Tôi từng đọc và thuộc nằm lòng từ nhiều năm trước một nhận xét lộng lẫy, rất giàu liên tưởng của văn hào Maksim Gorky về khả năng phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên Nga trong thơ Sergei Esenin (1895-1925): “Esenin không hẳn là một con người, mà là một thứ cơ quan của thiên nhiên được sáng tạo ra chỉ để làm thơ, để thể hiện nỗi buồn vô tận của ruộng đồng”. Giờ đây, đọc lại Gorky (cuốn “Gorky bàn về văn học”, NXB Văn học, 1970), tôi thực sự bất ngờ khi nhận thấy, Gorky nảy ra ý tưởng trên chính là từ lần ông nghe (tại Berlin, năm 1922) chàng thi sĩ có vóc dáng thư sinh và gương mặt vào loại điển trai nhất trong số các thi sĩ Nga đọc bài thơ “Bài ca về con chó mẹ”.


Thi sĩ Nga Sergei Esenin với bài thơ đầy ám ảnh về “tình mẫu tử” của một con chó mẹ

PHẠM KHẢI

Vâng, hôm ấy Esenin đọc thơ về… chó (chứ không phải về một vạt rừng bạch dương, một cánh đồng lúa mạch, một hồ nước thơ mộng nào đó - như ta thường nghĩ). Hãy nghe Gorky kể lại:
“Tôi yêu cầu anh đọc bài thơ nói về con chó mẹ bị người ta bắt mất bảy đứa con nhỏ đem trôi sông.
...
- Anh thích bài con chó thật à?
Tôi nói với anh rằng, theo ý tôi anh là người đầu tiên trong văn học Nga đã viết về loài vật một cách điêu luyện và với một tình yêu thương chân thành như vậy.
- Đúng, tôi rất yêu loài vật, con gì cũng thế - Esenin nói khẽ, giọng trầm ngâm.
Khi tôi hỏi xem anh có biết cuốn “Thiên đường của loài vật” của Claudel không, anh không đáp, chỉ đưa cả hai tay lên sờ sờ trên đầu rồi bắt đầu đọc “Bài ca về con chó”.  Và khi anh đọc hai câu cuối cùng:
Mấy giọt nước mắt xót xa của con chó
Nhỏ xuống tuyết như những ngôi sao vàng
thì mắt anh cũng rưng rưng”
(bản dịch của Hoàng Minh)
Trong tay tôi hiện có hai bản dịch trọn vẹn “Bài ca về con chó mẹ”. Một bản dịch qua tiếng Nga của nhà thơ Trần Đăng Khoa và một bản dịch qua tiếng Pháp của nhà thơ Tế Hanh. Qua tham khảo các chuyên gia văn học Nga, tôi được biết bản dịch của nhà thơ Trần Đăng Khoa sát nghĩa hơn. Vậy xin giới thiệu ở đây:
Sáng ra trong chuồng hoen gỉ
Chó mẹ vừa sinh bầy con
Bảy chú chó hung mũm mĩm
Trên đống bao tải đã sờn.

Suốt ngày chó mẹ âu yếm
Lưỡi mềm chải mượt lông con
Và dưới bụng mẹ ấm áp
Từng dòng tuyết nhỏ đang tan.
Buổi tối khi bầy gà nhiếp
Ngủ yên trên những chiếc sào
Ông chủ lạnh lùng, cau có
Bỏ bầy chó nhỏ vào bao.
Chó mẹ chạy nhào trong tuyết
Cuống cuồng tất tả đuổi theo
Để nước dưới bao hào rãnh
Vẫn còn run rẩy hồi lâu.
Rồi nó lê mình trở lại
Mồ hôi ướt đẫm bên sườn
Mặt trăng nằm trên mái rạ
Tựa hồ một chú chó con.
Nó ngẩng nhìn vào trời thẳm
Rồi sủa gọi lên bầu không
Vành trăng mỏng manh bình thản
Lặn xuống đồi hoang ven đồng.
Rồi cứ âm thầm như lúc
Bị ai ném đá giễu cười
Nước mắt nó sa trên tuyết
Rực vàng từng giọt sao rơi...
Những người nuôi chó thấy con chó suốt đời quẩn quanh, gắn bó chia sẻ buồn vui với mình, hồ như họ quên bẵng cội nguồn của chúng, quên mất rằng bất cứ con chó nào cũng được sinh ra bởi một con chó mẹ.
Thứ nữa, cũng bởi những chú chó con đa phần đều bị tách đàn từ rất sớm, nên cái gọi là “tình mẫu tử” đối với chúng hầu như bị khuất lấp, hiếm có cơ hội thể hiện; thậm chí gần như là bị triệt tiêu (thế nên mới có chuyện, có những chú chó xả thân “quyết chiến” với chính đồng loại của mình để bảo vệ chủ). Nhưng đấy là nhìn ở một bình diện.
Trên một bình diện khác, tình mẫu tử ở loài chó - nhất là giữa chó mẹ với chó con sau sinh - cũng thắm thiết, ân tình, sâu nặng lắm. Không phải tự dưng mà các cụ nhà ta lại đưa ra nhận xét “dữ như chó đẻ”, với ý trong giai đoạn chó nằm ổ, phải hết sức đề phòng, tránh xa, vì nó rất quyết liệt, đến mức hung tợn trong việc bảo vệ đàn con. Bài thơ “Bài ca về con chó mẹ” của Esenin chính là một sự nhắc nhở về việc chúng ta cần tôn trọng tình mẫu tử thiêng liêng của loài vật, cụ thể ở đây là một con chó mẹ.
Bài thơ như một thước phim cho thấy các trạng huống cảm xúc của một con chó mẹ kể từ khi đàn con ra đời đến khi bị ông chủ cho vào bao mang đi. Cách biểu hiện cảm xúc của nó khiến trái tim người đọc như tan chảy.
Trời ạ, nỗi niềm con vật lúc vui lúc buồn có khác chi con người! Khi nó âu yếm, thể hiện tình mẹ, hình ảnh “Lưỡi mềm chải mượt lông con” đã quá ư xúc động rồi; đến khi bầy chó con bị bắt đi, cảnh nó “tất tả đuổi theo” còn tội nghiệp, xót xa hơn nữa: “Chó mẹ chạy nhào trong tuyết/ Cuống cuồng tất tả đuổi theo/ Để nước dưới bao hào rãnh/ Vẫn còn run rẩy hồi lâu”. Thực sự phải là nhà thơ với bao yêu thương, trìu mến, đồng cảm… mới có những quan sát kỹ càng, tinh tế về một loài vật và có cách thể hiện lay động trái tim người đến vậy.
Trong lịch sử thi ca thế giới, vầng trăng từng được các thi nhân ví với nhiều vật dụng, loài vật. Ở phương Đông, vầng trăng từng được ví với chú thỏ (gọi là Thỏ Ngọc). Vậy thì việc Esenin ví vầng trăng như chú chó con cũng không có gì là khiên cưỡng. Thậm chí, nó còn đẩy hiệu quả cảm xúc lên cao, nhất là sau cuộc “tất tả đuổi theo” ông chủ (nhằm giữ lại đàn con) bất thành, chó mẹ lê mình trở về trong sự mệt mỏi, buồn bã, hình ảnh “Vầng trăng nằm trên mái rạ/ Tựa hồ một chú chó con” thật không khi nào hợp với tâm trạng của chó mẹ như lúc này.
Và, chính hình ảnh chú chó con xuất hiện trên mái rạ ấy càng khiến chó mẹ nhớ con da diết, đến độ không kìm được, nó cứ ngẩng mặt nhìn vào trời thẳm mà sủa, mà tru… Có lẽ, chó mẹ ngỡ tưởng bầy con của mình đang bị người đời bắt mang đi và giấu đưa lên “trên” ấy.
Bốn câu kết bài càng khiến người đọc xúc động. Mặc cho người đời bỡn cợt, xem thường nỗi đau của chó mẹ (như cách xử sự thường thấy của con người với tất cả loài vật trên trái đất), chó mẹ âm thầm thể hiện nỗi đau đớn, thương nhớ bầy con của mình. Sự đồng cảm cao độ giữa con người với loài vật đã khiến Esenin viết nên những câu thơ mà ai đọc cũng phải rưng nước mắt:“Nước mắt nó sa trên tuyết/ Rực vàng từng giọt sao rơi”.
Từ bài thơ của Esenin, bất chợt tôi liên hệ tới một chuyện từng xảy ra với đàn chó ở nhà bố mẹ tôi. Tuổi hưu, bố mẹ tôi nuôi chó với mục đích vui cửa vui nhà, cũng vừa để cho đẻ, bán lấy tiền cải thiện sinh hoạt. Nhìn cảnh đàn chó con sau khi đã bắt đầu ăn được cơm, được để ra một chuồng riêng đặt ngoài vỉa hè cho người đi đường chọn mua, trong khi cái chuồng của chó mẹ đặt ở trong nhà, nhưng cũng gần đấy (chó mẹ chó con có thể nhìn thấy nhau), tôi rất… bứt rứt.
Tôi không hiểu tâm trạng của con chó mẹ sẽ thế nào trước việc những con chó con mà nó từng chăm bẵm, cho bú mớm cứ từng ngày từng ngày bị người ta đến vần vò “nâng lên đặt xuống”, sau rồi lần lượt… đem đi hết! Bản thân tôi, nhìn đàn chó con, cảnh mấy anh chị em bấu víu, nô đùa nhau, rồi bỗng chốc trơ ra, chỉ còn một con… mà không khỏi chạnh lòng. Tôi nói với bố mẹ tôi đừng để con chó mẹ trông thấy cảnh ấy. Mẹ tôi rất có kinh nghiệm trong chuyện này. Bà bảo: “Để tạm đây rồi cho nó lên sân thượng. Chứ ở đây, trông thấy con, nó kêu suốt, sao chịu nổi!”…Con chó mẹ sau được đưa lên sân thượng thật.
Một lần, mẹ tôi làm cỗ giỗ bà ngoại. Nhà chật, lại sát đường, để việc ăn uống được tập trung, tránh ánh nhìn của người qua kẻ lại, mẹ tôi lấy dây xích cột hẳn chiếc chuồng nhốt bầy chó con cần bán vào một trụ cửa rồi khép chiếc cửa sắt lại. Tôi vừa ăn vừa cao hứng trò chuyện với đám anh em, con cháu lâu ngày mới gặp, thi thoảng cũng bị phân tâm bởi tiếng chó con kêu eo óc ngoài cửa.
Một lát, bất chợt tôi nghe có tiếng động mạnh, như có cái gì rơi từ trên cao. Bà chị dâu tôi xăm xắn mở hé cửa bước ra xem chuyện gì. Tiếp đó là mẹ tôi, rồi anh trai tôi. Tôi thấy mọi người lao xao nói với nhau điều gì đó. Khi trở vào, gương mặt ai nấy không giấu được sự căng thẳng. “Có chuyện gì? Cái gì vừa rơi vậy?” - Tôi hỏi. Anh trai tôi gạt đi: “Không, chuyện ngoài đường nhà người ta ấy mà”. Rồi anh cười, nâng ly rượu cụng với tôi, nhắc: “Chú tập trung vào… “chuyên môn” đi. Kệ thiên hạ, quan tâm làm gì”. Nghe anh nói vậy, tôi lại tiếp tục rổn rảng câu chuyện đang trong đà được khơi mạch...
Phải mãi mấy ngày sau vợ tôi mới cho tôi biết sự thật. Tôi nghe mà chết lặng! Thì ra, hôm ấy, con chó mà bố mẹ tôi nuôi để đẻ bị tai nạn chết. Cái chết thật tức tưởi. Nó rơi từ sân thượng xuống đường, ngay trước chuồng bầy chó con. Còn vì sao nó ''bị'' thế, thì theo mọi người phán đoán, trên sân thượng nhà bố mẹ tôi, chỗ mi đua ra phía đường là hàng lan can được gắn bằng những ống sứ có khoảng cách tương đối rộng, con chó có thể chui đầu lọt.
Bình thường thì nó cũng chẳng mon men ra đấy làm gì. Nó rất khôn, biết sợ độ cao. Nhưng hôm ấy, hẳn là nghe tiếng chó con từ dưới hè đường vọng lên. Thương con, nhớ con, nó bò ra mép lan can, cố nghển đầu nhìn xuống, rồi cứ thế, nó ngó nghiêng, sán dần, sán dần về phía có tiếng kêu, cứ thế, cứ thế… bất ngờ nó lọt qua lỗ hoa, rơi từ độ cao hơn chục mét xuống đất, chết thảm ngay trước mặt lũ chó con khi ấy như thể những cục bông đang lổm ngổm trèo lên người nhau, miệng nheo nhéo kêu gì không rõ.
Sở dĩ ai đó phân tích, phán đoán vậy là vì trước khi con chó mẹ bị rớt, có người nghe thấy tiếng nó sủa liên hồi, văng vẳng trên cao. Hẳn vì nó muốn ''đánh tiếng'' hay thể hiện sự lo lắng với bầy con. Còn tại sao hôm ấy không ai nói với tôi sự thật? Là vì mọi người biết tôi rất yêu chó. Cả nhà đều sợ khi biết chuyện, tôi sẽ “lớn tiếng” làm bữa ăn mất vui. Đã lâu, cả đại gia đình tôi mới có một cuộc sum vầy đông đủ như thế.

Nguồn: Văn Nghệ Công An