Trong lời tựa cuốn sách, những người làm sách chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn nối dài truyền thống làm sách Tết chưa xa nhưng đã có một thời kỳ gián đoạn, cuốn sách Tết này sẽ tái hiện lại không khí của ngày Tết xuân trong quá khứ và hiện tại, ở các miền đất nước trên đất liền và nơi biển xa, qua hoài niệm và trong những cảm xúc tươi mới của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đương đại. Các họa sĩ vẽ minh họa và trình bày Bắc Trung Nam với nhiều cách thể hiện khác nhau cũng góp sức để cố gắng làm sống lại một không khí sách xưa”. “Sách Tết” 2019 mang phong vị của một mùa xuân chưa xa, xuân của quá khứ, của truyền thống, của những giá trị văn hóa được nối dài trong đời sống hiện đại.



“Sách Tết” - sự hồi sinh của“phong vị xuân xưa”

HẠNH NGUYÊN

Năm 1928 “Sách Xem Tết” của Tân Dân Thư Quán đã ra đời, mở lối tiên phong cho loại ấn phẩm này trong lịch sử xuất bản nước ta. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hoài Nam trong bài “Sách Tết, phong vị xuân xưa”, đã ghi lại lịch sử của Sách Tết từ năm 1928. Theo ông, “Sách Xem Tết” của Tân Dân có khổ như sách bình thường, không có phụ bản minh họa, số trang cũng không cố định. Năm Mậu Thìn được in 78 trang, sang năm Kỷ Tỵ tăng lên 100 trang. 
Và lần cuối “Sách Xem Tết” của nhà Tân Dân chỉ còn 66 trang (năm Quý Dậu, 1933). “Sách Xem Tết” Kỷ Tỵ dày dặn nhất trong những lần góp mặt, ở đó, ta gặp lại nhiều tên tuổi nổi tiếng mà sau này nhà văn Vũ Bằng nhắc lại với nhiều chuyện thú vị trong “Bốn mươi năm nói láo” và “Những cây cười tiền chiến” như Cuồng Sỹ Tạ Mạnh Khải, dịch giả Nguyễn Đỗ Mục, Sơn Phong Bùi Đức Long…. 
Nhà viết kịch Vũ Đình Long, chủ nhiệm Tân Dân có lời bộc bạch trong trang đầu tiên của xuân Quý Dậu 1933 rằng: “Sách Xem Tết vốn không có chủ nghĩa gì cao xa. Sách Xem Tết vốn chỉ có mục đích rất thiển cận, rất tầm thường là cầu vui cho các bạn đồng chí trong dịp ngày xuân hớn hở, muôn vật tươi cười”. Tuy nhiên, hiện trong giới vẫn chưa tìm được cuốn “Sách Xem Tết” nào của Tân Dân được in sau năm 1933.
Sau Tân Dân Thư Quán, nhà Nam Ký Thư Quán cũng trình làng ấn phẩm tương tự vào Tết Kỷ Tỵ năm 1929 với tên gọi là “Sách Chơi Xuân”. Cũng theo nhà nghiên cứu Hoài Nam, “Sách Chơi Xuân” được in vào các năm Kỷ Tỵ 1929, Canh Ngũ (Ngọ) 1930, Tân Vỵ (Mùi) 1931, Nhâm Thân 1932, Quý Dậu 1933. Về hình thức, “Sách Chơi Xuân” cũng có khổ tương đương “Sách Xem Tết” của nhà Tân Dân, số trang cũng gần nhau. Nội dung có thơ vui, thơ xuân của các nhà thơ cựu trào Tú Xương,  Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Á Nam Trần Tuấn Khải…; các mẩu chuyện hài, phong tục ngày Tết…
Ngoài hai nhà Tân Dân và Nam Ký mở đường cho thể loại “Sách Xem Tết”, “Sách Chơi Xuân” như trên còn có thêm một số ấn phẩm khác theo từng năm như “Sách Chơi Xuân” năm Đinh Sửu 1937. “Sách Tết” Kỷ Mão 1939, “Sách Tết Đời Nay” năm 1941 của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (với có sự góp mặt của Huy Cận, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Bửu Kế)…. 
Có thể nói, từ năm 1928 đến 1945, có  nhiều ấn phẩm “Sách Tết” ra đời, phong phú về hình thức và nội dung, có một vị trí đáng kể trong đời sống sinh hoạt văn học từ Nam đến Bắc. Sau năm 1945, “Sách Tết” vẫn còn rải rác xuất hiện như “Sách Tết 1957” của nhà Xuất bản Minh Đức. Nhưng có lẽ, đến “Sách Xuân” Mậu Tuất 1958 của Nhà xuất bản Xây dựng là ấn bản “Sách Tết” cuối cùng được in cho đến nay. 
Rõ ràng, “Sách Tết” đã từng được xuất bản và có vị trí trong đời sống. Đó là khi những văn nghệ sĩ đương thời được mến mộ, tập hợp lại, cùng nhau làm một ấn phẩm tâm đắc gửi đến bạn đọc. Sách có thể không đọc ngay nhưng ai cũng muốn sở hữu, cho đủ lệ bộ giống như mâm ngũ quả ngày Tết, ra giêng ngày rộng tháng dài mới mở ra thưởng thức, nhấm nháp không khí ngày xuân. Và “Sách Tết” là một thú vui tao nhã của người xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. 
Thế nhưng, từ sau năm 1958, không còn ấn bản nào mang tên “Sách Tết”, để lại trong lòng người đọc một khoảng trống tinh thần tiếc nhớ. 
Hiểu lịch sử và vị trí của “Sách Tết” từng có trong đời sống, những người làm sách, Công ty Sách Đông A và nhà văn Hồ Anh Thái đã nung nấu làm hồi sinh lại “Sách Tết”, nối dài đời sống văn hóa của “Sách Tết”. “Sách Tết” 2019 ra đời. 
Trong lời tựa cuốn sách, những người làm sách chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn nối dài truyền thống làm sách Tết chưa xa nhưng đã có một thời kỳ gián đoạn, cuốn sách Tết này sẽ tái hiện lại không khí của ngày Tết xuân trong quá khứ và hiện tại, ở các miền đất nước trên đất liền và nơi biển xa, qua hoài niệm và trong những cảm xúc tươi mới của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đương đại. Các họa sĩ vẽ minh họa và trình bày Bắc Trung Nam với nhiều cách thể hiện khác nhau cũng góp sức để cố gắng làm sống lại một không khí sách xưa”. 
“Sách Tết” 2019 mang phong vị của một mùa xuân chưa xa, xuân của quá khứ, của truyền thống, của những giá trị văn hóa được nối dài trong đời sống hiện đại. Phần “Góc nhìn” đưa người đọc với những hoài niệm về những cái Tết xưa. Đó là những trang viết của nhà nghiên cứu Trịnh Bách về “Tết người Bắc ở Sài Gòn”, hay "Mâm cỗ xuân cũng tổ” của Châu Hải Đường, “Chuyện chú Heo Trư Bát Giới”. 
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã mang đủ đầy hương vị của một cái Tết Bắc, tinh tế, tao nhã và truyền thống vào bài viết của mình, khiến người đọc bâng khuâng tiếc nhớ về những giá trị đang mai một trong đời sống hiện đại. Tết xưa còn được tái hiện trong không gian của “Sử” và “Cổ tích” với những câu chuyện liên quan đến Tết, đến người xưa được người thời nay kể lại, thú vị và mới mẻ. 
 “Sách Tết” 2019 còn mang hơi thở của cuộc sống hôm nay qua những trang viết của các nhà văn, nhà thơ đương thời. Đó là những cái Tết xưa và nay, từ nông thôn đến thành thị trong “Tết Quê” của Phan Cung Việt, “Ăn Tết với người lạ” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Nhớ một Tết xa” của Ma Văn Kháng, “Ở đâu Tết cũng vui mà” của Nguyễn Trí. Đó là một không khí xuân nhẹ nhàng, vui tươi nhưng không kém phần sâu sắc khiến cho cảm xúc của người đọc được lắng đọng khi xuân về. 
Ngoài phần văn còn có sự góp mặt của nhiều nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa, Chùm thơ xuân của Nguyễn Phan Quế Mai, Phạm Thị Ngọc Liên, Đoàn Lê, Bùi Kim Anh, Nguyễn Thế Hoàng Linh… và  Nguyễn Vĩnh Tiến với “Chúc mừng năm mới” và Đức Trí với “Xuân quê tôi”.
Nhưng có lẽ, ấn tượng hơn cả ở “Sách Tết” 2019 là sự góp mặt của các họa sĩ đương đại tên tuổi Bắc - Trung - Nam như Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Huy Long, Kim Duẩn… Những minh họa được chăm chút, kỹ lưỡng đứng bên cạnh các bài viết như những tác phẩm vừa kết nối, vừa độc lập. Chủ ý của người làm sách muốn đưa cái nhìn đa diện và phong phú của các họa sĩ ba miền để cuốn sách có thể thể hiện các góc nhìn về đời sống văn hóa trải dài từ Bắc vào Nam.
Có thể nói, “Sách Tết” 2019 không đơn thuần chỉ là một cuốn sách để đọc và thưởng thức. Nó còn là một giá trị tinh thần được hồi sinh trong đời sống hiện đại. Tết ngày nay không chỉ là sự no đủ về vật chất mà cần nhiều hơn thế sự ấm áp về tinh thần, về những giá trị văn hóa. “Sách Tết” góp một phần làm giàu lên những giá trị tinh thần đó. Trong “Sách Tết” 2019 có một bài viết rất thú vị của Giáo sư Ngô Bảo Châu về những hiệu sách cũ, về giá trị của sách đối với đời sống và vai trò của những hiệu sách trong một không gian sống. Ông viết rằng: “Tôi thành thật tin rằng cuộc sống ở một nơi nào đó sẽ dễ chịu hơn, nhân văn hơn nếu nơi đó có nhiều tiệm sách” và “Bạn có thể tìm thấy cả sự tuyệt vọng, cả sự cao cả của tâm hồn con người trong những trang sách. Vì thế mà bạn muốn có một hiệu sách cũ không quá xa nơi bạn sống”. 
“Sách Tết” có lẽ cũng ngầm ẩn một mong muốn bạn đọc quay trở lại với sách, cầm cuốn sách trên tay và giữ thói quen đọc sách hằng ngày, dù cuộc sống xung quanh có bộn bề.



Nguồn: Văn Nghệ Công An