VŨ TỪ TRANG
Khuôn viên trường rất đẹp. Quanh trường là những vườn đào, vườn quất. Hồ Tây mờ mịt sương khói bên cạnh. Một không gian khoáng đãng, không bí bách nhà cửa lô nhô bao quanh như giờ. Sân trường, có khóm trúc tương phi, nghe nói do nhà văn Nguyễn Tuân trồng. Vũ Châu Phối đứng chống nạng, bắt tay tôi, cười rất tươi, rất thật thà. Ngày đó, chúng tôi còn trẻ. Gọi là khóa 6, mà cả lớp chưa đầy ba mươi người. Nhưng đã có nhiều anh tài, như Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Tô Ngọc Hiến... Đấy là những người trước khi về học, từng chiếm giải cao qua các cuộc thi văn chương do Hội Nhà văn và một số báo, tạp chí danh giá tổ chức. Vũ Châu Phối cũng có vinh quang riêng. Cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ, năm 1969, anh chiếm giải ba, với chùm thơ viết về quê hương rất ấn tượng. Theo tôi, đấy là cuộc thi thơ đình đám nhất từ trước tới nay của Báo Văn Nghệ. Bởi lẽ, cuộc thi đã chọn ra được những khuôn mặt tác giả mới, những giọng điệu và phong cách biểu cảm mới mẻ.
Đặc biệt, thơ ngày đó, có tính công dân rất cao. Ấy nhưng, nó lại chứa chất cảm xúc rất mạnh, rất riêng của mỗi tác giả, như không hề trộn lẫn.
Cỏ lên mùi hương lạ
Thơm bâng khuâng đất ướt chiến hào
Trong mùi thiên nhiên hoang dại
Chiều nhẹ lên cao.
Cỏ dầm lưng cỏ gối bên đầu
Không thấy hoa sắc đâu
Mà hương cỏ vẫn ngày ngày tháng tháng.
Thấm lên tóc và hòa trong hơi thở...
(Hương cỏ)
Vũ Châu Phối sinh ra và lớn lên ở làng nhỏ, làng Cam Lộ, xã Hùng Vương, huyện An Hải, Hải Phòng. Đấy là làng quê nghèo. Tre pheo còn lấn vào giữa làng. Những con đường đất lầy thụt ngày mưa. Mùa khô, hằn những vết chân trâu. Ngõ xóm, ngập ngụa mùi cỏ dại. Mùi khói bếp quẩn trên mái tranh. Những bụi chuối, cây na xơ xác, vườn đầy lá tre rụng. Nông thôn ngày đó, ở đâu cũng nghèo. Nhưng tình cảm ngõ xóm tối lửa tắt đèn, thật là ấm cúng. Vũ Châu Phối kể, anh được sinh ra trong gian chuồng trâu, bố mẹ ở nhờ thời tản cư, bên huyện Vĩnh Bảo. Lên bốn tuổi, vướng cơn sốt nặng, người y tá tiêm cho anh liều kháng sinh cao. Rồi anh bị bại liệt từ đấy. Người bố anh cũng bị trọng bệnh, ra đi sớm, bỏ lại hai mẹ con. Số phận như cột anh lại. Nhưng lòng ham học, thì không có gì ngăn cản được. Thương con, mẹ anh dồn hết khả năng nuôi anh ăn học. Ngày ở trường làng, còn đỡ. Khi chuyển lên cấp ba, học trường huyện xa nhà, cả một hành trình vất vả. Nhưng ý chí quyết học lấy kiến thức, để phấn đấu đi làm đỡ mẹ, càng sôi sục. Anh luôn là học sinh giỏi của lớp. Đặc biệt, nổi trội về môn văn.
Cơ duyên với Vũ Châu Phối, được học thầy dạy văn rất giỏi. Đó là thầy giáo, nhà thơ Hoàng Hưng. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, giã từ thành phần gia đình của mình, thầy giáo Hoàng Hưng rời Hà Nội, tình nguyện đi dạy học vùng xa. Ngày ngày mặc quần áo bảo hộ lao động, trang phục của giai cấp công nhân, say sưa giảng bài cho học trò về vẻ đẹp của ca dao, cái đau đớn số phận người đàn bà trong truyện Kiều. Tiết ngoại khóa, lúc bốc lên, anh lại phân tích cho các em nghe chất lãng mạn của thơ Pháp. Mười sáu tuổi, Hoàng Hưng đã đọc và dịch thơ Anđơ Muyxê, thơ A.Pollinaire từ tiếng Pháp. Học trò Vũ Châu Phối sớm được tiếp cận những luồng ánh sáng văn hóa mới mẻ. Nó khác hẳn, nằm ngoài các kiến thức khô cứng trong sách giáo khoa. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mẹ, thấm quyện với vẻ đẹp sang trọng trong những áng văn chương được thầy giáo giảng giải, Vũ Châu Phối chập chững viết những dòng thơ non dại. Thầy giáo Hoàng Hưng đã đọc những dòng thơ non nớt của cậu học trò, tiên cảm nghiệp thơ ca sẽ gắn bó với người học trò tật nguyền, nên sớm động viên và chỉ dẫn đường đi đến với thi ca cho Vũ Châu Phối.
Tiếc cho ước mơ vào học Trường Đại học Tổng hợp Văn không thành, Vũ Châu Phối đành quay về làng quê với những ngỏ nhỏ lầy thụt vết chân trâu của mình. Không chấp nhận đầu hàng số phận, Vũ Châu Phối bươn bả vào thành phố Hải Phòng học nghề kiếm sống. Anh quyết định học vẽ truyền thần. Gia đình và người thân động viên, vì công việc đó, phù hợp với sức khỏe của Phối.
Lại một cơ duyên đến với Vũ Châu Phối. Người dạy nghề vẽ truyền thần cho Vũ Châu Phối, là một họa sỹ già rất giỏi. Ông từng tham gia vẽ vòm trần Nhà hát lớn thành phố Cảng. Điều thú vị hơn, con trai thứ người họa sỹ, tuổi sêm sêm với Vũ Châu Phối. Đấy là thời con trai người họa sỹ cũng đam mê thơ đến rồ dại. Thế là, ngoài giờ học vẽ, Vũ Châu Phối và con trai người họa sỹ lại chụm đầu đọc chung một tập thơ hay, lại chong đèn, thi viết thơ. Con trai người họa sỹ, sau này trở thành nhà thơ Nguyễn Tùng Linh, một trong những nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn đầu chống Mỹ cứu nước. Tình bạn giữa hai tâm hồn thơ bền chặt từ đó.
Cuộc thi Thơ của báo Văn Nghệ năm 1969, như mở một làn gió mới cho thi ca. Số lượng bài vở gửi về dự thi rất lớn. Hàng tuần, số báo nào cũng dành những trang in thơ dự thi với nhiều tác giả, nhiều phong cách. Không khí chung, đó là lòng yêu tổ quốc, con người hăm hở đi vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Nhiều bài thơ hào sảng, ùng oàng súng đạn. Chùm thơ Vũ Châu Phối khi xuất hiện, chiếm được cảm tình của bạn đọc và ban giám khảo, bởi một giọng điệu riêng. Anh viết về ngõ quê nghèo tre pheo, về gốc rạ chơ vơ cánh đồng sau mùa gặt, viết về tiếng gà bừng thức trong đêm làng quê. Ban giám khảo cuộc thi Thơ ngày đó, là những nhà thơ danh tiếng. Vũ Châu Phối được giải cao, vinh dự đứng cùng đội ngũ Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn, Mã Giang Lân... Niềm vinh dự quá lớn với Vũ Châu Phối. Có lẽ niềm hạnh phúc lớn hơn, là người mẹ già nông dân ở làng quê Cam Lộ. Bà mừng mừng tủi tủi bao năm còm cõi nuôi nấng đứa con tật nguyền thành đạt.
Sau niềm vui đoạt giải cao thi ca toàn quốc, Vũ Châu Phối lại miệt mài bên giá vẽ truyền thần. Nghề vẽ truyền thần, ngoài niềm vui nhận ra tính cách mỗi người trong bức vẽ, là những đồng tiền thu nhập tích cóp đem về cho mẹ lợp lại mái tranh dột, xây bức tường gạch thay thế bức tường bua trát đất. Anh không nề hà công việc, miễn là kiếm được đồng tiền từ công sức của mình. Khi rời giá vẽ truyền thần, anh lại cặm cụi ngồi bán lẻ từng chai xăng dầu. Có lúc bán từng chiếc vé xổ số, gom nhặt từng đồng tiền nhỏ nhoi.
Vũ Châu Phối sớm trở thành nhà thơ Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Không khí văn chương Hải Phòng như chưa bao giờ sôi động và rực rỡ thế. Hàng loạt cây bút đình đám, như Thanh Tùng, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, Phạm Ngà, Trịnh Hoài Giang, Nguyễn Quang Thân, Đoàn Lê, Nguyễn Văn Chuông, Chu Văn Mười, Vũ Hữu Ái, Trần Tự... Nhà văn Nguyên Hồng, chủ tịch Hội, người có công lớn trong việc quy tụ, tập hợp lực lượng sáng tác của thành phố Cảng. Người cha đẻ của Tám Bính, Năm Sài Gòn, đặc biệt ưu ái hai nhà thơ thiệt thòi bệnh tật, là Vũ Châu Phối và Trần Quốc Minh.
Năm 1980, duyên phận đã đến với anh. Người con gái xinh đẹp, nết na, vốn là diễn viên xuất sắc của đoàn chèo Hồng Phong thuận tình về làm vợ anh. Duyên phận như trời cho. Vũ Châu Phối kể rằng, lấy được người vợ xinh đẹp, cũng bởi nhờ thi ca. Chả là dạo ấy, huyện mở cuộc thi văn nghệ quần chúng rất rôm rả. Với tư cách là nhà thơ được giải lớn trên trung ương, anh được mời vào Ban giám khảo. Giữa bao cô diễn viên xinh đẹp, giọng hát hay, anh chọn cô diễn viên Trần Thị Dung là người của anh. Đám cưới ngày ấy rất linh đình. Trên tường nhà, còn treo bức ảnh đen trắng chụp chiếc ô tô chở chú rể làng Cam Lộ đến đón cô dâu Hồng Phong. Đi sau chiếc xe hoa, còn có ba mươi lăm xe máy ầm ầm nổ máy, hộ tống, phù rể. Bữa ấy, người dân cả vùng Hồng Phong đổ ra đường xem mặt chú rể tật nguyền, là nhà thơ tài danh.
Chợt nhớ những ngày học ở Quảng Bá. Vũ Châu Phối thường lọc cọc nạng gỗ, đùa mấy nhà thơ, nhà văn nữ cùng lớp. Nào Lê Minh Khuê, Lê Thị Mây, Hà Thị Cẩm Anh, Đoàn Thị Ký...ai cũng mến và nể phục nghị lực sống của Vũ Châu Phối. Đấy là thời mọi người còn trẻ. Anh thường nói đùa “Để tớ về quê, bảo bu tớ mang trầu cau lên dạm hỏi đằng ấy nhé”. Khi biết tin anh về quê lấy vợ, cả lớp mừng cho anh.
Hạnh phúc bình dị lớn dần trong căn nhà tranh bé nhỏ. Vợ chồng Vũ Châu Phối đã có hai người con gái đảm đang, biết thương bố mẹ. Anh đã lo cho mỗi người con một mảnh đất và xây cất nhà bê tông kiên cố. Ngôi nhà tranh thưở trước, đã trở thành kỷ niệm. Cái ngõ quê đường đất lầy thụt bước chân trâu, ngày mưa, từng in dấu nạng gỗ, nay đã là con đường bê tông khang trang. Ngõ quê, với dậu cúc tần, bụi tre đổ lá ngày chuyển mùa, không còn nữa. Đồng làng thu hẹp. Chân rạ ngoài đồng sau vụ gặt, chỉ còn lại trong ký ức người cao tuổi. Tiếng gà đánh thức ban mai như cũng thưa vắng. Làng xóm nhộn nhạo tiếng loa đài, tiếng xe máy rú ga lướt vội. Không gian làng quê thanh bình đã chuyển sang phong vị mới. Thi thoảng, lọc cọc đôi nạng gỗ, từ nhà ra ngõ, tâm hồn Vũ Châu Phối thêm bao nỗi bùi ngùi. Cái ngõ nhỏ , một thời anh đã viết:
Tôi yêu ngõ quê/ Mùa hạ ve kêu như tiếng kèn vang vọng/ Bông giềng vườn hé ủ một trưa say/ Và những tiếng chim kêu/ Quệt chiều xanh vào chùm lá động/ Tôi yêu ngõ quê/ Những chiêm mùa đi về đẫy hạt/ Những buổi mưa rào che tơi nón cho nhau/ Những xích mích thêm nặng tình làng xóm...
Có phải làng quê không còn yên ả, mọi vật quá đổi thay, hồn cốt làng đã sang chương mới, nên Vũ Châu Phối không còn viết tiếp những vần thơ đắm đuối và tươi non về cái làng của mình. Anh thường ngồi lặng lẽ trong nhà, nhìn dòng người dòng xe lướt qua cửa. Không dùng in-tơ-nét để nối với thế giới bên ngoài. Anh như thu lại sự tự tại của chính mình. Làng Cam Lộ, nay đã chuyển thành phường. Nhà cao tầng lô nhô khắp ngõ xóm. Nhưng khi hỏi thăm nhà của Vũ Châu Phối, thì như ai cũng biết. Cuộc sống thực dụng tràn ngập làng quê, nhưng người dân Cam Lộ vẫn nhớ nhà thơ của làng. Những vần thơ Vũ Châu Phối viết, dù đã mấy chục năm, bình tĩnh đọc lại, vẫn nhận ra một vẻ đẹp thuần khiết của làng quê Việt Nam một thưở.
Lối ngõ đi chung/ Tôi đi biết bao lần/ Bước chậm khi lên năm / Bước nhanh khi lên tám/ Chưa bao giờ thấy bàn chân bịn rịn/ Và ngập ngừng như buổi hôm nay (Ngõ quê).
Và tôi tin, mai kia, lớp trẻ ở Cam Lộ lớn lên, muốn hiểu thêm về quê hương, sẽ tìm đọc những bài thơ “Ngõ quê”, “Chân rạ”, “Tiếng gà”, “Hương cỏ”... của Vũ Châu Phối. Hẳn sẽ yêu thêm miền quê của mình. Và tôi nghĩ, đó là hạnh phúc của người cầm bút.