Ngày 12-1-2019, nhà thơ Lâm Anh đã qua đời đúng 5 năm. Đọc 350 bài tứ tuyệt gom góp của hành trình sáng tạo của Lâm Anh, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đánh giá: “Ở rừng, ít vướng bận mùi tục luỵ nên anh có nhiều thì giờ tập trung tinh luyện linh đan câu chữ, bát nhã tượng hình chăng! Thỉnh thoảng xuống núi anh phô diễn mấy màn độc chiêu làm bạn thơ ở đồng bằng nhiều phen hồn bay phách lạc… Đọc tập thơ, tôi có cảm giác được ngợp trong khu rừng ý tứ, hình ảnh, hình tượng, câu chữ, những ngón nghề nghệ thuật thơ ca được phô diễn ngoạn mục hiếm có… Lúc lại có cảm giác thú vị ngạc nhiên của người du ngoạn vào khu rừng sinh thái thơ”.



TỨ TUYỆT – TUYỆT CHIÊU CỦA LÂM ANH

NGUYỄN VŨ TIỀM

Chưa gặp Lâm Anh, nhưng trong sổ tay, tôi đã chép bài thơ tứ tuyệt dưới đây nhặt trong một trang báo cũ:
                         Lột tiếng chim dán đầu cây
                        Tám năm về gỡ làm trầy mùi hương
                         Sớm mai nắng ấm đỏ vườn
                        Mùi hương nào chín tận phương trời chiều
                                                                    (Tám năm)
Một tâm hồn trân trọng thiên nhiên hiếm có: “dán tiếng chim” lại để làm kỷ niệm trước lúc đi xa, tám năm sau anh mới trở về, gỡ tiếng chim ngày xưa ra còn cảm thấy “làm trầy mùi hương” của cây vườn, rất tinh tế và kỳ khu trong ngữ nghĩa.
                                   Anh hay cất giữ kỷ niệm
                                   Chỗ em ngồi bán hoa tươi
                                   Sáu năm còn đọng hương người hồng nhan.
         Khi thì tám năm, khi thì sáu năm, mùi hương xưa vẫn nguyên vẹn. Một hồn thơ biết trân trọng cuộc sống đến từng thoang thoảng mong manh là cái mùi hương xưa, thực tế thì nó không còn gì nữa mà chỉ còn trong tâm tưởng mà thôi, thật là quý hiếm.
        Hỏi ra mới biết đó là Lâm Anh, một tác giả miền sơn cước Lâm Đồng. Sau này gặp gỡ mới biết anh là nhà thơ say mê với nghệ thuật thi ca đến tận cùng tâm huyết. Mỗi khi về Sài Gòn, anh đều sa vào những cuộc say thơ bí tỉ khó ai dứt ra được. Chính nhờ thế, đến nay anh mới có được 350 bài tứ tuyệt trình làng với nhiều ngón tuyệt chiêu. Ở rừng, ít vướng bận mùi tục luỵ nên anh có nhiều thì giờ tập trung tinh luyện linh đan câu chữ, bát nhã tượng hình chăng! Thỉnh thoảng xuống núi anh phô diễn mấy màn độc chiêu làm bạn thơ ở đồng bằng nhiều phen hồn bay phách lạc.
       Này đây, vẫn là tiếng chim quen thuộc mà đố ai phô diễn đẹp mắt đến thế này:
                    Những cánh chim như những đường kim
                    May vào nắng cho bình minh thêm sáng
                    Người nông phu vác cày qua đồng cạn
                    Nghe áo mình nắng sứt chỉ sau lưng.
                                                      (Buổi sáng Cát Tiên)
Thoắt biến thoắt hiện, từ âm thanh (tiếng chim) chuyển sang vật thể (kim chỉ) từ vật thể biến sang thao tác (may khâu). Tưởng may vào vật thể hoá ra may vào ánh sáng. Tưởng may cho lành hoá ra thành sứt chỉ sau lưng!
             Người lao động làm việc vất vả, cúi xuống cảm thấy nắng rát lưng, như là bị sứt chỉ! Ở thành phố không bị nắng rát lưng làm sao có liên tưởng ấy. Một ẩn dụ thật tài tình. Có bốn câu thôi mà hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
           Này đây, một độc chiêu khác về màu sắc cũng lắm bất ngờ:
                       Lửa chiều hôm…em thổi bùng hồng
                           Tôi chợt cháy và sương chợt đỏ
                           Nồi củ trắng như sôi cùng gió
                           Cây ngoài vườn dường cũng sôi xanh 
                                                    (Chiều hôm Cát Tiên)
Thổi bùng hồng, sôi cùng gió đã làm ta ngạc nhiên rồi nhưng đến cao trào, anh ta tung chưởng này ở cuối bài: “Cây cũng sôi xanh” thì bất ngờ quá! Không phải tay cao thủ võ lâm truyền kỳ thi phú làm sao có được đường quyền đẹp mắt mà hiểm hóc ấy!
             Hai bài về Cát Tiên rất tài hoa khiến tôi chưa biết Cát Tiên ở đâu mà đã thấy yêu, thấy mê Cát Tiên, muốn vù ngay ra Bến xe Miền Đông mua vé lên đó xem thực hư ra sao, có đẹp và đáng yêu đến thế không!
          Này đây nữa, một sớm mai rất thực mà rất thơ mộng :
                    Tưởng chừng em gánh sớm mai
                   Lên đồi để trải bóng dài xuống khe
                   Tưởng chừng tôi cõng tôi về
                    Dùm cho những nỗi tứ bề day vai.
                                                   (Tưởng chừng)
          Hai câu trên có hình ảnh “gánh sớm mai” rất đẹp. hai câu dưới người đọc hơi chững lại một chút, tới “tứ bề day vai” mới vỡ lẽ ra, tác giả mang vác đủ thứ : cuốc cày, củi đá…day nghiến trên vai ngày này qua ngày khác… Bỗng cảm thấy nhẹ nhàng bởi được chiêm ngưỡng hình ảnh cô sơn nữ đẹp mê hồn kia. Nhưng tội nghiệp làm sao vẫn là “tôi cõng tôi” chứ chả có ai đỡ cho tôi cả! Thơ mang nỗi mình để chia sẻ nỗi đời là vậy.
         Đến bài “Tiếng ve sầu”sau đây, “võ nghệ” của anh còn biến hoá linh diệu hơn :
                         Tiếng ve sầu đọng giữa khô
                         Ai đem lụa hứng xếp vô ngực này
                         Để chiều mặc lộn cho mây
                        Lang thang tới tận u hoài ngàn phương.
       Trừu tượng thoắt thành cụ thể. Cụ thể thành trừu tượng… Tiếng sầu ve ban ngày góp vào mảng tối u hoài lan toả trong trời đất. Thời gian sáng tối được khắc hoạ sinh động kỳ ảo như thần thoại.
     Lâm Anh làm thơ khi không còn trẻ, nhưng lao động sáng tạo không vụ tuổi, nhiều bài thơ của anh rất trẻ. Bài “Ngọng nghịu với Trịnh Công Sơn”, tôi nghĩ, nhiều nhà thơ trẻ cũng khó viết được tung tẩy trẻ trung thế này:
                             Âm thanh lắp đạn vào chỗ không em
                             Tôi bắn phá khúc cổ thi tiền nghiệp
                            Bằng tiếng nổ giọng tắc kè ghê khiếp
                            Tróc những vỏ cây lựu đạn một thời.
       Anh có ý định cách tân thơ tứ tuyệt? Thật đáng quý! Cách tân nào cũng có gập ghềnh mạo hiểm, thành ít bại nhiều.
         Bài “Gửi lại một đầu ngày gặp Ng” anh chuyển sang một hướng tìm tòi khác, câu chữ không lạ mà tứ thơ lạ:
                               Đầu ngày hôm qua và đầu ngày hôm kia
                              Nếu ráp lại…để trên tờ giấy trắng
                              Chắc là đêm sẽ biến ra nhiều con chữ
                             Trong bức thư tình em viết lúc chia tay.
        Một số bài thuộc dạng này đạt tới thành công đặc sắc như “Đề cuối”:
                            Hai đầu… gánh cuốc với cày
                           Gặp đời trên những đường bay cào cào
                           Ô! Em châu chấu phương nào
                           Ô hay! Ta giống cái ao chứa trời.
         Mấy bài trên kia có thể có bạn bảo tác giả gia công nghệ thuật kỳ khu quá, thiếu tự nhiên.  Nhưng đến bài này thì như không có gia công gì, phải không ạ! “Võ mà không võ, ấy là võ vậy”! Bài thơ ngắn mà chứa nhiều thông tin, hơi khó hiểu mà lại gợi ra nhiều liên tưởng lạ lùng kỳ thú. Cần có sự kín đáo bí hiểm chứ! Câu chữ chỗ nào cũng cứ tênh hênh cả ra thì còn gì là thơ nữa. Và cũng cần cả cái hồn nhiên pha chút vụng về nữa chứ nhỉ? Nhưng mà thấy phảng phất chất Bùi Giáng có cái ngồ ngộ hay hay… Đang chông chênh Bùi Giáng, rất lo ngại bài thơ không đứng được nhưng may thay có cái “ao chứa trời” làm ẩn dụ rất sâu thẳm đứng chân trụ, bài thơ trở nên rất vững chãi.
       Từ dẫn chứng đầu đến dẫn chứng cuối ở trên, ta thấy “kiếm pháp” của tay cao võ lâm này biến hoá khôn lường, khó tìm được tay kiếm nào có thể tỉ thí với y.

       350 bài thơ tứ tuyệt rất sầm uất và thâm u đủ tạo nên một khu rừng hay chưa? Xin để bạn đọc đánh giá. Đọc tập thơ, tôi có cảm giác được ngợp trong khu rừng ý tứ, hình ảnh, hình tượng, câu chữ, những ngón nghề nghệ thuật thơ ca được phô diễn ngoạn mục hiếm có… Lúc lại có cảm giác thú vị ngạc nhiên của người du ngoạn vào khu rừng sinh thái thơ.