Với nhiều người làm thơ, mỗi bài thơ tình có thể có một “nhân vật trữ tình” khác nhau. Các nhân vật “em”, “nàng” trong bài thơ tình chưa chắc đã là nhân vật có thật. Có thể đó chỉ là những ảo ảnh lãng mạn, mộng mơ, sản phẩm của trí tưởng tượng, hoặc rất nhiều người tình tồn tại trong nhân vật “em”, “nàng” ấy. Trần Nhuận Minh thì có phần hơi khác. Trần Nhuận Minh tự cho mình “là người viết những bài thơ tình đích thực” khi ông phân biệt “thơ tình đích thực” khác với “thơ tán gái”. Bởi “nhân vật trữ tình” trong nhiều bài thơ của ông, là có thực, hiện hữu và ám ảnh trong suốt cả cuộc đời ông...




KHÁM PHÁ THƠ TÌNH TRẦN NHUẬN MINH



1.
 Trần Nhuận Minh (TNM) là nhà thơ hiện thực (“hiểu theo ý nghĩa nghiêm chỉnh nhất của từ này”- Vũ Quần Phương). Thơ ông da diết một nỗi niềm nhân thế, một nỗi đau nhân sinh. Chính TNM cũng nói về thơ mình, “... nỗi ám ảnh xuyên suốt (trong thơ ông - NTL) là số phận của nhân dân, cuộc thành bại của đời người”. Những bài thơ hiện thực ấy (bao gồm thơ thế sự, thơ chân dung, thơ chiêm nghiệm...) được nhà thơ viết bằng bút pháp hiện thực nghiêm ngặt, sâu sắc và hàm súc.
Nhưng TNM không chỉ làm thơ hiện thực, TNM còn viết nhiều thơ trữ tình đặc biệt là thơ tình. Tình yêu - cái đề tài vĩnh cửu của văn học xuất hiện nhiều trong thơ ông. Trong hàng chục tập thơ của TNM, hầu như tập nào cũng có vài bài thơ tình. Tập “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh” nhà thơ đã dành 2 khúc (khúc 19 và 45) cho tình yêu. Tình yêu chính là nguồn cảm xúc vô bờ cho thơ TNM. Lãng mạn, mộng ảo, trữ tình còn là cõi để thơ ông rộng cánh.

2.
Muốn làm được thơ tình, người viết phải có “trải nghiệm”. Khác với nhiều người đàn ông có thể có nhiều người tình, theo tác giả Lê Thị Thanh Bình “Nhà thơ Trần Nhuận Minh khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột rằng, trong đời ông, ông từng và chỉ yêu có hai người. Người đầu tiên là mối tình đầu trong trắng và thơ dại, nhưng cũng đủ làm đau rát tâm hồn ông trong một quãng thời gian dài, để đến mức nhà thơ Trần Đăng Khoa, em ông, lúc 10 tuổi, đã từng ứng khẩu hai câu thơ đùa giỡn ông “Thề không lấy vợ suốt đời/ Hôm nay bỗng thấy một trời nhớ nhung”... (Nhung chính là tên cô gái ấy - mới thấy cái tài của cậu bé Trần Đăng Khoa). Người thứ hai ông yêu chính là người vợ hiền của ông” (mà trong một hai bài thơ, ông đề tặng “nàng “là D.) Trong thơ ông, nhiều bài thơ tình, ông viết về người yêu cũ như một sự đền bù những mất mát trong cõi xa vắng của tinh thần. Có lần ông nói vui rằng, yêu một người yêu cũ - dù chỉ để có nỗi niềm thật, hoặc từ đó mà tưởng tượng, phỏng đoán… để làm thơ thôi - lòng vẫn nhẹ nhõm hơn, trước hết, ngay người vợ của mình, cũng không cho mình là một kẻ bội bạc.
Với nhiều người làm thơ, mỗi bài thơ tình có thể có một “nhân vật trữ tình” khác nhau. Các nhân vật “em”, “nàng” trong bài thơ tình chưa chắc đã là nhân vật có thật. Có thể đó chỉ là những ảo ảnh lãng mạn, mộng mơ, sản phẩm của trí tưởng tượng, hoặc rất nhiều người tình tồn tại trong nhân vật “em”, “nàng” ấy. TNM thì có phần hơi khác. TNM tự cho mình “là người viết những bài thơ tình đích thực” khi ông phân biệt “thơ tình đích thực” khác với “thơ tán gái”. Bởi “nhân vật trữ tình” trong nhiều bài thơ của ông, là có thực, hiện hữu và ám ảnh trong suốt cả cuộc đời ông. Dĩ nhiên không phải bài thơ nào TNM cũng viết về người tình cũ hay người vợ của mình. Cũng có nhiều bài EM là một người tình nói chung, như thơ của nhiều nhà thơ khác. Người phụ nữ ấy là “người tình chói lọi” (như một nhà thơ đã nói) là nguồn cảm hứng quý báu để các nhà thơ viết nên những bài thơ tình, làm thổn thức trái tim người yêu thơ. TNM cũng vậy. “Em” là linh hồn của mảng thơ đặc sắc trong sự nghiệp thi ca của TNM, xuyên suốt con đường thơ và cuộc đời dài dằng dặc của ông; người đó đã để lại vết thương lòng trong ông. Theo thời gian, vết thương ấy cứ tưởng nó sẽ lành, nhưng thực ra không hẳn thế, mà nó luôn ám ảnh ông, chính nhà thơ cũng thừa nhận:
“Khi nằm co chân lên, đầu gối chạm
 đỉnh trời hình chữ nhật
Yêu em vẫn là lần thứ nhất”
Người đó đã rất xa ông cả không gian và thời gian, giờ đây chỉ nằm trong kí ức, hoài niệm; nếu có gặp cũng chỉ gặp… trong mộng. Người phụ nữ ấy - “nàng thơ” của ông - lúc bảng lảng mơ hồ như một chút “nợ nần khói sương”: một vầng trăng bên trời, một giọt sương đầm đìa, một áng mây bồng bềnh trôi lãng đãng ở cuối trời xưa, một dấu chân để lại, một ngọn gió thoảng qua, một làn khói sương hư ảo, một ánh nắng mong manh, một hương xuân, một bóng xưa, nếu rõ hơn là một “màu” thì lại là màu thu, màu xưa, màu quên…, lúc lại hiện ra cồn cào, đau đớn trong lòng thi sĩ.
Ông đã viết về “em”, về mối tình của mình trong những bài thơ tình mong manh, ngắn ngủi, nhưng mãnh liệt, đầy cảm xúc và hầu hết những bài thơ tình đó, đều từ cái nhìn “ngoảnh lại”, đều ở “thì” quá khứ, đều ở “thuở” xa xôi. Ta hay gặp trong thơ tình TNM những từ “xưa” “cũ”: ngày xưa, trời xưa, bóng xưa, mắt môi xưa, hồn xưa, màu xưa, đóa xưa, hay nhà cũ, người tình cũ…

3.
Đọc thơ TNM, ta như được chứng kiến lịch sử tâm hồn trái tim, lịch sử tình yêu của nhà thơ; một mối tình sâu đậm từ thuở hoa niên, đến lúc hai người chỉ còn “ở hai đầu nỗi nhớ”: “Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu” (Tình tuyệt vọng… Felix Arvers).
Bắt đầu từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, nhà thơ TNM đã thật thà kể lại trong bài “Đêm ấy rừng thu”:
…“Anh muốn nắm tay em
mà không dám nắm tay em
Mỗi chiếc lá là một con mắt nhìn
Đứng ở chỗ nào cũng thấy trống trải…”
..“Cây lá nói với nhau là chúng yêu nhau
Anh cũng muốn nói với em điều ấy
 nhưng anh im lặng
Chân tay chẳng biết để làm gì…”
Một tình yêu kiểu học trò, thuần túy tinh thần trong trắng, tinh khiết. Thầy giáo trẻ TNM ngày ấy, đi chơi với người yêu trong rừng, nhưng không dám cầm tay người yêu và nói với em một từ “yêu”. Anh giữ một khoảng cách đủ cho sự thiêng liêng, thánh thiện của tình cảm, hay anh không đủ “dũng khí”, còn rụt rè … để sau này nhớ lại phải nuối tiếc, dằn vặt vì đã “lỡ” đánh mất người mình yêu?
Tình yêu ấy, sau bao năm, độ cảm xúc nồng nàn trong thơ TNM không hề thay đổi, cho đến chặng cuối cuộc đời, khi những dự cảm đầu tiên về cái chết tưởng như đã rất gần, vẫn đau đáu trong ông. Bài thơ “Liệu có kiếp sau….” được TNM làm ở bệnh viện K. (2012), ông viết về những ước mong của mình với nỗi buồn mênh mông tràn ngập cả cõi lòng; đây là tâm sự của ông với người vợ hiền, hay là nỗi nhớ về người phụ nữ “xa vắng” ấy, cũng khó phân biệt, với ước ao:
“Liệu có kiếp sau?... Để ta lại bắt đầu…”
“Liệu có kiếp sau?... Để ta lại yêu nhau…”
Ngọn lửa tình yêu được thổi bùng lên cùng với tình yêu sự sống, yêu cuộc đời, yêu con người ở những tháng ngày ấy.

4.
 Thơ tình của TNM cũng như tâm hồn ông: phong phú và nhạy cảm với vô vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau: bao nồng nàn đắm say, bao khao khát mộng mơ, bao nhớ mong da diết, bao bâng khuâng xao xuyến… rồi những hờn giận, những tái tê, những trách cứ muộn phiền, những day dứt nát tan, những buồn bã xót xa, và hơn cả là nỗi đau mất mát, mà người làm thơ càng cố quên đi thì càng đau, càng nhớ.
Ta hãy lắng nghe những cung đàn cảm xúc ấy, bắt đầu là niềm hân hoan đắm say: “Em yêu ơi, em của thời đắm say”. Cái thời đắm say ấy được Puskin kể trong bài thơ “Vô đề” nổi tiếng của mình, còn TNM kể về nó trong “Đêm ấy rừng thu”:
“Đêm ấy rừng thu, nhiều trăng quá,
nhiều trăng quá
Vàng rót tràn trời…”
“Đêm ấy rừng thu, nhiều gió quá,
nhiều gió quá
Cây lá rì rào
Cây lá nói với nhau là chúng yêu nhau”…

“Đêm ấy rừng thu, thơm lạ lùng, thơm lạ lùng”…
“Đêm ấy” là cái đêm anh cùng em đi chơi trong rừng.
Dù đã bao năm rồi ngoảnh lại, anh vẫn nhớ cái khu rừng ấy với khung cảnh thần tiên huyền diệu khi ta bên nhau. Cảnh như phụ họa với lòng người: đẹp lạ lùng, hấp dẫn lạ lùng….Người đang yêu đang trong một tâm trạng toại nguyện, sung sướng. Những chữ “quá”, “lạ lùng” nói lên niềm hạnh phúc tột cùng, cảm giác thiêng liêng của chàng trai.
Ở đây, trong “bức tranh” tình yêu của TNM, thiên nhiên là một mảng màu đẹp đẽ. Tất cả rừng thu, gió thu, trăng thu… đều huyền diệu, đều lên hương. Thiên nhiên được cảm nhận bằng sự hòa điệu tuyệt vời với tâm trạng của kẻ đang yêu. Tất cả vượt lên cõi tầm thường. Thế giới quanh anh đầy màu sắc, hương thơm, sống động rạo rực. Phải chăng, nơi nào có tình yêu, nơi đó luôn có điều kì diệu?
Điều kỳ diệu ấy, người đọc còn gặp trong khúc 19 của tập thơ “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh”. Khi nhân vật trữ tình “ta” được ở bên “em” thì “những ngôi sao” cũng “yêu nhau” “ríu rít ở trên cành”. Cảnh trong mắt của kẻ đang yêu cũng được ảo hóa.
Cảnh như thế, còn người?
Trong mắt “anh”, “em” bao giờ cũng hiện ra thật đẹp đẽ, ngát hương:
“Tà áo em đầy gió
Vòm ngực em đầy gió
Đôi môi em đầy trăng
Đôi mắt em đầy trăng…..”
 (Đêm ấy rừng thu)
Em hiện ra với chữ “Em” viết hoa:
“Buông trên vai Em
Mà đêm mượt như nhung
Lọc qua áo Em
Mà hương trời thơm vậy… ”
 (Khúc 19 - 45 Khúc đàn bầu của kẻ vô danh)
Dịu dàng, âu yếm, nồng nàn biết bao. Thật là những lời nói “dễ ưa” của kẻ đang yêu.
Em luôn luôn hiện hữu trong anh, có lúc xa xôi huyền ảo, sáng trong như ánh trăng thu:
“Em hắt lên anh màu thu biếc người
Em như vầng trăng sang bên kia trời…”
(Màu xưa)
Nhưng cũng có lúc gần gũi, thân thiết, ấm áp:
“Em đến bất ngờ trời rét dữ
Cây bàng rụng lá đứng run mưa
Ơ kìa, bên cửa bông hồng trắng
Lại nở thơm lừng một đóa xưa…
            (Em đến, 1991)
Hạnh phúc thật bất ngờ. Một ngày đông lạnh giá, lung linh một đóa hồng (biểu tượng của tình yêu, của trắng trong, thanh khiết) hiện bên cửa nhà anh. Bao năm rồi gặp lại, giờ đây em đã là một thiếu phụ (có thể già đi, “cũ” đi), nhưng trong mắt anh, em vẫn đẹp, vẫn ngát hương như thuở nào, em - “một đóa xưa”…
Bài thơ tứ tuyệt nhỏ ngọn, xinh xắn gợi ta nhớ về khổ thơ trong bài “Bài thơ về hạnh phúc” của Dương Hương Ly:
“Trong một góc vườn cháy khét lửa napan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc”
Dù văn cảnh của hai bài thơ khác nhau, nhưng cái cảm giác hạnh phúc bất ngờ, khiến hai nhân vật trữ tình ngỡ ngàng, sửng sốt thì đều như thế.
Bài thơ viết khi TNM đã sắp sang tuổi ngũ tuần (nhà thơ sinh năm 1944), đã qua rồi cái “thời hoa đỏ”, nhưng thơ ông vẫn trẻ trung nồng nàn, say đắm.
Đã yêu thì phải nhớ vì “nhớ” là một trong những thuộc tính của tình yêu. Nhà thơ Lưu Quang Vũ, trong một vở kịch cho rằng, cõi âm có không thì không biết, nhưng cõi nhớ thì có thật. Ca dao xưa có câu: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Thơ tình TNM cũng nói nhiều về nỗi nhớ. Khi xa cách chia ly thì vẻ đẹp của nỗi nhớ xuất hiện. Xét về “cường độ” thì nỗi nhớ người yêu của TNM không kém gì chàng trai trong câu ca dao trên.
“Lòng tôi lúc nào cũng như lửa đốt,
 cũng như dao cắt
Nỗi nhớ là gì mà không thể nào nguôi…”
(Kí ức)
Nỗi thương nhớ bồn chồn cứ dày vò, “hành hạ” kẻ đang yêu.
Và khi: “Tôi tìm về kí ức thuở xa xôi”…
Thì: “Em ở đâu?... Chẳng còn ai biết nữa”
Chỉ thấy:
“Tháp Rùa vẫn dửng dưng sau mành xanh liễu rủ
Gốc phượng em ngồi xưa, ai cũng khoét đi rồi…”
Nhà thơ Bairơn (Anh) đã từng viết: “Những hình ảnh thoáng qua trước mắt chúng ta mà chúng ta đã thấy, thì từ nay trở đi, sẽ không bao giờ tìm thấy nữa, nhưng đối với những trái tim yêu, có thể lại được “nhìn thấy” trong giấc mơ, trong ký ức, trong hoài niệm…”
Trở lại bài thơ “Kí ức” của TNM, kỷ niệm cũ cứ ùa về trong cõi nhớ của “nhân vật trữ tình”: Em cứ rõ mồn một trước mặt, với biết bao hoài niệm, bao hình dung tưởng tượng:
“Bác xích lô ngủ trưa, nằm cong,
 ngón chân chĩa lên trời
Em đã đứng chỗ này, chờ tôi trong gió lạnh
Cái bím tóc dưới ánh đèn lấp lánh
Tàu điện qua làm tà áo em bay”…
Nhớ cụ thể như thế là nhớ sâu.
Chìm đắm trong hoài niệm, thơ TNM thấp thoáng “Bóng xưa”:
“Nhà cũ mười năm còn ngơ ngác
Sân thu vẫn đợi bước em về
Ánh trăng đêm ấy Mười bảy tuổi
Biết có bay vàng trong ngõ quê”…
                                                (Điền Trì, 9/ 2009)
Bài thơ tứ tuyệt đẹp và buồn. Thương lắm những từ “ngơ ngác”, “đợi”. Tất cả vẫn như xưa: ngôi nhà cũ, cái sân nhỏ, ánh trăng, ngõ quê, chỉ vắng em. Tất cả vẫn đợi em về. Và ẩn sau đó là lòng người vẫn còn “ngơ ngác”, thảng thốt trước cảnh đó mà người đâu, giống như tâm trạng của chàng Kim khi trở về vườn Thúy:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”
Và “Đi về này những lối này năm xưa”…
Nỗi nhớ em thường hiện về trong giấc mộng của người làm thơ. TNM hay viết về “chiêm bao”, vì đó là ký ức (tài sản để lại của mối tình dang dở, là “âm bản” của một trái tim thương nhớ). Trong bài “Chiêm bao”, “em” “Hiện lên hờn dỗi rồi đi”. Em “giận”, em “trách” tôi, em làm tôi “khắc khoải không yên”, em làm tôi xót xa.
“Xa nhau mấy chục năm nay
Gần nhau dù một phần ngày cũng không”…
Những giấc mơ ấy đã “dày vò” hiện tại.
Trước sau, TNM vẫn là người hoài niệm.
Thời gian trôi đi sẽ phủ một lớp bụi mờ lên kỉ niệm. Rồi mọi thứ sẽ dần rơi vào quên lãng. Nhưng với TNM, kỷ niệm không mất đi, vẫn nằm đâu đó, lẩn khuất trong một góc sâu thẳm của tâm hồn, chỉ chờ một dịp nào đó để bùng lên và dòng nhớ theo đó mà ùa về ngập cõi lòng. Con người đó càng sống nhiều năm tháng, càng trải nghiệm, càng mong nhớ. Trái tim yêu của TNM “không một phút bình yên”…
Nhưng người tình đó không chỉ nhớ. Có khi còn có những lúc bâng khuâng:
“Bây giờ em có chồng rồi
Sao em vẫn mặc áo hồi anh may…”
                                                            (Bâng khuâng)
Về bài thơ, tác giả Hà Khải Hưng (bút danh của nhà thơ Phạm Khải) đã nhận xét thật ý nhị “Bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai câu, mà ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy bâng khuâng”…
Có khi là những hờn giận. Trong tình yêu “Được giận hờn nhau vui sướng biết bao nhiêu” (Xuân Diệu), bởi giận hờn cũng là một thứ gia vị của tình yêu. Tình yêu nào mà chẳng có giông bão giận hờn, nhưng khi em “quay đi” thì không chỉ giận hờn mà là chua chát đắng cay, là nỗi đau, là nỗi buồn tê tái.
Trong “Bài thơ không gửi cho ai” TNM viết:
“Ngoài làn mây trắng bay ở ngang trời
 và trái tim xanh đập trong lồng ngực
 anh chẳng có gì đâu
Em quay đi là phải quá rồi,
tiếc nuối làm chi thời dang dở”…
Nói “tiếc nuối làm chi thời dang dở”, nói vậy nhưng không phải vậy. Đó chỉ là cách nói giận hờn của chàng trai mà thôi. Bởi vì, anh vẫn luôn ao ước một lần được gần bên em:
“Anh vẫn ở bên em. Làm sao em biết được
Ấy là khi… môi em mơ hồ như thoáng ướt
Và dịu dàng… em thấy ấm ở lòng tay
Và khi gió không lùa… mà tà áo em bay….”
 (Em có về Hạ Long)
Vẫn nồng nàn, dịu dàng, ấm áp dù anh không ở bên em: “dù anh đã lẫn vào trời biếc”…
Không gì đau khổ bằng sự hối hận: Thơ tình TNM cũng có nhiều ân hận, tiếc nuối. “Thơ tình ngày không em” là một bài thơ đầy hối tiếc, dằn vặt với tình xưa. Bài thơ này đã được nhiều bạn trẻ yêu mến và đồng cảm:
“Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng buộc em bao tội lỗi
Em đứng lặng. Mặt úp vào bóng tối
Khổ thân em có nói được gì đâu…

Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng hẹn em đêm ấy nữa
Để quá khứ chỉ còn là thương nhớ
Và tương lai ít ra cũng ngọt ngào…

Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau
Anh đã chẳng trách em yêu người khác
Điều đơn giản bây giờ anh mới biết
Thì em xa
  Em đã quá xa rồi …
 (1970)
Nếu “sự tiếc nuối là nỗi đau của ký ức” thì bài thơ tràn đầy nỗi đau. Điệp khúc “Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau” lặp lại ở ba khổ thơ như một sự tự dày vò, tiếc nuối, ân hận. Nhân vật “anh” tự dằn vặt, tự trách mình, nhưng cũng chẳng làm lại được, bởi “Em đã quá xa rồi”, và cũng bởi, nói như một triết gia Hy Lạp cổ đại “Có ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông? ”

5.
Thơ tình TNM dồi dào những cung bậc cảm xúc, nhưng đọng lại trong thơ ông hơn cả là nỗi buồn. Thơ tình TNM là vẻ đẹp pha trộn giữa hân hoan và khổ đau. Tình yêu dù ở tuổi nào, muôn kiếp muôn đời vẫn là hạnh phúc và đau khổ, ngọt ngào và cay đắng, thiên đường và địa ngục.
TNM có khát vọng tình yêu tha thiết, yêu hết mình. Tình yêu của ông thật sâu đậm, nên khi giấc mộng tình tan vỡ, vết thương lòng trong ông càng đau. Chấp nhận mọi sự đã an bài như là số phận, và dường như thế, những bài thơ tình TNM thật buồn. Vả lại, ngôi nhà của thơ là ngôi nhà mang “địa chỉ buồn”, “thơ gần nước mắt hơn là nụ cười”, vì vậy buồn đau là cảm xúc bao trùm trong hầu hết những bài thơ tình của TNM.
Nỗi buồn trong thơ TNM có khi mong manh, thoáng qua, tinh khiết… cũng có khi xót xa, đắng đót. Nhà thơ có nhiều bài thơ hay mang âm điệu buồn này: Mùa thu đến, Tím biếc, Màu xưa, Vào phút ấy thì em nên đến nhé, Liệu có kiếp sau.....
“Mùa thu đến” là một bài thơ đẹp về ngôn từ, thi ảnh, nhịp điệu và buồn trong cảm xúc:
“Mùa thu đến thăm tôi và để lại
Bước chân vu vơ… những chiếc lá vàng
Và nỗi buồn mong manh tinh khiết
Giữa sắc trắng mây trời bay lang thang…

Mùa thu ở trong tôi và đánh mất
Mối tình tươi non thuở nảo thuở nào
Em yêu ơi, thôi em đừng thổn thức
Dày vò tôi qua mấy cõi chiêm bao...

Mùa thu bỏ tôi đi và vứt bỏ
Bao mộng mơ cuối gió heo may
Tôi chỉ còn một giọt sương lạnh buốt
Đọng không tan từ tuổi thơ ngây...”
 (Vĩnh Thanh, 2009)
Nỗi buồn trong bài thơ thật dịu dàng, thấm thía và mong manh, tinh khiết. Đó là nỗi buồn khi mùa thu của đất trời, mùa thu của cuộc đời đến... Tất cả những gì là xanh tươi, là mộng đẹp đã để lại phía sau và cái “giọt sương lạnh buốt”, “đọng không tan” trong trái tim nhân vật trữ tình từ “tuổi thơ ngây”, thuở “mộng mơ” ấy … có phải là mối tình buồn bã với “em yêu”…
Trong bài thơ “Chiêm bao”, TNM cũng từng thú nhận:
“Nỗi gì khắc khoải không yên
Đập như giọt đắng trong tim thế này…”
Còn trong bài “Cho ta hỏi…” nhà thơ thú thật với Em. Tôi nghĩ, khác với hai bài trên, “Em” ở đây là người vợ hiền của nhà thơ:
“Cho ta hỏi Em? Cớ chi mà giận dỗi
Rồi đến lượt ta… ta cũng phải ra đi…
Chỉ có trái tim yêu, là còn bâng khuâng đập
Thảng thốt, xót đau...
  Dưới nấm cỏ xanh rì…”
 Vì hai bài trên, “em” đều ở “cõi chiêm bao”. Nhân vật trữ tình ở cả ba bài thơ, vẫn giữ cho riêng mình khối tình cảm xót đau. Những câu thơ ấy gợi nhớ đến chàng Trương Chi xưa, đã đi vào huyền thoại như biểu tượng cho mối tình tuyệt vọng. Chàng nghệ sĩ chèo đò ấy khi sống không lấy được Mỵ Nương, khi chết quả tim chàng đọng lại thành viên ngọc. Như vậy, Trương Chi thân dẫu chết đi nhưng món nợ tình ấy như một khối ngọc trĩu nặng và thuần khiết còn đeo đẳng chàng không bao giờ tan. Dựa vào điển tích ấy, Nguyễn Du đã viết hai câu Kiều bất hủ: ..“Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” để nói về mối tình nàng Kiều với chàng Kim Trọng. Con người ở thời đại nào cũng vậy, khi gặp một bi tình thì đều mang một trái tim đau bị tổn thương như thế…
Sau này, trong trường ca “Đá cháy” (1985) TNM lại viết:
“Có thể sau này, khi tôi chết
Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan”...
Bài “Tím biếc”, cũng vẫn xao xác một nỗi buồn như vậy.
Bài thơ được viết ngay sau buổi chiều khi vợ chồng người yêu cũ từ nơi xa về Hạ Long nghỉ mát, đã tìm đến nhà TNM, lúc ấy ông đi vắng. Ngày ấy, gần 30 năm sau, đúng dịp sinh nhật lần thứ 50 của ông...
“Cây cỏ vô tình nhuốm nỗi dở dang em
Gió thổi suốt đêm trăng Mười bảy tuổi
Em ở đâu đây?... Trời dịu dàng bối rối
Thả vào hồn ta giọt sương cũ đầm đìa...”
Buồn hơn cả vì tất cả đã trôi vào dĩ vãng. Tất cả đã trôi về “cuối trời xưa”:
               “Năm tháng qua đi. Vui buồn cũng qua đi
Ta cúi nhặt dấu chân thời mây nước
Bồng bềnh hỡi, làm sao mà tới được
Một màu quên....lãng đãng
  Cuối trời xưa…”
“Làm sao mà tới được”, một câu hỏi day dứt hay một lời cảm thán? Bài thơ buồn mênh mông…
Càng về sau khi bước sang mùa đông của cuộc đời, thơ tình TNM càng thấm thía nỗi buồn đau, càng chất chứa nỗi suy tư - những suy tư mang đậm màu sắc triết học. Ấy là khi nhà thơ đã thấy mình bước vào chặng cuối, như nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết trong bài “Cửa biển”: “Đến đây gần bể xa nguồn/ Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu”.
Giờ đây, với TNM, dù đã trải qua bao buồn vui sướng khổ của cuộc đời, nhưng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau “mất em”? Xưa trẻ tuổi, nỗi đau còn bỏng rát, ông bàng hoàng đau đớn:
“Anh mất em như mùa hè mất nắng
Con chim mất tiếng hót”…
(Không đề)
Thì nay, mường tượng tới những phút cuối của cuộc đời, ông lại nghĩ tới người con gái năm xưa. “Vào phút ấy thì em đến nhé” là một bài thơ có tứ thơ mới lạ, xúc động, ám ảnh. Thi phẩm buồn đến…phát khóc.
“Ta đã xa nhau suốt cả cuộc đời rồi
Vào phút ấy thì em nên gần nhé”…

 “Ta đã không nhau suốt cả mọi ngày đêm
Vào phút ấy thì em nên có nhé”…

“Ta đã quên nhau trong tất cả mọi buồn vui
Vào phút ấy thì em nên nhớ nhé”…
Những câu thơ không thể da diết, xót xa hơn.
Rồi điệp khúc “Vào phút ấy thì em nên …” lặp lại ở 3 khổ thơ thật buồn bã. Tất cả nói lên rằng: cho đến phút lâm chung của cuộc đời, anh vẫn không thôi nhớ em và xót đau, anh vẫn khao khát mong gặp lại em trước khi bước vào cõi hư vô... Nỗi niềm ấy của TNM có lẽ cũng là nỗi niềm chung của nhiều người có mối tình xưa chung thủy và trong sáng.

6.
 Thơ tình TNM là cánh cửa rộng mở, để người đọc đi vào thế giới tinh thần, cuộc sống bên trong của nhà thơ. Qua những bài thơ tình của ông, người đọc cảm nhận được sâu sắc chiều sâu của cảm xúc, kích thước tâm hồn của người viết.
Thơ tình TNM tràn ngập xúc cảm, nhưng không ủy mị (điều người ta dễ thấy ở thơ tình). Thơ ông mộc mạc, chân thành, giản dị - giản dị một cách sâu sắc - như trái tim nhân hậu của nhà thơ, nhưng nhiều khi cũng rất lãng mạn, bay bổng. TNM có những bài rất đời thường, nhưng cũng có không ít những bài bay bướm mộng mơ. Và tất cả những bài thơ ấy, được viết với phong cách giàu suy tư.
Là “sản phẩm” của mối tình sâu nặng, dang dở, nên “giọng điệu” chủ đạo trong thơ tình TNM là trầm buồn. Trên cái nền giọng điệu trầm buồn ấy, nhà thơ đã tổ chức nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau: mê đắm, ngất ngây, hân hoan, nhớ nhung, mong mỏi, hờn dỗi, tiếc nuối, nguyện cầu… Sự có mặt và sự luân chuyển màu sắc giọng điệu làm cho mạch thơ trở nên mềm mại, biến hóa và tạo nên một giải phổ giọng điệu rộng lớn và thống nhất. Điều đó nói lên tài năng và cả lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc của nhà thơ.
Có ai đó đã nói: “Dường như sự dở dang đã làm nên ý nghĩa và dư vị của cuộc đời này”. Ngay thơ tình của các nhà thơ nữ cũng như vậy, nhưng các nhà thơ nữ bộc lộ điều này thường “ngại ngần” hơn... Những cuộc tình không thành, những cuộc rượt đuổi trái tim mình…. được con người nói đến nhiều hơn so với những gì viên mãn tràn đầy vốn được gọi tên là Hạnh Phúc. Đấy cũng là lí do để ta hiểu vì sao, các nhà thơ rất ít viết về người vợ thân yêu của mình, dù đó mới là nền tảng tinh thần cho cuộc đời sáng tác của mọi nhà thơ. Đấy cũng là điều vì sao, bạn đọc không nỡ oán trách, mà lại dễ dàng thông cảm hơn với các nhà thơ, và chính bà vợ của các nhà thơ, cũng không thấy ai phàn nàn điều này về người chồng của mình…
Vì thế, cũng như nhiều nhà thơ khác, thơ tình TNM hầu hết là thơ “thất tình” (viết về mối tình đã mất), nó là phía bên kia của Hạnh Phúc, bên cạnh người vợ hiền của mình. Nó như một sự dở dang của cái Đẹp, sự khao khát vươn tới những gì mà con người mong ước, đó là cái Hoàn Thiện, Hoàn Mỹ.
TNM không may mắn trong tình yêu đầu đời. Nhưng với độc giả đọc thơ ông, có thể nói là “may thay…”. Bởi chính cuộc tình không thành của ông, đã để lại cho đời những bài thơ tình làm rung động lòng người. Đó là niềm đắm say kỳ diệu, chất chứa sự viên mãn của đời, là cảm giác thổn thức… trước một mối tình đã để mất, trước một vẻ Đẹp mãi mãi lùi xa. Rồi một chạnh lòng xót xa trước những kỷ niệm xưa, một ước vọng tái sinh để được yêu lần nữa …
 Và ta thấy buồn mênh mông cùng “nhân vật trữ tình”: “Sự đời nước mắt soi gương/ Càng yêu thương lắm, càng thương nhớ nhiều” (Ca dao).
 Và sau hết, đó là sự trân trọng, cảm mến trước một tình yêu sâu nặng, thủy chung, vững bền qua năm tháng. Tiếng nói sâu thẳm của một trái tim yêu, trong những bài thơ tình của TNM, làm cho những trái tim khác ngân vang cộng hưởng, người đọc như thấy có mình ở trong đó. Đó là lẽ tồn tại của thi ca.
Từ bao đời nay, tình yêu luôn là giấc mộng giữa đời thường. “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào” (Xuân Diệu). Có tình yêu với những ái, ố, hỷ, nộ, cuộc sống con người sẽ có ý nghĩa hơn. Vì lẽ đó, những bài thơ tình của TNM, chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền với thời gian.