Trên báo Văn Nghệ Công An số 418 ra ngày 1-11-2018, có bài viết “Một đôi kỷ niệm với tác giả bài thơ Thời Hoa Đỏ” của tác giả Nguyễn Đình San. Đối với một người quá cố, nhắc lại đầy trìu mến như vậy, cũng là một thái độ trân trọng và yêu thương. Tuy nhiên, nhiều câu thơ trích dẫn trong bài viết, hoàn toàn không phải thơ của Thanh Tùng – Thời Hoa Đỏ. Và chuyện nhầm lẫn này cũng dễ hiểu, nếu biết được những vướng mắc xung quanh! 



THANH TÙNG KHUẤT MẶT VÀ THANH TÙNG LẠ MẶT

LÊ THIẾU NHƠN

Tôi có quan hệ thân tình và gần gũi với nhà thơ Thanh Tùng từ khi ông rời Hải Phòng vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống năm 1995 đến cuối đời, nên tôi cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng dùm một người bạn vong niên không còn trên cõi nhân gian. Phần vui buồn riêng tư giữa tác giả Nguyễn Đình San với nhà thơ Thanh Tùng, thì tôi không bàn đến. Tôi chỉ đề cập phần thơ trích dẫn mà tác giả Nguyễn Đình San cho là thơ của Thanh Tùng!

Cả bài viết “Một đôi kỷ niệm với tác giả bài thơ Thời Hoa Đỏ” có 5 đoạn trích dẫn thơ. Trong đó, hai đoạn chính dẫn chính xác từ hai bài thơ “Thời hoa đỏ” và “Bây giờ”, còn ba đoạn trích dẫn không phải thơ của Thanh Tùng – Thời Hoa Đỏ mà của một Thanh Tùng khác! Sự nhầm lẫn này cũng dễ thông cảm, vì tác giả không có tập thơ được in ấn của Thanh Tùng, nên đành dựa vào văn bản trên mạng. Khó lòng trách tác giả Nguyễn Đình San, vì khi nhà thơ Thanh Tùng qua đời, có nhiều tờ báo lớn cũng liệt kê một số tập thơ không phải của Thanh Tùng để tổng kết hành trình sáng tạo của ông! Ví dụ, “Khúc hát quê xa", "Cái ngày xưa ấy" và "Thuyền đời" đều của Thanh Tùng khác! Cả đời nhà thơ Thanh Tùng, ngoài hai tập thơ in chung “Cửa sông” và “Con sông chảy từ lòng phố” thì chỉ có hai tập thơ in riêng là “Thời hoa đỏ” và “Trường ca phương Nam”.

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật Doãn Tùng, thành danh từ phong trào thơ công nhân ở Hải Phòng thập niên 60 của thế kỷ trước. Vậy mà vẫn bị rắc rối về trùng tên, khi có một anh làm thơ mới xuất hiện sau năm 2000 nhưng cương quyết lấy bút danh… Thanh Tùng. Vì vậy, tôi tạm thời phân biệt tác giả của bài thơ “Thời hoa đỏ” là Thanh Tùng khuất mặt, còn Thanh Tùng kia là Thanh Tùng lạ mặt.
Nhiều người đã lấy bút danh Thanh Tùng, mà nổi tiếng nhất là nhà thơ Thanh Tùng và nhạc sĩ Thanh Tùng. Để tránh nhầm lẫn, nhạc sĩ Phú Quang khi phổ thơ của nhà thơ Thanh Tùng thành ca khúc như “Hà Nội ngày trở về” hoặc “Mùa thu giấu em” đã ghi chú “Thơ: Doãn Thanh Tùng”. Thế nhưng, nhà thơ Thanh Tùng vẫn chưa thể độc quyền bút danh Thanh Tùng, cho đến khi một hậu sinh xuất hiện. Một hôm có tờ báo gọi điện thoại nhắc nhà thơ Thanh Tùng đến nhận nhuận bút. Là một người túng thiếu, nhà thơ Thanh Tùng cho đó là một dịp may, và ngỡ rằng người ta trích in bài thơ của ông từ tuyển tập nào đó. Tuy nhiên, khi cầm tờ báo được toà soạn đưa, có in bài thơ hoàn toàn lạ lẫm ký tên Thanh Tùng, nhà thơ Thanh Tùng đã kiên quyết phủ nhận sáng tác đó là của mình và trả lại nhuận bút! Sự hụt hẫng ấy chưa nguôi, thì nhà thơ Thanh Tùng bị một đồng nghiệp đã quen biết hàng chục năm trước, tình cờ đọc được mấy bài thơ in trên báo ký tên Thanh Tùng, đã trách: “Dạo này ông chuyển sang làm thứ thơ vần điệu ẻo lả rồi ư!”. Nhà thơ Thanh Tùng tự ái, quyết tâm truy tìm kẻ ký tên Thanh Tùng giống y hệt mình, nhưng thơ khác hoàn toàn.

Thông cảm cho sự bức xúc của tiền bối, tôi tìm hiểu dùm và biết có một người đàn ông quê gốc Phú Thọ tên thật Quảng Đức Nguyên vừa vào sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, chính là người đã viết và gửi những bài thơ ký tên Thanh Tùng đến các báo. Nhà thơ Thanh Tùng nhờ tôi chở đi gặp… Thanh Tùng kia, để nói phải quấy. Ngồi sau xe tôi, nhà thơ Thanh Tùng bày tỏ sự giận dữ: “Hắn mà lên giọng bậy bạ, thì tớ cho một đấm vào mặt, để biết thế nào là Thanh Tùng công nhân Hải Phòng!”. Tôi tỉ tê rằng, Quảng Đức Nguyên từng học trường cán bộ kiểm sát với nhà thơ Phương Hà, sau đó bị tâm thần phải nghỉ việc để điều trị… Nhà thơ Thanh Tùng lập tức nguôi ngoai: “Vậy thì hắn cũng tội nghiệp!”. Tôi hiểu vì sao nhà thơ Thanh Tùng phản ứng như vậy. Ông từng có một người em tên Thanh bị tâm thần và ông phải vất vả chăm sóc Thanh nhiều năm. Sau khi Thanh qua đời, ông ghép tên Thanh vào tên mình để thành bút danh Thanh Tùng.

Nhà thơ Thanh Tùng gặp gỡ… Thanh Tùng – Quảng Đức Nguyên rất ôn hòa. Ông chỉ nói với Quảng Đức Nguyên mấy câu, đại ý: “Tôi không bao giờ làm thơ lục bát, cũng như các loại thơ tuân thủ khuôn phép du dương. Để tránh nhầm lẫn, anh nên ký tên khác!”. Sau đó, thấy Quảng Đức Nguyên hoàn cảnh kinh tế còn khốn khó hơn cả mình, nhà thơ Thanh Tùng đã tặng chiếc xe máy cà tàng của mình cho Quảng Đức Nguyên.

Nếu cư xử phải đạo, Quảng Đức Nguyên đã tìm bút danh khác. Tiếc thay, Quảng Đức Nguyên vẫn dùng bút danh Thanh Tùng để gửi thơ cho các báo và xuất bản ba tập thơ “Khúc hát quê xa", "Cái ngày xưa ấy" và "Thuyền đời". Một số bài thơ của Quảng Đức Nguyên dưới bút danh Thanh Tùng được đưa lên mạng, và nhiều người cứ tưởng là của Thanh Tùng “Thời hoa đỏ”. Và kết quả, hai đoạn thơ trích trong bài “viết “Một đôi kỷ niệm với tác giả bài thơ Thời Hoa Đỏ” là một ví dụ đáng buồn. Cả đoạn thơ “Anh đang góp nắng đầu hè/ Gọi hương sắc dậy, rừng ve chín đều/ Gió vàng xô bức tranh thêu/ Phượng vàng tô điểm, tình yêu trở mùa/ Hoàng hôn lãng đãng mõ khua/ Bến sông vọng tiếng chuông chùa bâng quơ…” (Bức tranh tình) và đoạn thơ “Gió xua nỗi nhớ giăng ngang/ Con tàu cắt sóng bẽ bàng mặt sông/ Bên này bến vắng đò không/ Bờ kia hoang lạnh, trắng đồng mây bay /Đâu rồi cánh áo hoa lay/ Chẳng bồi, chẳng lở mà cay mắt nhiều…” (Tìm) đều của Quảng Đức Nguyên.

                                              
Thơ của Thanh Tùng (Quảng Đức Nguyên) đưa lên mạng, gây nhầm lẫn với tác giả “Thời hoa đỏ”

Tác giả Nguyễn Đình San viết về nhà thơ Thanh Tùng đầy tình cảm. Thế nhưng, đoạn thơ “Hò hẹn nhiều để rồi chấm hết/ Để vỡ vụn những mảnh tim/ Gặt hái nhiều mà thóc chẳng đầy thêm/ Theo năm tháng chiếc bồ trống rỗng” mà tác giả Nguyễn Đình San nhớ rằng nhà thơ Thanh Tùng đọc cho ông nghe, cũng là của Quảng Đức Nguyên. Và tác giả Nguyễn Đình San cũng đã nhớ nhầm khi nhắc lại mấy câu “Có chàng nghệ sỹ Đình San/ Dạt dào cháy bỏng ngập tràn yêu thương/ Ai cũng muốn đi trọn đường…” mà ông cho rằng được nhà thơ Thanh Tùng ngẫu hứng đọc tặng ông. Bởi lẽ, phong cách thơ ấy không phải của nhà thơ Thanh Tùng. Bởi lẽ, nhà thơ Thanh Tùng chỉ ngẫu hứng khi thách thức những người xung quanh đưa ra đề tài. Và thơ ngẫu hứng của Thanh Tùng rất gân guốc và mạnh mẽ, chứ không ưỡn ẹo vần điệu. Nhà thơ Thanh Tùng ngẫu hứng đều gây bất ngờ kiểu thi sĩ, như ngẫu hứng về thương hiệu bột giặt: “Tôi mong các anh có thể tìm ra loại xà phòng/ Có thể giặt sạch nỗi buồn Việt Nam” hoặc ngẫu hứng về em bé bán vé số: “Tôi khốn nạn vì cái nghèo/ Không đủ tiền mua cho em một tờ vé số/ Mua cho tôi một niềm hy vọng/ Và mua cho cuộc đời một chiếc vé vào tương lai”.  


Nhà thơ Thanh Tùng đã qua đời 12-9-2017, và những thông tin trên mạng rất bát nháo, nên chuyện nhầm lẫn thơ ông với thơ của Thanh Tùng – Quảng Đức Nguyên có lẽ còn tiếp diễn, nếu không đọc thơ mỗi người một cách kỹ lưỡng. Nhà thơ Thanh Tùng luôn có những câu thơ ngây ngất mà bất kỳ ai ký tên Thanh Tùng cũng khó viết được, như “Màu lá vàng đẹp hơn mọi màu hoa”. Thơ của nhà thơ Thanh Tùng (khuất mặt) không luyến láy và đong đưa như thơ của Thanh Tùng (lạ mặt). Trong gia tài thơ khoảng 600 bài của nhà thơ Thanh Tùng tuyệt đối không có thơ lục bát. Bài thơ vần điệu nghiêm ngắn nhất của nhà thơ Thanh Tùng là bài “Trao đổi” bốn câu: “Hôm qua người ngắm hoa còn thắm/ Sáng nay hoa đã rụng tơi bời/ Có phải bao nhiêu là cay đắng/ Hoa kia đã nhận hết cho người?”.
Thơ của nhà thơ Thanh Tùng chủ yếu viết tự do, câu dài câu ngắn không cần quan tâm, cốt sao thổ lộ hết tâm tư. Thơ của nhà thơ Thanh Tùng phần lớn gân guốc, thỉnh thoảng mới có vài câu mềm mại, nhưng phẩm chất thi sĩ không lẫn vào ai: “Nối bao thu cho tới được em/ Máu chảy hoài không trở lại tim” hoặc “Tôi để lại Hải Phòng giàu có của tôi/ Bước ra cửa là rơi vào trái tim bè bạn”, hoặc “Gặp về không ngủ nổi/ Hóa ra tình cũ rót vào nhau/ Rượu ấy bây giờ không có nữa/ Chỉ còn trong đáy của hồn sâu”./.