Vài năm trở lại đây, chúng ta nói rất nhiều về tin giả, về tác hại và nguy cơ mà nó có thể gây ra cho mỗi quốc gia, vùng, cộng đồng. Không có mạng xã hội, tin giả không thể phát tán nhanh đến thế. Và bây giờ, khi Luật An ninh mạng đi vào đời sống, với những quy định chuẩn hoá hành vi của người dùng, không hiểu sao chúng ta lại âu lo đến vậy trong khi lẽ ra, ta nên bình tĩnh hơn suy ngẫm về nó, để thấy mình đang an toàn hơn. Nếu trước đây, ta đưa vu vơ một cái tin vu vơ không kém về ai đó trên mạng, nó phát tán đi và có thể khiến nhiều người tin và ta ngồi đó thong dong hưởng lợi từ việc trở thành một KOL (Key Opinion Leader) có khả năng viết “status lấy tiền quảng cáo” thì bây giờ, hành vi sẽ phải thay đổi nhiều.


BẢN CHẤT CỦA LUẬT AN NINH MẠNG

HÀ QUANG MINH

Đúng nửa năm trước, khi có những tranh luận nổ ra, tôi cũng là người hào hứng tham gia vào tranh luận ấy. Kết quả, có những người bạn chơi từ rất lâu, chỉ vì khác quan điểm, đã vào trang cá nhân của tôi chửi rủa, thoá mạ, cho rằng tôi là một dạng “dư luận viên”. Nhiều người vì bất đồng đã xóa kết bạn, chặn tài khoản của tôi lại, không cho phép tiếp cận với tài khoản của họ. Tôi cũng đã buộc phải gỡ bỏ kết nối với một số bạn bè từng rất thân. Có người là một nghệ sỹ, Việt kiều Mỹ. Anh đã không về Việt Nam từ hơn chục năm nay, và anh nhìn về nước với một đôi mắt tiêu cực. Trước khi tôi gỡ chế độ bạn bè với anh, để khỏi đọc những dòng cực đoan quá, tôi từng có lần bình luận trên trang cá nhân của anh về chuyện Luật An ninh mạng. Anh cho rằng chỉ có mỗi Việt Nam làm điều đó chứ chẳng nước nào làm cả. Tôi trả lời anh rằng: “Thưa anh, Mỹ đã làm từ cách đây vài năm. Mỹ có luật an ninh mạng của Mỹ, nếu anh sống ở Mỹ, anh nên tham khảo”. Từ đó, tôi quyết giữ anh như người bạn nghệ sỹ ngoài đời, chứ không phải một bằng hữu trên mạng vì e rằng, sẽ có những đụng chạm mất đi cái tình.
Chửi rủa, thoá mạ, rồi sau đó chặn đối tượng không cho liên kết là một hành vi phi dân chủ thực sự. Tôi không hiểu sao những con người mang nặng hành vi cực đoan, phi dân chủ như thế lại âu lo về dân chủ trên mạng xã hội.
Thực sự, mạng xã hội mang lại một diễn đàn mở, cho phép quyền phát ngôn được nới rộng biên độ hơn nhiều lần. Nhưng song song đó, nó cũng mang lại những nguy cơ rất lớn đến an ninh, từ an ninh quốc gia cho tới an ninh cá nhân. Kể từ khi có Internet và thanh toán trên Internet ra đời, nạn mất cắp dữ liệu thẻ tín dụng bùng nổ. Và đừng nghĩ chỉ có việc quẹt thẻ tại quầy hàng mới khiến chúng ta mất an toàn thanh toán cá nhân như thế. Mạng xã hội và thương mại điện tử là môi trường lý tưởng nhất để mỗi chúng ta có thể là nạn nhân chỉ 1 phút sau mà thôi. Bởi thế, mỗi quốc gia đều rất cần luật an ninh mạng để bảo vệ không chỉ thể chế mà còn cả công dân của mình.
Những ngày cuối năm 2018, câu chuyện đáng lưu tâm nhất chính là chuyện du khách Việt Nam gặp nạn vì bom khủng bố ở Ai Cập. Và ở tầm quốc tế, còn có cả câu chuyện của nhóm Gilets jaunes (nhóm biểu tình áo gile vàng) ở Pháp. Gilets jaunes không chỉ là biểu tình đơn thuần, mà còn đốt phá, bạo động. Thậm chí, đến ngày cuối cùng của năm 2018, Paris vẫn còn chìm trong hỗn loạn, khói đen che mờ cả tháp Eiffels. Có nhiều nguyên nhân để tạo nên sự bất bình đó của nhóm Gilets jaunes, nhưng sẽ khó có thể dấy lên thành bạo động một cách dễ dàng như vậy nếu không có mạng xã hội. B.D.Savana, một đồng nghiệp báo chí đang ở Paris của tôi, người theo dõi sát sao chính trị quốc tế, trong một trao đổi trên facebook đã nói rằng “Vâng, chính facebook là một công cụ hữu hiệu để gilets jaunes có thể dễ dàng xách động như thế này”.
Điều B.D.Savana nói không mới nữa. Cách mạng ở Bắc Phi cũng được hỗ trợ rất mạnh mẽ bởi công cụ là mạng xã hội. Và từ một Bắc Phi đang ổn định, là tâm điểm thu hút du lịch suốt nhiều thập niên, bây giờ nơi đó chỉ còn âu lo, với những quả bom như những gì nạn nhân người Việt đã gặp phải.
Vài năm trở lại đây, chúng ta nói rất nhiều về tin giả, về tác hại và nguy cơ mà nó có thể gây ra cho mỗi quốc gia, vùng, cộng đồng. Không có mạng xã hội, tin giả không thể phát tán nhanh đến thế. Và bây giờ, khi Luật An ninh mạng đi vào đời sống, với những quy định chuẩn hoá hành vi của người dùng, không hiểu sao chúng ta lại âu lo đến vậy trong khi lẽ ra, ta nên bình tĩnh hơn suy ngẫm về nó, để thấy mình đang an toàn hơn. Nếu trước đây, ta đưa vu vơ một cái tin vu vơ không kém về ai đó trên mạng, nó phát tán đi và có thể khiến nhiều người tin và ta ngồi đó thong dong hưởng lợi từ việc trở thành một KOL (Key Opinion Leader) có khả năng viết “status lấy tiền quảng cáo” thì bây giờ, hành vi sẽ phải thay đổi nhiều.
Đưa ra quan điểm? Ta có quyền. Đưa ra quan điểm có ảnh hưởng đến đối tượng khách quan? Ta cũng có quyền, nhưng ta cần có bằng chứng. Và nếu kiểm lại, có thể cả bạn, cả tôi sẽ giật mình. Bao năm nay, ta quen nhận định một cách hứng khởi về vấn đề nào đó bất chấp việc ta có bằng chứng hay dữ liệu về nó hay không. Thói quen chỉ cần dùng cảm xúc và ngoa ngữ một chút là đủ đã khiến ta chủ quan, và bắt đầu dân chủ quá trớn.
Xin kết lại vấn đề đáng nói này bằng một từ tiếng Anh: từ Toxic. Nó có nghĩa là “độc dược” và nó được Oxford lựa chọn là mục từ của năm 2018. Mỗi năm, Oxford lựa chọn một “mục từ của năm” theo xu hướng của xã hội, hoàn cảnh chính trị, văn hoá và xã hội. Và độc dược mà Oxford lựa chọn là vì lý do nó thịnh hành trong năm ở những ngữ cảnh như “khí độc” (khủng bố) và đặc biệt là “mối quan hệ” và “văn hoá”.
Hai yếu tố “mối quan hệ” và “văn hoá” sở dĩ được lựa chọn bởi thế giới đã nhận thấy khả năng đầu độc người khác bằng thông tin trên mạng xã hội đã phổ biến chừng nào. Và chỉ cần lý do ấy thôi, bây giờ, bạn nghĩ Luật An ninh mạng thực ra cần thiết nhường nào?

Nguồn: Văn Nghệ Công An