó là một thuận lợi nhưng cũng là bất lợi.
Thuận lợi ở chỗ mọi hoạt động trong điện ảnh được chế tài bởi một hành lang pháp lý. Một khi người tham gia các hoạt động đó không vi phạm những điều cấm kỵ đề ra trong luật thì có thể yên tâm làm ăn kinh doanh.
Bất lợi ở chỗ các hoạt động đó khó được định hướng theo như mong muốn của Nhà nước, của Ban Tuyên giáo bằng những nghị quyết, bằng những cuộc hội thảo. Bởi vì guồng máy điện ảnh đó chỉ vận hành theo luật, không theo các nghị quyết. Muốn đưa tinh thần các nghị quyết đó vào đời sống phải thông qua việc sửa đổi luật, một việc làm không phải một sớm một chiều và phải được Quốc hội thông qua.
Nếu điện ảnh Việt nam tiếp tục vận hành như hiện nay ta sẽ có một nền điện ảnh giải trí thương mại phục vụ cho tầng lớp bình dân, ít học. Tóm lại ta sẽ có một nền điện ảnh của văn hóa ở tầng thấp. Nền điện ảnh đó tưởng chừng như vô hại vì nó hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề bức xúc trong xã hội, không phê phán Đảng, Nhà nước, nhưng làm tê liệt nhận thức của con người về những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, biến con người thành vô cảm và đó là mảnh đất để tội ác hoành hành. Xã hội hóa trong điện ảnh đã mang lại những thay đổi đáng khích lệ nhưng cũng tiềm ẩn những hiểm họa lâu dài mà chúng ta phải sớm nhận thức đầy đủ để kịp thời khắc phục.