Tôi bần thần trong căn phòng lưu lại những kỷ vật của đời thơ Quang Dũng. Dù ấm cúng, trang trọng nhưng ít ỏi, giản đơn quá! Một tủ đựng sách, sổ tay bút tích của thi sĩ. Cùng một số bức tranh bột màu Quang Dũng vẽ treo trên tường. Không rõ “góc Quang Dũng”  tại Bảo tàng Văn học Việt Nam ở Hà Nội đang có những gì? Chạnh nhớ lúc ngang qua “Nhà danh nhân” 65A Nguyễn Thái Học, từng là cố cư của hàng loạt những tên tuổi: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Huỳnh Văn Gấm, Văn Giáo, Mai Văn Hiến, Trần Đông Lương, Vũ Tú Nam… giờ trông xuống cấp, nhôm nhoam.



Cố cư Hữu Loan, Quang Dũng

TRẦN TUẤN

Không phải nghiện hay lụy vào từ Hán-Việt, nhưng tôi cứ thích dùng hai chữ “cố cư” mỗi khi nhìn lại chuỗi biến cố thăng trầm cuộc đời ai đó. Cố cư, có nghĩa là một nơi ở cũ, vậy thôi. Mỗi đời người để lại một cố hương sau lưng, rồi lần lượt trải qua bao nơi ăn chốn ở mới, dần dà thành những “cố cư” đằm sâu trong ký ức. Như Nguyễn Trãi từ Côn Sơn quặn nhớ về chốn cũ quê nhà “Vân ngoại cố cư không huệ trướng/ Nguyệt trung thanh mộng nhiễu sơn gia” (Nhà cũ ngoài mây trơ trướng huệ/ Núi quê trong nguyệt quẩn chiêm bao – bản dịch Đào Duy Anh).
Tôi đã tìm về cố cư của Trung niên thi sĩ Bùi Giáng dưới chân núi Cà Tang thượng nguồn Thu Bồn–Nông Sơn (Quảng Nam). Nơi chàng từng có những năm tháng đầu đời đọc sách, chăn dê, nơi vĩnh viễn nằm lại người vợ trẻ đầu tiên và duy nhất trong đời. Trước khi bước vào gió bụi đời sống và văn chương. Từng về cố cư của anh em nhà Tự lực Văn đoàn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam ở “trại văn chương Cẩm Giàng” (Hải Dương) đến giờ vẫn là một khu vườn tiêu điều, hoang vắng bên cái ga xép lạnh hiu hắt giữa thời đại 4.0. Tôi cũng bồi hồi trong sân nhà tác giả “Bỉ vỏ” Nguyên Hồng nơi đồi Cháy, ấp Cầu Đen ở quê xứ Nhã Nam, Bắc Giang. Ấp Cầu Đen này cũng chính là cố cư của những danh tài Ngô Tất Tố, Kim Lân, Đỗ Nhuận, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình ... cùng gia đình về quây quần làm hàng xóm của nhau trong những ngày kháng chiến, như một làng văn chương độc đáo.
Đến đây, sực nhớ hồi ký của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Năm 1953, Đỗ Nhuận đạp xe từ Thái Nguyên về Nhã Nam tuyển văn công, kèm  hy vọng biết đâu nhân dịp này tìm được một…cô vợ! Chẳng gì cũng đã 31 tuổi rồi! Một đêm trăng sáng trong nhà Nguyên Hồng ở ấp Cầu Đen, chàng nhạc sĩ chợt nghe giọng nữ lảnh lót hát bài “Du kích sông Thao” của mình. Bà Mùi vợ Nguyên Hồng giới thiệu đó là cô Nguyễn Thị Túc, em gái nhà văn Nguyên Hồng, là con gái Sơn Tây lên đây tản cư chưa có người yêu. Đỗ Nhuận bèn không tuyển cô Túc vào văn công, mà quyết định tìm hiểu để lấy làm vợ! Vợ nhà văn Kim Lân nhà gần bên hay chuyện bèn mai mối thêm cho hai người. Về lại cơ quan báo tin, thi sĩ Trần Dần đùa: “Đừng có tuyển nhầm con gái địa chủ nhé!”. Bán đôi mấm được mấy trăm, Đỗ Nhuận nhờ bà vợ Kim Lân kêu người làm giúp cho một căn nhà một gian hai chái hướng đông nam mất 50 đồng Cụ Hồ, còn thì dành vào việc cưới. Cưới ngay tại ấp cầu Đen, do Nguyễn Tuân chủ hôn, không pháo cưới không đội nhạc, chú rể hát đệm ghita. Gian nhà tre nứa đầu đời của vợ chồng nhạc sĩ tài hoa ấy đã trở thành cố cư từ bao năm rồi, giờ còn dấu tích nào không?
Lan man, để nhớ cái cảm giác như có thể đưa tay nâng lên từng vốc thời gian quánh đặc bên trong gian nhà mái ngói đọng rêu đã oằn xuống hờ hững. Rui mè bằng tre đưa ra mưa nắng. Từng mảng tường gạch đỏ đã xạm đi như  đã âm thầm cháy suốt nhiều tháng năm. Gần như chìm khuất sau từng đống cành lá nhãn khô (có lẽ dùng để đun nấu?) chất đầy gian nhà là chiếc xe lăn đã gỉ sét. Một đời oằn lưng phá đá từ núi gần Vân Hoàn đến núi xa Cẩm Thủy, rồi thồ đá bán dạo khắp nơi với chiếc xe cút kít bằng gỗ, sau này là chiếc “xe đạp Điện Biên” để nuôi đàn con đông đúc, Hữu Loan có mấy lần “chịu” ngồi lên chiếc xe lăn được ai đó tặng này? 
Kỳ thực với Hữu Loan đây không phải cố cư, cũng không phải cố hương, mà là đích thực quê nhà. “Cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời” Hữu Loan đương đầu với cuộc biến số phận bằng cách chọn chính mảnh đất quê nhà làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa để nương náu suốt hơn 50 năm liền, hầu như không mấy khi ra khỏi làng.   
Và gian nhà đã rệu rã kia có lẽ đã rời hơi ấm của ông từ khá lâu, khi góc vườn bên kia là một gian nhà xây tuy nhỏ nhưng khá chắc chắn. Phút lâm chung của Hữu Loan cũng tại gian nhà đó, nay trở thành nơi thờ tự. “Đợi khi sang mộ cho mẹ xong, gia đình sẽ xây lại nhà thờ này. Còn nhà cũ kia sẽ tu sửa lại, và tôn cao mặt sân để khỏi mưa ngập”, anh Nguyễn Hữu Vũ, con trai Hữu Loan nói. Tôi để ý cả khu vườn lẫn hai cái ao khá lớn đều được kè bằng những lớp đá kiên cố. Anh Vũ bảo đó đều là “đá Hữu Loan”. Có một “đá Hữu Loan” nữa ngay mé thềm, mà để ý thấy khi thắp hương lên bàn thờ cha mẹ xong, anh Vũ cầm cây hương bước ra đặt ngang trên đấy. Một khối đá hình chữ nhật xù xì đặt trên bệ xi măng. Anh Vũ kể, sinh thời mỗi tối thi sĩ Hữu Loan đều ra sân thắp rồi đặt lên trên đấy mấy cây hương. Đó có lẽ là cách mà Hữu Loan cảm tạ trời đất, cảm tạ đá đã giúp ông và gia đình sống sót cùng cuộc mưu sinh nhọc nhằn… 
Lúc theo chị Thảo lên gác thắp nén nhang trước di ảnh tác giả “Tây Tiến” Quang Dũng, tôi bỗng nhớ tới những bậc thang gỗ cót két nơi cố cư Lỗ Tấn ở Thượng Hải. Căn hộ tập thể ghi số 9 ngõ 132 Shanyin, quận Hồng Khẩu ấy là nơi cha đẻ A.Q sinh sống cùng vợ và con trai 3 năm cuối đời (1933-1936) ăm ắp những đồ vật gắn với cuộc sống của văn hào. Cả trang lịch, chiếc đồng hồ cũ kỹ cũng ngưng lại vĩnh viễn đúng vào phút giây Lỗ Tấn qua đời. Còn giờ đây, ngôi nhà 3 tầng cũng trong một con ngõ nhỏ phố Tam Trinh quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nơi chốn mà lúc sinh thời Quang Dũng có lẽ chưa từng đặt chân tới, cũng không tưởng tượng ra. Sực nhớ không xa chỗ này, nơi phố Nguyễn Thị Minh Khai từ hơn 40 năm về trước cũng từng là cố cư của tôi suốt những năm tuổi thơ trong một khu tập thể đông đúc.
Hồi chiều trước khi tới đây, tôi lang thang trước ngôi nhà 296 phố Bà Triệu, rồi 45 Nguyễn Công Trứ. Những nơi mà Quang Dũng cùng gia đình ở từ sau 1954, cho đến khi qua đời. Nhìn lên những ngôi biệt thự hoành tráng, không còn tìm lại được dấu vết nào xưa cũ. Cái thời mà văn nghệ sĩ cũng như công chức nhà nước được ở nhà phân phối, đa phần là các căn buồng tập thể đủ kiểu đủ loại, được ở cho đến hết đời. Làm gì có khái niệm “nhà riêng”. “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua” như của Huy Cận - Xuân Diệu thuộc vào dạng hiếm. 
Chị Bùi Phương Thảo là con gái út của thi sĩ Quang Dũng, giáo viên vừa nghỉ hưu. Chị kể hồi ở Bà Triệu, nhà ở gác 3, là một căn buồng rộng chừng 20 m2, mùa lạnh thì quá mát, mùa nóng thì quá ấm! Bố Dũng có những sáng kiến thật hay. Mùa hè, khi ngủ ông “chỉ huy” cả nhà nằm (dưới nền) bắt chéo bên nhau, rồi đặt cái quạt máy đế gang 35 đồng duy nhất của cả nhà lên cái ghế đẩu phía cửa chĩa mát vào. Rồi, thi sĩ thủng thẳng: “Nằm chéo như thế này ai cũng được mát, còn tôi dùng quạt nan cho tiện và rèn luyện các khớp tay cho dẻo dai còn viết lách”… 
Còn nhạc sĩ Quang Vĩnh (Bùi Quang Vĩnh, con trai cả của nhà thơ), thì kể một chuyện khá “lạ lùng”: Hồi năm 1960, khi ông mới khoảng 12-13 tuổi, có đoàn nhà văn nước ngoài sang làm việc với NXB Văn học nơi bố Dũng đang công tác. Nghe danh tác giả “Tây Tiến”, ông trưởng đoàn muốn được đến thăm nhà riêng của thi sĩ. Quang Dũng khó xử, bởi “nhà riêng” chỉ là một căn buồng chật chội trên tầng 3 ở phố Bà Triệu. Để “giữ thể diện” chung cho các văn nghệ sĩ cũng như nhà nước, lãnh đạo cơ quan đã vui vẻ hẹn mời đoàn bạn đến “nhà Quang Dũng” tại số…51 Trần Hưng Đạo! Khu biệt thự này khi đó đang là trụ sở của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn NXB Văn học. Thế rồi một sáng Chủ nhật, vợ chồng Quang Dũng cùng 4 đứa con nhỏ dọn đến “nhà mới” 51 Trần Hưng Đạo. Những đứa trẻ được dặn dò mọi đi đứng, sinh hoạt ở đây phải đúng như đang…ở nhà của mình, chỉ có điều không được động vào bất cứ thứ gì trong phòng! Khi đoàn nhà văn nước ngoài đến nơi, bắt gặp khung cảnh một gia đình hạnh phúc, những đứa trẻ chơi đùa, mẹ ngồi trông em bé và đan len bên cửa sổ, cha ngồi phòng viết… Đến chiều, khi khách ra về, gia đình Quang Dũng lại lục tục kéo nhau về cái buồng thật của mình! 
Tôi bần thần trong căn phòng lưu lại những kỷ vật của đời thơ Quang Dũng trong nhà chị Thảo. Dù ấm cúng, trang trọng nhưng ít ỏi, giản đơn quá! Một tủ đựng sách, sổ tay bút tích của thi sĩ. Cùng một số bức tranh bột màu Quang Dũng vẽ treo trên tường. Không rõ “góc Quang Dũng”  tại Bảo tàng Văn học Việt Nam ở Hà Nội đang có những gì? 
Chạnh nhớ lúc ngang qua “Nhà danh nhân” 65A Nguyễn Thái Học, từng là cố cư của hàng loạt những tên tuổi: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Huỳnh Văn Gấm, Văn Giáo, Mai Văn Hiến, Trần Đông Lương, Vũ Tú Nam,… Giờ trông xuống cấp, nhôm nhoam.
Nhớ Quang Dũng có bút ký “Những căn nhà đi”. Kể về những ngày giáp Tết sau sự kiện Khâm Thiên 1972. Là cảnh “những căn nhà đi vội về Hà Nội, suốt từ 20 đến 25 tháng chạp”. Trên đường cứ mấy phút lại có một chuyến ô tô chở đầy đủ một căn nhà tre ba gian lao về hướng Thủ đô để còn kịp dựng nhà trước 25 Tết. Đó là phong trào từ miền núi tới miền xuôi, mỗi HTX nông nghiệp đều có nhà gửi về giúp đồng bào bị B.52 ở Hà Nội. Riêng tỉnh Hà Tây đã có gần 500 căn nhà vào Hà Nội. Người làng “bịn rịn nhìn cái nhà đã xếp gọn trong lòng xe như đã tưởng tuợng thấy trước được cháu nhỏ nào sẽ dựa vào cái cột này mà học bài, người mẹ nào trong gia đình sẽ lại ngồi nhặt mớ rau ở cái ngưỡng cửa kia...”. Cảm xúc sâu lắng của thi nhân về phần hồn của một nơi chốn ở, dù chỉ là tạm thời.  




Nguồn: Tiền Phong