Không biết nhờ liên minh thần thánh nào, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đoàn Lê Giang chễm chệ ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng Phê bình – Dịch thuật của Hội Nhà văn TPHCM. Bởi lẽ, đối với giới cầm bút, Đoàn Lê Giang thuộc hạng vô danh tiểu tốt (phần lớn hội viên Hội Nhà văn TPHCM khi nhắc đến Đoàn Lê Giang cứ ngỡ là… nhà thơ Lê Giang, vợ của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ!). Năm nay, ở tuổi 57, Đoàn Lê Giang vẫn chưa viết nổi một bài phê bình văn học, ngoài việc thích tỏ ra uy quyền, tháu cáy và khôn vặt. Còn đối với giới nghiên cứu, Đoàn Lê Giang xuất hiện ở đâu là có sự nhố nhăng học thuật ở đó. Xin giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình Nguyễn Hòa về cái gọi là chuyên luận khoa học “Văn học cổ điển Việt Nam trong bối cảnh văn học Đông Á” ký tên Đoàn Lê Giang, in trong cuốn sách “Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lý luận và lịch sử” do PGS TS Trần Ngọc Vương làm chủ biên, NXB Giáo Dục ấn hành!




VỀ TRÌNH ĐỘ THẬT SỰ CỦA PHÓ GIÁO SƯ – TIẾN SĨ ĐOÀN LÊ GIANG

NGUYỄN HÒA

 Văn học cổ điển Việt Nam trong bối cảnh văn học Đông Á” của PGS TS Đoàn Lê Giang có dáng dấp một bài giảng (giáo trình?) hơn là một chuyên luận khoa học, ít nhất cũng ở chỗ: khó có thể nhận ra đâu là ý tưởng chủ đạo, xuyên suốt của chuyên luận. Với một trình bày thiếu mạch lạc và bằng các so sánh đồng đại, tác giả không làm nổi bật được vấn đề văn học cổ điển Việt Nam có diện mạo ra sao trong bối cảnh văn học Đông Á. Và tôi muốn hỏi: Liệu bối cảnh văn học có đồng nghĩa với tiến trình văn học để có thể tác giả khảo sát theo chiều đồng đại? Đó là chưa nói, trong toàn bộ công trình, nếu các tác giả khác sử dụng khái niệm “văn học trung đại Việt Nam” hoặc gần như thế, thì tác giả này lại sử dụng khái niệm “văn học cổ điển Việt Nam” mà không giới thuyết tại sao.
Phải chăng theo Đoàn Lê Giang, khái niệm văn học trung đại Việt Nam và khái niệm văn học cổ điển Việt Nam là đồng nhất về nội hàm? Chuyên luận của Đoàn Lê Giang làm tôi nhớ tới tham luận “Thời trung đại trong văn học các nước khu vực văn hóa Hán” mà ông trình bày tại hội thảo “Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế“ do Viện Văn học và Harvard - Yenching Institute (Hoa Kỳ) tổ chức tại Hà Nội tháng 11.2006, vẫn phong cách nghiên cứu như thế, tác giả không làm nổi bật được ý tưởng thực sự của tham luận. Chủ tọa nhắc đến ba lần mà ông loay hoay không biết tóm tắt ra sao.
Và có điều gì đó khôi hài khi thấy PGS TS Đoàn Lê Giang dẫn lại một suy biện chủ quan của ông Lê Mạnh Thát rằng “Phật giáo truyền vào nước ta từ thời Hùng Vương (khoảng thế kỷ III - II tr.CN) thông qua con đường Chiêm Thành” (tr.210). Và, như phỏng theo phong cách của Lê Mạnh Thát, ông Đoàn Lê Giang đưa ra phát hiện: “Theo nguyên tắc ô trống có thể suy đoán rằng: trước thế kỷ X chắc đã có thơ tiếng Việt. Nếu vậy thì thể thơ ấy là gì, như thế nào? Chúng tôi cho rằng: cần phải coi thơ tối cổ của người Việt là loại thơ hai tiếng, tiếc rằng vì nhiều lý do chúng đã không được sưu tập, giữ gìn, đến nay chỉ còn tàn tích của nó qua đồng dao và một số bài coi là ca dao. Từ thơ hai tiếng thơ Việt phát triển lên thành bốn tiếng, rồi từ đó mới thành sáu tiếng và tám tiếng, tức thể thơ lục bát sau này. Đây là thơ hai tiếng: Nu na - Nu nống - Cái bống - Nằm trong - Con ong - Nằm ngoài - Củ khoai - Chấm mật. Đây là thơ hai tiếng phát triển thành bốn tiếng: Tay cầm con dao - Làm sao cho chắc - Để mà dễ cắt - Để mà dễ chặt - Chặt lấy củi cành... Thơ bốn tiếng phát triển dần lên thành sáu tiếng và tám tiếng: Rồng rắn lên mây - Có cây lúc lắc - Có nhà hiển vinh - Thầy thuốc có nhà hay không?” (tr.333 - 334).
Theo trình bày trên để xem xét thì đúng là ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Đoàn Lê Giang nghiên cứu theo lối “gọt chân cho vừa giày”. Ông ghép hai câu cuối của một bài đồng dao vốn rất phổ biến (không tính tới các dị bản) là Hỏi thăm thầy thuốc - Có nhà hay không? thành một câu, rồi cắt bỏ hai chữ Hỏi thăm để có được một câu gồm sáu chữ: Thầy thuốc có nhà hay không?. Và thế là ông đã truy lùng được “thủy tổ” của thơ lục bát! Nghiên cứu đến thế này thì chỉ còn biết botay.com. Mong sao ngày nào đó, ông Đoàn Lê Giang sẽ phân tích, chứng minh giúp một người đọc không có chức danh, học vị như tôi được tỏ tường đâu là “tính thơ” trong ví dụ về “thơ hai tiếng”, “thơ bốn tiếng” mà ông đã đưa ra?”.


Nguồn: Báo Văn Nghệ