Tiểu thuyết Việt Nam ít khi lấy một giáo chủ làm nhân vật chính, do vậy, cuốn tiểu thuyết “Mộng đế vương” của nhà văn Nguyễn Trường là một cuốn sách đặc biệt khi viết về vị giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam. Đặc biệt hơn với những độc giả là người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bởi vì bối cảnh xã hội trong truyện là ở miền Nam Việt Nam, thời Việt Nam Cộng hòa… Một xã hội tao loạn sẽ nảy nở ra vị giáo chủ vĩ cuồng.




CÓ MỘT ÔNG ĐẠO DỪA VĨ CUỒNG

TỪ KHÔI

Cuốn tiểu thuyết “Mộng đế vương” của nhà văn Nguyễn Trường được xuất bản lần đầu năm 1992 (NXB Phụ nữ) nhưng không gây xôn xao dư luận. Bẵng đi một thời gian tới hơn 26 năm, Nguyễn Trường chỉnh sửa lại và vừa được NXB Phụ nữ tái bản. Và ở lần tái bản này, cuốn tiểu thuyết đã gây được ít nhiều sự chú ý.
Có thể những người yêu thích văn học sẽ đọc cuốn tiểu thuyết này trước tiên vì nhà văn Nguyễn Trường vừa giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ (2015-2017) với truyện ngắn “Vương quốc mộng mơ”. Truyện ngắn này cùng với “Khai khẩu” dịp Tết vừa qua được đưa vào tuyển 10 truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ đều viết về nhân vật nhân vật giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam. Tất nhiên các chi tiết trong hai truyện ngắn này không trùng lắp với các chi tiết trong tiểu thuyết “Mộng đế vương”. 
Trong “Mộng đế vương”, Nguyễn Trường vẫn giữ trung thành những chi tiết của nguyên mẫu Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, tuy đôi chỗ cũng có thay đổi nhưng không làm sai bản chất sự việc. Tác giả bày tỏ: Trong tiểu thuyết, ông có tham khảo và sử dụng một số tư liệu trong cuốn sách “Đời khổ hạnh Đạo Dừa” của Huỳnh Minh và cuốn tiểu thuyết “Sư thúc Hòa Hảo” của Nguyên Hùng. Và cái may mắn là tác giả đã có thời gian tiếp xúc trực tiếp với Đạo Dừa và gia đình ông. Dù tư liệu ngồn ngộn trong tác phẩm nhưng vẫn không vì thế mà sự sáng tạo của nhà văn bị giảm sút. Chính điểm đặc sắc trong sáng tạo của Nguyễn Trường là khám phá và lột tả đời sống nội tâm của nhân vật, để nhân vật gần với đời sống hơn là lớp màu huyền hoặc mà đương thời muốn phủ lên.
Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam sinh ngày 25 tháng chạp, năm Kỷ Dậu (giấy khai sinh ghi là ngày 22/4/1910), tại xã Phước Thạnh, tổng An Hòa, huyện Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, nhiều quyền thế. Cha là ông Nguyễn Thành Trúc, một cựu cai tổng thời Pháp thuộc (1940-1944) có tới ba người vợ. Nguyễn Thành Nam là con của người vợ cả (bà Lê Thị Sen), vì thế được thừa hưởng rất nhiều quyền lợi, còn được tạo điều kiện để đi sang Pháp du học. 
Du học về, thiếu gì một công việc giữa chốn Sài thành hoa lệ. Thế nhưng Cậu Hai không làm, đơn giản là cậu hai thích chơi hơn là làm việc. Đã ăn chơi thì phải tới bến, thế là Cậu Hai mò tới khách sạn Nhất dạ đế vương trang hoàng như cung vua. Sau khi Nam nộp tiền xong là được chào là bệ hạ ngay lập tức, rồi kẻ hầu người hạ dạ vâng cung kính. Có vua thì có cả hoàng hậu. Và khi đang khi giao hoan thì vô ý thị tỳ đi vào phòng, Nam liền thét tả hữu nọc ra đánh. Rồi khi thiết triều, Tể tướng trông bộ dạng Nam muốn vuốt râu mà không có râu nên phì cười cũng bị Nam sai lôi ra chém, nhưng vì các đại thần xin nên chỉ bị đánh. Nam bắt đánh đau thật chứ không phải diễn. Thường khách có tiền vào để ăn chơi hưởng lạc thì nhiều nhưng Nam lại thích hay thiết triều để phân xử, diễn các tích ngày xưa. Thế nên gã thư ký khách sạn hỏi: “Có phải ngài là vua Minh Mạng tái sanh không?” Nam nhận liền. 
Sự nhập nhòa ranh giới giữa đời thực và ước mơ viển vông trong Nguyễn Thành Nam được Nguyễn Trường viết rất lôi cuốn. Phải làm vua. Và từ một câu hỏi của người thư ký, Nam không chỉ tự kỷ ám thị mình là hóa thân của vua Minh Mạng triều Nguyễn mà vua Minh Mạng lại là hóa thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Không chịu làm vua một ngày, Nguyễn Thành Nam lén về nhà lấy trộm tiền của cha. Nhưng tiêu tiền kiểu nhất dạ đế vương như thế thì đến ngày thứ 3 Nam bị đuổi ra đường. Thế nhưng mộng đế vương cứ ám ảnh Nam.
Nam lấy vợ là bà Lộ Thị Nga và sinh con gái, con trai. Nhưng dù lấy vợ rồi mộng đế vương vẫn chưa nguôi ngoai trong đầu Nam. Thế là vào một buổi sớm tháng 9-1945, Nam lặng lẽ bỏ nhà ra đi tìm thầy tu trên núi Thất Sơn. Vốn đã “điên”, Nam càng ngây ngất khi được lão thầy bói trên chuyến xe bốc lên thành sư tổ, thành Phật cứu nhân độ thế…
Với sự kỳ dị, chỉ ăn uống nước dừa, năm tắm một lần vào ngày Phật đản, và ngồi hành thiền không nói, Nam khiến đám đông để ý. Cộng với những thêu dệt của thầy bói và đồn thổi, Nam dần “có ánh hào quang”. 
Đạo của Nam được người dân gọi là Đạo Dừa, hay Đạo Vừa. Tích tên gọi Đạo Dừa từ cách sinh hoạt như vừa đề cập, nhưng tại sao lại gọi Đạo Vừa? Đơn giản vì đạo của Nam không có chủ thuyết riêng, mà tích hợp cả Nho, Phật, Lão và Kitô giáo, chủ trương mỗi thứ chọn một tý cho “vừa” với sự thích ứng. Thế nên ngay từ câu niệm của Đạo Dừa cũng thể hiện sự kết tinh kỳ quặc: “Nam vô Phật Chúa cứu khổ cứu nạn Amen”. Và cách xưng tên cũng nửa ta nửa tây: “Quyền thiên nhơn lãnh đạo Thích Hòa Bình” hoặc xưng “Thích Hòa Bình Nam Nguyễn Thành tự ông Đạo Dừa (Vừa)”. Đạo Dừa thích nhất câu sấm ngôn của Trạng Trình và thường xuyên đem ra nói: “Phá điền thiên tử xuất; Bất chiến tự nhiên thành”.  
Thích làm vua, lại thích làm giáo chủ nên từ cách xây dựng ở Cồn Phụng (thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đều mô phỏng theo kiến trúc cung đình Huế. Tại Cồn Phụng, Đạo Dừa cho xây dựng chùa Nam Quốc Phật. Trong khuôn viên ông còn cho dựng cả cửu đỉnh, sân rồng, phi thuyền Apollo, bản đồ đất nước hình chữ S, cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Tháp chuông Hòa bình, khu vực Thất Sơn… Ông còn mua thêm xà lan lớn 3 tầng, trên đó có cả tháp đài, nhà khách, vườn hoa…
Cồn Phụng rộng lớn đã nhanh chóng thu hút các tín đồ. Tác giả tiểu thuyết có lẽ đã vống lên con số hàng triệu tín đồ theo Đạo Dừa. Vì thời kỳ đó, Đạo Hòa Hảo, Đạo Cao Đài nổi tiếng hơn cũng chưa thu hút nổi số tín đồ lớn như thế. 
Đạo Dừa luôn ám thị mình là vua, là sư tổ. Tín đồ theo ra Cồn Phụng lập thành vương quốc riêng nhưng rất nhiều lấy danh nghĩa đi tu là để trốn phải đi lính. Một số mưu sự giả danh đạo để kiếm chác. Nổi bật nhất là Tể tướng Tạ Văn Lý. Y thâu tóm quyền lực, tận thu khai thác buôn bán thuyền bè và săn gái đẹp làm thê thiếp. Mức độ ám thị của Cậu Hai lên đến mức khủng khiếp.

Tiểu thuyết đề cập tới những lần Đạo Dừa gặp nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc khi thực thi những ý tưởng điên rồ của mình. Ý tưởng đó là phản đối chiến tranh, thích hòa bình. Không dừng lại ở chủ trương, Nam bắt tay hành động. Lần thứ nhất bị giam do phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Lần thứ hai bị bắt ở Campuchia khi tìm đường ra Hà Nội để gặp Hồ Chủ tịch. Lần thứ ba bị bắt khi vượt đường bộ từ Nam ra Quảng Trị rồi định vượt rừng Trường Sơn Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mấy lần bị giam hàng tháng trời như thế không khiến  Nam hết ảo tưởng. Ý định của Nam ra gặp Hồ Chủ tịch là để bàn họp phương pháp hòa giải, lấy lại hòa bình cho dân tộc. Còn trong Nam, Đạo Dừa đã từng gặp cả Tổng thống Ngô Đình Diệm để thuyết. Và ngay giờ khắc chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Nam cũng đã gặp Dương Văn Minh trước khi tuyên thệ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa để khuyên giải hòa hợp. Câu khuyên của Đạo Dừa cho Dương Văn Minh cũng là câu nhắc lại câu đã “khai khẩu” với Tổng thống Ngô Đình Diệm: “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất”. Dương Văn Minh nghe lời Đạo Dừa nên từ chối sự hợp tác của Đại sứ Pháp và Tào Thức đại diện cho giới ngoại giao một cường quốc thỏa hiệp sẽ đánh miền Bắc để chính quyền Việt Nam Cộng hòa có cơ cứu vẫn tình hình. 
Trong cơn vĩ cuồng, ông Đạo Dừa còn mang rất nhiều tiền ra nộp và lấy đủ 50 chữ ký của nghị sĩ để tranh cử Tổng thống với Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí Đạo Dừa còn tới gặp bàn với Đại sứ Mỹ Bân-cơ (Bunker) hay tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ để tranh cử… Với tư tưởng vĩ cuồng, Đạo Dừa đưa ra một lời cam kết đanh thép: “Nếu đắc cử Tổng thống, Cậu Hai sẽ đem lại hòa bình  cho Việt Nam và Đông Dương trong vòng 7 ngày”, sau đó “Tân Đại Tổng thống sẽ từ chức”.
Cách thuyết phục về nền hòa bình của Đạo Dừa khá ngây ngô và đơn giản. Đó là 4 bên tới Cồn Phụng đàm phán và thống nhất hòa bình. Cừu địch hai bên sẽ giống như con mèo và con chuột mà Đạo Dừa nhốt cùng trong lồng nhưng không ăn thịt lẫn nhau. 
Sau 1975, Đạo Dừa không được phép hoạt động tín ngưỡng. Khu Cồn Phụng trở thành điểm khai thác du lịch. Đạo Dừa về quê sống một thời gian rồi tìm cách lén lút hoạt động truyền đạo mới là Bất tạo con. Nhưng không mấy người theo và bị chính quyền sở tại dẹp bỏ.




Nguồn: Đại Đoàn Kết