HIỀN NGUYỄN 10 năm Ủ cái đẹp
Triển lãm “Ủ” của họa sĩ Hiền Nguyễn diễn ra từ 4-1 đến ngày 10-1-2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Những tác phẩm sơn dầu, sơn mài và đ...
http://www.lethieunhon.vn/2019/01/hien-nguyen-10-nam-u-cai-ep.html
Triển
lãm “Ủ” của họa sĩ Hiền Nguyễn diễn ra từ 4-1 đến ngày 10-1-2019 tại Bảo tàng
Mỹ thuật TPHCM. Những tác phẩm sơn dầu, sơn mài và đồ họa được sáng tác trong
10 năm 2008-2018 được trưng bày lần này, cho thấy sức sáng tạo bền bỉ của một
người phụ nữ đam mê cái đẹp. Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đánh giá: “Bằng tác phẩm
của mình, Hiền Nguyễn chứng minh rằng sức biểu cảm của chất liệu và kỹ thuật
truyền thống là vô hạn, không nhất thiết phải đi tìm sự phối ghép, đôi khi
không ăn nhập, với những chất liệu phi truyền thống…”
Cùng
với lụa, sơn mài là chất liệu tạo hình độc đáo mà châu Á nói chung và Việt Nam
nói riêng đóng góp cho hội họa thế giới.
Nhựa
cây sơn, vốn được tổ tiên người Việt dùng như một dung môi cho vật liệu che phủ
và trang trí, được người Pháp nhìn ra tính tương tự như dầu lanh làm dung môi
cho màu sơn dầu, phát hiện ra những đặc tính tuyệt vời khác, áp dụng cho tạo
hình. Dòng tranh sơn mài Việt Nam xuất hiện, và chuyển đổi chức năng của nhựa
cây sơn sang một lĩnh vực khác.
Hơn
90 năm qua (tính từ 1925 - khi sơn mài chính thức trở thành hội họa) chúng ta
đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài kỳ ảo từ Alix Aymé (1894 - 1989) đến
Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), Nguyễn Sáng (1923 - 1998)... Vẻ đẹp sâu thẳm, kỳ
diệu của chất liệu ấy chẳng những thuyết phục nhiều thế hệ họa sĩ mà còn làm
say đắm những người yêu hội họa khắp thế giới.
Những
thế hệ họa sĩ Việt Nam ngày nay đã đưa chất liệu dân dã đó tiếp cận quan niệm
tạo hình hiện đại qua nhiều hình thức và kỹ thuật thể hiện khác nhau, vô cùng
phong phú. Rất nhiều tác phẩm sơn mài chẳng những lôi cuốn công chúng Việt Nam
mà còn thuyết phục cả công chúng nước ngoài.
Họa
sĩ Hiền Nguyễn là một trong số đó.
Cô
đã đi dần từng bước từ hiện thực, biểu hiện qua trừu tượng. Trung thành với
phương pháp và kỹ thuật truyền thống, đồng thời vượt qua những định kiến xưa
cũ, sử dụng bảng màu phong phú, làm cho tác phẩm của mình trở nên bay bổng,
phóng khoáng.
Bằng
tác phẩm của mình, cô chứng minh rằng sức biểu cảm của chất liệu và kỹ thuật
truyền thống là vô hạn, không nhất thiết phải đi tìm sự phối ghép, đôi khi
không ăn nhập, với những chất liệu phi truyền thống. Đặc biệt, việc sử dụng
chất liệu công nghiệp (như polysite) không đạt được hiệu quả độc đáo khi sử
dụng kỹ thuật chồng màu, qua công đoạn ủ và mài. Những lớp màu chồng lấn lên
nhau, tan vào hoặc tách ra, ẩn hiện, tạo hiệu quả chiều sâu rất thu hút.
Hiệu
quả đó đặc biệt thích hợp với phong cách trừu tượng, khi người sáng tác không
bị bó hẹp trong giới hạn mô tả. Trừu tượng là ngôn ngữ “phi ngữ nghĩa”, không
có mô-tuýp nhất định, tức là không có bất cứ quy tắc, công thức ước lệ nào, do
đó nó không cần đến “cốt truyện” hay “đề tài”. Cảm xúc của người sáng tạo không
lệ thuộc vào ngoại quan, mà tùy thuộc vào nội cảm, được chi phối bởi cá tính,
dẫn đến hiệu quả của tác phẩm bộc lộ cá tính sáng tạo một cách phong phú và
trọn vẹn.
Trong
khuynh hướng trừu tượng, ưu thế của sơn mài (vẽ theo kỹ thuật truyền thống) so
với sơn dầu nằm ở bản thân chất liệu và kỹ thuật đặc thù, khi nó cho người sáng
tác thêm nhiều khả năng tạo ra những hiệu ứng bất ngờ, đôi khi bản thân người
vẽ cũng không lường trước, những hiệu ứng đôi khi rất khó ghi lại bằng nhiếp
ảnh mà phải bằng sự “chiêm ngưỡng trực tiếp”.
Cũng
như tất cả các chất liệu tạo hình khác, sơn mài truyền thống đủ khả năng trở
thành “công cụ” cho các nghệ sĩ sáng tạo, chẳng những không giới hạn mà còn độc
đáo.
Đừng
hỏi hội họa sẽ đi về đâu, nó chẳng đi đâu cả, mà vẫn từ từ hiển lộ qua bút
pháp, chất liệu và tình yêu của các họa sĩ với cuộc đời, năm này qua năm khác
và mãi mãi!
NGUYỄN THANH BÌNH