Càng đá, những toan tính của ông Park càng phát huy giá trị. Tin vào một chiến thuật thi đấu mới, phù hợp hơn những chiến thuật trước đây. Tin vào việc sẽ làm được "một điều gì đó" ở VCK U.23 châu Á - một giải đấu trẻ. Và tin vào chức vô địch Đông Nam Á - một giải đấu ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia. Và mới nhất là niềm tin tại giải vô địch bóng đá châu Á - nơi mà đội bóng của ông đã xuất sắc giành vé vào tứ kết. Cũng là nơi mà báo chí châu Á nhận xét rằng: "Việt Nam có thể chạm vào mọi giấc mơ”.


Ba niềm tin của Park Hang Seo

PHAN ĐĂNG

Cuối năm 2017, có hai ông thầy Hàn Quốc cùng đến Việt Nam. Một người là Chung Hae - Seong, giám đốc kĩ thuật CLB Hoàng Anh Gia Lai, và một người là Park Hang Seo, tân thuyền trường Đội tuyển Việt Nam. Người quyết định đưa hai ông thầy Hàn Quốc cùng đến Việt Nam là chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai (khi đó cũng là phó chủ tịch tài chính Liên đoàn bóng đá Việt Nam) Đoàn Nguyên Đức. Cả ông Chung lẫn ông Park đều từng là trợ lý cho HLV danh tiếng Guss Hddink ở Đội tuyển Hàn Quốc (VCK World Cup 2002). Cả hai người đều đã đi qua thời đỉnh cao sự nghiệp của mình. Cả hai đều hiểu, nếu không sang Việt Nam để dẫn dắt một CLB đang chơi ở V.League (đối với ông Chung) và một Đội tuyển Quốc gia vốn đang khủng hoảng người cầm lái (đối với ông Park) thì cơ hội hành nghề ở bóng đá đỉnh cao không còn nữa. Thời điểm ấy, nhìn vào một vài điểm có vẻ là sáng hơn trong bộ hồ sơ của ông Chung so với ông Park, rồi nhìn cả vào cái vẻ ngoài trẻ trung hoạt bát của ông Chung (trong sự so sánh với một Park Hang Seo có vẻ lầm lỳ, ít nói) nhiều người đánh giá khả năng thành công của ông Chung cao hơn ông Park. Vậy nhưng sau một năm cùng ở Việt Nam, nếu ông Chung chia tay CLB Hoàng Anh Gia Lai trong âm thầm thì ông Park lại gặt hái hết thành công này đến thành công khác.
Ở vạch xuất phát đầu tiên ông Park có gì để người ta tin?
Ngoại trừ một vài lời quảng bá đẹp đẽ tất yếu của những nhà môi giới và những người đưa ông về, câu trả lời là không gì cả. Hãy thực tế: lúc đó ông đang dẫn dắt một CLB ở giải hạng Ba Hàn Quốc, và lúc đó CLB của ông thậm chí còn đang vật lộn ở nhóm cuối bảng xếp hạng. Người ta không dám đặt niềm tin vào ông còn chính ông lại bị ám ảnh bởi một chỉ số mà mới đây ông đã chia sẻ với báo giới Hàn Quốc: "Tôi đã nghiên cứu kỹ và nhận ra có đến 80% các ông HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam phải ra đi trước khi kết thúc hợp đồng". Tới đây, bạn sẽ hỏi: Vậy thì vì sao những người có trách nhiệm ở VFF lại chọn một HLV như ông, và vì sao vị HLV ấy cũng chấp nhận ngồi vào một cái ghế mà mình biết rõ là cái ghế ấy mong manh như hơi thở?
Bây giờ, sau khi thành công rồi, có rất nhiều những lời giải thích mang màu sắc tô vẽ, còn ở thời điểm ấy chỉ có một sự thật trần trụi: Cả hai phía đều chẳng còn cách lựa chọn nào khả dĩ hơn. Về phía VFF, tham vọng ký hợp đồng với một HLV người châu Âu có bản hồ sơ "coi được" đổ bề vào phút chót vì vấn đề muôn thủa: tiền lương mà ông thầy này đưa ra vượt quá khả năng chi trả của Liên đoàn. Đấy cũng là một Liên đoàn đang ở vào giai đoạn không kiếm được nhiều tiền, cho dù trước đó vị phó chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức đã được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Thế cho nên, với trách nhiệm của một người "lo tiền" cho VFF, cũng là một trong những vị "nói to" nhất ở VFF, bầu Đức hiểu rằng: Park Hang Seo với mức lương khởi điểm 20 000 USD/tháng là phương án khả thi hơn cả. Về phần Park Hang Seo thì như đã nói và như chính ông thừa nhận, dù biết cái ghế mình ngồi rất mong manh nhưng nếu không dám "đánh cược" với nó thì sự nghiệp cầm quân ở quê nhà khả năng sẽ đi từ hạng Ba đi xuống.
Sòng phẳng nhìn nhận lại cái xuất phát điểm ấy không phải để hạ bệ bất cá nhân hay bất cứ mối quan hệ nào. Sòng phẳng nhìn nhận lại để thấy rằng thành công của Park Hang Seo sau này đến từ một quá trình làm việc mà ở đó càng lúc ông càng thuyết phục được người khác tin vào mình hơn.
"Người khác" là ai?
Những quan chức VFF ư? Không, những quan chức VFF chỉ có thể tin vào ông khi ông có thành tích và được dư luận ca ngợi, đấy là sự thật tất yếu. Và nó là cái tất yếu trong cách vận hành của tất cả các Liên đoàn bóng đá trên thế giới này, chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Vậy thì dư luận, người hâm mộ ư? Cũng không, vì dư luận khi ấy còn cách ông một cái hàng rào vốn được tạo nên bởi những trận đấu. Người khác ở đây chính là các cầu thủ - những người trực tiếp làm việc với ông trong các buổi tập, và trực tiếp triển khai các ý tưởng của ông trong các trận đấu quan trọng sau này.
Ông thầy Nhật Bản Toshiya Miura, người tiền nhiệm của ông ở Đội tuyển Việt Nam không thuyết phục được các cầu thủ nên...vỡ trận. Ông thầy Đức Falko Goetz - một người tiền nhiệm khác cũng không thuyết phục được các cầu thủ, nên cũng vỡ. Ngay cả với Henrique Calisto -người đã đưa Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008, ở vạch xuất phát đầu tiên cũng không thuyết phục được các cầu thủ. Nên nhớ, Cúp bóng đá Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2008 - giải đấu đầu tiên của Calisto ở chu kỳ thứ hai cầm quân Đội tuyển Việt Nam (chu kỳ 1 là Tiger Cup năm 2002), chúng ta đánh đâu thua đấy. Và sau những trận thua chết người, nội bộ Đội tuyển xáo xào đến mức Calisto đã cho các cầu thủ bỏ phiếu tín nhiệm, để quyết định xem mình có nên từ chức hay không. Vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đó, Calisto dần dần thay đổi, từ chỗ sử dụng "quân" Long An vốn là "quân" ruột của mình một cách hợp lý hơn, đến điều điều chỉnh các mảng miếng chiến thuật chuẩn xác hơn, và nhờ thế niềm tin vào ông được cải thiện dần.
Với Park Hang Seo, chân ướt chân ráo đến Việt Nam và chỉ xem trận đấu Đội tuyển Việt Nam gặp Campuchia trên sân Mỹ Đình (trận đấu do quyền HLV Mai Đức Chung dẫn dắt) ông đã nhận xét hàng thủ của chúng ta để đối phương đưa bóng vào trung lộ khá dễ dàng. Để khắc phục điều đó ông đưa quyết định tạo nên một thay đổi bước ngoặt: chuyển sơ đồ 2 trung vệ sang sơ đồ 3 trung vệ, qua đó chuyển luôn sơ đồ 4-4-2 quen thuộc thời người tiền nghiệm Nguyễn Hữu Thắng sang 3-4-3 hoặc một biến thể khác của nó là 5-4-1. Nếu thời Hữu Thắng, tư tưởng tấn công, áp đặt đối phương là tư tưởng chủ đạo thì đến lượt mình tư tưởng chủ đạo của Park Hang Seo là lấy phòng thủ làm sức sống.
Theo tiết lộ của một trợ lý người Hàn Quốc thì thoạt tiên các cầu thủ cũng chưa thích nghi ngay với những thay đổi chuyên môn này. Thế nhưng một cột mốc quan trọng diễn ra: U.23 Việt Nam thắng U.23 Thái Lan 2-1 tại giải giao hữu M.150 Cup ngay tại Bangkok. Và sau chiến thắng này, ban huấn luyện người Hàn đã được nhìn nhận với một con mắt hoàn toàn khác. Cái khác ấy chính là cột mốc quan trọng đầu tiên trong hành trình Park Hang Seo thuyết phục "người khác" tin mình.
Đến khi bước vào VCK U.23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc), khi mà VFF không giao bất cứ một chỉ tiêu cụ thể nào thì ông Park lại đặt chỉ tiêu: chúng ta sẽ làm được một điều gì đó. Và ông lại biết cách thuyết phục các cầu thủ cùng tin vào "một điều gì đó". Bây giờ nhìn lại, những gì diễn ra ở VCK U.23 châu Á đúng là như một giấc mơ, nhưng đấy không phải là giấc mơ từ trên trời rơi xuống. Trái lại, nó là giấc mơ của một tập thể con người dám mơ, và dám làm tất cả cho một giấc mơ chung. Trận đấu cuối cùng, U.23 Việt Nam thua U.23 Uzbekistan 1-2, giấc mơ không trọn vẹn thì rất nhiều các cầu thủ buồn thảm cúi đầu. "Tại sao phải cúi đầu? Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể, tại sao phải cúi đầu?" - Park Hang Seo hét vào mặt những chàng trai tuổi 20 như thế! Lời hét ấy, vào lúc ấy rất quan trọng, vì nó sẽ giúp các cầu thủ thấy rằng, nếu cứ chơi như thế này, hôm nay chưa thành công thì ngay mai sẽ thành công.
AFF Suzuki Cup 2018 là một giải đấu mà ngay từ đầu Park Hang Seo phải tính: làm thế nào để thành công? Nếu VCK U.23 châu Á đơn giản chỉ là cố gắng làm được "một điều gì đó" thì tại AFF Cup, mục tiêu rõ ràng là ngôi vô địch. Lịch sử bóng đá Việt Nam cho thấy cứ hễ khi nào chúng ta vào giải hoặc vào trận chung kết Đông Nam Á với mục tiêu vô địch là khi ấy lại thua đau. Vì chỉ nghĩ đến cái áp lực của những người phải đoạt chức vô địch thôi là nhiều cầu thủ đã run rẩy tới mức không còn là mình nữa. Nhưng ở AFF Cup năm nay người ta lại thấy một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta đã "tính" cho mục tiêu vô địch ngay từ lúc quả bóng còn chưa lăn. Nó được thể hiện rất rõ ở việc, ông Park bảo "phải giành vị trí số 1 vòng bảng, vì như thế sẽ được chơi trận chung kết lượt về trên sân nhà". Và thực tế là càng đá, càng cầu thủ càng cho thấy một sự vững vàng ghê gớm về tâm lý. Càng đá, những toan tính của ông Park càng phát huy giá trị. Tin vào một chiến thuật thi đấu mới, phù hợp hơn những chiến thuật trước đây. Tin vào việc sẽ làm được "một điều gì đó" ở VCK U.23 châu Á - một giải đấu trẻ. Và tin vào chức vô địch Đông Nam Á - một giải đấu ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia. Và mới nhất là niềm tin tại giải vô địch bóng đá châu Á - nơi mà đội bóng của ông đã xuất sắc giành vé vào tứ kết. Cũng là nơi mà báo chí châu Á nhận xét rằng: "Việt Nam có thể chạm vào mọi giấc mơ”.
Khi đã thành công rồi, nhìn lại 3 niềm tin ấy, có thể chúng ta sẽ có cảm giác "nó cũng bình thường thôi". Nhưng nếu nhìn lại cái vạch xuất phát đầu tiên của Park Hang Seo ở Việt Nam, cái vạch mà ông đến từ giải hạng Ba Hàn Quốc, và đối diện với cả một trời khó khăn thì những niềm tin ấy không bình thường, đơn giản chút nào.
Một con người sẽ không thể thành công nếu thiếu một niềm tin lớn, đúng quá rồi. Nhưng đúng hơn nữa là người ta cũng không thể thành công nếu không biết cách khiến những người chung thuyền có cùng niềm tin với mình.
Và sẵn sàng chiến đấu tận lực cho niềm tin!

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng – giữa tháng Tết Kỷ Hợi 2019