Cuối tháng 12 vừa
qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức trao giải thưởng văn học năm 2018, đồng thời
trao giải Thành tựu văn học trọn đời cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, một cây cổ
thụ trong làng văn học đã có nhiều tác phẩm đi sâu khai thác văn hóa, lịch sử
Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung như “Miền hoang tưởng”, “Hồ Quý Ly”,
“Mưa quê”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”… Nhân giải thưởng này, nhà văn
Nguyễn Xuân Khánh một lần nữa khẳng định, giá trị của văn chương chính là những
giá trị cốt lõi của văn hóa, sự nhân văn và lòng tin của con người trước những
thăng trầm của dân tộc, lịch sử...
NGUYỄN XUÂN
KHÁNH YÊU ĐỜI MỘT CÁCH KỲ LẠ
KIM HIỀN
Ở tuổi 85, nhà
văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn lạc quan và khát khao viết, mặc dù ông phải đối diện
với tật bệnh tuổi già như bao người khác. Cả một cuộc đời cống hiến cho văn học
nghệ thuật với hàng ngàn trang sách, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng được
tôn vinh với những thành tựu lớn nhất. Bây giờ gặp ông, không còn hẹn ra quán
cà phê được như mọi lần.
Tôi nhớ cái dáng
vẻ cao lớn, gầy và đầy sự hóm hỉnh của ông bên ly cà phê ấm trong những buổi
sáng của Hà Nội bình yên, bên một góc quán đẹp với những người bạn, những câu
chuyện xuyên thời gian. Hà Nội và văn chương, thật may mắn có được những người
như ông, để được hồi ức về quá khứ, tản mạn về tương lai và vui vẻ hết mình
trong những khoảnh khắc hiện tại.
Nhà văn Nguyễn
Xuân Khánh từng chia sẻ rằng, sau cuốn sách gần nhất "Chuyện ngõ
nghèo", cuốn sách nói về những năm tháng khốn khó của người Hà Nội cũng
như người dân cả nước, người ta phải nuôi lợn làm kế mưu sinh. Cái thời mà tất
cả mọi thứ trong nhà đều không quý bằng... con lợn, đã có hàng ngàn câu chuyện ập
đến với nhà văn, câu chuyện như một cuộc giễu nhại lớn. Một nhà văn bán sách đi
nuôi lợn, ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý...
Ông có vài bản
thảo nữa, nhưng dường như việc chỉnh sửa để thành tác phẩm hoàn chỉnh không phải
là chuyện đơn giản. Nó ngốn sức lực của nhà văn khủng khiếp. Trong khi đó, tuổi
già và những tháng ngày vui sống trước mắt không còn dài rộng nữa. Có lẽ, con
đường văn chương, đúng là định mệnh giời ban. Nguyễn Xuân Khánh từ thuở bé mê mẩn
văn chương, từng đọc "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách từ năm 10 tuổi. Lớn
thêm tí nữa thì ngấu nghiến đọc "Đông Chu liệt quốc", "Thuyết Đường",
"Thủy Hử", "Tây Du Ký"… Nhưng lớn lên ông lại vào Đại học
Y.
Học được 2 năm
thì ông đi bộ đội. Chặng đường dích dắc đó đã kéo ông vào văn chương. Năm 1957
khi trong quân ngũ ông viết truyện ngắn đầu tay gửi về Tạp chí Văn nghệ quân đội,
sau đó truyện ngắn được in, rồi còn được giải. Sau khi xuất ngũ, ông trở về làm
phóng viên, biên tập ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Văn chương thời ấy không đủ sống,
ông bươn chải kiếm sống nuôi gia đình 7 miệng ăn. Đêm đến thắp đèn dầu ngồi viết
trên những trang giấy đen một mặt đi xin và góp nhặt được. Viết hồi đó như một
sự giải thoát, một niềm đam mê lớn lao, như thể trút hết được mọi điều trong cuộc
sống.
Nguyễn Xuân
Khánh cảm ơn vô ngần cuộc sống nơi làng quê chôn rau cắt rốn của ông, dù ông sống
ở đó rất ít. Ông đã từng chia sẻ: "Viết văn, anh phải quan tâm đến bình diện
của cuộc sống. Tôi nghĩ việc đọc quan trọng lắm, đọc để mình tích trữ, từ triết
học cho đến các môn khoa học khác, nhiều cuốn sách lịch sử và cố gắng cảm nhận.
Càng hiểu biết thì càng tốt. Đọc và tích lũy là nguồn rất lớn và mình trải nghiệm
bất cứ việc gì. "Mẫu Thượng Ngàn" là câu chuyện của làng quê tôi. Tuy
rằng, tôi ở quê có 6 tháng nhưng năm nào cứ đến 3 tháng hè thì tôi lại về quê.
Mỗi một nhà văn đều có vùng quê gắn bó nào đấy. Mỗi con người có thể có một vài
vùng gắn bó với mình, điều đó rất quan trọng. Có những cuốn tiểu thuyết mà muốn
viết thì mình phải trải nghiệm. Và đó hoàn toàn là mảng sống thật. Nhưng cũng
có những cuốn tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, nhưng cũng lại rất thật, y như đời
sống. Như "Mẫu Thượng Ngàn" chẳng hạn, tôi viết theo trí tưởng
tượng của tôi, nhưng bạn đọc vẫn cảm thấy không khí và con người rất gắn bó với
họ. Thật ra, những nhân vật trong trang sách là những hình mẫu thấp thoáng có
thật ở ngoài đời. Có những nhân vật hình thành nhờ những kiến thức do mình đọc
trong sách. Thuở bé, tôi đọc rất nhiều sách Pháp... Văn hóa không có nghĩa
là đứng dậm chân tại chỗ. Văn hóa có tiếp thu và phát triển. Văn hóa động, rất
động. Mình bảo tồn văn hóa dân tộc, có những cái muốn hay không thì cũng phải mất
đi thôi. Cái sự mất đi khi không phù hợp nữa thì nó phải mất đi chứ không phải
cái gì cũng là bất biến cả. Làm một nghề để cho tinh đã khó rồi, nữa là nghề tạo
ra văn hóa - nghề viết văn. Viết văn có nghĩa là tổng hợp, nhìn từ đời sống mà
rút những cái tinh túy từ đời sống ra thì mình phải có đào luyện và cẩn thận".
Với nhà văn Nguyễn
Xuân Khánh, văn chương là một cuộc trải nghiệm những ý tưởng đã được ngấm và lọc
qua năm tháng cuộc đời mình. Nếu nói rằng, mỗi người đều có một con đường đi do
số phận sắp đặt, thì con đường trở thành nhà văn của Nguyễn Xuân Khánh đúng là
một sự run rủi của số phận. Ông vẫn thường bảo, văn chương viết được, ngoài sự
đào luyện khổ ải của nhà văn, còn là do nhờ ông giời phù hộ. Ngoài ra, cần phải
bồi đắp cho kiến thức bằng việc đọc, đọc hằng ngày, hằng giờ.
Nhà văn Nguyễn
Xuân Khánh, trong suốt mấy chục năm viết văn, thì ngoài viết, ông dành thời
gian để đọc. Ông đọc hằng đêm trong căn nhà mẹ để lại. Đọc với rất nhiều cảm
xúc của thời cuộc, của những thôi thúc cá nhân. Ông hầu như đã đọc hết những
sách quan trọng của thời đại đang sống. Trong sách của ông, ta thấy trích dẫn
những tên tuổi như Groos, Wundt, Claparède, Binet, Wallon, Buytendijk, Freud,
Siberer, Adler, Jung... cùng nhiều người khác. Không những ông chỉ đọc mà ông
còn đối thoại để tán thành, để phản biện. Đối với ông chân lý là tối thượng. Dù
một tác giả có uy tín đến thế nào, nếu thấy không đúng cũng phải phản biện. Ông
đã dành rất nhiều trang sách để đối thoại với Groos, với Freud, với Jung…
Nhà văn Nguyễn
Xuân Khánh thuộc thế hệ những cây đại thụ của làng văn trong ý thức tự học mà
thành tài. Trong nhiều lần ngồi trò chuyện với ông, ông vẫn luôn khẳng định rằng,
ngoài những duyên may, thì ông là một người không ngừng nghỉ tự học, tự đọc. Cũng
vì tự học, mà ngoài việc trở thành một nhà văn nổi tiếng, ông còn là dịch giả của
những cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, như "Những quả vàng" (tiểu
thuyết của Nathalie Sarraute, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1996), "Chuông nguyện cầu
cho kẻ đã khuất" (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hoá -
Văn minh Pháp và NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1998), "Bảy ngày trên khinh khí cầu"
(Jules Verne, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1998), "Hoàng hậu Sicile" (tiểu
thuyết của Pamela Schoenewaldt, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1999), "Tâm lý học
đám đông"(tiểu luận của Gustave le Bon, NXB Tri thức, Hà Nội, 2006) hay cuốn
"Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ" của tác giả Jean Piaget (Jean
Piaget là một nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nổi tiếng về những
nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em).
Nhà văn Nguyễn
Xuân Khánh đã chia sẻ: “Khi đọc Piaget, tôi mới hiểu ra một điều rất cơ bản:
Con người trong quá trình khám phá thế giới, đã tự mình tạo nên kiến thức, tự
mình tạo nên thế giới của mình. Còn giáo dục chỉ là sự giúp đỡ để con người có
thể tự học, để con người tự khai sáng cho mình. Những bạn trẻ ngày nay, muốn tiến
xa, muốn có năng lực làm việc thì cũng phải thường xuyên tự học. Có tự học thì
cái học mới sâu sắc. Thấy cần gì nhất thì học cái ấy. Tìm mọi cách để mà tìm hiểu.
Nhu cầu tự nhiên do ta tự do chọn lựa sẽ cho ta một động cơ để ta lấp đầy những
chỗ ta thiếu, để ta tự do tạo ra chính bản thân ta. Jean Piaget là người tự học
vĩ đại - những người sáng tạo đều thế cả".
Ông bảo, khi bị
xúc động bởi một cuốn sách tức là mình đang trải nghiệm. Câu chuyện đánh vào cảm
xúc của con người, tạo nên sự xúc động trong con người, đó là ý nghĩa của việc
viết văn. Sau này, cùng với vốn sống và sự trải nghiệm, để viết được một cuốn
tiểu thuyết, ông đã phải đọc rất nhiều cuốn sách về phong tục tập quán, về văn
hóa, về phân tâm học, văn học cổ kim trong ngoài nước. Sách của ông được đón nhận
vì ngoài cái tôi bản ngã, những câu chuyện của tác giả, còn là truyền thống,
phong vị dân tộc thấm đẫm trên mỗi trang sách. Người đọc đón nhận vì họ thấy
mình trong những trang sách ấy. Chẳng hạn như để viết được cuốn "Mẫu
Thượng Ngàn", ông đã tự học, tự đọc, tự nghiên cứu rất nhiều cuốn sách về
văn hóa người Việt từ những nền tảng của văn hóa làng; đạo Nho, đạo Khổng và đạo
Phật, tín ngưỡng đạo Mẫu là riêng của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tín ngưỡng
dân gian có những nét đẹp trường tồn qua không gian, thời gian. Đó là sức sống
phồn thực, tính sinh sôi nảy nở của làng Việt Nam. Dân tộc Việt Nam luôn
có yếu tố Phật giáo tồn tại trong mình. Trước kia nhà chùa thường là nơi dạy học,
nhiều sinh hoạt của con người vẫn diễn ra ở chùa, đàn ông cũng có mặt ở chùa.
Khi đạo Khổng phát triển mạnh mẽ thì ngôi đình trở nên quan trọng, đàn ông sinh
hoạt văn hóa ở đấy. Chùa chỉ còn là nơi đa phần dành cho người phụ nữ sinh hoạt
văn hóa. Như hai phần âm, dương.
Các tập tục đi
chùa ngày lễ hội, hội bà vãi, đầu xuân đi lễ chùa thấm nhuần vào người mẹ; đứa
trẻ bé tí đã lẽo đẽo theo mẹ và thích đi chùa rồi. Giáo lý của đạo Phật của người
mẹ thấm nhuần và bất cứ người nào cũng có người mẹ của mình. Người mẹ dần dà
truyền văn hóa đạo Phật cho con, mặc dù người con lớn lên có thể theo lý thuyết
nào nữa chăng nữa, những yếu tố văn hóa Phật giáo đã vào mình từ thủa ấu thơ và
cứ còn mãi mãi.
Trong thành tựu
trọn đời của mình, ngoài gia sản văn chương, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là người
nhận được nhiều tình yêu của bè bạn, những người hậu thế. Họ nể trọng ông vì
tính tình nồng hậu, hóm hỉnh, lạc quan, sống giản đơn và yêu đời một cách kỳ lạ.
Với ông, dường như chả có điều gì to tát, bởi thế lúc nào ông cũng cười “tít mắt”
với những câu chuyện, với những con người xung quanh. Ông tếu táo đủ những
câu chuyện với bạn bè, bạn già, bạn trẻ. Ông lúc nào cũng ân cần. Đi với ông,
chiều ông rất đơn giản, ông thích ăn những món ăn dân dã, uống cà phê đen, ít
đường. Nhưng có lúc, giữa những ồn ã, xô bồ, ông ngồi lặng lẽ một góc, chẳng
nói năng gì, chỉ cảm nhận từng giây phút trôi qua của thời gian, ngẫm ngợi về
quá khứ.
Bây giờ, nhà văn
Nguyễn Xuân Khánh đã yếu đi nhiều và ít ra phố với những trận cà phê bất tận
cùng bạn hữu, song, đôi lúc đi qua những góc quán quen, nhớ lại gương mặt và nụ
cười của ông trong tất bật phố xá, tôi vẫn luôn có cảm giác ông là một nhà văn
hiếm hoi của văn học đương đại, đang níu giữ mọi trải nghiệm từ quá khứ vọng về,
trong những ký ức chưa bao giờ xa và trong cõi thiêng của văn chương viết về Hà
Nội phồn hoa và văn hóa của dân tộc Việt...