Đi trong âm vang tiếng thơ du dương vọng đều từ Tháp Nhạn xuống con đường nhỏ, là lối dành cho khách bộ hành, lần đầu tiên đến với Nguyên tiêu ở xứ thơ, tôi không khỏi chạnh lòng… Khi thơ nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đó chính là cảm xúc trong lòng họ được cân bằng và thăng hoa nhất. Và, khi tâm hồn được thăng hoa, là sự hưng phấn trong lao động được tái tạo, góp phần làm đẹp hơn cho đời sống xã hội nhiều áp lực như hiện nay.



NGUYÊN TIÊU Ở XỨ THƠ

HUỲNH THÚY KIỀU

TỪ NHỮNG NGƯỜI YÊU THƠ BAN ĐẦU…
Đến hẹn lại lên. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Thư viện tỉnh Phú Yên vào rằm tháng Giêng năm 1980 do nhóm tác giả thơ “cây nhà lá vườn” gồm các ông Lê Khánh Nam, Hữu Bình, Dương Thái Nhơn, Ngô Sao Kim… khởi xướng, (thời điểm đó, cùng với Khánh Hòa; Phú Yên trực thuộc tỉnh Phú Khánh. Đến năm 1989 Phú Khánh mới chia tách để tái lập tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như hiện nay). Hai mươi năm sau, năm 2000, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao hẳn cho Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) đảm trách làm đầu mối và trở thành Hội thơ của tỉnh.
Từ những ý tưởng ban đầu đó, hương thơ đã dần được lan toả. Sau thành công của đêm thơ lần đầu như đã nói ở trên, những lần tiếp theo, đêm thơ lần lượt được diễn ra ở những nơi có thắng cảnh đẹp của Phú Yên như Long Thủy - Tuy An; Tháp Nhạn - Tuy Hòa. Đến năm 1991, theo đề nghị của Sở Văn hóa Thông tin (lúc bấy giờ), Tỉnh ủy Phú Yên đồng ý cho phép đêm thơ được tổ chức ngay tại sân Tháp Nhạn - TP. Tuy Hòa như hiện nay, sau 3 năm Tháp Nhạn được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào tháng 11 năm 1988. Và đến năm 2018, cùng với 10 di tích khác trong cả nước, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn - Tuy Hòa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
ĐẾN HỘI THƠ NGUYÊN TIÊU CHUYÊN NGHIỆP
Để có Hội thơ ngày một thành công và có sức lan tỏa rộng lớn như hiện nay, là sự phối hợp chặt chẽ giữa một số đơn vị như: Hội VHNT (làm đầu mối); Sở VH,TT và DL; Điện lực; các báo - đài; lực lượng công an… 
Từ lần tổ chức đầu tiên mang tính tự phát, đến hôm nay, sau gần 40 năm, Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên được đông đảo công chúng và người yêu thơ hân hoan đón nhận như ngày hội văn hóa của địa phương. Người từ phương xa về, không thể nào không tràn đầy cảm xúc khi nghe MC - nhà báo Phương Trà (báo Phú Yên) dùng từ “trẩy hội thơ Nguyên tiêu” trong lối dẫn chuyện của mình, bởi, khi đứng trên sân khấu nhìn xuống khán đài với hàng trăm người yêu thơ đến dự, thật sự, dùng từ “trẩy hội” là hoàn toàn chính xác. Ngoài chương trình phong phú về nội dung, Hội thơ Nguyên tiêu ở Phú Yên còn mạnh dạn kết nối và đem về cho xứ thơ quê mình những gương mặt thơ đến từ một số tỉnh thành khác: Khánh Hòa, Bình Định, TP.HCM; Bạc Liêu, Cà Mau… như nhà thơ Cao Duy Thảo, Lê Khánh Mai (Khánh Hòa); nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Bình Định); nhà thơ - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (TP.HCM); nhà thơ Nguyễn Tú Nhã (Bạc Liêu)… Một số cây bút quê gốc Phú Yên hiện đang sinh sống và làm việc ở những địa phương khác cũng về dự như: Nhà thơ Thanh Quế (Đà Nẵng), nhà thơ Phan Hoàng và Phan Thị Hà Tuyên (TP.HCM). Đặc biệt hơn, khoảng từ 10 năm nay, năm nào Hội thơ cũng được sự quan tâm và giao lưu của đoàn nghệ sĩ đến từ Liên đoàn Nghệ thuật dân gian Chungbuk (Hàn Quốc). 
Tôi đem câu hỏi đặt ra với ông Huỳnh Thạch Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Phú Yên rằng có phải chính Hội thơ Nguyên tiêu nơi này đã làm tiền đề cho Hội Nhà văn Việt Nam chọn rằm tháng Giêng hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam hay không, vì lịch sử Hội thơ nơi đây đã qua 39 lần tổ chức; riêng Ngày thơ Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, mới được tổ chức 17 lần? Ông Huỳnh Thạch Thảo rất thận trọng và thẳng thắn trả lời: Đây chỉ là cách truyền miệng nhau trong giới làm văn nghệ ở một số tỉnh thành khác về Hội thơ Phú Yên, thực tế, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cũng chưa lần nào về Phú Yên dự Hội thơ Nguyên tiêu. Cho nên nói Hội Nhà Văn Việt Nam xây dựng ý tưởng Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu từ lịch sử Hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn là chưa chính xác. Ông Huỳnh Thạch Thảo cũng cho biết thêm: Có một số Hội VHNT cử người ra dự Hội thơ Nguyên tiêu ở Phú Yên để học hỏi về địa phương mình xây dựng chương trình đêm thơ Nguyên tiêu như Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng… nhưng đến thời điểm này, chưa tỉnh nào làm được quy mô như ở Phú Yên.
Bên chén trà ấm tình thân dưới chân núi Nhạn trước giờ khai mạc Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên đêm rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019, tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ của một người đến từ địa phương khác về sự say mê văn học nghệ thuật nói chung và riêng thơ ở vùng đất nắng gió ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ này trao đổi với ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - Trưởng Ban Tổ chức các hoạt động Tết năm 2019. Ông suy tư bộc bạch: Một số nơi tổ chức Ngày thơ Việt Nam hay Hội thơ Nguyên tiêu chưa thu hút được công chúng yêu thơ tìm đến, chúng ta nên nhìn nhận lại cách tổ chức, hình thức và địa điểm… xem đã phù hợp với nhu cầu thực tế của công chúng hay người yêu thơ ở địa phương mình chưa? Bên cạnh đó, Ông cũng đã có những khơi gợi tốt, cần nắm bắt và học hỏi.
Đến với Hội thơ Nguyên tiêu ở Phú Yên, ngoài nội dung chương trình phong phú đầy thơ và nhạc như cái nền đã có sẵn từ mấy mươi năm nay; bắt đầu từ năm 2010, trước khi tiếng trống khai Hội thơ được điểm, là Vòng Chung khảo cuộc thi Người đẹp Nguyên tiêu qua ảnh nghệ thuật được khai mạc. 
Bên cạnh các hoạt động sôi nổi trên, việc tuyển chọn, biên tập và xuất bản tuyển tập thơ Nguyên tiêu hàng năm cũng được Hội VHNT Phú Yên đặc biệt chú trọng. Từ năm 2000 đến nay đã xuất bản được 19 tuyển tập thơ Nguyên tiêu với hàng trăm lượt tác giả trong cả nước thường xuyên gởi bài về tham dự.
ÂM VANG CÒN ĐỌNG LẠI…
Trở lại những ý kiến mang tính gợi mở từ ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Theo ông, những chồi non văn chương nói chung và riêng thơ, có thể bật mầm từ quá trình chúng ta gieo giống. Cụ thể ở đây, muốn có công chúng đến với thơ, chúng ta phải tạo được phong trào. Có thể có một cuộc thi thơ được mở ra cho đối tượng là học sinh các cấp; bởi trường học nào cũng có thầy cô dạy văn, có các em học sinh yêu thích văn chương. Vấn đề ở đây là phải tạo được không khí hào hứng xung quanh cuộc thi, có thể chọn thời điểm công bố và trao giải vào đúng dịp Hội thơ Nguyên tiêu hoặc Ngày thơ Việt Nam. Chính điều này ít nhiều cũng là dịp “kéo” công chúng lại gần với thơ hơn. Từ gần thơ rồi sẽ đến say thơ. Nói như thế không phải điều đơn giản. Nhưng khi thơ có đời sống trong lòng công chúng, thơ sẽ được ngân vang và bay bổng. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi sáng tác như đã nêu trên, cũng theo ông Phan Đình Phùng, địa điểm tổ chức của Hội thơ cũng là yếu tố rất quan trọng. Chúng ta nên chú ý kết hợp việc phát triển du lịch qua những địa điểm đẹp và nổi tiếng của địa phương. Đây là những bước đi cần thiết và quan trọng để tạo được tiếng thơ lan tỏa. 
Đi trong âm vang tiếng thơ du dương vọng đều từ Tháp Nhạn xuống con đường nhỏ, là lối dành cho khách bộ hành, lần đầu tiên đến với Nguyên tiêu ở xứ thơ, tôi không khỏi chạnh lòng… Khi thơ nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đó chính là cảm xúc trong lòng họ được cân bằng và thăng hoa nhất. Và, khi tâm hồn được thăng hoa, là sự hưng phấn trong lao động được tái tạo, góp phần làm đẹp hơn cho đời sống xã hội nhiều áp lực như hiện nay.
Với vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi sơn thủy hữu tình cũng góp thêm phần đặc sắc vào những vần thơ về xứ biển Nam Trung bộ này. Những ngày lưu lại Tuy Hòa, trong tôi luôn ám ảnh câu thơ của thi nhân Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu “Đa tình con mắt Phú Yên”…
Phải chăng chúng ta nên bắt đầu gieo giống và có quyền hy vọng cho những mùa thơ sau?