Nhà thơ Đặng Huy Giang nhận định: Với Hữu Thỉnh, tôi chọn “Cây đổ về nơi không có vết rìu” trong “Tự thú”, “Họ yêu nhau không có kinh nghiệm gì” trong “Chạm cốc với Xa-in”, “Nước lã đổ đi nước lã lại đem thờ” trong “Đường tới thành phố”… Đó là những đơn vị thơ hay  giản dị mà sâu sắc, không dễ viết, có màu sắc và có hàm lượng nhân sinh rất cao… Đó cũng là sự trải nghiệm được trưng cất trong đời sống tinh thần của Hữu Thỉnh đúng với quan niệm của ông: “Thơ là kinh nghiệm sống”.



ĐƠN VỊ THƠ HAY TRONG THƠ HỮU THỈNH

ĐẶNG HUY GIANG

1.
Năm kia, khi một mình đứng ra tuyển chọn thơ cho tập “Một chữ tình”, trong đó hầu hết là thơ tình của Việt Nam và thế giới, tôi đã nghĩ ngay đến Hữu Thỉnh. Tôi cho rằng, trong mảng thơ này, Hữu Thỉnh không thiếu bài hay. Đó là “Thơ viết ở biển” với “Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”. Đó là “Ấm lạnh” với “Đêm nay là cái đêm gì nhỉ/ Rét biến thành dây để trói tôi/ Em kề bên hoa trước mặt/ Ngày mai thương nhớ đã qua trời”. Đó là “Chăn-đa em ơi” với “Nhớ sen đi tìm đồng/ Gặp toàn bong bóng nước/ Quay về hoa vẫn cúc/ Anh cầm như trăm năm”. Đó là “Em” với “Có kẻ rủa em chết đi/ Vú em mỗi ngày mỗi ngọc”. Cuối cùng, tôi chọn “Lọc”:
Lọc hết bùn đi
Còn chút gì sót lại
Đấy là anh sau những vui buồn

Tắt mất ngày rồi
Còn chút gì sống được
Đấy là em rực rỡ sao Hôm

Anh đã yêu em trên tất cả những gì nhảm nhí
Mây đến quanh ta thành đồ đạc quanh nhà

Đến quả chín cũng phải cần vỏ bọc
Hai đứa mình vừa bóc một lần yêu.
     Và tôi đã có ngay lời bình: “Lọc hết bùn đi/ Còn chút gì sót lại/ Đấy là anh sau những vui buồn”, không phải là không có sức thuyết phục ít nhiều. “Tắt mất ngày rồi/ Còn chút gì sót được/ Đấy là em rực rỡ sao Hôm”, không phải là không có sức thuyết phục, nhưng vẫn không mới. “Đến quả chín cũng cần vỏ bọc/ Hai đứa mình vừa bóc một lần yêu”, cũng hay, nhưng vẫn chỉ hay ở cách nói. Nhưng đến “Anh đã yêu em trên tất cả những gì nhảm nhí/ Mây quanh ta thành đồ đạc quanh nhà” thì hoàn toàn thuyết phục và mới, đã vượt qua “hay ở cách nói”.
     Rất nhiều năm về trước ở Trung Hoa, cùng với “Thánh thi” Đỗ Phủ, “Tiên thi Lý Bạch, “Đạo thi” Bạch Cư Dị, còn có “Quỷ thi Lý Hạ”. Trong “Mộng lên trời”, Lý Hạ đã nhìn xuống trái đất và thấy: “Chín châu nhìn như chín chấm khói/ Biển không rót đầy một cái li”.
      Trong “Lọc”, Hữu Thỉnh làm ngược lại. Ông đã làm không gian của tình yêu, kích cỡ của tình yêu và tình yêu lớn hẳn lên. Đang ở dưới đất mà ông nghĩ mình và người yêu của mình đang ở trên trời. Nếu không thế, tại sao ông lại hạ bút viết: “Mây đến quanh ta thành đồ đạc quanh nhà”. Thành công nhất của “Lọc” là Hữu Thỉnh đã vũ trụ hóa tình yêu và “Lọc” cũng là tứ thơ độc đáo của Hữu Thỉnh.
  
 2.
 Sinh thời, Phạm Tiến Duật rất đề cao những câu thơ hay và ông coi đó là những câu thơ hạng nhất. Có lần, Phạm Tiến Duật đã đọc hai câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” và hai câu thơ của Thi Hoàng: “Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh/ Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc”  làm ví dụ. Nhưng đấy vẫn là đơn vị thơ hay gồm hai câu.
   Trong khi ấy trong thơ Việt Nam và thế giới, vẫn có đơn vị thơ hay chỉ có một câu. Hay nói một cách khác: Lâu nay, trong thơ Việt Nam và thế giới, có hiện tượng: Chỉ một câu thơ thôi, vẫn có thể đứng độc lập, có giá trị như một bài thơ.
     Đó là Bạch Cư Dị với “Cùng một lứa bên trời lận đận”, Tagore với “Chúa cũng tự tìm mình trong sáng tạo”, B. Brecht với “Làm người ác khó nhọc vô cùng”, Y. Bonnefoy với “Bất toàn là đỉnh cao”, W. Szymborska với “Không có gì hai lần”, K. Lubomirski với “Tại sao ánh sáng đi qua chúng ta lại chỉ còn bóng tối”, Nguyễn Trãi với “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”, Nguyễn Du với “Biết trong lẽ phải có người có ta”, Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Thế gian biến đổi vũng nên đồi”…
    Hãy thử hình dung nếu thiếu câu “Làm người ác khó nhọc vô cùng” thì chắc chắn sẽ không có bài thơ “Mặt nạ kẻ ác” của B. Brecht:
Trong buồng tôi treo một điêu khắc gỗ
Mặt nạ thần Nhật Bản thếp vàng
Mạch máu hằn trên trán nhăn khốn khổ
Tôi nhìn nó cảm thông
Làm người ác khó nhọc vô cùng.
   Còn nếu thiếu câu “Bất toàn là đỉnh cao” thì chắc chắn sẽ không có bài thơ “Bất toàn là đỉnh cao” của Y. Bonnefoy:
Có điều là phải hủy diệt, và hủy diệt, và hủy diệt
Có điều là sự cứu rỗi chỉ có được bằng cái giá đó.
Phá tan bộ mặt trần trụi trồi lên trong đá hoa
Đập vỡ mọi hình dạng, mọi cái đẹp.
Yêu cái toàn bích bởi đó là ngưỡng cửa
Nhưng từ chối ngay nó khi tận mặt, hãy quên nó, cái đã chết.
Bất toàn là đỉnh cao.
     Thời hiện đại, thơ Việt cũng không thiếu câu thơ như vậy. Đó là Chế Lan Viên với “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”. Đó là Trần Dần với “Mưa rơi không cần phiên dịch”. Đó là Thi Hoàng với “Có những buổi chiều không biết cất vào đâu”
   Với Hữu Thỉnh, tôi chọn “Cây đổ về nơi không có vết rìu” trong “Tự thú”, “Họ yêu nhau không có kinh nghiệm gì” trong “Chạm cốc với Xa-in”, “Nước lã đổ đi nước lã lại đem thờ” trong “Đường tới thành phố”… Đó là những đơn vị thơ hay  giản dị mà sâu sắc, không dễ viết, có màu sắc và có hàm lượng nhân sinh rất cao. Đó là thứ thơ theo Hoàng Đức Lương (nhà thơ người Việt Nam, thế kỷ 15): “Là màu sắc ngoài màu sắc, không thể ngắm bằng con mắt thông thường; là mùi vị ở ngoài mùi vị, không nếm với khẩu vị thông thường. Chỉ có chính nhà thơ mới có khả năng nhìn ra màu sắc ấy và nghiệm thấy mùi vị ấy”.
    Đó cũng là sự trải nghiệm được trưng cất trong đời sống tinh thần của Hữu Thỉnh đúng với quan niệm của ông: “Thơ là kinh nghiệm sống”.
   
     3.
Theo quan niệm nhà Phật, con người và sự vật thường biểu hiện ở hình tướng vô tướng (hoặc vô hình tướng). Chỉ cần có một không gian và một vật thể là ta có thể nhìn ra hình tướng (cái bên ngoài, phần hình thức). Còn cái vô tướng (cái bên trong, phần nội dung) rất khó mường tượng ra.
    Trong thơ cũng vậy. Chính sự vô tướng của nó làm cho nó trở nên khác thường.
    Bằng những đơn vị thơ hay của mình, Hữu Thỉnh đã chạm đến phần vô tướng sâu thẳm trong thơ.

    Thêm nữa, trong khi làm thơ vào thời điểm thăng hoa, từ trong vô thức, Hữu Thỉnh vô tình đã thành người đi tìm “lý trong gió” nhưng lại gặp “tình trong mưa” theo cách của ông./.