Kinh nghiệm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Đi xe tôi cũng chọn ngồi gần cửa sổ. Đi máy bay tôi chọn ngồi gần... lối thoát hiểm, máy ảnh hoặc điện thoại thì để sẵn trong túi để máy bay có sự cố gì thì... chụp. Đi nhậu tôi chọn chỗ ngồi gần...toilet. Mới đây một đồng nghiệp than với tôi là đang ngồi kẹt giữa một biển người mà lại... mắc tè. Tôi nghĩ thầm lúc này chỉ cầu cứu thần đèn Aladin thả ngay một cái WC xuống giải cứu thì may ra. Nhà báo đi tác nghiệp mà chui vào giữa biển người thì chỉ có đặc tả mùi mồ hôi là thành công thôi…” 



“ĂN TRÔNG NỒI, NGỒI TRÔNG HƯỚNG...”

HUỲNH DŨNG NHÂN 

Chắc ai lớn lên cũng biết câu tục ngữ:” Ăn trong nồi, ngồi trông hướng” này. Tức là phép tắc, tức là đạo lý, tức là cách cư xử khi ăn uống, đứng ngồi nơi đông người. Ăn thì phải mời, nhỏ thì ăn sau người lớn, có miếng ngon nên nhường nhịn người khác, thấy nồi cơm vơi hay đầy thì liệu chừng mà xúc cơm ít hay nhiều, liệu cơm mà gắp mắm.
Còn ngồi trông hướng thì đừng có giành ngồi vị trí dành cho người lớn, đừng che chắn, đừng choán chỗ, đừng quay lưng vào chỗ tôn nghiêm. Đi tác nghiệp nơi nghiêm túc thì đừng có ăn mặc như đi...phượt. Tôi nhớ có nhà báo đi nhận giải báo chí bị mấy anh bảo vệ chặn ngoài cửa vì không tin nhà báo lại ăn mặc lôi thôi như thế. Một anh chàng khác chụp hội nghị cũng bị lực lượng bảo vệ mời về vì diễu hành trước quan khách với bộ đồ lập dị kiểu người rừng.
Trong nghề báo chúng ta, việc “ăn trông nồi ngồi trông hướng” cũng quan trọng không kém, bởi nghề báo là thường xuyên phải có mặt chỗ đông người, phải cư xử thế nào cho đúng, cho đẹp, cho đàng hoàng...không làm phiền người khác mà vẫn phải đạt được hiệu quả công việc. 
Trong bài viết nhỏ này, tôi muốn nói sâu vào cái khoản: Ngồi (đi đứng) trông hướng và có ý tứ, có tính đến hiệu quả cho việc tác nghiệp. 
Ai cũng biết chọn một chỗ đứng, chỗ ngồi khi tác nghiệp đông người là chuyện sống còn của nghề báo. Các phóng viên ở Việt Nam thường có thói quen đi dự họp là “đi họp trễ, ngồi phía sau, lẻn về trước”. (Chỉ có các phóng viên quay phim chụp ảnh là đi sớm để chọn chỗ đặt máy) Đây là thói quen cần khắc phục. Đi muộn là “trâu chậm uống nước đục” khó lấy tài liệu. Về sớm là không biết cái hậu (nhiều khi rất bất ngờ) của diễn biến sau cùng. Còn ai hay ngồi phía sau thì hoàn toàn chỉ hóng hớt các diễn biến chính của những gì quan trọng trên cử tọa trên sân khấu. Một phóng viên Mỹ nếu chọn ngồi phía sau đã không thể chụp kịp được cảnh kẻ ném giày vào Tổng thống Mỹ khi nói chuyện về Iraq. Một phóng viên khác nếu ngồi tít đằng xa đã không thể chụp kịp tức thì cảnh tên sát nhân bắn chết viên đại sứ Nga đang dự một cuộc triển lãm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bức ảnh trên không thể đem lại giải thưởng và danh tiếng cho tác giả nếu họ áp dụng kiểu tác nghiệp: “Đi trễ, ngồi sau, về sớm”...
Tôi xác định mình thân phận vô danh tiểu tốt lại thiếu thước tấc nên thường đi tác nghiệp theo kiểu ngược lại: “Đến sớm, ngồi trước, và về sau” Ai cũng biết đi sớm dễ tiếp cận nhân vật và tài liệu hơn. Ngồi phía trước quan sát để chủ động nắm bắt diễn biến sự việc chính xác hơn, về muộn đôi khi nắm rõ các diễn biến ngoài lề bộc lộ rõ bản chất sự việc của sự kiện hơn. 
Có lần tôi đi Thái Lan dự Show diễn của Vua nhạc Rock Michael Jackson, các phóng viên nước ngoài thi nhau chầu chực các lối ra vào và chiếm những chỗ tốt nhất để đặt máy. Tôi biết phận mình nhỏ con, cứ đến thật sớm chiếm ngự ngay một vị trí đầu tiên trước sân khấu, tha hồ bấm máy và quan sát viết bài. Chọn một vị trí tác nghiệp thể hiện sự quan sát tinh tế và ý chí mong muốn thành công của phóng viên. Nhà báo Dương Minh Long khi còn ở báo Lao Động được cử đi chụp phiên toà đặc biệt xử tên tội phạm không tặc Lý Tống. Các phóng viên đều dồn hết vào hướng cửa mà thông thường là nơi sẽ đưa các bị can nguy hiểm vào. Riêng Dương Minh Long phát hiện ra đó là cửa để nghi binh đánh lạc hướng, một mình anh chĩa máy đón lõng hướng ngược lại. Lát sau cảnh sát dẫn tên không tặc vào đúng hướng anh đang phục kích. Dương Minh Long tha hồ bấm máy mà không hề phải chen chúc. (Anh này thường hay mang theo một cái thang xếp, ai chen thì mặc, anh cứ ung dung leo lên thang xếp một mình một góc chụp thảnh thơi độc đáo) 
Còn Nhà báo nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh có kể lại chuyện như sau: Có lần anh cùng một đoàn nhà báo được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nhà riêng. Khi cả đoàn ra về, nhà báo Duy Anh giả bộ để quên nắp máy ảnh để quay lại lấy. Đúng như anh dự đoán, lúc này Đại tướng đã thay quân phục bằng bộ đồ ở nhà, khoác áo len ngắn tay, và đang chơi đùa với cháu nội. Anh liền mừng rỡ chụp ngay một loạt ảnh. Và thế là bộ ảnh quý hiếm về Đại tướng giữa đời thường (vì hầu hết các ảnh về Đại tướng xưa nay đều mặc quân phục) đã ra mắt.
Nếu không có những phút cố tình nán lại thì chắc Nhà báo Duy Anh không bao giờ có bộ ảnh độc đáo này. Tôi đi viết phóng sự cũng thường hay nán lại cùng nhân vật để cố tìm thêm chi tiết mới lạ, độc đáo và thường là rất độc đáo. Tôi có cảm giác lúc đó mới là lúc bắt đầu để nhân vật giãi bày nỗi lòng thầm kín của mình. Những gì thuộc về ngoại lệ, bên lề mới là chi tiết đắt của một bài báo. Như một lần cùng đoàn làm phim đến quay tại nhà vợ một phi công vừa hy sinh. Tôi dùng dằng nán lại và bắt gặp một hình ảnh cảm động là đứa cháu ngoại của anh phi công cũng đang ôm trong lòng một cái máy bay đồ chơi. Còn chị vợ phi công thì lúc ấy mới kể: Em chọn mua tầng cao nhất của chung cư này để ngày nào cũng nhìn thấy máy bay lên xuống để nhớ người chồng đã hy sinh...
Nghề báo chúng ta là nghề đi, nghề giao tiếp và thu nhận thông tin xung quanh, ghi nhận từ những hoạt động con người đến khung cảnh trong ngoài, hoặc dự báo được những gì sắp xảy ra và phân tích được tình huống ta chứng kiến. Cứ vậy mới có chi tiết mà viết. Mà muốn có chi tiết thì phải quan sát. Muốn quan sát thì phải có vị trí tác nghiệp thuận lợi. Tôi đi họp hành thường chọn ngồi ghế ngoài lề để ra vào tác nghiệp dễ dàng.
Tôi thường có thói quen ngồi đâu cũng dựa lưng vào tường hướng mặt ra ngoài để có thể nhìn thấy những gì xung quanh mà người khác ít nhìn thấy mình. Đi công tác theo đoàn tôi hay đi gần (đi gần thôi) nhân vật chính để nắm bắt thông tin nên tôi thường có nhiều chuyện để viết. Đi xe tôi cũng chọn ngồi gần cửa sổ. Đi máy bay tôi chọn ngồi gần... lối thoát hiểm, máy ảnh hoặc điện thoại thì để sẵn trong túi để máy bay có sự cố gì thì... chụp. Đi nhậu tôi chọn chỗ ngồi gần... toilet. Mới đây một đồng nghiệp than với tôi là đang ngồi kẹt giữa một biển người mà lại... mắc tè. Tôi nghĩ thầm lúc này chỉ cầu cứu thần đèn Aladin thả ngay một cái WC xuống giải cứu thì may ra. Nhà báo đi tác nghiệp mà chui vào giữa biển người thì chỉ có đặc tả mùi mồ hôi là thành công thôi. 

Cứ vậy, tôi quan niệm vị trí tác nghiệp luôn đem lại cho nhà báo tác phong nhanh nhạy, chuyên nghiệp và có hiệu quả cao. Để có những tác phẩm tốt thì đôi khi phải chấp nhận cả những vị trí rất xấu kiểu “Hàn Tín luồn hang” (Trượng phu khi thất thế cũng luồn háng kẻ tiểu nhân để làm cho được việc) Trước kia, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long khi muốn chụp một nguyên thủ (Nga) trong một cuộc mít tinh đã phải chui qua mấy cái chân máy camera được hai gã khổng lồ bảo vệ. Và nhờ góc chụp phía sau từ dưới lên này, anh là một phóng viên hiếm hoi chụp được bàn tay của ông này mất một ngón bẩm sinh mà lâu nay ông ta giấu rất kỹ mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Nói tóm lại, việc chọn vị trí khi tác nghiệp là một chuyện hoàn toàn nghiêm túc bên cạnh những chuyện vô cùng nghiêm túc khác như sự đam mê, nhạy bén, sắc sảo và kiên trì của nhà báo. Chuyện ăn trông nồi, ngồi (hoặc đi đứng) trông hướng của nhà báo chỉ là vậy thôi. Nhưng đôi khi nhờ thế mà phân biệt được đâu là nhà báo bị động còn non nghề với các nhà báo chủ động hết lòng với nghề báo.