“Ông đồ” còn được Hoài Thanh coi là “một việc nghĩa cử”, có ý lên tiếng chia sẻ, bênh vực những người không mấy may mắn. Bởi vì, ngay ở thời còn thịnh, những ông đồ (thầy đồ) thường là những nhà nho không đỗ đạt làm quan. Mỗi năm khi xuân đến, họ thường được nhiều người thuê viết chữ, viết câu đối để làm mỗi cái việc thuần túy là trang trí trong nhà vào dịp “ba ngày Tết”. Còn vào thời không còn thịnh, các ông đồ đương nhiên thất thế, bị gạt ra lề cuộc đời. Tâm thế ấy chính là sự tiếc thương cho một cái gì đã mất, cho một cái gì mãi mãi đi xa, nhằm chia tay quá khứ theo lối nhân bản.



ÔNG ĐỒ
         VŨ ĐÌNH LIÊN
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

     Lời bình của Đặng Huy Giang:
     Trước Vũ Đình Liên, nhà thơ Trần Tế Xương đã viết bài thơ “Chữ nho”, có ý than vãn một cách xót xa cho cái thời nho mạt, thời thất thế của cựu học, thời lên ngôi của tân học, như một xu hướng tất yếu của xã hội thời bất giờ. Dưới đây là nguyên văn “Chữ nho”:
Nào có ra gì cái chữ nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm thầy phán
                                         Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
        Sau khi gần như là hạ thấp và dè bỉu vai trò của chữ nho, Trần Tế Xương hướng tới “thầy phán” (nhân viên hạng trung, làm việc bàn giấy trong các công sở thời Pháp thuộc), vì dù có thế nào thì họ cũng có tương lai sáng sủa hơn trong cuộc sống hàng ngày với: “Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò”.
     Nhưng khác với “Chữ nho”, qua “Ông đồ” (đã đăng trên “Tinh hoa” năm 1936 và in lại trong “Thi nhân Việt Nam” năm 1942), Vũ Đình Liên muốn “bảo tồn” và làm sống lại  một “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên trong một bức thư gửi Hoài Thanh và Hoài Chân ngày 9 tháng 1 năm 1941) bằng một biểu tượng văn học, qua một tứ thơ cụ thể, sinh động và giàu thương cảm.
     Không những thế, “Ông đồ” còn được Hoài Thanh coi là “một việc nghĩa cử”, có ý lên tiếng chia sẻ, bênh vực những người không mấy may mắn. Bởi vì, ngay ở thời còn thịnh, những ông đồ (thầy đồ) thường là những nhà nho không đỗ đạt làm quan. Mỗi năm khi xuân đến, họ thường được nhiều người thuê viết chữ, viết câu đối để làm mỗi cái việc thuần túy là trang trí trong nhà vào dịp “ba ngày Tết”. Còn vào thời không còn thịnh, các ông đồ đương nhiên thất thế, bị gạt ra lề cuộc đời. Tâm thế ấy chính là sự tiếc thương cho một cái gì đã mất, cho một cái gì mãi mãi đi xa, nhằm chia tay quá khứ theo lối nhân bản.
     Bài thơ là một câu chuyện kể giống như những thước phim quay chậm. Giọng thơ nhẩn nha và được triển khai theo lối “trường thiên năm chữ” từ khổ thơ thứ nhất đến khổ thơ thứ năm.
     Nếu như khổ thơ thứ ba nêu được thực trạng chủ quan của việc vắng khách đến nỗi: “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu”, thì khổ thơ thứ tư lại nêu được thực trạng khách quan của việc không được người đời để ý đến đến nỗi: “Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay”. Riêng “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu” là hai chi tiết thơ đắt, tải được màu sắc của tâm trạng theo tinh thần mà đại thi hào Nguyễn Du từng chỉ ra trong “Truyện Kiều”: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Bốn câu này có quan hệ hữu cơ với nhau tựa như không có cái này thì không có cái kia, hoặc sở dĩ có cái kia là vì có cái này vậy.
      Đến khổ thứ năm đồng thời là khổ cuối, “Ông đồ” tạo ra khung cảnh vô cùng trống vắng bằng:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
và một lời thương nhớ khôn nguôi ngỡ không có gì có thể thương nhớ khôn nguôi hơn được nữa trong hai câu kết:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
      Riêng câu “Những người muôn năm cũ”, sau này đã trở thành tít của nhiều bài báo. Nói một cách khác: Nhiều nhà báo thời hiện đại đã lấy câu thơ này để giật tít qua những bài viết của mình, mỗi khi rơi vào tình cảnh hoài niệm những gì một đi không trở lại. Như thế cũng đã được coi là dấu ấn và ảnh hưởng lâu dài của Vũ Đình Liên qua “Ông đồ” rồi.

     Những tưởng thời chống Pháp, có nhiều “nhà thơ một bài” và sống được là nhờ một bài thơ. Không ngờ trước đó, ngay cả thời thơ mới, cũng có một số nhà thơ sống được là nhờ một bài thơ, mà trong đó, tác giả bài thơ “Ông đồ” được coi là một ví dụ tiêu biểu.