Tác giả Bá Dương đi từ cái gốc văn hóa để giải thích nguyên nhân những lệch lạc trì trệ kéo dài của xã hội Trung Quốc. Theo Bá Dương, cả đời ông cũng như những người Hoa khác sống trong gian nan thì đó không phải vấn đề cá nhân hay chính trị, mà nó thuộc về văn hóa. Ông ví văn hóa chẳng khác gì một hũ tương, mà tương chứa trong vại là một thứ “chất đặc không chảy được, không giống nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống một tí nào… Nó là một thứ nước ao tù, lại được để cho bốc hơi, cho lắng đọng nên nồng độ ngày càng đông đặc. Cái văn hóa của chúng ta, cái tiền oan nghiệp chướng như đã nói cũng là như thế”.




Người Trung Quốc từng chê mình xấu xí như thế nào?

TẦN TẦN

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những cuộc xét lại mình, thông qua các cuốn sách về thói hư tật xấu, họ nhận diện và khắc phục sai lầm. Một số cuốn sách viết ra dưới dạng nghị luận bàn thẳng về thói hư tật xấu của một quốc gia, nhưng cũng có những tác phẩm hư cấu, thông qua các hình thức văn chương ám chỉ những khuyết điểm của một đất nước.

Cuộc xét lại thẳng thắn vào văn hóa hàng nghìn năm Trung Hoa
Cuốn sách nổi tiếng nhất trong thể loại sách phản tỉnh có lẽ là “Người Trung Quốc xấu xí” (Xú lậu đích Trung Quốc nhân) của Bá Dương, tại Việt Nam, sách phát hành với tên “Khoe bàn chân nhỏ”. Cuốn sách là tập hợp những bài viết và diễn giảng của tác giả về những mặt xấu xí cũng như căn tính kém cỏi của người Trung Quốc. Tác giả chỉ ra những điểm xấu của người Trung Quốc, và lý giải nguyên nhân: “Vì sao người Trung Quốc nói to? Bởi vì không có cảm giác an toàn, nên âm vực của người Trung Quốc rất cao, họ cảm thấy nói lớn thì cái lý cũng lớn, chỉ cần tiếng to, giọng khỏe, cái lý nó cũng chạy sang phía mình".
Nhiều khuyết điểm được tác giả chỉ ra: "Không đoàn kết, đấu đá nội bộ chính là những thói xấu thâm căn cố đế của người Trung Quốc. Không phải do phẩm chất của người Trung Quốc có gì yếu kém, mà là do trong văn hóa của người Trung Quốc có một thứ siêu virus...". Tác giả cũng nhắc tới thói xấu của người Hoa là không chịu thừa nhận thói xấu của mình: "Do người Trung Quốc không ngừng che giấu những sai lầm của mình, không ngừng nói khoác, nói không, nói giả, nói dối, nói cay độc nên tâm hồn của người Trung Quốc đã hoàn toàn bị đóng chặt, không thể mở rộng được nữa”.
Tác giả Bá Dương đi từ cái gốc văn hóa để giải thích nguyên nhân những lệch lạc trì trệ kéo dài của xã hội Trung Quốc. Theo Bá Dương, cả đời ông cũng như những người Hoa khác sống trong gian nan thì đó không phải vấn đề cá nhân hay chính trị, mà nó thuộc về văn hóa. Ông ví văn hóa chẳng khác gì một hũ tương, mà tương chứa trong vại là một thứ “chất đặc không chảy được, không giống nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống một tí nào… Nó là một thứ nước ao tù, lại được để cho bốc hơi, cho lắng đọng nên nồng độ ngày càng đông đặc. Cái văn hóa của chúng ta, cái tiền oan nghiệp chướng như đã nói cũng là như thế”. Bá Dương kết luận: Một xã hội có trình độ thưởng thức tức biết cái hay cái dở, tức không hồ đồ trước bất cứ một sự việc gì, chứ mọi người cứ ù ù cạc cạc như ở trong hũ tương, bẩn sạch, cao thấp cũng không phân biệt thì làm sao tiến bộ và phát triển được?”.
Người Trung Quốc xấu xí ra mắt lần đầu năm 1985 tại Đài Loan, tới 1986 xuất bản ở Trung Quốc. Cuốn sách từng bị cấm phát hành, sau đó được cấp phép trở lại, có nhiều phiên bản khác nhau.

Người Mỹ xấu xí - cuốn sách tác động tới Nhà Trắng
Người Mỹ xấu xí là tiểu thuyết chính trị của sĩ quan hải quân William Lederer và Giáo sư Eugenne Burdick, do NXB Norton phát hành năm 1958. Tuy là tiểu thuyết, song, tác giả sách đã khẳng định trong lời tựa: “Những gì chúng tôi viết, về bản chất, từng xảy ra”.
Năm 2009, một bài viết trên The New York Times cho biết, ban đầu, Người Mỹ xấu xí được viết dưới dạng tác phẩm phi hư cấu, nhưng các biên tập viên đã đề xuất nên chuyển nó sang dạng hư cấu, vì chủ đề quá nhạy cảm.

                                                       


Tiểu thuyết lấy bối cảnh ở một quốc gia hư cấu tên là Sarkhan (một quốc gia tưởng tượng ở Đông Nam Á, nghe tên có phần giống với Malaysia hoặc Thái Lan, nhưng nó ám chỉ tới Việt Nam), bao gồm một số nhân vật có thật (hầu hết tên của họ được thay đổi). Cuốn sách mô tả cuộc chiến thất bại của Mỹ ở Sarkhan do sự tráo trở của quân đoàn ngoại giao Mỹ, xuất phát từ sự kiêu ngạo bẩm sinh và việc họ không hiểu văn hóa địa phương.
Cuốn sách đã làm rung chuyển nhận thức ở Mỹ về “sứ mạng” của người Mỹ trong cái gọi là “phát triển tự do và dân chủ” tại các nước phương Đông. Tổng thống John F. Kennedy ấn tượng với cuốn sách đến nỗi ông đã gửi một bản cho mỗi đồng nghiệp của mình tại Thượng viện. Người Mỹ xấu xí trở thành sách bán chạy vẫn liên tục được in, và là một trong những tiểu thuyết chính trị có ảnh hưởng nhất của Mỹ. Cho đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Người Mỹ xấu xí đã bán được hơn 4 triệu bản.

Người Hungary, người Bulgaria tự lấy thói xấu mình ra để cười
Bức tranh toàn cảnh về người Hungary được tác giả Lackfi János khắc họa đầy đủ trong cuốn Người Hungary - Họ là ai?. Người Hungary với dân số chỉ khoảng 10 triệu người, nhưng họ sở hữu 15 giải Nobel, trong thế kỷ 20 đóng góp cho khoa học và văn hóa nhân loại tương đương nước Đức 60 triệu người. Với những thành tích ấy, hẳn họ đầy ưu điểm? Nhưng Lackfi János đã chỉ ra dân Hungary còn là những người ít nói, những cao bồi cô đơn, những kẻ ba hoa, ngông nghênh, nóng nảy trong quán rượu, những bà già ngồi lê đôi mách có thể thay thế hoạt động của cơ quan KGB hay CIA, những người khảng khái, những kẻ ranh ma…
Người Hungary - họ là ai? là cuốn sách tự trào hài hước, tự phê phán, tự nhận biết của người Hung. Sách giúp người đọc cùng du hành vui vẻ hoặc có lúc ưu sầu qua trang giấy, khám phá tính cách đặc trưng, biết thêm về những thành tựu, về tâm hồn, lối sống, cách làm việc, những tập tục lâu đời, những chuyện bình thường và khác thường của người Hung từ xưa lẫn nay…
                                                      


Người Bulgaria lại nổi tiếng với các câu chuyện tự cười mình, trở thành một phong cách “trào phúng kiểu Gabrovo”. Gabrovo vốn là một trong những trung tâm kinh tế lâu đời nhất của Bulgaria. Người dân ở đó vừa giỏi tiết kiệm, vừa giỏi mặc cả, và điều đó trở thành một đặc tính di truyền. Cư dân ở đây đã kể lại những câu chuyện tự cười mình với tính keo kiệt, và tới thành phố đối thủ Sevlievo.
Tuy rất keo kiệt, nhưng họ vẫn không hề nhăn mặt khi lấy tiền để in ra những giai thoại, để phổ biến rộng rãi những câu chuyện cười về họ. Thậm chí, họ còn dựng cả Bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo vào đầu thế kỷ 20. Nhờ đó, những câu truyện cười Gabrovo càng trở nên phổ biến hơn.

Nguồn: Zing.vn