Chuyện kể của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: “Khi tôi về đã
thấy giấy mời lên làm việc với Thường vụ Tỉnh uỷ. Người trực tiếp gặp tôi là
ông Phó Bí thư Thường trực cùng một số người nữa. Ngồi vào bàn ông nói
ngay: “Anh là cán bộ lãnh đạo Hội. Phùng Quán là ai, anh biết rồi đấy. Gần nửa
tháng qua anh đưa anh ta đi đâu, gặp gỡ ai, nói chuyện gì”. Tôi trả lời ngay
không cần nghĩ ngợi: “Phùng Quán là nhà văn thế hệ chống Pháp. Năm 1988 anh đã
được phục hồi hội viên. Anh công tác ở cơ quan văn phòng Bộ Văn hoá, đã từng
in...” Chưa dứt lời ông cắt ngang với hai hàm răng rít chặt: “Không nói nhiều,
anh về viết bản kiểm điểm gửi cho chúng tôi. Cần nhớ rằng anh thuộc diện cán bộ
chúng tôi quản lý...”.
TẢN
MẠN VỀ PHÙNG QUÁN
HOÀNG VŨ THUẬT
1.GẶP GỠ
Tôi chơi thân với Hải Bằng từ cuối năm 1966, lúc Hội
Văn Nghệ và Ty Văn hoá còn sơ tán lên làng Phú Vinh. Qua Hải Bằng tôi được biết
rất nhiều về cuộc đời và con người Phùng Quán. Trước đó những năm đầu 60 tôi đã
đọc cuốn “Bọn Nhân văn-Giai phẩm trước toà án dư luận”cùng rất nhiều bài viết
khác, thông qua Hà Nhật thầy giáo dạy văn và bạn bè cùng học cấp 3 Quảng Bình
cho mượn. Chưa gặp nhưng tôi đã trọng, vì đó là con người khác người. Chữ “người”
thời ấy gần như cùng chung mẫu số. Ai cũng như ai, khó mà bộc lộ cá tính
trước đám đônCuối năm 1973 tôi theo học trường Bồi dưỡng Những người viết văn
trẻ ở Quảng Bá. Thật may mắn. Tôi nói với Hải Bằng, em học ở Hà Nội, có dịp anh
ra chơi để được gặp anh Phùng Quán. Hải Bằng chưa ra, Phùng Quán đã lên Quảng
Bá thăm chúng tôi, hỏi thăm Hải Bằng và tình hình Quảng Bình. Hồi đó một lời
nói trực tiếp sốt nóng hơn thư từ. Thư gửi đi có lúc sáu, bảy tháng mới
nhận được. Phùng Quán đèo tôi về nhà mẹ nuôi. Một căn nhà lá nền đất, nằm sau
lưng đình Nghi Tàm bên Hồ Tây. Ông tự ghép lấy chiếc ghế bằng cành ổi, ngồi lâu
ngày đôi tay vịn nhẵn bóng. Bà cụ Hai Dơi suốt ngày gánh hàng lặt vặt lên đê
Yên Phụ bán cho người qua đường. Ông vội vã nấu cơm tiếp tôi, rồi ra đường đỡ
gánh cho bà cụ vừa về. Đêm ấy, lần đầu tiên tôi được gặp con - người - nhân -
văn bằng xương bằng thịt. Ông mặc một thứ vải thô nhuộm nâu, chân guốc mộc.
Tại nơi đó, cũng lần đầu tiên tôi được nghe nhiều bài thơ ông. Tôi không
sao quên được cái giọng đọc pha ngâm, trầm và ấm: Hồ khuya sương tịch mịch/ Trộn
nước lẫn cùng trời/ Con dế chân bờ dậu/ Nỉ non hoài không thôi.../ Tựa lưng ghế
cành ổi/ Vai khoác áo bông sờn/ Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ/ Vợ vừa nghe vừa đan. Ba
mươi năm ly quê, cho tận mãi sau này cái giọng vẫn thế, vẫn Huế mà rất Phùng
Quán. Rồi ông im lặng, không khóc, nhưng tôi biết ông đang xe xót chìm trong mờ
ảo khói thuốc lào rít sau mỗi bài thơ.
Không sai lời hẹn, Hải Bằng ra Hà Nội. Sau bao năm
xa, kể từ ngày ông vác ba lô về làng Cảnh Dương, rồi làm phát hành sách cho ty
Văn hoá. Đến nơi, Hải Bằng dục tôi đèo xe tìm Phùng Quán. Ánh điện nhập nhoà,
đường về bà mẹ nuôi đất đá gồ ghề, chúng tôi phải xuống xe đi bộ. “Anh đi từ
sáng đến giờ chưa về, giờ không về là ở lại rồi.” - Bà cụ Hai Dơi nói vậy.
Chúng tôi đến 3- Hàng Cân , nhà chị Bội Trâm, vợ Phùng Quán đang ở. Đường phố vắng
hoe, Hải Bằng cứ đứng giữa lòng đường gọi hết cỡ:
- Quán ơi. Quán ơi. Quán ơi!..
Không có tiếng đáp lại. Hải Bắng sốt ruột:
- Phùng Quán ơi! Phùng Quán ơi!...
Tôi hiểu vì sao Phùng Quán chưa trả lời. Những năm
đó bài viết đánh Nhân văn chỉ còn lác đác, vì tất cả dồn sức vào cuộc chiến.
Nhưng không vì thế mà cuộc đấu tranh chống Nhân văn đã kết thúc. Một tiếng gọi
có thể thân thiết, cũng có thể vận hạn. Hơn nữa Phùng Quán không muốn trong đêm
thanh vắng lại oang oang hai tiếng Phùng Quán, gắn với vụ án văn chương. Từ gác
hai, Phùng Quán mở cửa nhìn xuống, hớt hãi:
- Tôn à. Nhỏ thôi, nói nhỏ thôi, ra khi mô rứa? (Tôn
tức là Vĩnh Tôn, tên chính của Hải Bằng).
Đã lâu quay quắt nhớ, quay quắt gặp, nhưng Hải Bằng
vẫn xẵng:
- Mi hỏi tao ra khi mô là răng? Tao ra là đến mi liền,
chứ còn đi mô nữa?
Hai người ôm lấy nhau. Hải Bằng khóc hu hu như trẻ
nhỏ. Chúng tôi kéo nhau đi ăn, dốc hết tâm sự tới sáng.
2. NHỮNG ĐÊM NGỦ.
Phùng Quán có tới ba nơi ở, Nghi Tàm, 3-Hàng Cân và
Lê Văn Hưu. Mùa đông tôi thường xuống Nghi Tàm ngủ lại. Có khi Phùng Quán nấu
thêm cơm, hẹn xuống, có khi nạo cơm cháy qua loa, rồi chuyện trò. Những bài thơ
tôi viết hồi đó ông đọc hết và còn góp ý để tôi sửa lại.
Tôn Ái Nhân, Trần Anh Trang cùng phòng, thường bảo
tôi là đứa ham chơi, ít khi ở nhà trọn một ngày. Tôi nói có việc mình mới đi.
Có người gặp tôi đi theo Phùng Quán, nhắc nhở, lãnh đạo biết đấy. Tôi kệ. Gặp
được con - người - khác - người này là quý hoá, là may mắn cho mình.
Một buổi chiều tôi vừa bước vô nhà đã gặp người
khách lạ. Chưa kịp chào, anh ấy đã tự giới thiệu:
- Mình là Tuân Nguyễn. Mình nghe nói Hoàng Vũ Thuật
từ Quảng Bình ra, đang chờ cậu tới đây.
- Cám ơn, chắc chắn anh Quán kể chứ gì.
Tuân Nguyễn vừa ở tù ra sau gần chín năm bị giam vô
cớ. Không bản án, không luận tội. Anh bị bắt cũng như được thả, đều mù mờ. Tuân
Nguyễn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, đẹp trai, dong dỏng cao, đeo kính trắng.
Phùng Quán nói với tôi, Tuân Nguyễn sẽ tá túc vài ngày, nhờ bạn cho chiếc xe đạp
đi lại. “Tĩnh dưỡng” cho khoẻ rồi Tuân Nguyễn sẽ tìm cách dịch thuê mà sống.
Tĩnh dưỡng là nói vậy chứ vợ chồng Tuân Nguyễn chỉ ăn cơm với rau muống
luộc, chấm nước mắm hết ngày này qua ngày khác. Đêm lạnh, tôi được nằm giữa. Ba
người đắp chung cái chăn bông sờn. Khi Phùng Quán kéo thì Tuân Nguyễn hụt, khi
Tuân Nguyễn kéo thì Phùng Quán hụt. Chỉ có tôi được ấm. Tôi bảo, đổi chỗ em nằm
ngoài cho. Tuân Nguyễn ôm lấy người tôi: “Chín năm anh quen cái lạnh rồi. Em ngủ
đi mai còn về trường, khéo mà ngủ gục”. Phùng Quán ho lốc khốc. Bà Hai Dơi nói
vọng: “Không biết đến bao giờ mới hết lạnh”.
Tết tôi về Quảng Bình. Tuân Nguyễn gửi thư cho người
bà con tập kết đang làm cán bộ có chức vụ trên huyện, gia đình sinh sống gần làng
tôi. Anh dặn khi nào ra cậu ghé lại hỏi thăm, có gì gửi không. Tôi ghé nhà, trước
lúc ra Hà Nội, người bà con không gửi gì, kể cả thư tay, chỉ nói: “Cậu ấy làm,
cậu ấy chịu”. Tuân Nguyễn cùng Phùng Quán nghe thuật chuyện. Phùng Quán nói, nằm
trong tù chẳng ngán, chuyện vặt.
Nhiều lần đến Nghi Tàm không gặp, tôi lên 80- Lê Văn
Hưu (hồi đó là nhà khách Bộ Văn hoá). Phùng Quán được bố trí ở trong buồng
một toilét không dùng nữa. Ông phủ lên mặt toilét cái thùng gỗ làm chỗ viết.
Mùa đông lót báo dưới, trải chiếu lên trên. Nhiều khi ông và tôi không nói gì.
Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ hoặc công việc gì đó. Ông thường hài hước: “Ở thế
này là sang lắm rồi, tầng hai hẳn hoi”. Còn tôi thì thương cho cái kiếp lao đao
của nhà thơ có đến ba nơi ở mà chỉ là nơi tạm trú mà thôi. Sáng dậy, chúng tôi
ra chợ Đồng Xuân ăn bún thang. Thứ bún thêm vào thìa ruốc nêm, ông rất
thích. Về tới trường, lại có người nhắc nhở đừng chơi với Phùng Quán, người ta
theo dõi đấy. Tôi không để ý tới câu nói, vì mình có làm việc gì đâu. Chính nhờ
Phùng Quán tôi mới gặp Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung và một số người khác.
Phùng Cung chép đề tặng tôi bài thơ: Đêm nay sương mặn/ Bên gốc na/ Con dế
khoang gãy giong/ Đợi người về/ Ngọn đèn chai/ Tãi sáng nước dưa. Một ngọn đèn
hiu hắt màu nước dưa chỉ đủ soi cho trang giấy. Đêm đêm được Phùng Quán khêu
lên, ngồi hút thuốc lào, bóng mờ in lên vách, bên Hồ Tây để viết “Đêm Nghi Tàm
đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”.
3. IN SÁCH PHÙNG QUÁN.
Đầu năm 1981, tôi được điều chuyển từ Quảng Bình vào
Huế nhận công tác Phó trưởng Ban biên tập nhà xuất bản Thuận Hoá. Một ngày cuối
xuân năm 1982, tôi đến muộn. Trên bàn tôi đã có bản thảo “Buổi đầu thử thách” của
Đào Phương, với dòng chữ ghi: Anh Thuật tổ chức biên tập để in đúng kế hoạch.
Ký tên Vương Hồng. Tôi mừng thầm. Đây rồi, lại gặp nhau. Bởi tôi đã đọc nó vào
tháng 4, tháng 5 gì đó tại căn gác toilét Lê Văn Hưu. Bấy giờ không có hai chữ
Đào Phương, mà là Phùng Quán. Nét chữ nghiêng đều đặn, mực tím không lẫn vào
đâu được. Khác chăng bản thảo bị gạch xoá khá nhiều. Chắc đã qua tay một người
đọc. Tôi tìm cách thông tin cho Phùng Quán. Ông viết mấy dòng rất kín đáo: Cứ
làm cho anh, anh xin Đào Phương rồi. Cẩn thận. Tôi đã gặp Đào Phương, tác giả
cuốn “Thồ Điện Biên” ở Hà Nội, bây giờ không hình dung nổi. Tôi hỏi ông Lê Trọng
Sâm, Phó tổng biên tập. Ông ấy bảo mình rất biết, giúp Đào Phương với. Lặng
lẽ đọc lần nữa, cố lấy lại những đoạn không nên bỏ, giữ lại những chữ cần thiết,
rồi tôi giao cho cô Loan đánh máy, ký tên biên tập, trình Tổng biên tập duyệt.
Năm 1983 sách đến tay Đào Phương cùng nhuận bút do Lê Trọng Sâm và tôi ra Hà Nội
giao tại nhà. Đào Phương cười nói vui vẻ, cám ơn tôi. Có lẽ Đào Phương tưởng rằng
tôi không biết bản thảo này là của Phùng Quán. Hồi ấy, tuy đất nước đã thống nhất
mấy năm, nhưng vẫn còn cách nhìn cách nghĩ cũ kĩ, ràng buộc lắm thứ. Chưa đổi mới.
Cánh Nhân văn - Giai phẩm im lặng chờ đợi. Giả dụ sự việc ấy mà lãnh đạo nhà xuất
bản biết, muốn hay không tôi sẽ bị đuổi việc ngay lập tức. Cho dù tôi nói là
tôi không biết. Tôi tin cho Phùng Quán khoản nhuận bút và sách tác giả. Sau
này, ông bảo tôi, Đào Phương cho lại mình một ít. Tôi không rõ là bao nhiêu,
nhưng đối với ông là quý lắm, theo cách nghĩ của ông. “Buổi đầu thử thách”,
chính là tập một của ba tập tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” sau này.
4. PHÙNG QUÁN ĐỌC THƠ Ở HUẾ, IN THƠ Ở ĐÀ NẴNG.
Tôi đang dẫn chương trình Đêm thơ tại 26-Lê Lợi, do
Phân hội Văn học tổ chức. Vinh Nguyễn nói nhỏ vào tai: “Anh Phùng Quán và chị
Hương Quân ở Hà Nội vừa vào”. Tôi ra cửa đón ông và chị, đồng thời giới thiệu với
Nguyễn Khoa Điềm. Anh Điềm bắt tay thăm hỏi, nhắc tôi giới thiệu Phùng Quán đọc
thơ nữa nhé. Sau vài lời phi lộ, Phùng Quán chắp tay như cúng lễ đọc ngay
bài thơ Tạ:
Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm
Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quỳ rạp trán xuống đất làng
Con tạ...
Rồi ông quỳ rạp thật. Ông đứng lên trong tiếng vỗ
tay không ngớt. Đêm thơ lắng lại để nghe Phùng Quán đọc tiếp những bài thơ
khác. Nếu tôi không nhầm, năm 1986, đêm đầu tiên trở về quê hương, sau bao năm
xa cách và lần đầu tiên ông đọc thơ tại nơi chôn rau cắt rốn của ông. Mặc dù
bài Tạ được ông viết từ 1975. Những ngày sau đó ông trở thành khách quý của những
người ngưỡng mộ ông. Đám trẻ tuổi chúng tôi thường theo ông để được “ăn theo”,
“uống theo” “nói theo” cho có bạn.
Một năm sau, Phùng Quán vẫn chưa về nhà. Hương Quân
đã ra Hà Nội. Ông nói với tôi, khi đi anh nói với chị ra phố mua bao thuốc lá.
May mà bấy giờ đã có điện thoại liên lạc, không thì đã phải báo mất tích từ
lâu.
Phùng Quán vào Đà Nẵng. Ông đọc thơ tại Nhà hát thành phố, ở huyện Điện
Bàn và nhiều nơi khác. Trở lại Huế, ông cầm xấp báo Đà Nẵng chủ nhật, ra ngày
15/2/87, đăng “Trường ca cây cà”, ký tặng bạn bè. Tôi được một tờ. Đầu chương một,
ông viết: Ba mươi năm trước/ Tôi chết giữa Hồng Hà sóng dữ/ Tôi lại hồi
sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang/ Chính cây cà quê mùa lao lực/ Đã dạy tôi dũng
khí bền gan! Đó là bài thơ đầu tiên ông in tên thật của mình, mãi sau tạp
chí Sông Hương mới tiếp tục đăng những bài khác.
5. KIỂM ĐIỂM VÌ PHÙNG
QUÁN. .
Chia tỉnh, tôi về lại Quảng Bình làm Tổng thư ký (Chủ
tịch Hội bây giờ). Gần hai năm sau, đầu tháng 4/1991, Phùng Quán từ Hà Nội vào
thăm chúng tôi. Mừng lắm, không ngờ lại được gặp ông sau ngày chia tỉnh.
Tôi hội ý với Ban thư ký rồi lên kế hoạch, đồng thời đi cùng ông trên chiếc xe
la-đa cũ, tài sản lớn nhất được chia ra từ Hội Bình Trị Thiên.
Chiều 12/4 chúng tôi đến Hoàn Lão. Ông Lê Chiêu Nẫm-Bí
thư Huyện uỷ Bố Trạch và anh Thoan - Trưởng Ban Tuyên giáo niềm nở đón tiếp
chúng tôi. Anh Thoan dẫn chúng tôi về giao lưu với Trường Bồi dưỡng giáo viên của
huyện. Sau buổi tiếp xúc ấy, trường Phổ thông trung học số 1 đăng ký mời Phùng
Quán nói chuyện thơ. Hôm sau trên đường về anh Thoan tìm gặp xin chuyển địa điểm
về nhà Văn hoá trung tâm để bà con thị trấn được nghe nữa. Cuộc nói chuyện
không thành. Họ gọi điện thoại cho tôi xin hoãn. Tôi hỏi, vậy thì bao giờ có thể
tổ chức? Họ trả lời không biết nữa.
Thế nhưng Phùng Quán vẫn tiếp tục được mời nói chuyện
ở trường Phổ thông trung học Đào Duy Từ và trường Cấp 2 Đồng Mỹ. Người nghe đứng
chật ra tận hành lang. Anh Lại Minh Thương, bạn tôi, học sinh cũ của trường cấp
3 Quảng Bình, là đội trưởng hợp tác xã đánh cá Hồng Mỹ, Bảo Ninh nghe tin, mời
Phùng Quán và tôi sang nhà thết đãi, nghỉ lại đọc thơ cho xóm giềng. Tôi sung
sướng và cảm động. Đâu đâu người ta đều ngưỡng vọng nhà thơ, muốn được nghe
thơ, được nhìn rõ con - người - nhà - thơ như thế nào. Đó là dấu hiệu văn hoá
lành mạnh. Ông nói chuyện say sưa, đọc thơ say sưa, hồn nhiên như người “cấm khẩu”
lâu ngày bỗng nhiên bật lên tiếng nói. Không lần nào giống lần nào, con người ấy
có sức cảm hoá đến kỳ lạ. Vẫn cái giọng trầm và ấm, cái giọng trải qua nhiều
cay đắng nghiệt ngã, kiên gan trước cuộc đời ba động, đã đúc nên thứ âm thanh
như có thần phép kia.
Nhưng tất cả những cuộc đi đâu về đâu đều có người
theo dõi. Chúng tôi đi là họ đến. Họ cấm không được tổ chức gặp gỡ, đọc thơ hay
nói chuyện gì nữa. Phùng Quán là Nhân văn.
Những ngày lưu lại nhà tôi đã thành một sự kiện.
Tôi nhớ sáng nào vợ tôi cũng dọn sẵn trên bàn một
chén cà sống, bát ruốc, góc chai rượu ngon. Khi thì đĩa bánh cuốn, khi thì cháo
trắng. Những thứ hợp khẩu với ông. Tôi cụng với ông một ly, nhấm nháp qua loa để
đến cơ quan kịp giờ làm việc. Ông ngồi bên chai rượu cho tới khi tôi về để còn
đi thăm những người quen biết.
Thế rồi đột ngột tỉnh giao tôi nhiệm vụ tháp tùng
đoàn của Bộ Văn hoá lên hai huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá. Ông rất muốn theo tôi.
Khi hỏi đi cùng ai, ông bảo, mình trở thành kẻ bị săn đuổi tới nơi rồi. Thôi đi
đi, mình không đi nữa. Tôi bàn với ông lên nhà Hải Kỳ, ở chơi vài ngày đợi tôi
về. Ông ừ. Sau này được Hải Kỳ kể lại, ông và Hải Kỳ vừa ra khỏi nhà, lập tức
công an vào hỏi. Minh Văn con trai Hải Kỳ,đang học cấp hai, khôn khéo đem giấu
cái bị cói của Phùng Quán ra sau bàn thờ, không thì họ lấy cũng nên.
Quả như vậy, khi tôi về đã thấy giấy mời lên làm việc
với Thường vụ Tỉnh uỷ. Người trực tiếp gặp tôi là ông Phó Bí thư Thường trực
cùng một số người nữa. Ngồi vào bàn ông nói ngay: “Anh là cán bộ lãnh đạo
Hội. Phùng Quán là ai, anh biết rồi đấy. Gần nửa tháng qua anh đưa anh ta đi
đâu, gặp gỡ ai, nói chuyện gì”. Tôi trả lời ngay không cần nghĩ ngợi: “Phùng
Quán là nhà văn thế hệ chống Pháp. Năm 1988 anh đã được phục hồi hội viên. Anh
công tác ở cơ quan văn phòng Bộ Văn hoá, đã từng in...” Chưa dứt lời ông cắt
ngang với hai hàm răng rít chặt: “Không nói nhiều, anh về viết bản kiểm điểm gửi
cho chúng tôi. Cần nhớ rằng anh thuộc diện cán bộ chúng tôi quản lý...”. Tôi
không đáp lại nữa. Ra về mà lòng cứ ấm ức. Chẳng lẽ thế? Chẳng lẽ người ta vẫn
còn kỳ thị, nghi ngờ đến thế? Phùng Quán đã xuất hiện ở Huế, lúc ông làm Phó
Giám đốc Công an cơ mà. Ông không biết Phùng Quán đã đọc thơ và nói chuyện nhiều
nơi, đã in trên báo Đà Nẵng và tạp chí Sông Hương hay sao. Vả lại, hồi năm 81,
82 khác. Năm 86, 87 đất nước đã đổi mới, văn nghệ được cởi trói. Giờ đã là 91.
Ông định làm gì nữa đây?
Tôi về nhà viết bản kiểm điểm gửi cho bốn tổ chức,
Thường vụ Tỉnh uỷ, Đảng Đoàn Văn nghệ, Ban Thư ký, Chi bộ cơ quan Hội. Những
dòng tôi trích dưới đây y nguyên trong bản đánh máy trên mặt giấy pơ-luya màu
thẩm hồi đó. Tất nhiên tôi phải mất hẳn một buổi tìm lại từ “thư viện gia
đình”. Tính tôi luộm thuộm, không ngăn nắp như người ta. Mở đầu tôi viết: “Nhà
văn Phùng Quán, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”,
gần đây với bộ tiểu thuyết ba tập “Tuổi thơ dữ dội” được tặng thưởng văn học của
Hội nhà văn, chuyển dựng thành phim được tặng thưởng phim hay năm 1990...”
Không lâu, trên một trang báo Nhân Dân, in danh mục những phim chiếu phục vụ
trong dịp Đại hội Đảng, có “Tuổi thơ dữ dội”. Trang năm, cuối bản kiểm điểm ở
phần nhận khuyết điểm, tôi thẳng thừng: “Song không khí hôm Thường trực Tỉnh uỷ
làm việc, rõ ràng là nặng nề. Có một số việc tìm hiểu chưa cụ thể vội vàng kết
luận. Thí dụ: Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, tôi phải chịu trách nhiệm
trước Thường vụ toàn bộ sự việc trên. Đồng chí còn nói: Tôi đã bất chấp chỉ thị
cấp trên, tiếp tục tổ chức để anh Phùng Quán nói chuyện hai nơi (tức trường Phổ
thông trung học Đào Duy Từ và trường Cấp 2 Đồng Mỹ), lại còn qua cả Bảo Ninh.
Tôi là một nhà văn, được Thường vụ giao trọng trách
quản lý Hội Văn Nghệ, tôi có nhân cách và lòng tự trọng của mình. Việc gì chưa
rõ ràng thì cần được nhắc nhở trao đổi rút kinh nghiệm, sai trái thì kiểm điểm,
cao hơn thì kỷ luật. Nhưng không thể xử sự với tôi bằng một thái độ vội vã kết
luận, khẩu khí căng thẳng khi chưa điều tra kĩ lưỡng. Việc đó rõ ràng không tạo
thuận lợi cho tôi trong việc quản lý Hội và đội ngũ văn nghệ sĩ trong tình hình
còn phức tạp hiện nay”.
Bản kiểm điểm gửi đi. Họ im lặng không tiếp tục hành
xử tôi nữa. Nhưng rõ ràng tôi không gặp thuận lợi về sau .
Khi Phùng Quán được Giải thưởng Nhà nước về văn học
nghệ thuật. Tôi định cầm mấy bộ sách tuyển tập thơ, tiểu thuyết của Phùng Quán
và những cuốn khác do Ngô Minh biên soạn đến nhà ông phó bí thư, chỉ để nói với
ông một câu. Ông thấy không, cái bằng chứng này cao hơn cả. Nếu Phùng Quán có
gia đình ở đây, chắc ông phải ngậm ngùi tổ chức lễ trao Giải thưởng Nhà nước
cho Phùng Quán. Mặc dầu ông đã nghỉ hưu lâu rồi. Nhưng chuyện đời, lẽ sống con
người đâu có nghỉ hưu!
6. LỄ TRUY ĐIỆU CÓ MỘT KHÔNG HAI.
Tôi thường tâm sự với lớp trẻ, đã làm nhà văn phải
có hai nhân cách. Nhân cách sống và nhân cách viết. Nhân cách viết, có thể có
nhiều người thành đạt. Nhưng nhân cách sống không hẳn ai cũng được như nhau. Có
người im lặng viết, miễn sao tròn một công dân. Có người viết tốt, sống tốt mà
vẫn vào vòng lao lý. Phùng Quán thuộc hạng người này. Cả đời ông là một chuỗi
đau thương. Nhưng không lúc nào ông chùn bước. Cuộc đời ông, ai đã biết là mến
mộ, kính trọng. Ông bị bệnh gần hai năm phải nằm ngửa kê tay vào giá đỡ trước mặt
mà viết. Một bàn viết ngược. Xưa nay ông đã viết, phải ngồi vào bàn, dù chiếc
bàn ấy là tấm ván, hộp gỗ chăng nữa. Giấy của ông được kẻ dòng như loại giấy vở
học trò. Phải là người có khí chất sống, khí chất văn chương mới nghĩ ra cái
giá đỡ kỳ quái để viết cho tới dòng sau chót đời mình.
Tôi định bụng bàn với nhà văn Hữu Phương, bấy giờ là
phó chủ tịch Hội, tổ chức lễ truy điệu vọng cho ông. Nghĩ lại, bao nhiêu
chuyện còn đó, người ta còn đây. Thử có ích gì? Thế là tôi rủ Hữu Phương cùng một
số anh chị em, học sinh yêu văn học lên nhà Hoàng Quang Đông chơi. Đông là thầy
giáo, bạn tôi, đã có lần gặp Phùng Quán. Tôi thông báo nhà văn Phùng Quán mất rồi,
lúc 16h 50’, ngày 22/01/1995. Tin này nhờ một người bạn điện thoại vào cho tôi
hay. Tất cả bàng hoàng. Im lặng. Không ai nói câu gì. Trong khoảnh khắc đó, tôi
lấy ra tờ giấy trắng, chiếc bút dạ, ký hoạ rất nhanh chân dung Phùng Quán. Sau
này tôi không hiểu vì sao mình vẽ được như vậy. Một chân dung Phùng Quán trăm
phần trăm. Gương mặt hơi trẻ. Chân dung ấy tôi ép plastic để trong “thư viện
gia đình” như một báu vật.
Không ai bảo ai, người kê tấm ván vuông vức lên chẻ
ba cây đào, người hái hoa cắm vào bình, người tìm thứ làm bát hương... Trong
làn khói hương thơm phức, tất cả như những pho tượng đứng bất động. Tôi lên tiếng
trước: “Chúng em xin cúng vọng anh, một nhà thơ tài hoa, một nhà văn suốt đời
chỉ viết trên giấy kẻ dòng, một nhân cách sống hiếm thấy”. Mọi người lặng lẽ bước
lên cắm những que hương trên chiếc bàn thờ có một không hai . Thầy giáo Hoàng
Quang Đông rưng rưng vừa đọc vừa ngâm bài thơ "Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho
vợ nghe".
Lúc ấy là 4h chiều ngày 28/01. Sau sáu ngày Phùng
Quán từ giã bạn bè người thân ra đi .
Nguồn: Báo Văn Nghệ