Đón xuân Kỷ Hợi 2019, người yêu thơ không thể không nhớ, đúng một thế kỷ trước đã sinh ra một nhân vật xuất sắc trong nền thơ Việt Nam hiện đại: thi sĩ Huy Cận! Tập thơ “Lửa thiêng” xuất hiện khi ông ở tuổi đôi mươi, đến hôm nay vẫn còn lấp lánh ánh sáng đam mê, mà độc giả với độ lùi thời gian cũng không cần “lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” khi “đi giữa đường thơm” thưởng thức.




HUY CẬN TRĂM NĂM VẪN LẤP LÁNH LỬA THIÊNG

LÊ THIẾU NHƠN


Thi sĩ Huy Cận chào đời ngày 31-5-1919 tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 10 tuổi, Huy Cận vào Huế học hành. Những bài thơ đầu tiên in trên các tờ báo Tràng An, Sông Hương từ năm 1936, nhưng sự nghiệp của Huy Cận thực sự xác lập với tập thơ “Lửa thiêng” in năm 1940. Dù có đôi bài cũng khiến bạn đọc bây giờ cảm thấy ít thú vị, vẫn có thể khẳng định tập thơ “Lửa thiêng” là thành tựu nổi bật của phong trào Thơ Mới. 50 bài trong tập thơ “Lửa thiêng” không chỉ hé lộ một chân dung tác giả “chàng là con một người mẹ hay sầu/ nên trọn kiếp mắt chàng thường đẫm lệ” mà còn khẳng định một phẩm chất thi sĩ “lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh”.

Tập thơ “Lửa thiêng” với thao thức “ta thấy buồn cùng mọc với trăng sao” tiêu biểu cho nỗi buồn trong thơ tiền chiến. Điều ấy, không cần phải đếm có bao nhiêu chữ “buồn” hoặc bao nhiêu chữ “sầu”, mà dễ dàng hiểu được qua chính niềm riêng của thi sĩ Huy Cận “hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu/ mây không bay, thương nhớ cũng không màu”. Để thoát khỏi tấm lưới cô đơn của cuộc sống tù đọng bủa vây, thi sĩ Huy Cận dùng thơ như một phương tiện kết nối. Kết nối thơ với người, bài “Buồn đêm mưa” để “tặng Khái Hưng”, bài “Học sinh” để “tặng Tú Mỡ”, bài “Hồn xa” để “tặng Thế Lữ” hoặc bài “Giấc ngủ chiều” để “tặng Hoàng Đạo”… Đồng thời, thi sĩ Huy Cận cũng kết nối thơ với thơ, câu thơ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” được làm đề từ cho bài “Tràng giang” xao xác “Nắng xuống, chiều lên, sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.

Thơ Huy Cận độc đáo bởi dung hòa phong vị phương Đông và tinh thần phương Tây. Vần điệu vẫn nhịp nhàng mà ý tứ đã phóng túng, dẫu nhìn lại “Dấu chân trên đường” lặng lẽ “Đã vậy bao lần rồi thế nhỉ/ Và sau này nữa, dấu chân ai/ Sẽ ghi rồi xóa trên đường bạc/ Mỗi lúc trời đau gió thở dài” hay nghĩ đến “Vạn lý tình” nôn nao “Nắng đã xế về bên xứ bạn/ Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy/ Trông về bốn phía không nguôi nhớ/ Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay”. Chữ vẫn nằm trong khuôn thước mà nghĩa đã nhoài ra ngoài biên độ ước lệ, khi nghe “Họa điệu” ngậm ngùi “Chiều thịnh trị: ngày xiêu nhưng nắng phới/ Cây không đi mà tình cũng nghiêng nghiêng” hoặc khi nhìn “Áo trắng” khát khao “Em lùa gió biếc vào trong tóc/ Thổi lại phòng anh cả núi non”. Thậm chí, trong du dương thể thức quen thuộc lại có sự ngông ngạo bất ngờ: “Thâu qua cái ngáp dài vô hạn/ Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn”.

Giá trị sửng sốt của tập thơ “Lửa thiêng” không phải tình cờ may mắn, mà thi sĩ Huy Cận có ý thức sáng tạo hẳn hoi. Trong tập văn xuôi “Kinh cầu tự” in năm 1942, ông viết: “Thi sĩ ơi! Tôi yêu anh vì anh là người cổ nhất. Cổ nhất mới thành mới nhất được. Trong máu anh còn sôi dòng lửa sơ khai của vũ trụ buổi đầu. Thi sĩ ơi! Hỡi tâm hồn hỗn độn! Không có cái hỗn độn của các anh thì tìm đâu ra cái cân đối nhịp nhàng của sự sống ngày nay?”. Nghịch lý cổ - mới được thi sĩ Huy Cận chứng minh cụ thể trong những bài lục bát mang đậm dấu ấn cá nhân. Với quan niệm tùy từng trường hợp “phải thay áo cho thơ, phải đổi thể loại thì tứ thơ mới bật ra được”, thi sĩ Huy Cận đã chuyển bài “Đẹp xưa” lúc đầu làm theo Đường luật: “Ngập ngừng mép núi đường quanh co/ Quán đứng trơ vơ ngọn lá đưa/ Gió hút về ngàn vi vút mãi/ Dạt sườn thung lũng hàng lau thưa…” thành lục bát nhuần nhuyễn: “Ngập ngừng mép núi quanh co/ Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang/ Vi vu gió hút nẻo vàng/ Một trời thu rộng, mấy hàng mây nao…”. Có lẽ, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả cảm xúc lẫn kỹ thuật, thi sĩ Huy Cận có được những câu lục bát xao xuyến nhiều thế hệ, từ “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn/ Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi” đến “Ngủ đi em mộng bình thường/ Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ” hoặc “Sắc trời trôi nhạt dưới khe/ Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng”.

Cũng như mọi thứ trên đời, thơ ca cũng phải đối diện với sự nghiệt ngã của năm tháng. Có những câu thơ phải đặt vào chính bối cảnh ra đời, thì mới thấy cái hay cái đẹp. Có những câu thơ chỉ vừa phủ lên một lớp bụi ký ức, đã thấy cũ, thấy sáo. Nhiều tài danh trong giai đoạn “Thơ Mới 1932-1941” đã rơi vào sự thật cay đắng ấy như một lẽ thường tình. Riêng thi sĩ Huy Cận, nhiều câu thơ trong tập thơ “Lửa thiêng” vẫn còn nguyên vẹn sức thuyết phục với công chúng thế kỷ 21 như “Nhà em đầu phố lặng/ Ba ngõ, bốn bề trời” hoặc “Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương/ Sương hay chính bụi phai tàn lả tả”. Thử hỏi, hai câu thơ đậm đà phong cách Huy Cận, kiểu “Lòng êm như chiếc thuyền trên bến/ Nghe gió thu về hạ bớt mui” thì khác gì một sản phẩm Đường thi đang thách thức thẩm mỹ hôm nay?
Thi sĩ Huy Cận không chỉ là một người làm thơ với những run rẩy “tôi đã đành mang nặng nghiệp yêu thương” mà ông còn là một trí thức tầm cỡ. Năm 26 tuổi, thi sĩ Huy Cận đã trở thành Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên của nước Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên ông có được vị trí xã hội như vậy. Ý thức cách mạng của thi sĩ Huy Cận được hun đúc một cách bền bỉ. Ngay ở bài “Quanh quẩn” trong tập thơ “Lửa thiêng”, ông đã nhận diện sự bế tắc xung quanh “Đời nghèo thế! Không dành tôi chút lạ/ Đến ái ân cũng hết cả đợi chờ/ Và mỗi ngày sau những giấc ngủ trưa/ Mùng buông xuống không che sầu vũ trụ”. Đến bài “Xuân hành” viết năm 1943, ông tiếp tục khắc khoải “Về đâu những bước thời gian đã/ In dấu mong manh trên cánh đào/ Về đâu hạt bụi vàng thao thức/ Theo bánh xe quay tròn khát khao”. Và ông bày tỏ sự đổi thay lịch sử trong bài “Giữa lòng thế kỷ” viết năm 1946: “Nghe xương sống ca bài ca hùng vĩ/ Của ngàn muôn thế hệ ngẩng lên dần”.

Giữ nhiều trọng trách sau năm 1945, nên thi sĩ Huy Cận tạm ngưng sáng tác hơn chục năm. Tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” in năm 1958, đánh dấu sự trở lại của thi sĩ Huy Cận. Trong không khí văn chương phục vụ công nông binh, “chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm” có bài thơ “Anh Tài Lạc” dài gần 80 câu, với chú thích: “Anh tài Lạc, công nhân ở mỏ Cẩm Phả, đoàn viên công đoàn, tổ trưởng một tổ phá hoại hồi đầu kháng chiến ở mỏ bị địch bắt và bắn tại thị xã Cẩm Phả ba giờ sau khi chúng bắt anh”. Tuy nhiên, chất thơ mơ mộng của thi sĩ Huy Cận vẫn được lồng ghép khéo léo vào đời sống lao động hồ hởi. Cũng một chủ đề biển, nhưng thi sĩ Huy Cận có cách nhìn và cách viết uyển chuyển theo từng cột mốc sáng tạo. Bài “Đoàn thuyền đánh cá” trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” vượt qua sự miêu tả đơn giản “Ta hát bài ca gọi cá vào/ Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao/ Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”, thì bài “Mưa xuân trên biển” trong tập thơ “Đất nở hoa” in năm 1960 xây dựng bằng chất liệu mới: “Em bé thuyền ai ra giỡn nước/ Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm/ Biển bằng không có dòng xuôi ngược/ Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm”, và đến bài “Ta viết bài thơ gọi biển về” trong tập thơ “Hạt lại gieo” in năm 1984 đã nâng lên sự khái quát “Rồi một ngày kia hết ở đời/ Cho ta theo biển khỏa chân trời/ Điều chi chưa nói xin trao sóng/ Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi”.

Một đặc điểm không thể phủ nhận ở thơ Huy Cận là chất trí tuệ. Sự quan sát bằng đôi mắt thi sĩ cộng với sự rung động bằng trái tim thi sĩ, đều được lắng lại bằng suy tưởng thi sĩ. Nhờ vậy, thơ Huy Cận tránh được sự dễ dãi khi thi ca phải gánh vác thêm sứ mệnh cụ thể cho bộn bề công cuộc chiến đấu và kiến thiết non sông. Nếu bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương” trong tập thơ “Bài thơ cuộc đời” in năm 1963 biết đắn đo: “Cha ông yêu mến thời xưa cũ/ Trần trụi đau thương bỗng hóa gần/ Những bước mất đi trong thớ gỗ/ Về đây tươi vạn dặm đường xuân” thì bài “Gà gáy trên cánh đồng Ba Vì được mùa” trong tập thơ “Chiến trường gần đến chiến trường xa” in năm 1973 biết nhấn nhá: “Núi Tản như con gà cổ đại/ Khổng lồ, mào đỏ thắp bình minh/ Mênh mông gọi nắng cho mùa chín/ Từ buổi Sơn Tinh thắng Thủy Tinh”.

Thi sĩ Huy Cận làm thơ từ tuổi trẻ đến tuổi già. Đọc những bài thơ được thi sĩ Huy Cận viết sau tuổi 65, không thể không khâm phục khả năng biến hóa những thi ảnh thật sinh động. Cùng phản ánh một đối tượng, bài “Chim làm ra gió” viết ngày 5-2-1984 thuyết phục với mấy câu lãng đãng “Ta ở đất này, sống cõi này/ Đất làm ra gió để chim bay/ Chim làm ra gió cho trời rộng/ Người thuộc đường chim dang cánh tay”, còn bài “Con chim bay” viết ngày 7-8-1985 lại thuyết phục với mấy câu đắm đuối “Con chim bay không thấy bóng mình bay/ Chỉ thấy những chân trời phải tới/ Dang cánh rộng đập không gian vời vợi/ Bóng ở đất bằng, cánh lướt trời mây”.


Thi sĩ Huy Cận từ trần ngày 19-2-2005, hưởng thọ 86 tuổi. Thi sĩ Huy Cận trọn kiếp đau đáu với thơ, mong dùng thơ san sẻ với nhân gian. Trong một tiểu luận được viết những năm cuối đời, thi sĩ Huy Cận bộc bạch: “Nhà thơ làm thơ về đau khổ trong một trạng thái tâm hồn hào hứng, trong một trạng thái trái đang chín cây. Người đọc thơ được di dưỡng tinh thần với trạng thái ấy, mặc dù người làm thơ có thể mang nỗi đau trong đáy tâm hồn mình”. Rõ ràng, tiêu chí ấy hoàn toàn trung thành với những câu thơ gan ruột “Cũng chẳng dò xem gió ngược xuôi/ Lời đi không cốt gặp tai người/ Quá buồn nên muốn yên nguôi chút/ Tôi nói lòng ra để tự cười” trong tập thơ “Lửa thiêng” khởi nghiệp của ông./.