Nhân Tết Kỷ hợi 2019, Đông A của Trần Đại Thắng lại vừa nảy một ý tưởng mới. Đó là làm cuốn “Sách Tết”. “Sách Tết” là ấn bản tập hợp những sáng tác văn, thơ, nhạc, họa của những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà phê bình, nghiên cứu nổi tiếng. Điều đáng nói là “Sách Tết” của Đông A tiếp nối “Sách xem Tết” có từ năm 1928 đến năm 1958 thì gián đoạn, tính đến nay là đúng 60 năm. Phục hồi được truyền thống của “Sách Tết” còn có gì khác ngoài tình yêu sách của một người như Trần Đại Thắng.



NGƯỜI CẢ ĐỜI MÊ SÁCH

PHẠM NGỌC TIẾN

Người mê sách có rất nhiều nhưng mê sách đến độ mang cả đời mình ra đánh cược với những cuốn sách ở nước Nam này có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó phải kể đến họa sĩ Trần Đại Thắng.
Tôi dám quả quyết thế là bởi đã chứng kiến người họa sĩ trẻ làm sách từ ngót nghét hai chục năm nay. Còn nhớ những ngày đầu khi Trần Đại Thắng khởi nghiệp sách bằng làm bìa. Bấy giờ ở Hà Nội họa sĩ Văn Sáng nổi lên như một người làm bìa cự phách. Đa số các đơn hàng đặt làm bìa từ các nhà xuất bản hay trực tiếp từ tác giả đều qua tay Văn Sáng. Cho đến một ngày cầm cuốn sách có tấm bìa với tông màu rực rỡ rất bắt mắt tôi đã thích thú hỏi một biên tập viên nhà xuất bản về tác giả. Vị biên tập tròn mắt ngạc nhiên khi tôi không biết đến họa sĩ đã làm kha khá bìa sách này. Sau đó chính biên tập viên đó dẫn tôi đến giới thiệu với Trần Đại Thắng . Tôi khá thiện cảm người họa sĩ trẻ, hiền lành luôn gắn trên miệng nụ cười bẽn lẽn. Khuôn mặt phúc hậu, đầu húi cua, vóc dáng cao lớn và đôi mắt sáng mở to thông minh của Thắng đã nhanh chóng thuyết phục được tôi. Sau lần gặp đó chúng tôi trở nên thân thiết như một đôi bạn vong niên. Tất nhiên sự khởi đầu phải là một bìa sách.
Những năm đầu thế kỷ 21 có một thương hiệu sách nổi lên ở Hà Nội. Đó là Nhà sách Đông A. Khoan nói về nội dung những cuốn sách, Đông A trước hết bắt mắt độc giả ở hình thức. Những cuốn sách được trình bày rất đẹp. Đẹp ở bìa sách, ở những minh họa và đặc biệt Đông A đi tiên phong ở ruột sách in bằng giấy tốt có giá đắt hơn nhiều loại giấy in thông dụng. Trần Đại Thắng trực tiếp làm sách. Có lợi thế từng làm bìa sách quen biết nhiều tác giả, Thắng nhanh chóng thu hút được một lượng tác giả đã thành danh và cả những tác giả mới. Hiển nhiên sự tập hợp này đã mang lại hiệu ứng tốt. Sách của nhà Đông A có nội dung hay, hấp dẫn trong đó có những cuốn sách mang hơi thở nóng bỏng của thời cuộc. Một loạt nhà văn tên tuổi xuất hiện ở Đông A với không chỉ một tác phẩm đơn lẻ mà là liên tiếp các đầu sách thành chuỗi gần như tuyển tập như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Ngọc Tấn, Trung Trung Đỉnh, Hồ Anh Thái...Bên cạnh những tác giả đã đạt thành tựu là những tác giả trẻ hoặc mới xuất hiện nhưng cũng gây sức hút lớn như Mạc Can, Nguyễn Danh Lam...Những tác phẩm của Đông A xuất bản đa phần có bìa hoặc gáy màu đỏ, vàng. Giá sách của tôi có một góc tập trung rực rỡ bắt mắt, đó chính là sách của Đông A.
Có thể coi sự xuất hiện của Đông A như một hiện tượng lạ và thành công của việc xuất bản sách. Nếu không phải là người mê sách thì Trần Đại Thắng không thể cho ra đời thương hiệu Đông A được. Bộ “Văn mới” là một minh chứng. Đó là một tuyển tập truyện ngắn thường niên trong đó các truyện ngắn được tuyển chọn theo đúng tiêu chí “Văn mới”. Mới cả ở thời điểm sáng tác và ở nội dung, cách thức biểu hiện. 
Hồ Anh Thái, một nhà văn được Đông A chọn mặt gửi vàng là người trực tiếp tuyển chọn và biên tập sách cho “Văn mới”. Mỗi dịp cuối năm “Văn mới” được in ấn cực kỳ hoành tráng. Có mặt trong tuyển truyện này những gương mặt đương đại không kể tuổi tác, thành tựu và hơn thế là những truyện ngắn mang đủ sắc diện cũng như nhịp thở đời sống nóng hổi. Ý tưởng làm bộ “Văn mới” đến bây giờ tôi vẫn cho là một sáng kiến độc đáo. Không độc đáo sao được khi mỗi chu kỳ 5 năm tính từ đầu thế kỷ 21 ngoài sách thường niên, “Văn mới” ra bộ tuyển 5 năm bề thế. Ở cuốn đầu tiên in cuối năm 2005, “Văn mới” tuyển chọn 41 truyện ngắn. Trần Đại Thắng làm một chuyện kỳ công chưa từng là lặn lội đi khắp nước lấy từng chữ ký của các tác giả để in ở phần đầu cuốn sách. Tôi vừa lật giở lại cuốn hợp tuyển “Văn mới” 5 năm dạo đó để kiểm tra lại. Chỉ thấy để trống đúng một chữ ký của nhà văn Đoàn Lê. Thật xúc động khi đã 14 năm trôi qua tôi nhìn thấy chữ ký của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Quang Thân, Hòa Vang. Chữ ký còn tươi rói mà người đã thành ra thiên cổ. Những lưu bút ký này thật có giá trị. Xin được cảm ơn người mê sách Trần Đại Thắng.
Cũng chuyện làm sách, Trần Đại Thắng có những phát kiến rất bất ngờ. Một ngày Trần Đại Thắng bàn với Nguyễn Anh Vũ hiện đang đương nhiệm giám đốc Nhà xuất bản Văn học lúc đó phụ trách phòng biên tập làm một hộp sách về tiểu thuyết chiến tranh của mấy nhà văn thân nhau là Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh và tôi. 3 cuốn “Nỗi buồn chiến tranh”, “Lạc rừng” và “Tàn đen dốm đỏ được in đẹp riêng rẽ từng cuốn, đóng chung trong một cái hộp. Tôi biết ngoài đam mê làm sách, Trần Đại Thắng quý ba ông nhà văn già ham rượu nên mới có sáng kiến đó. Sách được làm ra Thắng tặng các tác giả nhiều cuốn để làm quà cho người thân, độc giả. Trong những phát kiến kiểu này rõ ràng là Trần Đại Thắng vì sách vì tình cảm chứ không hề vương một chút lợi nhuận kinh doanh nào.
Là một người mê sách nhưng Trần Đại Thắng không sa lối mòn. Khi thương hiêu “Văn mới” đang quen thuộc và bắt đầu “cũ”, Thắng cho dừng làm. Nghĩa là tuyển “Văn mới” hàng năm và 5 năm chấm dứt ở năm 2013. Đã có hơn chục tuyển “Văn mới” năm và 2 hợp tuyển “Văn mới” 5 năm ra đời. Sách tác giả đương đại trong nước, Trần Đại Thắng cũng cho xuất bản ít lại và dừng hẳn. Tôi hiểu lý do này bởi thời điểm đó khá nhiều nhà xuất bản đã khai thác mạnh mảng sách văn học trong nước. Thay vào đó Trần Đại Thắng mầy mò thí nghiệm và đi vào sản xuất sách theo tiêu chí mới. Đó là mảng sách kèm hình ảnh, sách bách khoa tri thức, văn học kinh điển và sách thiếu nhi. Những cuốn sách của Đông A vẫn được làm đẹp từ bìa đến ruột với chất lượng giấy tốt và trình bày công phu. Những mảng sách này tôi sưu tầm và lưu giữ được khá nhiều. Năm 2017, tôi bị gãy chân phải mổ. Đây là dịp tôi đã đọc nhiều sách của Đông A xuất bản, trong đó có trọn bộ 10 cuốn của nhà văn Erich Maria Remarque là tác giả tôi ngưỡng mộ. Đã có nhiều bộ sách giá trị của các nhà văn nổi tiếng thế giới và Việt Nam được Đông A xuất bản.
Họa sĩ Trần Đại Thắng nguyên quán Hòa Bình. Thắng học Mỹ thuật công nghiệp và cùng gia đình chuyển về Hà Nội lập nghiệp. Công việc đang thuận lợi với Đông A, đầu năm 2009 Trần Đại Thắng mời tôi đến ngôi nhà 5 tầng của Thắng ở một ngõ nhỏ phố Thành Công uống rượu. Thắng nói dứt khoát em bán ngôi nhà này anh ạ. Để làm gì? Em đưa gia đình vào Sài Gòn. Nói là làm, Thắng bán nhà, bán hết mọi thứ. Có chiếc ô tô Innova 7 chỗ biết tôi đang muốn thay xe, Thắng bảo anh lấy mà dùng, xe còn mới và nó có lộc, em nhượng lại rẻ, tiền nong anh em mình không quan trọng. Tôi bảo anh đổi xe mới rồi, có lộc sao không giữ nó mà đi. Dăm năm sau vào Sài Gòn thấy Thắng đi chiếc xe khác tôi hỏi thì Thắng cười cười, ngày đó em nghe anh mang xe vào, nó gắn bó với em nhiều, em vừa thay nó mới đây, cảm ơn anh.
Trần Đại Thắng xởi lởi và hào phóng rất quý anh em bạn bè. Mỗi lần tôi vào Tp HCM, Thắng đều săn đón, đãi đằng chu đáo, tình cảm như người ruột thịt. Vào Tp HCM, Trần Đại Thắng vẫn duy trì công ty Đông A. Với thị trường mới khác biệt và khắc nghiệt hơn nhiều ngoài Hà Nội, Thắng phải trải qua một thời gian vất vả, vật lộn để khẳng định thương hiệu của mình. May mắn Đông A đã thành công. Ít năm gần đây Thắng mở thêm Công ty Sách và Lịch Đại Nam với 2 cửa hàng có tên Cá Chép. Cá Chép dần khẳng định vị trí của mình ở thị trường Tp HCM. Mới nhất Trần Đại Thắng quyết định mở thêm một nhà sách “Cá Chép” bề thế ở 115 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội với 1300m2 sàn, 4 tầng. Đây là địa điểm có nhiều công năng là nơi kinh doanh sách và văn hóa phẩm, có phòng đọc sách, giải trí cà phê và tổ chức những triển lãm, hội thảo, trưng bày tranh và giới thiệu sách mới có uy tín. 
Bận rộn tôi và Trần Đại Thắng ít có dịp gặp nhau nhưng biết tôi hay đi miền núi và các vùng sâu vùng xa, vợ chồng Thắng luôn gửi gắm lúc là những thùng sách ủng hộ việc đọc sách trong nhà trường phổ thông với nhiều bản sách đẹp, khi là mươi chiếc xe đạp cho học sinh gặp khó khăn cần giúp đỡ.
Nhân Tết Kỷ hợi 2019, Đông A của Trần Đại Thắng lại vừa nảy một ý tưởng mới. Đó là làm cuốn “Sách Tết”. “Sách Tết” là ấn bản tập hợp những sáng tác văn, thơ, nhạc, họa của những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà phê bình, nghiên cứu nổi tiếng. Điều đáng nói là “Sách Tết” của Đông A tiếp nối “Sách xem Tết” có từ năm 1928 đến năm 1958 thì gián đoạn, tính đến nay là đúng 60 năm. Phục hồi được truyền thống của “Sách Tết” còn có gì khác ngoài tình yêu sách của một người như Trần Đại Thắng. Với tất cả những gì người họa sĩ đặc biệt này đã làm, Trần Đại Thắng xứng đáng là một người mê sách, làm sách hiếm hoi có những đóng góp không nhỏ cho một nền văn hóa đọc của độc giả Việt./.


Nguồn: Facebook Phạm Ngọc Tiến