Trống của đền lại được đặt trên giá gỗ kê ngay ngắn một gian của nhà tiền tế. Tang trống được làm bằng gỗ thừng mực, sơn đỏ, có vẽ hoa văn long vân thật khéo. Mặt trống được bưng bằng da trâu mộng. Cái da căng mặt trống này rất bền. Từ thưở tôi lớn lên, chưa thấy mặt trống phải căng lại. Tiếng trống vẫn rền rĩ, khi hối hả, khi đổ nhịp thư thả, hòa quyện cùng tiếng chuông thỉnh, tạo ra một hòa âm thiêng liêng và thần bí của làng quê. Hàng năm, ngoài ngày tết nguyên đán, đền làng tôi chỉ có hai tiết chính, là ngày sinh tháng ba và ngày húy kỵ tháng tám của đức thánh thành hoàng làng, dân làng mới tổ chức tế lễ và rung chuông rung trống.



TIẾNG TRỐNG ĐỀN QUÊ TÔI

VŨ TỪ TRANG


Không hiểu sao cứ nhắc tới ngày tết cổ truyền, tôi lại nhớ về tiếng trống đền quê tôi?! Thực ra, đền thờ quê tôi không quá đồ sộ gì so với một số đền làng lân cận. Ấy nhưng với tôi, thì đền quê tôi đẹp hơn bất kỳ ngôi đền nào quanh vùng. Đền giữa làng, tọa lạc bên đường cái chính. Đền kiến trúc kiểu chữ công, có tam quan soi bóng xuống ao đền hình bán nguyệt. Trong tam quan, có tượng hai ông thiện ông ác, mà người dân quê tôi vẫn quen gọi là quan võ quan văn cầm đao canh đền đến là uy nghiêm. Ngoài tam quan lại có dãy tường hoa, dẫn lối vào ra đền. Ngày trước, sát hai tường hoa này, có dựng hai bia đá chặn hai đầu, khắc chữ “Hạ mã”.
Theo các cụ quê tôi kể lại, thưở trước, các quan trên triều, hoặc chánh tổng, lý trưởng có hống hách mấy, hễ đền đây đều phải xuống ngựa, ngả mũ ngả ô khiêm nhường đi qua cửa đền, đi doạn xa mới dám lên ngựa đi tiếp. Tục truyền, một năm, có ông quan tổng bên ghé làng tôi chơi, không thèm chấp thuận tục lệ hạ mã, mặc nhiên nghênh ngang cưỡi ngựa qua cửa đền. Khi về nhà, ông quan này bị thánh thần quật chết tươi.
Hiên trong của tam quan, có treo chiếc chuông đồng cao ngập đầu người, được dúc với nhiều hoa văn tinh xảo. Trống của đền lại được đặt trên giá gỗ kê ngay ngắn một gian của nhà tiền tế. Tang trống được làm bằng gỗ thừng mực, sơn đỏ, có vẽ hoa văn long vân thật khéo. Mặt trống được bưng bằng da trâu mộng. Cái da căng mặt trống này rất bền. Từ thưở tôi lớn lên, chưa thấy mặt trống phải căng lại. Tiếng trống vẫn rền rĩ, khi hối hả, khi đổ nhịp thư thả, hòa quyện cùng tiếng chuông thỉnh, tạo ra một hòa âm thiêng liêng và thần bí của làng quê. Hàng năm, ngoài ngày tết nguyên đán, đền làng tôi chỉ có hai tiết chính, là ngày sinh tháng ba và ngày húy kỵ tháng tám của đức thánh thành hoàng làng, dân làng mới tổ chức tế lễ và rung chuông rung trống. Tuổi thơ của tôi từng được tắm mình trong tiếng chuông tiếng trống của đền làng. Tiếng trống thờ của đền làng tôi như có âm thanh riêng biệt. Không chỉ riêng tôi mê, mà tôi tin rằng bất kỳ người nơi nao hễ đến làng tôi, được nghe tiếng trống đền, thì không dễ gì quên được.
Đương nhiên người đánh trống đền là người trong làng có tài đánh trống, nhưng phải là người hiền lành tử tế, khi ra đánh trống thờ là không vướng bụi. Có nghĩa là người đó không vướng để tang ai. Người đang để tang mà ra đền đánh trống thờ, là coi bị sui. Từ ngày lớn lên, tôi biết có mấy người được ra đánh trống đền, nhưng tôi thấy người đánh trống hay nhất vẫn là người anh rể tôi.
Anh vốn nhà nghèo, nhưng tính tình hiền lành, chăm chỉ. Anh là trai tân, lấy chị tôi khi chị tôi đã qua một đời chồng.
Tôi còn nhớ đám cưới với người chồng trước của chị. Đấy là đám cưới đời sống mới đầu tiên của làng sau ngày hòa bình. Đám cưới chỉ có tiệc trà, thuốc lá và bánh kẹo.
Tôi ngày đó còn bé, nhưng vẫn nhớ hình ảnh chị tôi ăn mặc rất đẹp, cười rất tươi, ai cũng khen cô dâu chú rể đẹp đôi. Vậy mà không hiểu sao, ăn ở nhà chồng chỉ được tháng trời, chị tôi lại mang quần áo về nhà, mặc cho bố mẹ tôi khuyên can thế nào cũng không được.
Hỏi cặn kẽ, vợ chồng chê bôi gì nhau? Chị lắc đầu, nói không hợp nhau. Người chồng chị ngày ấy là người tử tế, tính tình hiền lành, chăm chỉ. Anh đến khuyên nhủ chị tôi trở về nhà, nhưng chi nhất mực không nghe, anh đành thưa với bố mẹ tôi là duyên số chúng con không thành. Tuy không còn là vợ chồng nữa, nhưng mãi về sau, anh vẫn xưng là con với bố mẹ tôi. Cả nhà tôi ai cũng quý trọng anh. Hễ gặp tôi, anh vẫn chào tôi là cậu. Mãi sau này, lớn lên tôi mới hiểu, duyên phận chị tôi không thành cũng bởi tập tục cưới hỏi quê tôi ngày đó do người lớn sắp đặt, trai gái không được quyền tìm hiểu nhau. Có thể, hai bánh xe đều làm bằng thép tốt, nhưng bước răng không phù hợp, thì khi lắp ráp vào nhau cũng không thể quay cùng chiều được.
Chị tôi về nhà, không quan hệ với bất kỳ người đàn ông nào. Nhưng chị vẫn đẹp, vẫn nết na, siêng làm nhất xóm. Anh đánh trống thờ ngoài đền thầm mến chị tôi. Phải mấy năm sau, anh mới dám nhờ người mai mối. Lưỡng lự mãi, rồi chị gật đầu đồng ý.
Mọi người trong làng ai cũng bảo, từ ngày anh lấy được chị tôi, tiếng trống của anh càng vang và sâu thẳm hơn. Tôi đã có nhiều dịp xem anh đánh trống. Cái động tác trịnh trọng rửa sạch tay, vuốt áo quần cho tinh tươm trước khi cầm dùi đánh trống, cho tôi cảm nhận nghĩa cử thiêng liêng. Tiếng trống vang lên, lúc khoan lúc nhặt. Tiếng dùi gõ cắc cắc vào tang trống, có gì như đánh thức một nỗi niềm khó tả chìm khuất trong mỗi con người. Lại vào nhịp mới, tiếng trống lại tung hoành, vang dậy như nỗi niềm khấp khởi. Đôi tay cầm dùi như múa. Đôi mắt anh khi ấy như khép lại, như anh thả cả tâm hồn bay phiêu diêu cùng âm thanh huyền ảo.
Tiếng chuông thỉnh vang và ngân dài.
Mùi hương khói trên bàn thờ như quyện vào tiếng trống tiếng chiêng, như tạo ra một không gian tâm linh huyền diệu.
Tôi xa quê đã bao năm, tôi đã đi qua bao vùng đất, vậy mà tiếng trống thờ ở đền quê tôi vẫn vang dậy trong tôi, không lẫn vào đâu được.
Anh chị ở với nhau được bốn mụn con. Cuộc sống chưa sung túc gì, nhưng nếp nhà luôn êm ả, ấm cúng. Khi mang thai đứa con út, chị tôi đổ bệnh. Căn bệnh hiểm nghèo rút hết da thịt chị tôi. Ngày đó tôi vừa học ra trường, nên cũng chả giúp chị được gì đáng kể. Một bữa về thăm chị, hai chị em ngồi bên nhau, tôi thấy chị thở dốc. Chị bảo “Em yên tâm về đi làm đi, chị không làm sao đâu”. Tôi về nhà, vừa chuyện trò cùng bố mẹ tôi được dăm câu, chợt như có luồng điện mạnh đột ngột vụt trong đầu tôi. Cảm giác như sợi dây cao su căng ra chợt vụt đứt. Một linh tính chẳng lành, tôi lao đến nhà chị, chị vừa tắt thở. Anh rể tôi khi đó vừa đi làm về. Nhìn mấy dứa con nhỏ ngồi quanh giường mẹ khóc như mưa, anh biết ngay chuyện chẳng lành. Anh chạy đến bên chị tôi, ôm lấy chị tôi, rồi ngửa mặt hụ lên vài tiếng.
Chị tôi mất, anh rể tôi không ra đánh trống ngoài đền nữa.
Đoạn tang chị tôi, các cụ trong ban phụ lão vào vận động, anh cũng chẳng muốn ra. Rằm tháng tám, ngày húy kỵ đức thánh thành hoàng làng. Nghe tiếng trống thờ rung lên thành kính, như có sự thôi thúc vô hình, anh mặc áo dài ra đền, xin các cụ lão làng cho phép anh trở lại đánh trống. Mọi người nhường anh dùi trống. Anh đón nhận và dâng dùi trống ngang mày. Anh cúi lạy các bô lão, đoạn tiến tới chiếu thờ kính cẩn cúi đầu vái lạy đức thánh ba lạy. Anh đĩnh đạc tiến tới giá trống thờ, dóng trống.
Tiếng trống từ tốn khoan nhặt, rồi bỗng vang rền dồn dập. Tiếng trống như có tiếng gió, tiếng mưa, như có ánh chớp, ánh trăng, có hương mùa lúa chín, có cả tiếng đất âm âm rền rĩ chuyển mùa... Anh như hóa thân vào tiếng trống.
Dân làng nghe, ai cũng nhận ra tiếng trống của anh rể tôi. Vẫn dồn dập, hừng hực, nhưng nghe kỹ, thấy có gì da diết, lắng đọng hơn trước. Khép lại ba hồi trống thờ, là tiếng đổ hồi tùng cắc tùng cắc tùng cắc như lời vái vọng.
Sau ba hồi trống thờ, mọi người nom thấy mặt anh rể tôi đỏ bừng, mồ hôi vã ra ướt đầm lưng áo.
Một buổi, anh hỏi tôi “ Cậu nghe tiếng trống của anh có còn được không? ”. Không chờ tôi trả lời, anh nói tiếp “ Cậu lại khen anh thôi. Nhưng từ ngày chị cậu bỏ anh đi, tiếng trống của anh đã đuối hơi.”
Tết năm ấy, dân làng tôi lại được nghe tiếng trống thờ của anh rể tôi.
Ngày tết, không khí đền làng thật thiêng liêng. Giữa mùi khói hương ngào ngạt, mùi hoa quả dâng hương , tôi nhận ra tiếng trống của anh rể tôi. Hình như không chỉ đơn thuần là tiếng trống, mà như anh trút cả cảm xúc của mình vào tiếng trống. Tiếng trống như tiếng sấm rền vang trên trời, lại âm thầm quặn thắt như tiếng đất rậm rịch chuyển mùa. Dân làng ai cũng bảo chưa bao giờ anh đánh trống hay thế, huyền ảo thế. Chỉ có tôi hiểu tâm trạng anh rể tôi. Anh đã hóa thân vào tiếng trống.
Ấy rồi anh rể tôi đột ngột ra đi. Có phải anh đi theo chị tôi?! Anh đã ra đi cùng tiếng trống. Từ đấy, tiếng trống đền, tôi như thấy không rền vang như trước.