Hơn ba chục năm nay, tính từ ngày đất nước bước
vào Đổi mởi, cũng như Điện ảnh, Văn học đã được cởi trói. Nhưng được cởi trói về
tư tưởng, nhận thức, về khâu duyệt rồi, Điện ảnh liền bị trói chân trói tay bằng
đồng tiền. Trái lại, nhà văn chỉ cần 1 bàn phím máy tính, một chiếc máy in, một
sấp giấy họ thỏa sức thả tung đàn chim sức sáng tạo của họ ra. Thêm 30- 40 triệu
đồng, đứa con là cuốn tiểu thuyết kia được cấp giấy thông hành vào đời liền. Thử
hỏi với 30, 40 triệu một đạo diễn sẽ làm được việc gì?
ĐIỆN ẢNH TRỞ LẠI VỚI VĂN CHƯƠNG: NHỊP CẦU NỐI NHỮNG
BỜ VUI
TÔ HOÀNG
Nhìn tổng thế Điện ảnh Việt Nam vẫn đang đứng
trước mấy vấn nạn sau đây:
-Phim rơi vào tình trạng “chân không tới đất, cật
không thấy trời”. Xem phim VN bây giờ không thấy hiển hiện trên màn ảnh nông
thôn, thành thị, miền biển, miền núi của đất nước ta. Hầu như tất cả là vila,
xe hơi loại đắt tiền và cuộc sống vô lo, vô nghĩ của đám trẻ trong lễ hội, nhã
nhạc và các mốt thời trang…. Còn nhân vật của phim là những con người mang hình
hài, lời ăn tiếng nói VN đấy, nhưng họ hoàn toàn không phải là con người VN của
những năm tháng này, với những âu lo, toan tính, những vui buồn, thất vọng và
tuyệt vọng có thật. Tại LHP Hà Nội 2018 vừa rồi, xem phim của Philippin, Thái
lan, Malaysia.. mang dự thi, báo giới nước ta đã giật mình phát ra những tín hiệu
SOS rằng, phim của các bạn ta hóa ra in đậm dấu vết con người, mảnh đất và những
vấn đề xã hội của nước họ, còn phim nước ta cứ thêm phụ đề tiếng Anh vào, chiếu
ở ở các nước trong khu vực hoặc châu Á đều giống y chang cuộc sống ở nơi đó.
- Vấn nạn thứ 2: Nạn “xâm thực” dịu ngọt, êm ả của
điện ảnh Hàn Quốc, văn hóa Hàn Quốc. Chúng tôi muốn nhấn mạnh sự ảnh hưởng này ở
khía cạnh nó đã thấm đẫm ngay cả tới lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, thái độ yêu
ghét… của các nhân vật người Việt, trong các bộ phim Việt ( rõ nhất trong loạt
phim dự thi LHP Bông Sen tại Đà Nẵng cuối năm 2017 )
- Vấn nạn thứ 3: Điện ảnh nước ta đã lạc hậu rất
xa với điện ảnh hiện đại thế giới. Ở đây, không chỉ muốn nói tới mặt trang thiết
bị, mà cần nhấn mạnh hơn cả tới phương pháp và cung cách biểu hiện của điện ảnh
khi có sự tham gia của kỹ thuật số 3D, 4D. Xin nêu một ví dụ, nếu chúng ta xem
lại những bộ phim Mỹ của những năm 1950 đổ về trước như “Salablanca”, “Bữa ăn
sáng ở Tafani”, “Chuyện tình một đêm”, ngay cả phim “Cuốn theo chiều gió ”
chúng ta sẽ thấy rõ sự hạn chế cách biểu biện bằng ngôn ngữ điện ảnh so với
cách biểu hiện của ngôn ngữ văn chương. Ngày nay điện ảnh hiện đại đã vượt qua
thanh barie ấy. Và nó có đủ khả năng lách vào mọi ngõ ngách tâm hồn, động chạm
tới mọi dục vọng của con người, không thua kém gì bất cứ tác phẩm văn chương
nào (Ví dụ như với phim “The Readers” chẳng hạn)
-Nói tới điện ảnh là nói tới khả năng tiền bạc
phải dư dả, phải phong lưu, không thể giật gấu vá vai. Vào đầu những năm 1980, bàn
tới công việc làm phim truyện ở nước ta, một giáo sư Nga tại trường Đại học Điện
ảnh Liên Bang Xô Viết đã chân thành bày tỏ ý kiến của mình: “Nói các bạn đừng
giận, nước các bạn làm phim truyện trong tình trạng của một nền kinh tế tiểu
nông không khác gì một anh nhà nghèo, lo ăn được bữa sáng mà còn chưa biết xoay
sở ra sao để có được bữa tối, chưa lo được bữa tối mà rấp ranh định chơi đồ cổ!". Thiết nghĩ, cảm nhận này vẫn đúng với điện ảnh
nước ta trong ngày hôm nay.
Muốn
làm ra một bộ phim hay, gạn chắt đến cùng, hiện ra 2 yếu tố cơ hữu: Một cốt
chuyện kịch phim thật lạ, thật độc đáo, giàu tính nhân văn, giàu ngôn ngữ điện ảnh,
cắm sâu gốc rễ trên quê cha đất tổ. Yếu tố thứ 2 là khả năng dàn dựng. Mà đã
nói tới dàn dựng, tức phải thỏa mãn yêu cầu tối đa của đạo diễn để giúp anh ta
bày đặt, sắp xếp, thể nghiệm, so sánh, lựa lọc sao đạt bằng được ý tưởng của
anh ta. Muốn vậy thì đồng vốn đổ vào phim phải lớn, phải dồi dào, không thể đo
lọ nước mắm đếm củ dưa hành; càng không thể chưa bấm máy nhà sản xuất đã luôn
giật mình vì lo thua lỗ..
Về
phương diện huy động vốn để làm phim- thiết tưởng sẽ còn là trở ngại, là thử
thách còn rất lâu dài đối với việc sản xuất phim ở nước ta. Hoàn toàn chưa thấy
mảy may một dấu hiệu nào chứng tỏ Nhà nước sắp mở hầu bao đổ tiền vào việc làm
phim, xây dựng nó xứng tầm một ngành công nghiệp giải trí sinh lời như ở Hàn Quốc.
Vốn liếng của những đạo diễn Việt Kiều xem ra cũng không phổng phao, dư dả gì. Đã
có thực tế nhỡn tiền. Nhiều Việt Kiều về nước làm phim đầu tay rất hay, nêu ra
được tấm gương bằng phim kết hợp thành công yếu tố giải trí và yếu tố nghệ thuật
( phim: “Dòng máu anh hùng”, “Mùa len trâu” ) nhưng cũng chỉ được một, hai phim đầu. Sau
đó anh chị em nhanh chóng bị quê hương xứ sở “dollar hóa ”- tức hòa nhập vào
dòng phim kiếm lời lãi là mục tiêu cốt tử.
Nhiều đạo diễn trẻ trong nước lo lắng vì sự tụt
hậu của điện ảnh nước mình so với điện ảnh trong khu vực và thế giới. Họ đầy
nhiệt tâm mong muốn bộ phim của mình làm ra vừa có doanh thu đồng thời mang
tính nghệ thuật ( trong 10 năm vừa qua, có thể nêu ra đây những bộ phim tiêu biểu
như: “Trúng số” của đạo diễn Dustin Nguyễn, “Em là Bà nội của anh” đạo diễn
Phan Gia Nhật Linh, “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, “Hotboy 2” và
“Khi con là nhà “ của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, “Tháng năm rực rỡ” của Nguyễn
Quang Dũng ). Song việc làm ra những bộ phim như thế chưa trở thành một trào
lưu. Và nhũng đạo diễn này vẫn ở trong tình trạng “đỏ mắt ” tìm đầu vào.
Phần
đông đạo diễn vẫn chịu sức ép cân đong lỗ lãi của nhà sản xuất. Vì vậy, muốn
hay không phim của họ vẫn phải tuân thủ công thức Tình+ Hành động + Hài+ Những
tên tuổi diễn viên đang “hot”.
Tình
trạng khó tìm ra đồng vốn làm phim như trên –theo chúng tôi –sẽ còn là “căn bệnh
mãn tính”, sẽ còn kéo dài mươi, mười lăm năm nữa.
Để
bổ cứu hoặc nắn chỉnh phần nào tình trạng sản xuất phim ở nước ta hiện nay, tôi
thiết tha kêu gọi các nhà sản xuất, các đạo diễn hãy quay trở lại với nền văn học
của chúng ta, nếu thực sự muốn tìm đến một cốt kịch hay.
Một
nhà văn thứ thiệt, khi viết ra được một truyện ngắn, một truyện vừa, một cuốn
tiểu thuyết thành công, được dư luận công nhận, rõ ràng là họ đã tốt nghiệp trường
trải nghiệm cuộc đời, trường đào tạo về nghề viết. Không một truyện ngắn, truyện
vừa, một cuốn tiểu thuyết nào in ra mà mắc phải căn bệnh ấu trĩ, ngớ ngẩn của
việc không cân đối về cấu trúc, xộc xệch về dàn tuyến nhân vật, đơn giản hay cẩu
thả về mặt khắc họa các mâu thuẫn, các xung đột… Các tiểu thuyết gia càng là thầy
phù thủy về kỹ thuật, kỹ năng này khi họ đã dày công tạo ra cả một thế giới
hàng chục, hàng trăm nhân vật trong cuốn sách vài trăm trang của họ. Ấy thế mà
những căn bệnh ấu trĩ, non nớt như vậy lại rất dễ dàng tìm thấy trong những bộ
phim truyện, đặc biệt trong những bộ phim truyện truyền hình nhiều tập xuất hiện
nhi nhúc trên màn ảnh nhỏ một, hai chục năm qua.
Các
vị đạo diễn ơi, xin hãy khai thác thế mạnh này ở các tác phẩm của các nhà văn
đã thành danh. Nhà văn hầu như đã bảo đảm 30 đến 40%, thậm chí hơn thế cho
thành công trong bộ phim tương lai của các bạn. Tức bảo đảm bộ khung vững chắc
cho cốt truyện kịch trong phim của bạn rồi. Vấn đề còn lại là các bạn hãy dành
tâm huyết, vốn hiểu biết và công sức để chuyển tải từ ngôn ngữ văn chương qua
ngôn ngữ tổng hợp của điện ảnh mà thôi.
Lười
đọc, ít chịu theo dõi diễn tiến văn học cũng là một điểm yếu của một số đạo diễn
trẻ hiện nay. Các anh, các chị thường phẩy tay “thì bên văn học cũng có quái gì
điều lạ, điều hay đâu! ”.
Tôi
xin được nói thế này: Hơn ba chục năm nay, tính từ ngày đất nước bước vào Đổi mởi,
cũng như Điện ảnh, Văn học đã được cởi trói. Nhưng được cởi trói về tư tưởng,
nhận thức, về khâu duyệt rồi, Điện ảnh liền bị trói chân trói tay bằng đồng tiền.
Trái lại, nhà văn chỉ cần 1 bàn phím máy tính, một chiếc máy in, một sấp giấy họ
thỏa sức thả tung đàn chim sức sáng tạo của họ ra. Thêm 30- 40 triệu đồng, đứa
con là cuốn tiểu thuyết kia được cấp giấy thông hành vào đời liền. Thử hỏi với
30, 40 triệu một đạo diễn sẽ làm được việc gì?
Xin
các đạo diễn trẻ đừng nông nổi, vội vã chê không có tác phẩm văn chương hay xứng
để làm phim! Bạn đã đọc hết khoảng hơn 20 chục cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn
Kháng chưa? Bạn hãy trả lời xem có bao nhiêu vấn đề xã hội đương đại mà điện ảnh
chúng ta cần quan tâm tro ng ngần ấy cuốn tiểu thuyết? Bạn đã biết tới bộ 3 tiểu
thuyết “ Hồ Quý Lý”, “ Mẫu thượng ngàn “ và “Đội gạo lên chùa” của nhà văn lão
thành Nguyễn Xuân Khánh chưa ? Ông đã giành vài chục năm trong cuộc đời mình để
khảo cứu và phản ánh trên mấy chục ngàn trang sách con đường Phật giao cắm rễ và
ảnh hưởng ra sao thế giới tâm linh vàđời sống tinh thần của người Việt Nam? Bạn
đã biết tới tên tuổi và tác phẩm của những nhà văn hiện đại xuất hiện sau cuộc
chiến 1964-1975 ở nước ta như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Thùy
Dương, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Bình Phương… ở phía Bắc; Trầm Hương, Dạ Ngân, Nguyễn
Thị Thu Trân… ở phía Nam chưa? Chỉ riêng tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng ” của
nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã gợi ý cho điện ảnh xứ mình rất nhiều đề tài, cách
xử lý lạ, độc đáo cùng những va động hầm hập hơi nóng của đời sống đương đại.
Nói
đến văn chương ở phía Nam, nhà văn trẻ tài năng Nguyễn Ngọc Tư trong hơn chục
năm sáng tác của mình vẫn còn vài chục truyện ngắn, truyện vừa phản ánh không
giống ai tính cách con người, phong vị rất riêng của cung cách khu xử, của lời
ăn tiếng nói và phong cảnh, thời tiết của vùng sông rạch Miền tây Nam Bộ là món
quá quý đang chào mời các nhà điện ảnh.
Nói
tới văn chương phía Nam, tôi đoan chắc rằng cuốn tiểu thuyết “Cơn giông” của
nhà văn quá cố Lê Văn Thảo sẽ hứa hẹn mang lại một bộ phim đầy chất edotic (
cái lạ )của vùng đất mũi Cà mâu mà “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm
Minh mới hé lộ một phần.
Một
nền điện ảnh giàu tính nhân văn, giàu tính người, mang đậm phong vị quê hương xứ
sở, giàu ngôn ngữ điện ảnh, càng không thể mắc phải những căn bệnh lai căng, bắt
chước nay giống Hàn, mai giống Hollywood, ngày kia giống Đài Loan..nền điện ảnh
ấy dứt khoát và nhất định phải bén sâu gốc rễ vào vào thứ phù sa văn chương của
quê hương, xứ sở mình.
Khi
còn nghèo vốn liếng, nghèo phương tiện chuyển tải hiện đại như bàu bạn năm châu
bốn biển, có lẽ con tàu điện ảnh nên trở về điểm xuất phát từ những bến bờ có
thực và đích thực!