Trong bánh xe sinh tồn Tây Tạng, hình tượng lợn cũng nói lên sự ngu tối. Hoặc dụ ngôn “Vứt ngọc trai cho lợn” trong “kinh Phúc âm” có ý nghĩa không nên dại dột khai mở những chân lí tinh thần cho kẻ không xứng đáng và không có khả năng tiếp thu những chân lí đó. Đặc sắc nhất trong những hình tượng lợn được phản ánh, chính là nhân vật Trư Bát Giới trong “Tây Du Kí” của Ngô Thừa Ân. Nhân vật với vẻ ngoài và tính cách của lợn đầy cá tính và đáng yêu. Đó là kiểu con người hám lợi, khoái hưởng lạc, luôn thỏa mãn mọi ham muốn, dục vọng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung, ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến mình.


Một vài hình tượng chú ỉn trong văn học

HUỲNH THU HẬU

Có thể nói, trong mười hai con giáp, Hợi là con giáp có vẻ ngoài đáng yêu, ngộ nghĩnh, vui vẻ. Con lợn hay còn gọi là con heo, chú ỉn, trư, hợi là con vật quen thuộc trong đời sống của người Việt.
Đã từ lâu, hình tượng con giáp này được miêu tả trong văn học nghệ thuật một cách gần gũi, dân dã. Lợn là biểu tượng của sự phồn thịnh, sung mãn, sung túc, giàu có, đủ đầy, phồn thực, con đàn cháu đống, cho nên người Việt thường bảo nhau “Mua heo chọn nái, lấy gái chọn dòng”.
Ở một số nền văn hóa, lợn tượng trưng cho tính phàm ăn, tính tham ăn vô độ. Trong nhiều huyền thoại nó được gắn cho vai trò là cái vực không đáy, nghĩa là sự tham lam. Hơn nữa, lợn còn là biểu tượng rất phổ quát cho các xu hướng đen tối, ngu dốt, hoang dâm và ích kỉ.
Trong bánh xe sinh tồn Tây Tạng, hình tượng lợn cũng nói lên sự ngu tối. Hoặc dụ ngôn “Vứt ngọc trai cho lợn” trong “kinh Phúc âm” có ý nghĩa không nên dại dột khai mở những chân lí tinh thần cho kẻ không xứng đáng và không có khả năng tiếp thu những chân lí đó.
Đặc sắc nhất trong những hình tượng lợn được phản ánh đó chính là nhân vật Trư Bát Giới trong “Tây Du Kí” của Ngô Thừa Ân. Nhân vật với vẻ ngoài và tính cách của lợn đầy cá tính và đáng yêu. Đó là kiểu con người hám lợi, khoái hưởng lạc, luôn thỏa mãn mọi ham muốn, dục vọng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung, ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến mình. Vì thế anh ta đã gây ra biết bao nhiêu khổ nạn cho thầy trò Đường Tăng.
Hay hình tượng đứa bé với chiếc đuôi lợn trong kết thúc tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của Marquez. Chiếc đuôi lợn là biểu tượng hậu quả của sự loạn luân. Con người loạn luân sẽ dẫn đến sự quái dị, sẽ tha hóa, ngăn cản sự tiến hóa của loài người. Đó là dự báo đau đớn của nhà văn cho nhân loại nếu chúng ta dù có tài năng nhưng nếu không biết mở lòng sẻ chia, bao dung, thông cảm và thấu hiểu, không đến với nhau bằng tình yêu mà chỉ biết tự hủy diệt mình bằng cõi cô đơn chôn chặt, đến với nhau bằng tính dục như những nhân vật trong dòng họ Buyendya ở làng Macônđô kia.
Trong văn học đương đại Việt Nam, Nguyễn Xuân Khánh đã rất độc đáo và tài tình viết nên tiểu thuyết với nhan đề “Trư cuồng”, sau đổi thành tên “Chuyện ngõ nghèo” mới được xuất bản năm 2018. Trong tiểu thuyết, con người đa diện, trộn lẫn xấu - tốt, cao thượng - thấp hèn. Trong mỗi con người có hai phần, phần con và phần người. Cái phần con là phần lợn, là bản năng, thích khoái lạc, ngu si. Nói chuyện về thế giới lợn mà như là nói chuyện con người.
Ngày xuân Kỷ Hợi, đón Tết Nguyên đán cổ truyền, đôi dòng trà dư tửu hậu bàn chuyện con lợn đầu năm, ngẫm để tự răn mình vì trong mỗi chúng ta nói như Freud đều có cả cái tôi (ego), cái ấy (id) và cái siêu tôi (super ego). Chúc cho quý vị năm Kỷ Hợi phát tài phát lộc, như ý cát tường.

Nguồn: Văn Nghệ Công An