Ấn phẩm “Cá tính Quảng” do NXB Đà Nẵng cấp phép, vừa có buổi ra mắt tại Sài Gòn chiều 5-1-2019. Nhìn vào đời sống người Quảng (ở đây bao gồm cả Quảng Nam - Đà Nẵng) nơi quê nhà, hoặc nơi đất khách quê người, chúng ta dễ nhận thấy một vài nét cá tính đặc trưng như cãi, ngông, hề, chơi, làm…, nên cuốn sách cũng dựa vào đây mà đặt ra các phần. Các nhân vật trong mỗi phần không hẳn chỉ có một nét đặc trưng nào đó, mà phụ thuộc vào góc nhìn của người viết bài. Có nhân vật bao gồm cả 5 nét đặc trưng vừa kể, nhưng khi viết, tác giả chỉ tập trung một nét - chưa hẳn là ưu trội nhất - nhưng là nét mà người viết bài thích nhìn ngắm nhất.




Và đương nhiên, 5 nét đặc trưng cãi, ngông, hề, chơi, làm không thể bao quát toàn bộ cá tính người Quảng, cũng như không phải là đặc sản riêng của xứ Quảng. Ví dụ như ngông, nếu hỏi Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành thích ngông, chắc khó trả lời, vì quá nhiều, hoặc nói đúng hơn, gần như tỉnh thành nào cũng có lượng người chơi ngông đông đảo. Nhưng qua sách này, độc giả có thể thấy phần nào cái ngông của người Quảng - ở đây không bàn cao thấp, hay dở - là một nét riêng, đôi khi ngộ nghĩnh.

Xứ Quảng trong lịch sử đã là sự chung sống của Chăm-Việt, là cửa ngõ của giao thương quốc tế với nhiều bến cảng lớn, nơi Hội An là thành phố toàn cầu từ thời phong kiến, nên tinh thần dân chủ, việc chấp nhận sự khác biệt đã thành bản sắc. Như là một tiếp nối, các nhân vật trong sách này cũng được chọn lựa với tinh thần bình đẳng và dân chủ như vậy. Trong công việc riêng, mỗi nhân vật có những đóng góp, những gợi hứng đáng trân quý, các tác giả dựa vào đó để viết về họ, chứ không có ý phân “chiếu trên, chiếu dưới”.

Thật vậy, tự trong mỗi ngành nghề thì còn có thể bàn về chuyện cao thấp, lớn nhỏ, chứ cả một xứ sở, một vùng văn hóa, với lịch sử dài và phức tạp, đâu dễ để nhận định ai quan trọng ai tầm thường, ai lớn ai nhỏ. Mà nếu thật sự muốn phân cao thấp, thì tiêu chí nào có thể phù hợp và công bằng với các ngành nghề, các xuất phát điểm quá khác nhau. Chính vì vậy, khi đọc sách, nếu độc giả thích nhân vật A hơn B, hoặc thấy C lớn lao hơn D, ấy cũng là bình thường, là cảm nhận riêng, chứ tự cuốn sách không hướng đến điều đó.

Sách với bìa và trang vào phần do họa sĩ Lê Kinh Tài thiết kế, biến tấu từ hình tượng con tò he, khá phổ biến một thời tại xứ Quảng, ngày nay còn thấy nhiều ở Hội An và các chợ làng xã. Tò he có lẽ là sản phẩm đi cùng bước chân mở cõi vào Nam, mà xứ Quảng - với trắc trở của đèo Hải Vân và cuộc đối thoại trực tiếp với văn minh Chăm - là một cột mốc lớn. Nếu có một chút so sánh, có thể thấy tò he ở xứ Quảng có nhiều nét riêng so với tò he ở làng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) - vốn được cho là một trong những nơi phát xuất của nghề tò he. Tìm về cá tính Quảng, bản sắc Quảng… đôi khi cũng là tìm về nét riêng của những vật thể và phi vật thể như vậy.

Trước khi bước vào nội dung mỗi phần, độc giả thử cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn chiết tự chữ Nôm, xem trong cấu thành, ông bà ta đã quan niệm thế nào về cãi, ngông, hề, chơi, làm. Chữ Nôm sinh ra từ quá trình tiếp biến và cải biến chữ Nho, với nhiều thành tựu lớn về ngôn ngữ, văn chương và tư tưởng thời trung đại. Có thể khi vào đến xứ Quảng Nôm - âm địa phương của Nam - trong chữ Nôm, quan niệm về cãi, ngông, hề, chơi, làm có vài khác biệt, nhưng về căn bản thì vẫn vậy.

Đọc xong cuốn sách này, với các độc giả quan tâm tới xứ Quảng - người Quảng, sẽ dễ cảm thán: Ri mà là cá tính Quảng ư? Hoặc sẽ đưa ra nhận định: Viết như rứa mà cũng gọi là viết về cá tính Quảng. Vậy: Như răng mới là cá tính Quảng? Xin thưa rằng: Sách này không có tham vọng đúc kết hoặc trả lời trực tiếp, mà chỉ như một gợi mở để cùng nhìn về, cùng suy ngẫm, để qua đó, tự mỗi người tìm câu trả lời cho riêng mình.