Tiếp sau thành công của một loạt truyện ngắn, cùng với việc rinh về giải Ba (không có giải Nhất) cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015) cho cuốn “Dư chấn 3,5 độ richter”, cứ ngỡ đâu nhà văn An Bình Minh sẽ “xả hơi”. Nhưng không, hóa ra ông vẫn lặng lẽ thu mình cày ải và vẫn thủy chung với truyện ngắn. 15 truyện trong tập “Chuyện tình Xiêm Riệp” ra mắt bạn đọc lần này vẫn là sự tiếp nối mạch nguồn của một nhà văn từng một thời mặc áo lính, bên cạnh những chuyện “cập nhật” đời sống hôm nay, là mảng đề tài đề tài chiến tranh (chiếm gần một nửa trong tập truyện).


THÊM MỘT MẢNG TRẦM TÍCH VỀ HẬU CHIẾN

NGUYỄN MINH NGỌC

Nhà văn An Bình Minh, tên khai sinh là Bùi Bình Thiết, tuổi Mậu Tý (1948). Từ quê hương Liên Bặt, Ứng Hòa, Hà Nội, ông nhập ngũ năm 1965. Từng là lính cao xạ, rồi văn công Phòng không - Không quân; sau ngày đất nước thống nhất, ông đi học rồi chuyển ra làm báo, viết văn.
Được hỏi vì sao ông vẫn thủy chung với mảng đề tài chiến tranh và người lính, nhà văn An Bình Minh không ngần ngại trả lời cần phải viết để trả nợ ký ức. Đó là những trận chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng “siêu pháo đài bay B.52” của Mỹ trên đất Bắc; là đồng đội mới hôm trước vẫn cùng nhau nói cười vô tư, xúm xít quanh con chó tên Đốm (Tôi và Đốm), ria mép còn măng tơ, nhưng lại có thể bắn một lúc 21 quả đạn pháo trung cao mỗi quả nặng gần 30 kilogam - cái con số mà chiến sĩ Hồng quân Liên Xô cao lớn đã lập kỷ lục tại thung Rua trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, để rồi hôm sau chỉ còn lại một “ống bơ không đầy” trong hầm pháo, thịt xương bay tung tóe khắp nơi. Ký ức của người lính là những đồng đội vừa ra khỏi cuộc chiến 10 năm (1965-1975) lại hòa vào đội quân tình nguyện sang đất nước Campuchia giúp bạn để rồi chỉ còn dòng tên trong các buổi phát thanh “Nhắn tìm đồng đội”...
“Chuyện tình Xiêm Riệp”, tên một truyện ngắn được lấy làm tên chung của cả tập sách, kể về những người lính lớp sau của tác giả và đồng đội. Thuấn một chàng trai vừa học xong Đại học Y, chưa qua thực tập lấy bằng đã nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên 1979. Anh không lên biên giới phía Bắc, đánh quân Trung Quốc xâm lược mà được điều động sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn. Thuấn được bổ sung vào Trạm quân y Tiểu đoàn đặc công. Trong trận tập kích vào trại tù nhốt thân nhân của những người bị khép tội “phản bội chế độ” Khmer đỏ, đơn vị Thuấn đã giải thoát cho hơn 200 người, trong đó có cô gái trẻ Pơrăm. Trong khi hầu hết những người dân Campuchia được quân tình nguyện Việt Nam cứu sống đều dắt díu nhau về quê thì cô gái tiều tụy có tên Pơrăm cứ bám riết lấy tiểu đội cứu thương của Thuấn không chịu rời. Hỏi ra mới biết Pơrăm không còn chỗ nương tựa, bố mẹ và người anh trai của cô đã bị Khmer đỏ hành quyết. Lũ coi trại tù định lấy Pơrăm làm quà dâng lên ăng-ka, để “thượng cấp thỏa mãn thú tính trên thân xác con gái của kẻ thù”. Nếu cứ để Pơrăm lang thang trở về quê không chốn nương thân, chắc hẳn cô sẽ lại sa vào tình cảnh cũ, đi vào ngõ cụt, tương lai chờ đón rất tăm tối? Tình thế chẳng đặng đừng, buộc Thuấn phải để Pơrăm tá túc cạnh Trạm quân y Tiểu đoàn, nơi anh vừa được đề bạt trạm phó.
... Sau hơn nửa năm họ sống gần nhau, một bên là anh Bộ đội nhà Phật (tên của người dân Campuchia đặt cho quân tình nguyện Việt Nam) tốt bụng, chân thật, chưa một mảnh tình vắt vai và cô gái trẻ xinh đẹp, thông minh, chăm chỉ cần mẫn giúp chăm sóc thương binh và dạy tiếng Khrme cho bộ đội để rồi cái điều “phải đến đã đến”. Họ yêu nhau, khi bộ đội Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ rút về nước, Thuấn trở lại sống cùng Pơrăm trong ngôi nhà của bố mẹ cô ở Xiêm Riệp.
Sau 20 năm nhọc nhằn mưu sinh, họ đã có được một mái ấm hạnh phúc với hai con gái một con trai, kinh tế sung túc. Pơrăm bằng sự thông minh khéo léo của mình đã sớm trở thành cô chủ nhỏ xinh đẹp của Công ty cá Biển Hồ có chi nhánh xuất khẩu gần khắp cả nước. Tưởng chừng như mọi thứ đã viên mãn thì đúng lúc ấy, nàng Pơrăm bất ngờ đòi ly dị. Đến lượt Thuấn trở nên thân cô thế cô và gần như mất tất cả, bởi các con anh đều lấy họ mẹ để được học lên cao…
Trải qua nhiều dằn vặt, giằng xé, bác sĩ Thuấn quyết tìm cho ra nguyên - nhân - ly - hôn để giúp anh yên lòng ở lại Campuchia giữ gìn dòng máu của mình. Thuấn không tin Pơrăm vì tham vàng bỏ ngãi mà quên nghĩa tình xưa và hơn thế vẫn muốn lưu giữ ký ức về một cô gái tóc rối năm xưa, giữa rừng bám theo anh không dời nửa bước... Bởi thế dẫu đã tìm ra được cái nguyên nhân lạnh lùng và đau đớn kia, anh vẫn tự dối lòng khỏa lấp. Pơrăm đã là một bà chủ nhỏ xinh đẹp, hấp dẫn. Trong công việc làm ăn, kinh doanh cô thường xuyên đi đây, đi đó, tiếp xúc với nhiều đại gia trẻ cùng quê cũng mới nổi như cô. Những điều thuận lợi đó là điều kiện cần có đủ để cô “xét lại” cuộc hôn nhân dị chủng của mình...
Câu chuyện được bố cục trong một không gian, thời gian khá chặt chẽ. Nó mở đầu bằng chính cái kết thúc với một chút có hậu. Thuấn sống trong ngôi nhà tuềnh toàng ở biên giới phía đông Campuchia. Cuộc tình của người đàn ông Việt là chuỗi hồi ức diễn ra trong sự ngóng trông, thấp thỏm để cuối cùng anh được nói chuyện qua điện thoại với đứa con trai gọi về từ Hà Nội khi vừa đặt chân xuống sân bay... Dường như tác giả muôn thông qua câu chuyện này để gửi gắm đến bạn đọc một thông điệp lớn hơn rất nhiều so với thân phận của tình yêu đôi lứa, rằng mọi thứ sẽ rất dễ bị người đời nguôi quên, nếu như nó không được luôn nhắc nhớ. Đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai hãy còn chút ảo tưởng mơ mộng, rằng không có sự vật nào lại không vận động, biến đổi. Mọi thứ đều có thể…
Cùng với mảng truyện về đề tài hậu chiến, An Bình Minh còn có những tác phẩm phản ánh cuộc sống đương đại khá sắc sảo như: “Ly thân thời 4.0”, “Vợ chồng hề”; “Công trình thế kỷ”, “Ngôi nhà trên đỉnh Thung Lau”, “Gió thoảng”, “Về thôi con”, “Ok! Bố”... với giọng văn dí dỏm, lý giải tình cảm cuộc sống với một chút triết lý nhẹ nhàng, sâu lắng.

Từng làm đủ nghề trong quân đội, Nhà văn An Bình Minh kinh qua chiến đấu trên nhiều chiến trường. Vốn sống của ông về mảng đề tài chiến tranh trầm tích phong phú, còn nhiều hứa hẹn. Trước đó, ông đã có hơn 20 năm làm báo, làm phóng viên, biên tập viên, đến chỉ đạo xây dựng nội dung một tờ báo. Trong mảng đề tài cuộc sống mới, ông có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc và đồng nghiệp. Không hẳn một lời khuyên, nhưng tôi vẫn ước giá như ông mạnh dạn phóng bút như đã từng dũng mãnh xông pha ở chiến trường, chắc hẳn sẽ còn nhiều tác phẩm văn học viết về mảng đề tài này hấp dẫn hơn.