Suy tư của nhà thơ Lê Quốc Hán: “Mùa xuân và mùa thu còn có điểm giao về tâm linh. Nếu giữa thu có mùa Vu lan để tưởng nhớ công ơn trời bể của tổ tiên ông bà cha mẹ, có Rằm tháng bảy với lễ Xá tội vong nhân để xót thương an ủi những cô hồn cô quả, thì những ngày năm hết Tết đến, mỗi gia đình đều đặt lên bàn thờ gia tiên mân ngũ quả, cặp bánh chưng tượng trưng cho “trời tròn đất vuông”  rồi thắp nén hương tưởng nhớ những người thân đã khuất, cầu cho các vị an lạc chốn vĩnh hằng. Và bao mùa lễ hội mùa xuân đâu chỉ để vui chơi mà còn để tưởng nhớ tới những người có công với nước với dân qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước, của dân tộc”



XUÂN VỀ LẠI NHỚ THU SANG

LÊ QUỐC HÁN

Có hai mùa đẹp nhất trong năm: mùa xuân và mùa thu. Nếu mùa xuân rạo rực lòng người với sự sinh nở của đất trời vũ trụ, chồi xanh bật dậy, hoa nở ngát hương, thì mùa thu dịu dàng với màu vàng hoa cúc, màu vàng lá đổ, gợi một mối bâng khuâng u hoài. Đó là mùa của thi ca nhạc họa với những gam màu nhẹ nhưng rung động sâu thẳm lòng người. Đã có Mùa xuân chín của Hàn Mạc Tử, Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính, Xuân không mùa của Xuân Diệu, Xuân tượng trưng của Bích Khê, giờ lại có Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Thu vịnh Thu điếu Thu ẩm của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh lay động hồn người. Nhưng có lẽ những ca khúc mùa thu ấn tượng hơn cả. Tôi có cảm tưởng rằng bốn mùa trong năm, các bài hát về mùa thu hay nhất, rung động, xao xuyến lòng người nhất.
Cái làm nên thơ mộng của mùa thu ngoài trời xanh mây trắng lá vàng còn có vầng trăng. Dù vầng trăng ai sẻ làm đôi/ nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường (Kiều), mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ ai (Lưu Quang Vũ) hay vầng trăng trung thu tròn vành vạnh cũng gợi cho bao kỷ niệm. Ôi! Ước gì trở lại thời thơ ấu để làm Chú Cuội ngồi gốc cây đa đợi chị Hằng xuống nhảy múa vui chơi?! 
Chính những ngày thu thơ mộng trời không nắng cũng không mưa/ cứ hiu hiu lạnh cho vừa nhớ nhung (Hồ Dzếnh) ấy đã dệt nên câu chuyện tình bất trắc đầy cảm thương nhưng cũng rất thơ mộng: mối tình giữa chàng Ngưu lang và nàng Chúc nữ hàng năm phải chờ đến những trận mưa ngâu bắc Cầu Ô thước mới được gặp nhau một lần.     
Ấy là nói về những ngày bình thường, mùa thu dịu dàng hiền thục như người thiếu phụ Việt Nam, nhưng khi đất trời nổi giận, mùa thu dữ dằn làm sao. Nhớ những năm trước chín mươi thế kỷ hai mươi, một dải Bắc miền Trung nói chung và Xứ Nghệ nói riêng là nơi hứng chịu bão lụt nhất cả nước. Quê tôi, vùng đất Kỳ Anh được mệnh danh “túi gió, chảo mưa”,  bởi gần Đèo Ngang nằm cuối dãy Hoành Sơn nên không có cơn bão nào quên ghé đến. Ngày còn nhỏ, tôi đã bao lần chứng kiến những cơn bão quật đổ cây cối nhà cửa, xóm làng xơ xác tan hoang. Sau bão thường kèm lũ lụt. Nước lũ dâng lên ngập Chợ Cầu. Con đường từ nhà lên Thị trấn vốn khá cao, thế mà những ngày lũ nước dâng đến gần đầu gối không thể đi lại được, phải chờ vài ngày nước rút mới thông thương. Tuy chưa được chứng kiến, nhưng nghe cha tôi kể lại, làng Xa Lang quê Người ở gần sông Ngàn Phố, hàng năm lũ lụt nước dâng cao, nhà nào cũng có một sàn cao để khi mùa lũ tràn về đem mọi vật dụng trong nhà, súc vật và trẻ em lên tránh tạm. Ngoài ra còn có vài chiếc nôốc (thuyền) to đề phòng khi nước ngập mái nhà mọi người sơ tán lên. Giai thoại kể rằng có gia đình thuyền bị đánh tan, phải đặt trẻ con vào chum đậy lại thả xuống nước phó thác cho số phận may rủi. Mẹ vợ tôi quê Kẻ Tùng, ngôi làng nổi lên giữa sông La cũng kể lại, sông La vốn hiền hòa như giải lụa, nhưng những ngày lũ dâng cao tình cảnh cũng không khác là bao. Sau này, ra công tác ở Vinh, tận mắt nhìn thấy những cơn bão khủng khiếp. Cơn bão lớn nhất vào mùa thu 1987, quật đổ toàn bộ cây cổ thụ Thành Vinh và các ngôi nhà bán kiên cố ven thành. Từ sau đó đến nay, bão có chiều hướng đổ bổ vào các tỉnh ven biển Bắc Bộ hay Nam Trung Bộ nên Xứ Nghệ ảnh hưởng của bão lũ có chiều giảm xuống, nhưng vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn khi bão lũ đổ về.
Mùa xuân và mùa thu còn có điểm giao về tâm linh. Nếu giữa thu có mùa Vu lan để tưởng nhớ công ơn trời bể của tổ tiên ông bà cha mẹ, có Rằm tháng bảy với lễ Xá tội vong nhân để xót thương an ủi những cô hồn cô quả, thì những ngày năm hết Tết đến, mỗi gia đình đều đặt lên bàn thờ gia tiên mân ngũ quả, cặp bánh chưng tượng trưng cho “trời tròn đất vuông”  rồi thắp nén hương tưởng nhớ những người thân đã khuất, cầu cho các vị an lạc chốn vĩnh hằng. Và bao mùa lễ hội mùa xuân đâu chỉ để vui chơi mà còn để tưởng nhớ tới những người có công với nước với dân qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước, của dân tộc.                                                           

Tuổi trung niên là mùa thu của mỗi đời người. Đã qua rồi cái thời thanh xuân rạo rực yêu đương: tháng giêng ngon như một cặp môi gần (Xuân Diệu), cái tuổi nóng bỏng cháy hết mình như hoa phượng vĩ. Ta nhìn cuộc đời bình tĩnh hơn, đằm thắm hơn, như hoa cúc vàng rực không phai trước sương gió, bão giông. Đây cũng là lúc ta gặt hái những thành quả cuộc đời sau bao năm miệt mài học tập, lao động, rèn luyện và dâng hiến. Rồi những ngày cuối thu, ta ngoái nhìn lại đời mình để thấy những gì còn thiếu sót, những gì chưa hoàn thiện, và cả những lỗi lầm phạm phải để gắng sửa mình trước khi mùa đông lạnh lẽo tràn đến. Đường đời không bao giờ chậm, chẳng phải Phật tổ từng khuyên: quay lại là bờ đó sao?