Vì xuất huyết bao tử cấp, nhà báo Thái Bằng đã vĩnh biệt đồng nghiệp báo Sài Gòn Giải Phóng và nhiều bè bạn khác. Câu chuyện về một phóng viên ảnh mập mạp, chân tình và năng nổ Thái Bằng sẽ còn lưu lại trong ký ức những người làm báo ở phương Nam. Phúc Tiến, cựu phóng viên Báo Tuổi Trẻ, nay mở Công ty Hợp Điểm chuyên về du học, cho biết:Thái Bằng có cả kho tư liệu ảnh quý lắm, khai thác được thì tốt quá. Có một sự vụ xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh, khi tất cả phóng viên bị lục soát lấy đi các ảnh chụp nhưng riêng Thái Bằng - không biết bằng cách nào đã tháo phim được ra khỏi máy. Một phản xạ thể hiện “sự chuyên nghiệp của một người làm báo”.



NHƯ MỘT CHUYẾN ĐI XA…

BÍCH AN

Vẫn biết đời người sinh - lão - bệnh - tử, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa cái sống và cái chết có gì đó mỏng manh như một tiếng thở dài, song khi hay tin Thái Bằng mất ở Bệnh viện 7A vì xuất huyết bao tử cấp, tôi sững người, choáng thật sự: không lẽ Thái Bằng đã bỏ ra đi mãi mãi… 
Còn nhớ nửa năm trước, khi ghé thăm tôi đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện 115, Thái Bằng còn căn dặn: “Ráng khỏe, ông và tôi đã hứa sẽ về Hậu Giang viết một phóng sự về đời sống văn hóa ở một số xã nông thôn mới. Còn nhớ không, em Trang (Phó Giám đốc Sở TT-TT Hậu Giang) vẫn nhắc đấy”, Thái Bằng nhỏ nhẹ nói về một chuyến tác nghiệp không thành, cứ hẹn lần nữa, lần nữa, để rồi… Tôi chỉ cười trừ. Lúc ấy trong tôi chỉ ngập tràn những hình ảnh xưa về một ông nhà thơ Nga, đại thi hào Mayakovski đã hét váng “cuộc sống tươi đẹp làm sao” rồi kê súng bóp cò về hẳn bên kia thế giới, hoặc giả nhớ lại bài thơ “con người đen” của Eseynhin, nhà thơ của nhân dân như Nguyễn Bính ở Việt Nam, có một ý mà chỉ lúc chạng vạng cuộc đời mới nhớ, đại ý là: sống không có gì mới, chết cũng chẳng mới mẻ gì hơn. Và tự mỉm cười. Chỉ khi Thái Bằng xuất hiện như một ông Bụt đúng nghĩa với dáng đi phục phịch như một chú gấu, với khuôn mặt đầy đặn của đức trụ trì cửa Phật thì những suy nghĩ tiêu cực về ý nghĩa này nọ của cuộc sống và cái chết mới tan biến, thấy nhẹ nhõm hơn để tồn tại, để sống đúng nghĩa.
Âu không chỉ mình tôi có suy nghĩ vậy. Gần như tất cả ai từng gặp, kể cả gặp lần đầu Thái Bằng cũng đều nhớ tới vẻ hồn hậu, hiền lành, sự chia sẻ tình người toát lên từ một con người không biết giận hờn ai bao giờ, một con người mà bạn có thể tâm sự những điều thầm kín nhất, không sợ sự phản bội vốn đầy rẫy trong xã hội. 
Tối qua, khi hỏi lại tôi về tin Thái Bằng mất, Binh Nguyên, nguyên một nhà báo nổi tiếng của Báo Tuổi Trẻ, đã viết dòng tâm sự rằng, về đến nhà, anh bần thần quay sang vợ hỏi: em có nhớ hồi xưa anh kể em nghe chuyện anh Thái Bằng, đồng nghiệp Báo Sài Gòn Giải Phóng, từng cưu mang anh bên Campuchia khi còn chiến tranh, đã cắt chiếc nhẫn vàng ra làm đôi để anh có tiền ăn trên đường về Việt Nam không? Anh ấy vừa mất hồi chiều, anh buồn quá.
Theo lời kể của Binh Nguyên, hồi ấy là vào năm 1989, trên đường theo đoàn xe quân sự của Mặt trận 479 rút quân về nước, đến Kompong Thom thì đói run người - cái đói lả của tất cả từ bộ đội đến phóng viên tháp tùng trong một cuộc chiến giải phóng đẫm máu nhất. Binh Nguyên hỏi mượn tiền nhưng không ai còn đồng nào cả. Đang trong tuyệt vọng thì Thái Bằng kéo vô chợ, tháo chiếc nhẫn đeo tay đưa cho tiệm cắt làm đôi, một nửa cho Binh Nguyên, một nửa cho mình. Thái Bằng có nói: ông cầm bán rồi đi mua đồ ăn, mai mốt về khi nào trả cũng được. Ôi nghĩa cử của một người bạn, không ai có thể quên!
Riêng tôi và đội ngũ anh em làm báo Sài Gòn Giải Phóng từng đi công tác, rong ruổi với Thái Bằng nhiều, tất nhiên không có kỷ niệm quá đáng nhớ như của Binh Nguyên, nhưng thật sự thiếu Thái Bằng là thiếu lửa nghề, thiếu sự sáng tạo cần có khi tác nghiệp. Buổi sáng gọi điện: Mập ơi, mai đi công tác nhé. Thái Bằng: Đi đâu, mấy giờ… Ok. Khỏi dài dòng và đúng giờ có mặt, với một cái ba-lô nặng trĩu, lỉnh kỉnh máy to, máy nhỏ, không quên cả kho thuốc phòng khi ai đó cảm cúm, bệnh tật. 
Với ai thì không biết, với tôi phải có sự rạch ròi người viết và người chụp hình, mỗi người mỗi việc, vì ảnh đôi khi còn quan trọng hơn bài viết, nhiều khi không cần viết, chỉ cần ảnh phóng lớn đã toát lên tất cả ý tưởng hình thành một đề tài. Ở khía cạnh nghề nghiệp, thì chắc chắn bạn hoàn toàn có thể vững tin vào tay máy Thái Bằng, người có thể nhìn được đại cục lẫn chi tiết trong từng khuôn hình. Đến mức nhiều khi bắt tay viết một phóng sự hoặc một vệt bài, tôi thường trải rộng tất cả những tấm hình Thái Bằng chụp để hình dung bài 1, bài 2, chỗ này cần nhấn, chỗ kia cần thêm bớt. 
Sau này làm công tác quản lý, phụ trách mảng ảnh của báo, Thái Bằng cũng không còn nhiều thời gian để xê dịch chỗ này, chỗ kia, nhưng khác với một số lãnh đạo ban, có điều kiện là Thái Bằng trực tiếp xách máy đi chụp thời sự, để tại hiện trường, anh truyền nghề cho lứa phóng viên ảnh còn trẻ, chưa có kinh nghiệm tác chiến. Còn nhớ trong đợt bão Chanchu đổ bộ vào Đà Nẵng, Thái Bằng xung phong đi cùng một phóng viên viết mới vào nghề. Đêm bão đổ bộ, Thái Bằng mặc áo mưa quyết lao ra đường trên chiếc xe máy mướn. Gió thốc, mưa quật rát mặt và cậu phóng viên ngồi sau run như cầy sấy van vỉ, thôi anh ơi mình cứ ghé ban chỉ huy là được. Thái Bằng vẫn lạnh tanh lao trên đường đến với đồng bào ở nơi cư trú vì sức sống của tờ báo! 
Cũng đêm qua, Phúc Tiến, cựu phóng viên Báo Tuổi Trẻ, nay mở Công ty Hợp Điểm chuyên về du học, gọi điện nói: Ông ơi, Thái Bằng có cả kho tư liệu ảnh quý lắm, khai thác được thì tốt quá. Theo lời anh, có một sự vụ xảy ra ở thành phố khi tất cả phóng viên bị lục soát lấy đi các ảnh chụp nhưng riêng Thái Bằng - không biết bằng cách nào đã tháo phim được ra khỏi máy (thời còn máy ảnh chụp phim màu) và: “Đó là sự chuyên nghiệp của một người làm báo ông ơi!”.

Còn nhiều lắm những câu chuyện về Thái Bằng, một huyền thoại của các thế hệ làm báo Sài Gòn Giải Phóng. Cả thế giới trong một con người và con người đó là Thái Bằng. Khi đang viết những dòng này, bất chợt vợ tôi nói, hồi còn ở lầu 8, chung cư Bạch Kim (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), lúc anh đi công tác, Thái Bằng ngày nào đi ngang qua cũng hỏi: “Có cần mua cơm mang lên không, tôi mua mang lên cho” (nhà chúng tôi ở đối diện nhau). Nhớ lại muốn khóc. Thôi ra đi thanh thản, Mập ơi! Cứ coi như một chuyến đi công tác xa, thật xa…