Không phải tự nhiên, các bậc chân tài trong thi ca,
nhạc họa, phim ảnh đều dành những khoảnh khắc nao lòng cho đề tài nông thôn,
nông dân, cho nỗi lòng thương nhớ quê hương. Đó là gốc rễ của nhân loại, lịch sử
loài người đi lên từ thôn dã, từ nghèo khó, từ nỗi vất vả nhọc nhằn, thậm chí từ
luẩn quẩn, tăm tối mà lần mò, tìm đường đến hạnh phúc.
GƯƠNG MẶT LÀNG QUÊ TRONG PHIM VIỆT
THIÊN SƠN
Tôi ngồi xem lại "Thương nhớ đồng quê". Đó
là một bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh dựa theo truyện ngắn cùng tên của
nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cảnh cuối phim, nhân vật Nhâm nhập ngũ, để lại phía
sau một làng quê tàn tạ, buồn nghèo với rất nhiều thương nhớ. Ở đó có mẹ Nhâm,
có chị Ngữ, có chú Phụng, có ông giáo Quỳ, có kỷ niệm về đứa em gái đã chết, những
buổi làm đồng, những đêm bắt ếch, những ngày mưa gió bão bùng… Truyện ngắn được
viết từ năm 1992, năm 1995 thì được chuyển thành phim. Đấy như là một tiên báo
về sự quên lãng và con đường đi lên đầy bất trắc của nông thôn nước ta. Người
ta hướng về thành phố, người ta bỏ làng đi làm ăn buôn bán, người ta đi nước
ngoài… Để lại sau lưng một nông thôn nham nhở, buồn nghèo, những tấm lòng khắc
khoải nhớ thương, những ước mơ bé nhỏ không thành.
Từ truyện ngắn "Thương nhớ đồng quê" đến
phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã có sự trau chuốt, nâng cấp các mối quan hệ làm
cho câu chuyện phong phú, chặt chẽ và thêm hành động kịch. Không lên gân, không
cố tình tạo "sóng", không thấy những cao trào. Truyện phim được kể một
cách tự nhiên như đời sống. Những thân phận lẻ loi, những mảnh đời rời rạc, những
quan hệ mong manh… Tất cả những điều đó cứ diễn ra tự nhiên, thầm lặng, trên
cái nền ảm đạm của một thôn quê. Sự tinh tế ở đây (cả nguyên tác và phim) là
các tác giả đã tìm ra một sự liên kết ngầm, sự thống nhất có tính bản thể, làm
cho câu chuyện tự nhiên, sâu sắc và thấm sâu vào tâm tưởng người đọc, người
xem, gợi dậy những nỗi xót xa, những niềm hoài tiếc khôn nguôi trong lòng người.
"Thương nhớ đồng quê" còn ánh ảnh người
xem bởi những hình ảnh vừa chân thực vừa thơ mộng. Những con đường, những cánh
đồng, dòng sông, những ngôi nhà, khóm chuối, bờ tre… cứ hiện lên bình dị, buồn
nghèo, thân thuộc mang cả cái hồn cốt nông thôn Việt Nam đã bao đời. Điều đó
cho thấy nghệ thuật kể chuyện, quay phim, dựng phim đã đạt đến sự điêu luyện.
Tác phẩm này xứng đáng là một thành tựu nổi bật của điện ảnh nước nhà những năm
chín mươi của thế kỷ trước.
Nước ta là một nước nông nghiệp. Mảng đề tài nông
thôn vốn dĩ đã được các nhà làm phim từ những buổi đầu chú trọng. Đáng nói là
ngay trong những bộ phim đề tài chiến tranh nổi tiếng, thì nông thôn vẫn luôn
là bối cảnh chính như: "Chung một dòng sông", "Chị Tư Hậu",
"Mùa gió chướng", "Cánh đồng hoang"... Qua những bộ phim ấy,
ta thấy hiện lên khuôn mặt nông thôn Việt Nam thời kháng chiến với những vẻ đẹp
bình dị, thân thương của đồng quê, với mái rạ, kênh rạch, cánh đồng, lũy tre,
cây đa, bến nước… Hòa bình lập lại, các nhà làm phim có điều kiện tái hiện cảnh
nông thôn trước Cách mạng Tháng Tám một cách toàn diện và sâu sắc.
Đặc biệt phải nhắc đến đạo diễn Phạm Văn Khoa với những
tác phẩm nổi tiếng như "Chị Dậu" (chuyển thể từ tác phẩm "Tắt
Đèn" của Ngô Tất Tố), "Làng Vũ Đại ngày ấy" (chuyển thể từ một số
tác phẩm của Nam Cao)… Những tác phẩm này tập trung miêu tả sự tù túng, khổ cực
của người dân dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến và sự chuyển mình của nông
thôn Việt Nam trong thời đại cách mạng đang đến gần. Một bức tranh nông thôn được
khắc họa đầy ấn tượng với những tính cách điển hình. Chị Dậu, như một mẫu mực về
người phụ nữ nông thôn, yêu chồng, thương con, can đảm chống lại bọn cường hào
ác bá. Giáo Thứ là hiện thân của người trí thức trong xã hội cũ, đầy tâm huyết
nhưng cuộc đời quẩn quanh với những bi kịch, đau khổ vì đói nghèo, cuối cùng
anh đã tìm đến với cách mạng. Lão Hạc, hiện thân cho người nông dân lương thiện,
chất phác, giàu tình yêu thương, sự tự trọng và đức hy sinh nhưng bế tắc và chết
trong bi kịch. Chí Phèo là hình ảnh người nông dân bị cùng quẫn, bị lưu manh
hóa... Trong cái thế giới đồng quê ngột ngạt ấy, vẫn hiện lên tình làng nghĩa
xóm, vẫn le lói những niềm hy vọng về ánh sáng ở cuối đường hầm. Nghĩa là bức
tranh nông thôn Việt Nam vẫn toát lên vẻ đẹp trong buồn nghèo và bế tắc.
Cái hồn của làng quê ấy, cái vẻ đẹp ấy sẽ còn được
các nhà điện ảnh tái hiện trong những tác phẩm về đề tài này thời kỳ đổi mới. Những
năm chín mươi của thế kỷ XX, sau "Thương nhớ đồng quê" thì "Giải
hạn" của đạo diễn Vũ Xuân Hưng cũng là một phim để lại ấn tượng. Tác phẩm
nói về sự chuyển mình của những con người ở vùng nông thôn miền Bắc trong thời
kỳ đổi mới. Triệu, Thiện là những con người can đảm vượt qua những khó khăn, bế
tắc đói nghèo để khôi phục làng nghề tơ tằm, dệt lụa truyền thống, thay đổi
cách thức làm ăn, lên thành phố tìm thị trường. Sau nhiều gian nan vất vả, họ
đã thành công. Trong chuyện tình cảm, dù họ đã không vượt qua được những vết hằn
xưa cũ, nhưng qua mối tình tuyệt vọng của Thiện với chị dâu mình là Triệu, tác
phẩm đã phản ánh những khát mong con người muốn được thành thực, muốn được là
chính mình.
Tính chất tiên phong, tính chất đổi mới trong đề tài
và chủ đề của "Giải hạn" khá rõ, bộ phim góp phần vào việc cổ vũ những
nhân tố tích cực ở nông thôn, và có lẽ là một trong những tác phẩm thành công về
nông thôn thời kinh tế thị trường.
Sau "Thương nhớ đồng quê", "Giải hạn",
một bộ phim khác rất đáng chú ý là "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn
Nguyễn Phan Quang Bình. Chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của nhà
văn Nguyễn Ngọc Tư, "Cánh đồng bất tận" đưa người xem về vùng sông nước
Tây Nam bộ với tất cả vẻ hoang dại, u tịch, buồn bã và cả những biến động đau
xót, khó lường. Bộ phim đặt ra nhiều vấn đề đối với vùng đồng bằng Nam Bộ: đó
là tình trạng rạn vỡ những mối quan hệ gia đình; tình trạng trẻ em bị thất học
và không được bảo vệ; tình trạng tội phạm tràn lan (trong đó có những kẻ nhân
danh chính quyền); tình trạng con người bị thoái hóa sống trong thiên nhiên
hoang dã, xa rời ánh sáng văn minh… "Cánh đồng bất tận" là một bức
tranh mù xám, nhưng cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với mỗi chúng ta về một
vùng nông thôn dường như đang bị bỏ quên, ở đó có những phận đời lay lắt, tàn tạ,
những số phận thảm khốc, những quan niệm và sự hành xử lầm lạc…
Và, có lẽ không thể không nhắc đến một bộ phim vào
loại hoàn hảo khi nói đến đề tài nông thôn trong phim Việt, đó là "Mùa Len
trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chuyển thể từ truyện ngắn cùng
tên của nhà văn Sơn Nam. Qua hồi ức của nhân vật chính là Kìm, bộ phim đưa ta về
những năm bốn mươi của thế kỷ trước, với bối cảnh chính là vùng đồng bằng Tây
Nam Bộ. Tác giả đã khéo léo thể hiện những nét tính cách và phẩm chất tưởng
chừng trái ngược nhau trộn lẫn trong những con người hoang dã, có khi như kẻ du
thủ du thực trong tuyến nhân vật, nhưng cũng có khi khẳng khái, nghĩa tình. Càng
về cuối, truyện phim càng có thêm những chi tiết dữ dội (như việc phải chôn bố
Kìm bằng cách cột xác vào chiếc cối xay xuống nước; hay treo xác bà Hai Tích
lên trên mặt nước). "Mùa Len Trâu" hấp dẫn người xem bởi đã lột tả được
những nét riêng độc đáo trong tính cách của người Nam bộ, đặc biệt là những người
"Len trâu". Bộ phim cũng vẽ nên một bức tranh thiên nhiên Nam Bộ tuyệt
đẹp và đầy ám ảnh với những khuôn hình hoàn mĩ về cảnh ngập nước, cảnh những
túp lều xiêu vẹo trong mưa gió, cảnh cơn lũ tràn về giữa đêm khuya cuốn trôi mọi
thứ; cảnh người dân ăn cơm nắm với mắm, ngủ trong chiếu quấn thay chăn màn… Với
nghệ thuật điêu luyện, tinh tế, bộ phim đã đạt đến độ chân thực, sâu sắc và thấm
đẫm tính dân tộc. "Mùa Len trâu" đi vào lòng người xem như một hoài
niệm khôn khuây về một xứ sở với những vẻ đẹp nao lòng và những nỗi buồn đến
xót xa, quặn thắt.
Đề tài nông thôn có một vị trí quan trọng trong sáng
tác của các nhà điện ảnh và đã để lại những bộ phim đi vào lòng người, để lại
những ấn tượng sâu sắc. Tuy vậy, trong những năm gần đây, thực tế ở nông thôn
có nhiều biến đổi dữ dội mà chưa được các nhà điện ảnh nắm bắt và thể hiện. Cuộc
sống đang viết tiếp những câu chuyện sinh động, đôi khi kỳ thú đến lạ lùng, đòi
hỏi các nhà điện ảnh tiếp tục khám phá, tái hiện. Những vùng thôn dã, những phận
người đang chìm lấp sau những làng nghèo, những cánh đồng ngập nước ấy… có thể
là một thế giới mở ra cánh cửa của sự sáng tạo chân chính và là chiếc nôi nuôi
dưỡng những tài năng đích thực phụng sự cho cuộc đời.
Nguồn: Văn Nghệ Công An