Nhà lý luận phê bình Nguyễn Hòa trình bày ưu tư: Sau khi đọc bài “Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” đăng trên báo Tiền Phong, tôi có thêm cứ liệu để tin rằng sự phong phú vốn từ vựng của một dân tộc - cụ thể ở đây là tiếng Việt, có sự đóng góp quan trọng của các nhà văn, nhà thơ. Tuy nhiên, vì còn có một vài thắc mắc, nên tôi mạn phép được gửi tới PGS TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu hai câu hỏi về khái niệm “phồn sinh” và khái niệm “linh thảo”!



Mạn phép xin được gửi hai câu hỏi tới PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu

NGUYỄN HÒA

Sau khi đọc bài “Nạn đạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” đăng trên báo Tiền Phong, tôi có thêm cứ liệu để tin rằng sự phong phú vốn từ vựng của một dân tộc - cụ thể ở đây là tiếng Việt, có sự đóng góp quan trọng của các nhà văn, nhà thơ. Tuy nhiên, vì còn có một vài thắc mắc, nên tôi mạn phép được gửi tới PGS TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu hai câu hỏi:
1. Về khái niệm “phồn sinh”:
Dù là “khẩu thiệt vô bằng”, tôi vẫn xin thưa từ những năm 80 của thế kỷ trước tôi đã tiếp xúc với khái niệm “phồn sinh”, nhưng vì không sử dụng nên tôi không chú ý tìm hiểu nội hàm khái niệm này. Nay tôi mới được biết PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là người đã sáng tạo khái niệm “phồn sinh”; trước khi công bố, ông đã cẩn trọng hỏi ý kiến Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và các tác giả Hữu Thỉnh, Phùng Tấn Đông, Nhật Chiêu nhằm xác minh xem đã có ai dùng hay chưa, và được trả lời rằng “phồn sinh” chưa có trong từ điển, văn học phía Nam cũng chưa ai dùng.
Vậy với sự cẩn trọng về kết quả sáng tạo và bản quyền như thế, khi công bố, ông xác định nội hàm khái niệm này cụ thể là gì, đã giới thiệu khi nào và ở đâu? Tôi đưa ra câu hỏi vì theo tôi, bất kỳ khái niệm hoặc từ nào mới xuất hiện đều mang trong nó một nội hàm, một ý nghĩa; nếu không xác định được nội hàm hay ý nghĩa thì đó chỉ là khái niệm, hoặc từ vô giá trị. Như giai thoại tôi được nghe kể: Có lần Nguyễn Tuân không vừa ý với biên tập viên tờ báo nọ vì người này sửa “phập phèo điếu thuốc” trong một bài viết của ông thành “phì phèo điếu thuốc”; bởi theo Nguyễn Tuân, chỉ vào lúc nhàn tản, thư thái người ta mới “phì phèo điếu thuốc”, còn khi vừa hì hục làm việc vừa hút hơi được hơi chăng thì phải gọi là “phập phèo điếu thuốc”.

                                                     
                                            "Hoa linh thảo" trên kenhsinhvien.vn


2. Về khái niệm “linh thảo”:
Như ông cho biết thì hoa Linh thảo là “tên ông bịa ra từ tên người yêu cũ”, và điều này khiến tôi liên tưởng tới “lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm. Song tò mò tìm trên internet tôi lại thấy nhiều thông tin đề cập linh thảo. Như: nghệ sĩ đàn tranh Linh Thảo, ca sĩ Linh Thảo; trên sendo.vn có Shop Linh Thảo; bà Nguyễn Duy Linh Thảo ở Kiên Giang bị kỷ luật; TS. Bác sĩ Nguyễn Linh Thảo chuyên về Sản phụ khoa; Amy Nguyen có tên thật là Nguyễn Hoàng Linh Thảo hiện ở Mỹ, Lê Linh Thảo người Úc gốc Việt, trước năm 1975 dạy Việt văn tại một số trường trung học ở miền nam… Các thông tin này cho thấy hai khả năng: hoặc linh thảo không xa lạ, hoặc là người ta thuổng của PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu? Vậy theo ông, khả năng nào có thể khả dĩ chấp nhận được (xin lưu ý: Nguyễn Hoàng Linh Thảo năm nay 41 tuổi, Lê Linh Thảo năm nay 87 tuổi). Thêm nữa theo ông, “hoa linh thảo” có phải do ông “bịa ra” hay không, khi trên bibomart.com.vn thấy giới thiệu “mật ong phấn hoa linh thảo”, còn trong bài “6 lợi ích tuyệt vời của cây Linh Thảo” trên kenhsinhvien.vn, người ta đã giới thiệu linh thảo là cây họ đậu kèm theo ảnh hoa linh thảo?
Đôi điều thắc mắc mạn phép gửi PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu và hy vọng sẽ được ông trả lời.