Nhà báo Trương Quang Vĩnh – Nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, nêu quan điểm về phản ứng của giới truyền thông trước vụ việc cô giáo ở La Gi – Bình Thuận bị chồng tố cáo vào nhà nghỉ với nam sinh lớp 10: “Tôi vẫn hiểu và chia sẻ với anh em: “có thực mới vực được đạo” nhưng không thể kiếm tiền bằng mọi giá. Trong cuộc chiến tranh giành miếng bánh nhỏ bé của thị trường quảng cáo online chưa thực sự lớn mạnh, nhiều báo mạng đang lao vào tranh đua bằng chiêu bài lá cải một cách tuyệt vọng-tình, tiền, tù, tự tử… được phơi bày đến mức tối đa mà không cần biết đến hậu quả! Nhưng một khi mỗi người coi người khác là phương tiện để kiếm view, kiếm lợi nhuận thì khi đó sẽ không tránh khỏi tình trạng ta coi thường các chuẩn mực đạo đức, các tiêu chuẩn pháp lý, dẫm đạp lên các giá trị chân chính của người khác và của xã hội!”




KHI BÁO CHÍ COI NGƯỜI KHÁC LÀ PHƯƠNG TIỆN ĐỂ TÌM VIEW, KIẾM LỢI NHUẬN!

TRƯƠNG QUANG VĨNH

Tại các tòa soạn của báo, đài hàng ngày đều nhận được khá nhiều các đơn thư khiếu nại tố cáo của bạn đọc, bạn xem đài. Nội dung cũng rất đa dạng: Tố cáo về tiêu cực, tham nhũng; về đất đai bị lấn chiếm; về các bản án oan hoặc chậm được thi hành; tố cáo về quan chức quan hệ bất chính; về vợ-chồng đi ngủ với người khác…
Lãnh đạo báo, đài thấy nội dung thư tố cáo nào cần thiết thì phân công phóng viên đi xác minh, điều tra. Có nhiều đơn thư kèm theo hồ sơ, chứng cứ đến 5-7 kg thì PV cũng phải điều tra lại từ đầu-quy trình đó tôi nghĩ mãi mãi sẽ không bao giờ thay đổi để tìm tính chân thật, khách quan trong thông tin.
Trở lại với thư tố cáo của anh Lê Thanh T. tố cáo vợ mình, là cô giáo, quan hệ bất chính với học trò lớp 10 ở Lagi. Khi đọc xong tôi vẫn nghĩ, các nội dung tố cáo đó đã được các TS xác minh làm rõ, nhưng đọc cho đến giờ thì thật sự chưa xác tín được điều gì. 
Với loại nội dung nầy, một “công thức” rất quen thuộc đến mức nhàm chán mà báo chí hay sử dụng:
- Đăng thư tố cáo.
- Xong, gặp BGH, BGĐ Sở GD, Bộ GD-ĐT, Công an… để họ nói gì, có biện pháp gì?
- Gặp lại nhân vật tố cáo để họ nói chi tiết hơn một tí so với đơn.
- Rồi gặp “người trong cuộc”, là cô giáo, để cô trần tình và phản tố.
- Xong gặp em HS lớp 10 nói gì.
- Hỏi luật sư xem họ sẽ bị xử lý như thế nào?
- Gặp chủ nhà trọ.
- Rồi mở rộng ra-gặp cha mẹ anh T., gặp cha mẹ cô giáo, gặp cha mẹ em HS…
Thứ tự có thể sẽ thay đổi tùy báo. Lẽ ra các nhà báo phải làm hết các việc đó, kiểm tra lại việc đúng-sai sau đó mới quyết định đăng hay không đăng. Đằng nầy ta đăng rồi mới đi điều tra, người nầy tố cáo người kia và ta giải hết lên mặt báo (tôi chưa kịp suy nghĩ thể loại báo chí nầy là gì?!).
Bản tin đầu tiên từ ngày 7/3, hôm nay đã qua 6 ngày rồi nhưng vẫn tố qua, tố lại trên mặt báo.
Khi đã chưa xác tín điều gì là sự thật thì việc đưa thông tin rất nhạy cảm lên báo là ta đã xúc phạm nhân phẩm và danh dự của người khác. Trong trường hợp nầy, không phải một người mà rất nhiều người-anh T. và cả gia đình anh T.; cô giáo và cả gia đình cô giáo; em HS và cả gia đình em HS. Và còn cả thầy, trò Trường THPT NH, Thị xã Lagi. Đặc biệt em Mẫn, lớp trưởng, tự nhiên cũng bị lôi vào cuộc. 
Ta có xíu nào cảm thông với Chị Nga (Mẹ em Mẫn): Khi sự việc xảy ra, bà ngoại nhập viện vì nghe tin đó, bà ngoại rất thương. Còn bà nội thì khóc sướt mướt, nói: "Bao nhiêu tiền, bán nhà bán cửa cũng phải minh oan được cho Mẫn. Phải làm cho tới cùng dù gia đình bán cái gì cũng phải bán hết". Còn Chị Nga cũng chỉ có đề nghị nhỏ nhoi và chính đáng: Chúng tôi không mong được đền bù nhưng phải có sự đính chính để nhiều người không tiếp tục hiểu lầm!
Nhân phẩm và danh dự của họ bị xúc phạm không chỉ trong những ngày báo có tin bài, mà nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm nữa chưa chắc xóa nhòa được!
Trước đây hay bây giờ tôi vẫn thường nhắc anh em, với nghề báo có những cái sai mà ta sửa sai được sau khi cải chính và xin lỗi-đó là sai về sự kiện, con số. Nhưng có những cái sai mà cả đời ta không thể sửa được, đó là khi ta viết sai đến nhân phẩm và quyền con người, đặc biệt chạm đến những vấn đề nhạy cảm của người khác. Vì mỗi bài viết, mỗi tình tiết ta viết, nó được lan nhanh với tốc độ của “bia miệng”-nếu lỡ ta viết sai về nội dung tố cáo, ta đăng sai về lời phản tố của cô giáo, về em học sinh thì 1 bài, 2 bài, 3 bài…cải chính và vạn lần xin lỗi cũng không thể trả lại nhân phẩm vốn có của họ được vì “nghìn năm bia miệng sẽ vẫn còn trơ trơ”!
Tôi vẫn hiểu và chia sẻ với anh em: “có thực mới vực được đạo” nhưng không thể kiếm tiền bằng mọi giá. Trong cuộc chiến tranh giành miếng bánh nhỏ bé của thị trường quảng cáo online chưa thực sự lớn mạnh, nhiều báo mạng đang lao vào tranh đua bằng chiêu bài lá cải một cách tuyệt vọng-tình, tiền, tù, tự tử… được phơi bày đến mức tối đa mà không cần biết đến hậu quả!
Nhưng một khi mỗi người coi người khác là phương tiện để kiếm view, kiếm lợi nhuận thì khi đó sẽ không tránh khỏi tình trạng ta coi thường các chuẩn mực đạo đức, các tiêu chuẩn pháp lý, dẫm đạp lên các giá trị chân chính của người khác và của xã hội!
Sau 6 ngày, sau khi quẳng hết lên các trang báo, báo chí dường như đang bỏ ngỏ việc xác định đúng-sai. Đó là con đường tiếp cận với sự tự sát hơn là con đường kiếm sống!

*PS: Tôi cũng vì bức xúc với các thân phận bị phơi bày trên báo và cũng muốn góp ý đôi lời nhằm bảo vệ sự chân chính còn lại trong nghề báo và của các nhà báo.



Nguồn: Facebook Trương Quang Vĩnh