Gần đây, một số phóng viên quá dễ dãi trong tác nghiệp thường lấy kết luận điều tra hoặc báo cáo của cơ quan Công an rồi chuyển thành “phóng sự điều tra” và họ đã suy diễn vụ án theo suy nghĩ của họ. Nếu đọc qua thì cũng không thấy vấn đề gì, nhưng đọc kỹ mới thấy sự ngô nghê, vớ vẩn – đặc biệt về những tình tiết của vụ án mà họ tự bịa ra. Cũng có một khó khăn nữa đối với người viết vụ án hiện nay, đó là các cơ quan Công an siết chặt kỷ luật phát ngôn và cách thức cung cấp tài liệu…




VIẾT VỀ VỤ ÁN, DỄ HAY KHÓ ?

NGUYỄN NHƯ PHONG

Ngày xửa ngày xưa, khi báo Công an nhân dân còn phát hành nội bộ, mỗi tờ báo được coi như “tài liệu mật”. Bởi lẽ ngày ấy, trên báo Công an nhân dân có chuyên mục “Tường thuật vụ án”, “Câu chuyện nghiệp vụ” và “Trinh sát kể chuyện”. Ba chuyên mục này đăng tải những bài hết sức chân thật về các vụ án cùng những bài học về vấn đề nghiệp vụ. Có thể nói, vào những năm từ thập kỷ 90 trở về trước, đây là những chuyên mục được bạn đọc là cán bộ chiến sĩ công an ưa thích nhất và chính những thể loại này đã làm nên tên tuổi một số cây viết của Báo Công an nhân dân lúc bấy giờ như Trần Kính, Hữu Chí, Phạm Văn Miên, Thùy Linh... Sở dĩ các anh các chị viết về vụ án hay là bởi họ đã được học về nghiệp vụ Công an bài bản, có kiến thức nghiệp vụ và pháp luật; và đặc biệt, họ là những người được chiến sĩ Công an các đơn vị rất yêu quý, sẵn sàng “dốc bầu tâm sự” khi kể về những vụ án.
Sau này, khi báo Công an nhân dân được phát hành rộng rãi, thể loại này đã dần dần bị thay thế và thực chất cho đến bây giờ, không còn người viết về “Tường thuật vụ án”, “Câu chuyện nghiệp vụ” và “Trinh sát kể chuyện” nữa. Dĩ nhiên, đây không phải sự yếu kém mà do yêu cầu tuyên truyền hiện nay khác ngày xưa rất nhiều. 
Năm 1997, khi báo An ninh thế giới ra đời, Tổng Biên tập Hữu Ước đã nghĩ ra một cách viết vụ án mà trước đó chưa từng có, đó là dùng cách viết của thể loại phóng sự để viết về các vụ án. Và người được giao trách nhiệm này là tôi (Nguyễn Như Phong). Tuy nhiên, để viết được vụ án bằng “giọng phóng sự” thì đòi hỏi phải có một nguồn tư liệu rất phong phú, giàu chi tiết đời thường của cả hai phía: người phá án và kẻ phạm tội. Để có được tư liệu đòi hỏi người viết phải xây dựng được mối quan hệ đặc biệt thân thiện đối với trinh sát của các đơn vị điều tra.
Trong những năm làm ở An ninh thế giới, tôi đã được Tổng Biên tập Hữu Ước tạo điều kiện hết mức để đi viết vụ án. Cần tiền là có tiền, cần xe là có xe, cần điện thoại đời mới, máy tính đời mới, máy ảnh đời mới... đều được đáp ứng. Vì thế, bất kể lúc nào, chỉ cần anh em cảnh sát điều tra ở các đơn vị gọi là đều có thể lên đường được ngay, trong túi rủng rỉnh tiền để mời anh em ăn uống. Có những chuyên án tôi trực tiếp lái ôtô đưa anh em đi lùng bắt tội phạm; có những chuyên án của lực lượng an ninh tôi được thông tin về vụ án sớm nhất có thể mà không ảnh hưởng tới nguyên tắc nghiệp vụ và công việc của cán bộ điều tra. Và điều quan trọng nhất để viết về những vụ án bằng giọng phóng sự vừa đảm bảo tính nghiệp vụ, tính hấp dẫn mà vẫn giữ được bí mật là bởi sự giúp đỡ, chia sẻ của anh em làm công tác điều tra. 
Có thể nói, từ những năm 1997 đến 2010, tôi được tham gia hầu hết các chuyên án lớn của Công an Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và cả Tổng cục An ninh. Chính cách viết tường thuật vụ án bằng giọng phóng sự đã tạo nên bản sắc riêng biệt cho tờ An ninh thế giới. Nhưng để viết được như vậy, hoàn toàn không đơn giản! Trước hết nó đòi hỏi người viết phải được chính cán bộ Công an tin cậy, yêu quý. Trong nhiều trường hợp, họ coi phóng viên như những cán bộ điều tra của mình; nghĩa là đồng cam cộng khổ với anh em và sẵn sàng giúp đỡ anh em khi cần thiết. 
Một điều quan trọng, đó là phải biết cách khai thác tài liệu và chịu khó nghe, chịu khó hỏi, chịu khó ghi chép. Đặc biệt là phải biết phát hiện ra những chi tiết điển hình ở những hoàn cảnh điển hình đối với những tên tội phạm điển hình và cả đối với những cán bộ chiến sĩ Công an trực tiếp phá án. 
Một vấn đề nữa, là phóng viên phải tự mình trang bị kiến thức về nghiệp vụ Công an, về pháp luật, đặc biệt là Luật Tố tụng hình sự. Hiện nay có tình trạng phóng viên nhiều tờ báo khi viết về vụ án rất ngây ngô và không hiểu gì về luật pháp. Thậm chí họ không hiểu thế nào là “bị can”, thế nào là “bị cáo”; không hiểu được thế nào là “bắt bình thường”, thế nào là “bắt khẩn cấp”; không hiểu được cơ quan An ninh điều tra thụ lý loại vụ án nào, cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý loại vụ án nào...
Vì không am hiểu nhiều về luật pháp, không hiểu nghiệp vụ, lại có lối lấy tài liệu theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, lười ghi chép, lười hỏi, cho nên hiện nay, cách viết về các vụ án trên nhiều báo như nhau và mắc bệnh chung là “nông choèn choẹt”!
Để viết được những vụ án hay, Ban Biên tập tờ báo phải tạo điều kiện tối đa cho phóng viên đi viết vụ án. Bởi lẽ, để viết được một vụ án “cho ra hồn”, nhiều khi rất mất thời gian, nhưng nếu như tòa soạn không dành đất để đăng tải, không có chế độ nhuận bút phù hợp thì không thể tạo động lực cho phóng viên dấn thân đi viết “tường thuật vụ án”.
Gần đây, một số phóng viên quá dễ dãi trong tác nghiệp thường lấy kết luận điều tra hoặc báo cáo của cơ quan Công an rồi chuyển thành “phóng sự điều tra” và họ đã suy diễn vụ án theo suy nghĩ của họ. Nếu đọc qua thì cũng không thấy vấn đề gì, nhưng đọc kỹ mới thấy sự ngô nghê, vớ vẩn – đặc biệt về những tình tiết của vụ án mà họ tự bịa ra. Cũng có một khó khăn nữa đối với người viết vụ án hiện nay, đó là các cơ quan Công an siết chặt kỷ luật phát ngôn và cách thức cung cấp tài liệu nên hầu như không còn cảnh phóng viên lái ôtô chở Công an lùng bắt tội phạm; phóng viên cùng trải nghiệm công việc của điều tra viên, hiểu rõ hoạt động phạm tội của đối tượng để phát hiện ra hoàn cảnh điển hình, chi tiết điển hình... như nói ở trên để xây dựng phóng sự.
Chuyện trinh thám và chuyện vụ án bao giờ cũng là đề tài hấp dẫn với bạn đọc. Chỉ có điều bây giờ có viết được hay không mà thôi!




Nguồn: Công An Nhân Dân