Họa sĩ Lê Linh đã bật khóc trước tòa vì những uất ức mà ông phải nếm trải qua suốt quá trình theo đuổi vụ kiện bản quyền. Với những phản biện thao thao bất tuyệt của đại diện công ty Phan Thị, họa sĩ Lê Linh cho rằng: “Việc vẽ một bộ truyện tranh nổi tiếng như “Thần đồng đất Việt” là sự sáng tạo của chất xám và trí tuệ của một họa sĩ, nhưng luật sư phía bị đơn lại so sánh tôi như một người chép giùm lại bài thơ cho một nhà thơ mù để cho rằng mình là tác giả là không thể chấp nhận và không phải muốn nói gì thì nói…”.




Trong hai ngày 24 và 25-1 vừa qua, Tòa án nhân dân TPHCM đã xét xử vụ án bản quyền liên quan đến bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”, giữa nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh và bị đơn là Công ty Phan Thị. Vụ tranh chấp đã kéo dài 12 năm, nhưng vẫn chưa xác minh được họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất, hay bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty Phan Thị là đồng tác giả với họa sĩ Lê Linh?

Tại tòa, họ a sĩ Lê Linh tái khẳng định quan điểm: “Người nào trực tiếp sáng tạo nên tác phẩn mới được xem là tác giả. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh chỉ nêu ý tưởng về bộ sách, còn bộ truyện hoàn toàn là của tôi”. Tuy nhiên, đại diện pháp luật của Công ty Phan Thị là Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành Luật- Nguyễn Vân Nam lại có cách lập luận khác: “Không có quy định nào công nhận tác giả là người có tên trên bìa. Việc ghi tên trên ấn phấm không được coi hay được suy đoán là tác giả. Ông Lê Linh chỉ là thợ vẽ, tham gia vào một trong các khâu sáng tạo bộ truyện. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh không chỉ là tác giả các hình vẽ, mà còn là tác giả của hình tượng nhân vật (hoạt động của nhân vật với từng trang). Ông Lê Linh có tham gia vẽ cấu trúc tạo chính lên nhân vật còn vẽ nét cho tinh lên là do người khác. Người vẽ lại là công vụ thể hiện tác phẩm của người khác, thì không phải là tác giả!"

Thậm chí, vai trò đóng góp vào bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” của họa sĩ Lê Linh còn bị Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam đánh giá thấp hơn giám đốc Công ty Phan Thị: “Bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã sáng tạo các nhân vật của “Thần đồng đất Việt” trên cơ sở cấu trúc nhân vật theo trường phái Nhật, với những đường nét mang đậm tính dân gian Việt Nam thể hiện được tính cách tinh nghịch đồng thời thân thiện bạn bè với thiếu nhi Việt Nam. Có thể nói, tính sáng tạo, sự độc đáo về đường nét trong hình vẽ 4 nhân vật mang dấu ấn đặc trưng của cá nhân bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Hình ảnh 4 nhân vật “Sửu Ẹo”, “Trạng Tí”, “Cả Mẹo”, “Dần Béo” đã định hình rõ ràng trong trí óc của bà Phan Thị Mỹ Hạnh và ông Lê Linh chỉ là người được bà Phan Thị Mỹ Hạnh cầm tay chỉ việc để vẽ”.

Họa sĩ Lê Linh đã bật khóc trước tòa vì những uất ức mà ông phải nếm trải qua suốt quá trình theo đuổi vụ kiện bản quyền. Với những phản biện thao thao bất tuyệt của đại diện công ty Phan Thị, họa sĩ Lê Linh cho rằng: “Việc vẽ một bộ truyện tranh nổi tiếng như “Thần đồng đất Việt” là sự sáng tạo của chất xám và trí tuệ của một họa sĩ, nhưng luật sư phía bị đơn lại so sánh tôi như một người chép giùm lại bài thơ cho một nhà thơ mù để cho rằng mình là tác giả là không thể chấp nhận và không phải muốn nói gì thì nói…”.

Xung đột bản quyền ở nước ta khá phổ biến, nhưng những phiên tòa phân định rạch ròi đúng sai vẫn rất hiếm hoi. Vì vậy, để có thêm thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, Toà án nhân dân TPHCM sẽ xét xử tiếp vụ kiện “Thần đồng Đất Việt” vào ngày 1-2-2019!


                                           TUY HÒA