Những ngày Tết với mình, luôn là dịp để thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng. Xưa đã thế mà nay vẫn thế. Nhớ về Tết xưa cũng là cách nhấm nháp, tận hưởng cho hết hương vị Tết bây giờ. Vì thế mà mấy năm gần đây, giật mình thấy không ít người than thở, rồi mạnh dạn lên tiếng đòi bỏ Tết! Ơ hay! Thực ra thì… làm gì có Tết? Tết không phải là cái gì ở trên trời bất ngờ rơi xuống, hiện ra lừng lững trước mặt mọi người: Tao, Tết đây, đón tao đi! Tết là do chính con người nghĩ ra, đặt ra, “bịa” ra đấy chứ. Sinh ra nó, rồi lại để cho nó ốp vào mình, hành mình. Nháo nhào vì Tết. Cháy túi vì Tết. Thần kinh vì Tết. Bươu đầu sứt tai vì Tết. Có khi “ò í e” sớm cũng vì Tết…



GẦN TẾT, NHỚ GÌ KHÔNG NHỚ...

TRẦN ĐỨC TIẾN

Gần Tết nhớ gì không nhớ, lại nhớ dai những cái Tết thời mình còn ở ngoài Bắc. Những năm bao cấp, những cái Tết bao cấp. Gia đình mình chia năm sẻ ba, bố mẹ một nơi, chồng một nơi, vợ con một nơi. Cơ quan thì ở Hà Nội. Hồi đấy nếu mình nhớ không lầm, mỗi năm thường phải đến 28, 29 tháng Chạp các cơ quan nhà nước mới được nghỉ Tết, và cùng lắm ra giêng đến mồng 4 là đi làm trở lại. Mình làm việc ở một tòa soạn tạp chí chuyên ngành hẹp, ra hai tháng một kỳ, mỗi kỳ in vài ngàn bản cho các đơn vị đặt mua trước. Cơ quan chỉ có năm, bảy anh em nên cũng dễ bảo nhau, du di cho nhau. Mình là người xa nhà nhất, nên sáng 27 tháng Chạp là có thể khăn gói quả mướp chằng buộc lên xe đạp phóng về quê. Những thứ mang về góp với bố mẹ, vợ con ăn Tết cũng chẳng có gì cồng kềnh phức tạp. Một hộp mứt thập cẩm nhưng chủ yếu là trứng chim (nhân lạc rang bọc đường) với mấy miếng bí đao. Một gói trà mạn Ba Đình hay Hồng Đào. Vài bao thuốc lá Tam Đảo (may mắn thì vớ được Tam Đảo bao bạc)… Đấy là mấy thứ do công đoàn cơ quan phân phối. Công đoàn nào năng động có thể còn có thêm chai nước mắm ngon, dăm lạng thịt lợn, chai rượu mùi (rượu chanh, rượu cam hay rượu mật ong). Ngoài ra trong năm mỗi người còn phải lo tích cóp, để dành tem phiếu để giáp Tết mua thêm mấy lạng đường, ít bột mì đem ra tiệm gia công mẻ bánh quy gai xốp mang về làm quà cho bọn trẻ… Và chắc chắn không quên mấy bánh pháo Bình Đà.
Ngoài những vật phẩm đặc biệt nhuốm mùi vị tết kể trên, chiếc xe đạp cà tàng của mình còn phải đèo thêm cái điếu cày. Mình nghiện thuốc lào, ở đâu đi đâu cũng phải kè kè cái ống điếu. Một mình mà có tới bốn cái điếu cày cố định kèm một cái lưu động. Cố định ở phòng tập thể, ở cơ quan, ở chỗ mẹ và ở chỗ vợ. Còn cái lưu động luôn đi theo người mỗi khi có dịp phải đi. Điếu ơi điếu! Giờ nghĩ lại không biết hồi ấy trong số lủng củng những điếu là điếu, có điếu nào phải ganh tị vì ít được mình quan tâm chiếu cố đến không nhỉ? Nếu có, chắc chắn là cái điếu ở chỗ vợ. Một năm chia đợt nghỉ phép ra làm ba thì mỗi lần về thăm vợ cũng chỉ có vài ba ngày, điếu ở đấy không khô không mốc lên mới lạ.
Thế, cứ một mình một xe, một mình một điếu ròng rã guồng hơn trăm cây số về quê ăn Tết. Có năm về chỗ vợ trước, rồi thu xếp cho vợ con về chỗ bố mẹ. Có năm vợ nghỉ sớm tự cho bọn trẻ về thì mình đạp thẳng xe về quê. Chỉ có xe đạp mới chủ động, thoái mái, đỡ mỏi mệt và có khi còn nhanh hơn cả tàu xe. Tàu xe ngày Tết hồi đó vất vả, vô vọng hơn bây giờ. Mua được cái vé ô tô khó như trúng số độc đắc. Trúng xong còn bị hành cả ngày trời trên đường. Xắn quần lên đạp xe cho khỏe. Vừa đạp vừa lẩm nhẩm những câu hát, những câu thơ chợt hiện ra trong đầu, cho quên cái lạnh rát mặt. Sáng sớm ra đi từ Hà Nội, kiểu gì chiều muộn cũng tới được nhà.
*
* *
Không gì khoan khoái bằng về nhà được mẹ đun sẵn nước sôi, pha ra chiếc thùng tôn cho mình tắm một chiều đông giáp Tết.
Mấy tháng trời rét cắt da cắt thịt, ở Hà Nội, có tắm cũng là tắm lấy lệ. Thường chỉ gội đầu, hay tắm qua quýt nửa người bên dưới. Những nơi đó trên thân thể chịu lạnh giỏi hơn ngực và bụng. Cho nên khi mẹ giục ra nhà tắm – cái nhà tắm con con thưng mấy tấm ván mỏng ở góc vườn – lại thấy như mình trở về với tuổi thơ, luôn được mẹ săn sóc, cưng chiều.
Tắm xong, thay bộ đồ mới, trút sạch bụi đường cùng mệt mỏi, người nhẹ bẫng, lơ lửng bay trong không khí Tết sau mồi thuốc lào. Nhìn ra thấy bố ngồi bên kia bàn. Bố đã bày hộp mứt, chai rượu, mấy bao thuốc của mình lên bàn thờ. Nét mặt bố giãn ra thư thái trong niềm vui cả nhà được đoàn tụ. Và câu đầu tiên bố hỏi mình, không phải chuyện đi đường, không phải chuyện công việc ở cơ quan, mà là hỏi về… pháo:
- Chia ra đốt giao thừa với sáng mồng Một, hay chỉ đốt một đợt?
- Hai đợt đi bố! Pháo con đặt đấy. Gài thêm nhiều pháo đùng vào, bố ạ.
Bố cười cười: “Ừ, biết rồi, biết rồi”.
Mình thích pháo từ lúc lên bốn lên năm tuổi. Thích suốt cho đến lúc có vợ có con, rồi đùng một cái, nhà nước cấm pháo. Giờ vẫn nhớ lần đầu tiên xem bố đốt pháo trước hiên nhà sáng mồng Một Tết. Bố vừa treo bánh pháo lên cái dây phơi chăng ngang sân, chưa kịp châm lửa mình đã bịt chặt tai ù té ra sau nhà. Nghĩ bụng, từng quả pháo lẻ đã kêu to thế, thì cả băng pháo nổ còn khiếp đến đâu! Bố châm ngòi xong, liền vội vàng chạy theo ôm mình về. Hóa ra nhiều quả pháo nổ nối nhau giòn giã, nghe rất vui tai. Giữa chuỗi âm thanh đì đoành chưa dứt, bỗng nghe “bụp” một phát. Rồi tiếng ồ ồ nước chảy. Ôi thôi, cái chum đựng nước mưa! Cái chum sành ngay bên cạnh gốc cau. Bố quên đậy miệng chum, một quả pháo văng vào, nổ tóe ra dưới nước...
Cái chum ấy còn ở góc buồng rất nhiều năm sau. Mẹ mình lấy xi măng hàn kín lỗ thủng to bằng cái rá vo gạo. Nhưng chum không dùng để chứa nước nữa, mà chỉ để đựng ngô, đựng thóc.
Giáp Tết năm ngoái ra Hà Nội dự hội nghị, ngồi cà phê với mấy ông bạn đồng nghiệp. Chuyện trò quanh quẩn lại có người nhắc đến pháo. Bác giáo sư kiêm nhà nghiên cứu phê bình văn học bảo Tết đến vẫn thèm nghe tiếng pháo. Chú nhà thơ lắc đầu quầy quậy: pháo nguy hiểm, gây nhiều tai nạn kinh khủng quá, bỏ đi là phải. Mình dọn giọng e hèm: nhưng pháo ngày xưa khác với pháo sau này. Pháo ngày xưa nghe nói làm bằng than xoan, phân dơi, khi nổ chỉ vừa đủ tan xác, và khói pháo màu xanh lam như sương mờ, thoảng mùi thơm. Pháo sau này làm bằng thuốc nổ, công phá như bom mìn, khói đen mù, khét lẹt. Vả lại, ngày xưa đốt pháo lấy may, xua đuổi rủi ro, xua đuổi tà khí của năm cũ. Sau này người ta đốt pháo như xả bớt cơn bức bối cả năm dồn nén. Lại có kẻ hợm của đốt pháo để khoe sang khoe giàu. Rồi cũng chính từ cái tâm lý không bình thường đó mà nảy nòi ra các trò nghịch dại, nghịch ác, gây tai họa cho thiên hạ. Cấm pháo bây giờ là cần, là đúng. Nhưng cũng nên biết cái vẻ đẹp của niềm vui, của hy vọng trong ngày đầu năm mới, cái tập tục đón Tết của dân ta đã từng được duy trì qua một thời kỳ rất dài ấy, vẫn còn nằm ngủ trong tiềm thức cộng đồng. Cái gì chưa chịu mất hẳn, chưa chết hẳn thì không chừng sẽ có lúc thức dậy, với một sức sống mới, cố nhiên là trong những điều kiện khác, trong thuận lẽ.
Sáng sớm mồng Một tết mẹ gọi cả nhà dậy sớm, rửa mặt bằng nước thơm – thứ nước nấu từ thân cây mùi già. Bố mẹ làm nhanh mâm cơm cúng các cụ. Hương trầm thơm ngát. Mọi người trong nhà quây quần mừng tuổi nhau. Mình đã có vợ con, đã đi làm có lương, nhưng vẫn được mẹ mừng tuổi cho đồng hào mới tinh. Cái đồng tiền màu đỏ may mắn ấy sẽ còn được giữ mãi trong ví, chả mấy khi đụng đến.
Nửa buổi, bố và mình lên thắp hương ở nhà thờ họ. Ăn nhẹ bữa trưa ở nhà thờ, thường là xôi gà, với bà con anh em họ hàng. Xong, hai bố con đi chúc tết các nhà trong xóm. Tiếng mọi người chào hỏi, chúc tụng nhau râm ran trên đường. Mình nhớ lúc mình lên năm, lên bảy tuổi, những người đàn ông xêm xêm tuổi 50 như bố mình, gặp nhau ngoài đường vẫn trịnh trọng ngả mũ hoặc cúi mình chào nhau bằng cụ: “Năm sớm, chúc cụ mạnh giỏi, làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”! - “Không dám! Kính cụ! Tôi cũng chúc cụ năm sớm vạn sự như ý, phúc lộc dồi dào”… Bây giờ, tuổi sáu mươi, bảy mươi như mình, gặp nhau ngoài đường vẫn vô tư “mày mày tao tao”. Thật mỗi thời mỗi khác, nghĩ mà cười thầm.
*
* *
Những ngày Tết với mình, luôn là dịp để thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng. Xưa đã thế mà nay vẫn thế. Nhớ về Tết xưa cũng là cách nhấm nháp, tận hưởng cho hết hương vị Tết bây giờ. Vì thế mà mấy năm gần đây, giật mình thấy không ít người than thở, rồi mạnh dạn lên tiếng đòi bỏ Tết!
Ơ hay! Thực ra thì… làm gì có Tết? Tết không phải là cái gì ở trên trời bất ngờ rơi xuống, hiện ra lừng lững trước mặt mọi người: Tao, Tết đây, đón tao đi! Tết là do chính con người nghĩ ra, đặt ra, “bịa” ra đấy chứ. Sinh ra nó, rồi lại để cho nó ốp vào mình, hành mình. Nháo nhào vì Tết. Cháy túi vì Tết. Thần kinh vì Tết. Bươu đầu sứt tai vì Tết. Có khi “ò í e” sớm cũng vì Tết…Tại sao cứ phải đến tuần đến tiết ấy mới đi quét mạng nhện, sơn lại nhà, rửa xe, mua sắm đồ dùng, áo quần, thức ăn thức uống…, rồi đôn đáo, vật vã với bao nhiêu công việc, bao nhiêu lo lắng nhiêu khê khác? Bày đặt ra Tết, mệt mỏi khốn khổ vì Tết, lăn lóc với nó xong rồi đòi bỏ nó, khác nào đứa trẻ tự mình sinh hư, rồi lại tự cầm roi quất vào mình mong cho hết hư?
Bình tâm sống thuận theo những nhu cầu có thật của mình, bất kể tuần tiết, bất kể ngoại cảnh. Những “bóng ma” sinh ra từ tâm, phải lấy tâm của chính mình chế ngự. Tin rằng những ngày Tết vui vẻ, an lành sẽ đến với tất cả mọi người, mọi nhà.

                                                     Biệt thự Hoa Vàng, cuối năm 2018